Khái quát về Văn hóa Trung Quốc (Phần 7): Chữ Hán Thần truyền



Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Chương 9: Chữ Hán Thần truyền

Trong quá trình hình thành và phát triển của tiếng Hán có xuất hiện rất nhiều tiếng địa phương. Vì lẽ gì ở một nơi có nhiều tiếng địa phương như Trung Quốc, trong quá trình phát triển mấy nghìn năm vẫn có thể bảo trì được sự thống nhất và truyền thừa về văn hóa trong phần lớn thời gian? Mà những nơi sử dụng ngôn ngữ đồng nhất như Đế quốc La Mã, Đế quốc Ả Rập sớm đã chia năm xẻ bảy? Nguyên nhân căn bản là nhờ công cụ ghi chép của Hán ngữ – Hán tự là một loại văn tự hình khối (vuông) hết sức đặc biệt. Chữ Hán dù là khắc trên mai rùa, đúc trên khí cụ đồng đen, khắc trên thẻ tre, hay viết trên giấy trắng, trong 5.000 năm qua hình thức của chữ Hán có biến đổi, nhưng đặc tính biểu ý của chữ Hán không biến đổi.

Tương truyền sau khi Nữ Oa tạo ra con người ở vùng đất Trung Nguyên, lại có một số Thần tới nhân gian dạy con người những kỹ năng sinh tồn cơ bản. Lúc ban đầu, mọi người giao tiếp với nhau là thông qua một số âm tiết và thế tay đơn giản, chính Thần Phục Hy đã sáng tạo cho nhân loại những ký hiệu văn tự sớm nhất để thay thế cho việc thắt nút dây ghi nhớ sự việc.

Đến thời kỳ Hoàng Đế là chủ chung của thiên hạ, các loại phát minh như văn tự, y học, toán số, lịch pháp, nhạc khí, gốm sứ, nuôi dâu tằm lần lượt xuất hiện. Tương truyền bên cạnh Hoàng Đế có một sử quan tên Thương Hiệt đã sáng tạo ra văn tự. Nghe nói, trên đầu Thương Hiệt có bốn con mắt, có thể nhìn thấy thần minh. Ông ngẩng đầu có thể nhìn thấy hình dạng Khuê tinh viên khúc (ý nói sao Khuê tròn và chòm sao Khuê khúc khuỷu), cúi đầu có thể quan sát được hoa văn trên mai rùa và dấu chân của chim muông cầm thú. Thông qua việc thu thập rộng khắp nhiều loại hình tượng xinh đẹp ở thế gian, Thương Hiệt đã đem chúng tổng hợp lại thành văn tự, đây chính là “Thượng cổ văn tự” mà người đời sau hay nói. Sự kiện tương đối quan trọng đối với nhân loại này đương nhiên cũng đã kinh động tới trời xanh, cho nên mới có truyền thuyết “Thương Hiệt tạo tự, thiên vũ túc, quỷ dạ khóc”, ý nói vào lúc Thương Hiệt tạo ra chữ Hán, cảm động Thần linh, gạo từ trên trời rơi xuống, ban đêm nghe thấy tiếng quỷ đang kinh hãi khóc rống. Bởi vậy có thể thấy rằng, chữ Hán ban đầu là do người có đức hạnh thông qua thần thông truyền cấp cho nhân loại, đối với sự phát triển của nhân loại trong tương lai có tác dụng trọng yếu mang tính quyết định.

Trên cơ sở văn tự Thần truyền, vào thời nhà Chu, người xưa đề xuất ra phương pháp tạo chữ Lục Thư (xem trong “Chu Lễ”). Căn cứ vào cách nói của nhà văn tự học thời Đông Hán là Hứa Thận, thì “Lục Thư” là chỉ: tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú và giả tá.

