Khái quát về Văn hóa Trung Quốc (Phần 1)



Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Chương 1: Khởi nguyên của dân tộc Trung Hoa: Thần thoại về sáng thế

Đối với vấn đề trời, đất và vạn vật từ đâu mà tới, người phương Tây cho rằng hết thảy đều do Thượng Đế tạo ra. Tại Trung Quốc thì có truyền thuyết về Bàn Cổ khai thiên lập địa. Căn cứ vào những ghi chép trong cuốn Tam Ngũ Lịch Ký của tác giả Từ Chỉnh người nước Ngô thời Tam Quốc ở Trung Quốc thì vũ trụ là do vị Thần Bàn Cổ sáng tạo ra, ông đã tạo ra trời, đất và vạn vật.

Sau khi trên địa cầu có trời, đất cùng vạn vật, Thiên thượng cử xuống một vị Thần tên Nữ Oa. Bà dùng Pháp lực, bắt đầu phỏng theo hình dạng của mình mà tạo nên người nam và người nữ.

Từ đó người Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất. Nhưng vì mới được Thần tạo ra, nên họ không biết nên ở đâu, không biết nên ăn gì, không biết tránh mưa tránh gió ra làm sao, không biết mắc bệnh phải làm thế nào. Vì thế, Thiên thượng lại cử xuống một số vị Thần. Các vị Thần ấy bắt đầu dạy cho con người một số kỹ năng sinh sống cơ bản, lại truyền cho con người một chút văn hóa ban sơ.

Những vị Thần này có Hữu Sào Thị dạy con người cách xây nhà, Toại Nhân Thị dạy con người cách dùng gỗ đánh lửa, Phục Hy Thị dạy con người đan lưới đánh cá, săn bắt, trồng trọt, nhóm lửa, dẫn dắt con người sống một cuộc sống định cư ổn định, cũng lập nên dòng họ Phục Hy Thị – dòng họ sớm nhất ở Trung Quốc, và Thần Nông Thị dạy con người cách tìm thức ăn và thảo dược có thể trị bệnh.

Cứ như vậy, người Trung Quốc thời viễn cổ dưới sự trợ giúp của Thần nhân mà chất lượng cuộc sống bắt đầu được nâng cao. Họ bắt đầu có nhận thức và năng lực nhất định để ứng phó với tự nhiên, đồng thời cũng có quy phạm hành vi cơ bản của nhân loại.

Chương 2: Con cháu Viêm Hoàng, dân tộc Hoa Hạ, dân tộc Hán và nền văn hóa xán lạn huy hoàng

Người Trung Quốc thường tự hào nói bản thân là “con cháu Viêm Hoàng”, tại sao lại có cách nói như vậy?

Tổ tiên người Trung Quốc ban đầu chủ yếu sinh hoạt ở lưu vực sông Hoàng Hà. Việc này tất nhiên có quan hệ với điều kiện tự nhiên phong phú của sông Hoàng Hà. Sau đó người ta mới bắt đầu dần dần di chuyển xuống phía Nam. Con người thời điểm đó sống cùng nhau thành một quần thể theo hình thức bộ tộc. Lúc ấy các bộ lạc đều tôn Thần Nông Thị làm chủ, tôn xưng ông là Viêm Đế và tiến cống bày tỏ lòng kính trọng với ông. Bộ tộc của Thần Nông Thị chủ yếu sinh sống tại vùng hạ lưu sông Hoàng Hà.

Tương truyền ở lưu vực sông Hoàng Hà, cũng chính tại vùng Đông Nam huyện Trác Lộc của tỉnh Hà Bắc ngày nay, có một bộ lạc dần dần trở nên lớn mạnh, chính là bộ lạc Hùng Thị. Trong bộ lạc này có một người họ Công Tôn tên Hiên Viên. Hiên Viên sau này được mọi người tôn là thủ lĩnh của bộ lạc, xưng là Hoàng Đế.

Sau đó, bộ lạc của Viêm Đế bắt đầu suy yếu, không còn năng lực thống trị các bộ lạc khác. Đặc biệt là ở vùng Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Đông ngày nay có tộc Cửu Lê đứng đầu là thủ lĩnh Xi Vưu vô cùng hung bạo, không ai có thể thảo phạt hắn. Xi Vưu cùng Viêm Đế tranh giành vùng hạ du sông Hoàng Hà. Hai bên từng xảy ra một cuộc đại chiến, nhưng Viêm Đế bại trận, vì thế cùng Hoàng Đế kết thành liên minh. Hoàng Đế dẫn dắt người của hai bộ lạc đại chiến với Xi Vưu ở vùng ngoại ô của huyện Trác Lộc. Cuối cùng, Hoàng Đế giành được thắng lợi.

Sau đó, hai bộ lạc của Hoàng Đế và Viêm Đế xảy ra chiến tranh, Hoàng Đế lại giành được thắng lợi. Từ đó về sau, các bộ lạc tại Trung Nguyên đều tôn Hoàng Đế là chủ chung của thiên hạ, tức là Thiên tử, thay thế cho Viêm Đế. Ý nghĩa của Thiên tử chính là con của trời, được trời phú cho Thiên mệnh đi hành Thiên Đạo ở thế gian con người. Hoàng Đế trở thành vị đế vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc lấy vũ lực, và hình thức binh chinh thiên hạ để thần phục các chư hầu, thống nhất các bộ tộc Hoa Hạ. Cho nên dân tộc Trung Hoa đều tự xưng là “con cháu của Hoàng Đế”. Lại vì hai bộ lạc của Viêm, Hoàng hợp thành dân tộc Hoa Hạ, nên cũng xưng là “con cháu Viêm Hoàng”.

