Khái quát về Văn hóa Trung Quốc (Phần 6): Họ tên của người Trung Quốc



Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Chương 8: Họ tên của người Trung Quốc

Tương truyền Thần Phục Hy là người sớm nhất đặt định ra họ, ông tự đặt họ cho mình, và là người đặt ra tập tục này, từ đó về sau người Trung Quốc bắt đầu có họ.

Mỗi người Trung Quốc đều xem trọng họ của mình, mỗi một người Trung Quốc đều có họ của riêng mình. Trung Quốc hiện tại có hơn 3.500 họ, nhưng trong lịch sử từng xuất hiện hơn 22.000 họ. Tuy nhiên họ mà người Trung Quốc thường sử dụng chỉ khoảng 100 họ.

Ở Trung Quốc mấy ngàn năm trước, ý nghĩa của Tính (姓) và Thị(氏) không giống nhau. “Tính” chủ yếu là để phân chia thị tộc, tránh để người có cùng “tính”, hay cùng họ lấy nhau. “Thị” ban đầu là nhánh của “tính”, chủ yếu là để phân biệt thân phận cao thấp. Người tôn kính có tính có thị, kẻ thấp hèn có tính mà không có thị.

Sau khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc, “tính” và “thị” mới có ý nghĩa giống nhau.

Nguồn gốc các tên họ ở Trung Quốc rất phức tạp, chủ yếu có các nguồn sau đây:

1. Đến từ tộc hiệu của tổ tiên, ví như Đường, Hạ.

2. Đến từ tên của quốc gia được phân phong, như Tống, Tề.

3. Đến từ chức quan từng đảm nhiệm, như Tư Mã là chức quan quản việc giáo dục và văn hóa.

4. Đến từ tước vị, như Vương.

5. Đến từ thụy hiệu được đặt sau khi chết, như Vũ.

6. Đến từ địa phương cư trú, như Trì (ao).

7. Đến từ nghề nghiệp công tác, như Đào (gốm sứ).

8. Đến từ thứ bậc trong họ hàng, như Quý (út, thứ tư).

Ở Trung Quốc hiện đại, “danh” và “danh tự” có cùng ý nghĩa giống nhau là chỉ tên của một người. Tuy nhiên ở Trung Quốc cổ đại thì ý nghĩa của “danh” và “tự” lại không giống nhau. Người Trung Quốc cổ đại sau khi sinh thì được đặt “danh tự” (tên), sau khi thành niên (nam tử từ 20 tuổi trở đi) được đặt một “danh” khác, cũng chính là “tự”. Tự thường là giải thích và bổ sung cho “danh”. Ví như trong thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng có tự là Khổng Minh, ý nghĩa của Lượng và Khổng Minh là giống nhau. Người cổ đại ngoài “danh” và “tự” còn có “hiệu”. Thường thì đây là tôn xưng, hay cách gọi kính trọng. Ví dụ như thi nhân Lục Du thời nhà Tống có hiệu là Phóng Ông.

Vào thời cổ đại trong giao thiệp giữa người với người thông thường không trực tiếp gọi tên của đối phương. Chỉ có người trên đối với người dưới, người lớn tuổi đối với người nhỏ tuổi có thể gọi bằng tên.

Phương thức đặt tên của người Trung Quốc cũng rất phong phú, tên của người nam và người nữ cũng không giống nhau. Ví như trong động vật có Long, Hổ, trong thực vật có Tùng, Bách thường được dùng để đặt tên cho bé trai. Phượng, Yến và Mai, Lan thường được dùng để đặt tên cho bé gái.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/38062



Ngày đăng: 15-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.