“Tượng hình tự” là thông qua đặc trưng chủ yếu của sự vật khách quan mà tiến hành miêu tả và sáng lập ra văn tự, ví như các chữ 日 (nhật)、月 (nguyệt)、山 (sơn)、川 (xuyên)、人 (nhân)、大 (đại)、女 (nữ)、田 (điền)、井 (tỉnh)、雨 (vũ)…

“Chỉ sự tự” có một loại là văn tự ký hiệu đơn thuần, ví như 一 (nhất)、二 (nhị)、三 (tam); một loại là tại cơ sở của chữ tượng hình mà thêm vào ký hiệu để biểu đạt ý nghĩa, ví như 本 (bản)、末 (mạt)…

“Hội ý tự” là những văn tự được hình thành thông qua việc tổ hợp từ hai hoặc nhiều hơn hai chữ Hán trở lên, ví như 林 (lâm)、森 (sâm)、步 (bộ)、取 (thủ)…

“Hình thanh tự” là chỉ các chữ được hình thành từ việc tổ hợp các chữ Hán biểu ý và các chữ Hán biểu thanh, ví như 空 (không)、悲 (bi)… Hình thanh tự là phương pháp được sử dụng nhiều nhất để tạo chữ, vậy nên trong chữ Hán thì chữ hình thanh là nhiều nhất.

“Chuyển chú tự” là chỉ những chữ Hán có cùng một bộ thủ và ý nghĩa tương đồng có khả năng giải thích cho nhau, ví như 考 (khảo) và 老 (lão).

“Giả tá tự” là mượn dùng những chữ đồng âm đã có để biểu đạt một khái niệm nào đó. Nói một cách nghiêm khắc thì “chuyển chú” và “giả tá” không phải là phương pháp tạo chữ, mà là “tự pháp” (1).

Các phương pháp tạo chữ kể trên cho thấy, chữ Hán cổ đại của Trung Quốc đều có liên hệ chặt chẽ với vạn sự vạn vật, có cùng nguồn gốc với bản chất của sự vật. Hứa Thận thời Đông Hán đã thành công sử dụng Dịch Kinh và Ngũ Hành để hoàn nguyên cấu tạo của chữ Hán trở lại như cũ, lần đầu phân tích và giải thích một cách có hệ thống 540 thiên bàng bộ thủ, viết ra một cuốn “Thuyết Văn Giải Tự” chưa từng có.

Theo sự phát triển dần dần của văn hóa nhân loại, ngôn ngữ văn tự của Trung Quốc cũng càng ngày càng phong phú hơn lên. Người ta căn cứ vào các phương pháp tạo chữ kể trên cùng với cơ sở các bộ thủ mà Hứa Thận cung cấp, căn cứ vào nhu cầu của mình mà sáng tạo ra lượng lớn chữ Hán. Chữ Hán không chỉ có thể biểu đạt âm thanh, mà còn có thể biểu đạt ý tứ, không chỉ có hình tượng cấu thành mười phần sinh động, mà nội hàm cũng có đủ tính thần truyền. Chữ Hán cùng với văn hóa cổ đại của Trung Quốc một mạch kế thừa và hỗ trợ lẫn nhau, bác đại tinh thâm. Mỗi chữ Hán chính thống đều quán xuyến đạo đức truyền thống của Trung Quốc, nội hàm Thiên – Địa – Nhân, thậm chí đến cả đạo lý tu luyện.

Ví như chữ 儒 (Nho – học trò, tên chung của người có học), từ thiên bàng bộ thủ mà xét, từ 人 (Nhân) và 需 (Nhu) mà giảng thì là yêu cầu (nhu) của con người (nhân), con người yêu cầu những gì đây? Một là đồ để ăn, hai là giáo dục. Thức ăn dinh dưỡng bắt đầu từ sữa mẹ, giáo dục bắt đầu từ khi còn là trẻ con. Cho nên, chữ Nho là từ Nhân và Nhu tổ thành, hơn nữa lại đồng âm với chữ 乳 (Nhũ – sữa).

Lại nói hai chữ 羞耻 (Tu sỉ – có nghĩa là cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn) gồm chữ 羞 (Tu) và chữ 耻 (Sỉ). Chữ 羞 (Tu) phân tích thì có nghĩa là làm việc này kém (bộ 羊 – dương), nhìn thấy xấu (bộ 丑 – sửu). Chữ 耻 – Sỉ có ý nghĩa là câu trách cứ người khác: cái lỗ tai ngươi còn nghe được không (bộ 耳 – Nhĩ), ngươi còn không ngừng hành vi của mình lại (bộ 止 – Chỉ)?