Hai bộ lạc Viêm, Hoàng dưới sự lãnh đạo của Hoàng Đế dần dần dung hợp thành dân tộc Hoa Hạ. “Hoa” có nghĩa là “màu sắc rực rỡ”, có ý chỉ trang phục của người Trung Nguyên màu sắc sáng sủa rực rỡ, biểu thị cho nền văn hóa phồn vinh. “Hạ” có nghĩa là “Đại”. Tộc Hoa Hạ có nghĩa là “Những người có văn hóa rất phồn vinh sống tại khu vực Trung Nguyên”. Lúc ấy ngoài dân tộc Hoa Hạ còn có các dân tộc khác sinh sống ở chung quanh. Người Trung Quốc hiện nay cũng dùng “Hoa Hạ” để gọi Trung Quốc.

“Con cháu Viêm Hoàng” lúc ban đầu chỉ dùng để chỉ dân tộc Hoa Hạ, cũng chính là dân tộc Hán. Hiện tại lại dùng để chỉ toàn bộ người Trung Quốc, bao gồm cả người Trung Quốc đang sống tại các quốc gia khác. Tiền thân của dân tộc Hán là chỉ dân tộc Hoa Hạ, cách xưng hô dân tộc “Hán” có từ khi Lưu Bang lập ra triều Hán.

Trước triều Hán là nhà Tần của Tần Thủy Hoàng. Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã áp dụng một loạt các biện pháp, ví như: thống nhất tiền tệ và văn tự, thống nhất xác định địa khu cư trú, v.v… Những việc này đã đặt định ra nền tảng cho sự hình thành của dân tộc Hán.

Triều Tần diệt vong. Sau khi Lưu Bang thống nhất Trung Quốc, vì trước đây đã từng tự phong mình là “Hán Vương”, nên ông đem vương triều mà mình thành lập gọi là “Hán triều”, sử gia gọi là triều Tây Hán. Trong thời Tây Hán, Trung Quốc đã có thời gian phồn vinh tương đối lâu dài. Đặc biệt là trong thời của Hán Vũ Đế, nhà Hán đã trở thành một vương triều rất cường đại. Các quốc gia và dân tộc chung quanh đều gọi người dân của triều Hán là “Hán nhân” (người Hán), coi người Trung Quốc là người Hán. Chủ thể của người Hán lúc này vẫn là tộc người Hoa Hạ, nhưng cùng với việc nhà Tây Hán mở rộng bờ cõi, có rất nhiều người của các dân tộc khác cũng bị dung nạp trở thành con dân của triều Hán. Dân tộc Hán bắt đầu hình thành, tuy nhiên cách xưng hô Hán tộc vẫn chưa xuất hiện.

Vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, vì rất nhiều người thống trị đều là dân tộc thiểu số, nên họ gọi những người sống ở phương Bắc là “Hán nhân”. Tới thời kỳ Tùy Đường, “Hán” chủ yếu được dùng để chỉ đất đai nhà Đường và người nhà Đường. Vào triều Nguyên, việc dung hợp dân tộc diễn ra nhanh hơn. Thời kỳ đầu triều Minh thực hiện chính sách Hán hóa toàn diện. Triều Thanh thì thực hành chính sách dân tộc ba cấp bậc Mãn, Mông, Hán. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, “người Hán” chính thức xưng là dân tộc Hán. Hiện nay Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm 92% tổng dân số, phân bố ở khắp nơi trong cả nước. 55 dân tộc còn lại, vì chỉ có khoảng hơn 90 triệu người, nên được gọi là các dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số có một triệu người gồm có Mông, Hồi, Tạng, v.v… khoảng 18 dân tộc. Họ phân bố ở các nơi trong cả nước, tỉnh Vân Nam là tỉnh có đông dân tộc thiểu số nhất. Trong số 55 dân tộc thiểu số này, ngoại trừ dân tộc Hồi sử dụng tiếng Hán, còn lại đều có ngôn ngữ của riêng mình, nhưng chỉ có số ít có chữ viết riêng.

Cứ như vậy, ở khu vực Hoa Hạ này, trong quá trình dung hợp các dân tộc, con cháu Viêm Hoàng trải qua mỗi triều mỗi đại, trong quá trình kéo màn diễn lên rồi lại hạ màn diễn xuống, mỗi triều đại lại vì hậu nhân mà để lại văn hóa do họ sáng tạo và mang đến. Từ đó tạo thành văn hóa Trung Quốc xán lạn đa dạng sắc màu. Ví như ở phương diện luân lý đạo đức xã hội có tư tưởng Nho gia của Khổng Tử. Ở phương diện chính tín và tu luyện, có Đạo của Lão Tử và văn hóa tu luyện của Phật gia. Ở lĩnh vực văn học, có thơ ca nhạc phủ thời Tiên Tần, Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, tiểu thuyết thời Minh Thanh, v.v… Ở lĩnh vực nghệ thuật, mỗi một triều đại đều có biểu hiện phong phú riêng, vô luận là âm nhạc, hý khúc, cũng như thư pháp, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, hang đá, gốm sứ và các lâm viên nghệ thuật, đều làm cho con người ngày nay tán thưởng mãi không thôi. Mà ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, các vương triều cổ đại không chỉ khiến thế giới kinh ngạc với tứ đại phát minh, mà ở các phương diện khác như y học, thiên văn học, nông nghiệp, thủy lợi, toán học, v.v… cũng đều có thành tựu nổi bật, đủ để khiến cho con người hôm nay cảm thấy hổ thẹn.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/37817



Ngày đăng: 01-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.