Hay như chữ 福 (Phúc), thế nào là Phúc? 一口 (Nhất khẩu) một người , 一田 (nhất điền) một mảnh ruộng, 一衣 (nhất y) một bộ quần áo, nghĩa là Phúc, có thể thấy cổ nhân đối với lý giải về Phúc thật là vô cùng giản dị và lạc quan.

Ví như chữ 仁 (Nhân – nhân ái, lòng nhân từ) là chữ Hội ý, gồm có 人 (Nhân) và 二 (Nhị). Theo Thuyết Văn Giải Tự, “Nhân – con người” là “Thiên đích chi sinh, tối quý giả dã”, có nghĩa người là do trời sinh ra, là trân quý nhất. Còn nói phàm là thuộc về người thì đều có bộ 人 (Nhân). 二 (Nhị) là từ hội ý, cũng chính là chữ cổ văn của chữ “Thượng” (上) (2) . 二 (Nhị), 上 (Thượng) đều có ý nghĩa là cao. Thuyết Văn Giải Tự viết, 二 (Nhị) là số của đất. Như vậy, kết hợp lại mà xét, 仁 (Nhân – nhân ái, lòng nhân từ) chính là tình cảm cao thượng mà chỉ có con người trên thế gian mới có. Trong Nho gia giảng “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, Nhân chỉ đứng đằng sau Đức, là một loại tình cảm sâu đậm tốt đẹp mà chỉ con người mới có. Trong Thuyết Văn Giải Tự viết, “Nhân, Thân dã”. Người với người quan tâm thân thiết (亲 – chữ Thân trong thân thiết) lẫn nhau. Trong Lễ Ký có viết: “Thượng hạ tương thân vị chi Nhân”, tạm dịch là trên dưới quan tâm thân thiết là Nhân (nhân ái). Còn có “Ôn lương giả, nhân chi bổn dã”, tạm dịch là ôn hòa hiền lành là căn bản của Nhân (nhân ái). “Nhân giả khả dĩ quan kì ái yên”, tạm dịch là người có lòng nhân (ái) có thể tỏ ra được sự yêu thương. Trong tác phẩm “Xuân Thu – Nguyên Mệnh Bao” có viết “Nhân giả, tình chí hảo sinh ái nhân, cố lập tự nhị nhân vi nhân”. Nhân giả là cách gọi người nhân đức. Từng có thời kì dùng chữ Nhân này để chỉ có ân với sự sinh sôi của vạn vật. Cổ đại xưa nay tôn sùng chính trị nhân từ, cho rằng người có đức hạnh cao mới có thể gọi là vương. Hiện nay gọi hạt của hoa quả là 仁 (Nhân). Kỳ thực vào thời cổ đại đều dùng từ 人 (Nhân) này, như 果人 (quả nhân – hạt của quả)、核桃人 (hạch đào nhân – hạt quả hạch đào). Từ thời nhà Minh mới cải biến thành 仁 (Nhân).

Ví như chữ 義 (Nghĩa), chính thể của chữ Nghĩa này là chữ hội ý, gồm có 我 (Ngã) và 羊 (Dương). 我 (Ngã) là chữ hội ý, có chữ 戈 (Qua). 戈 (Qua) là giáo – một loại binh khí thời cổ. Chữ 羊 (Dương) là chữ tượng hình biểu thị việc cúng tế gia súc. Chữ Qua có tính kim khí này khiến cho chữ 義 (Nghĩa) mang một bầu không khí dương cương đầy tiếng leng keng, bởi vì trong đó có nguy hiểm và trách nhiệm. Còn chữ Dương mang nghĩa hiến tế kia lại chứng tỏ Nghĩa là hy sinh sự giàu có của bản thân để kính Thần. Cổ nhân giảng: “Nghĩa bất sát sinh, nghĩa bất sát thiểu”. Ý nghĩa ban đầu của Nghĩa là phù hợp với hành vi đạo đức hoặc đạo lý. Xả sinh thủ nghĩa, tạm dịch là xả bỏ sinh mệnh để đạt được đạo nghĩa, là đạo lý mà người xưa hết lòng tin tưởng không thể chối từ. Nhưng hiện tại lại đơn giản hóa thành chữ 义 (Nghĩa) này, hoàn toàn không còn thấy được nội hàm ban đầu nữa rồi.

Nói về chữ 禮 (Lễ), Thuyết văn giảng, “Lễ, Lí dã. Sở dĩ sự thần trí phúc dã.” Ý nghĩa ban đầu là cử hành nghi lễ, tế thần cầu phúc. Nho gia xưa nay coi trọng Lễ, chữ Lễ này đúng thật là có ý nghĩa như vậy. Chữ 禮 (Lễ) là chữ hội ý, có chữ 示 (Thị hoặc Kỳ), chữ 匚 (Phương). Chữ 匚(Phương) là chữ tượng hình, là đồ vật dùng trong tế tự thời cổ đại, nếu như được dùng trong Thần sự (các sự việc liên quan tới thờ cúng các vị thần linh) thì được gọi là 禮 (Lễ). 示 (Kỳ) là chữ hội ý, chữ Tiểu Triện. Phía trên chữ 示 (Kỳ) có chữ 二 (Nhị), trong cổ văn có nghĩa là 上 (Thượng), phía dưới có chữ 小 (Tiểu) có nghĩa là tam thụ, tam thụ đại biểu cho Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng), Tinh (sao). Trong Chu Dịch giảng: “Thiên thùy tượng, kiến cát hung”. Chỉ có quan sát thiên văn ở trên trời mới có thể thấy rõ được biến hóa ở thế gian, đó là vì thiên tượng là biện pháp mà Thần sử dụng để chiếu cố mách bảo cho nhân loại. Kỳ còn là một bộ thủ trong tiếng Hán. Chữ Kỳ có nhiều trong các chữ có liên quan đến việc tế Thần. Ví như chữ 祝 (Chúc) là một từ khen ngợi dùng trong việc tế chủ. Chữ 福 (Phúc), có thiên thần bảo hộ thì mới gọi là Phúc. Chữ 禅 (Thiền), chỉ một hình thức tế trời của đế vương. Chữ 社 (Xã), chỉ thần thổ địa. Kết hợp lại mà xét, nội hàm của chữ 禮 (Lễ) là hướng tới thần linh mà tế tự, biểu đạt sự thành kính và tôn trọng. Đây là nội dung trọng yếu nhất của văn hóa Nho gia. Nghĩa rộng trong sinh hoạt hàng ngày là chỉ sự tôn trọng đối với người khác. Trong “Tả truyện” có viết, “Phu lễ, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hạnh dã”, tạm dịch là cái Lễ của người là đạo của trời, nghĩa của đất, đức hạnh của con người. Nhưng sau này đơn giản hóa lại thành 礼 – Lễ, hoàn toàn không còn nội hàm kính Thần kính người nữa.

Ví như chữ 智 (Trí), đây là một chữ hội ý kiêm hình thanh, là chữ có sau chữ 知 (Tri). Chữ Trí có chữ 日 (Nhật) và chữ 知 (Tri). Tri cũng là chỉ thanh. Chữ 知 (Tri) là chữ hội ý, gồm có chữ 矢 (Thỉ) và chữ 口 (Khẩu). 矢 (Thỉ) là chữ tượng hình, phỏng theo hình mũi tên có gắn lông chim, có nghĩa là tên, mũi tên, nghĩa rộng là chính trực, đoan chính. Chữ 口 (Khẩu) đứng cạnh chữ 矢 (Thỉ) hiểu rộng ra nữa là mở miệng đưa ra lời thề không hối hận. 知 (Tri) là từ cổ của 智 (Trí), có tài thông hiểu thiên đạo, hiểu rõ lý của nhân thế gọi là Trí, cũng chính là Tri. Hơn nữa, Tri, Trí chân chính, nhất định là chân lý, nhất định là chân tướng, cũng nhất định không lệch khỏi quỹ đạo của nhân nghĩa đạo đức.

Ví như chữ 信 (Tín), đây là chữ hội ý gồm chữ 人 (Nhân) và chữ 言 (Ngôn). Ý nghĩa ban đầu của 信 (Tín) là chân tâm thành ý, chuyên nhất không thay đổi. Ngôn luận của con người nên là thành thật, chân thật, không giả dối. 言 (Ngôn) là từ chỉ sự, trong chữ 言 (Ngôn) Giáp cốt thì phía dưới là chữ 舌 (Thiệt – cái lưỡi), phía dưới gạch ngang biểu thị Ngôn (lời nói) là từ Thiệt (cái lưỡi) mà ra, là tượng hình của việc mở miệng uốn (duỗi) lưỡi nói chuyện. Còn chữ Ngôn thiên bàng bộ thủ đều có quan hệ với nói chuyện và đạo đức. Trong Thuyết Văn Giải Tự có nói, “Trực ngôn viết ngôn, luận nan viết ngữ”, chính là nói trong tâm có cái gì trực tiếp nói ra thì là 言 (Ngôn), còn suy lí biện luận chất vấn thì nên phải gọi là 語 (Ngữ). Bởi vậy “Pháp ngôn nghĩa sơ – Vấn Thần” viết, “Ngôn, tâm thanh dã”. Nếu như một người nào đó ngôn bất do trung, nghĩa là nghĩ một đằng nói một nẻo, nói lời giả dối, thì khẳng định là không có Tín. “Thi – Vệ Phong – Manh” viết: “Tín thệ đán đán”, nghĩa là lời thề son sắt. Người cổ đại một khi đã phát lời thề, thì sẽ không bao giờ có chuyện không thực hiện.

Từ một số ví dụ kể trên có thể thấy rằng, nội hàm của Hán tự chính thống thật phong phú biết bao.

Mà hình thể của chữ Hán trong quá trình phát triển dài đằng đẵng, trải qua Giáp cốt văn, Kim văn, Đại triện, Tiểu triện, Lệ thư và Khải thư, sau đó vào những năm cuối nhà Hán cố định lại, khiến cho văn hóa Trung Hoa có thể tương truyền qua các thời đại.

Nghiên cứu của các nhà khoa học phát hiện ra rằng, chữ Hán kì diệu hết sức có lợi cho việc phát triển đại não. Tháng 5 năm 1982, bài viết của nhà tâm lí học Richard Lynn trên tạp chí khoa học “Nature” có tiếng nhất toàn cầu đã gây ra tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới. Ông đã tiến hành trắc định và kiểm tra chỉ số IQ của trẻ em năm nước Anh, Mỹ, Pháp, Tây Đức và Nhật Bản, phát hiện ra chỉ số IQ trung bình của trẻ em bốn nước Âu Mỹ là 100, còn IQ trung bình của trẻ em Nhật Bản là 111, nguyên nhân là vì trẻ em Nhật Bản có học tập chữ Hán. Một vị giáo sư của Pháp nói, “Dạy trẻ em Pháp văn tự chữ Hán, mục đích chủ yếu không phải để nắm vững một loại công cụ ngôn ngữ nữa, mà là thông qua học tập chữ Hán để mở mang trí tuệ của trẻ em Pháp”.

Tuy nhiên ở gần trăm năm, đặc biệt là gần 50 năm trở lại đây, dưới sự thống trị tà ác của Trung Cộng, văn minh cổ xưa của Trung Quốc gặp phải một trường hạo kiếp, những truyền thống ưu tú bị phá hoại gần như không còn, vô số văn vật trân quý bị đốt sạch. Tải thể của văn hóa Trung Hoa – chữ Hán cũng khó tránh khỏi kiếp nạn. Trong quá trình phá hoại vô lối (của Trung Cộng), chữ Hán truyền thống đã bị bóp méo thành cái gọi là “chữ giản thể”.

Sự xuất hiện của “chữ giản thể” đã gây ra ảnh hưởng rất to lớn tới sự biểu đạt chuẩn xác nội hàm của chữ Hán, ví như chữ “義” và chữ “义” đã nói ở trên. Lại ví như chữ “車 (Xa – xe cộ)” truyền thống, ở giữa chữ là thân xe, trên dưới là bánh xe, một cái trục bánh xe nối liền cả lại. Từ chữ 車 có thể dễ dàng nhìn ra ý nghĩa của nó. Còn chữ 车 (xa) viết theo chữ giản thể thì căn bản không nhìn ra hàm nghĩa nguyên thủy của nó nữa rồi.

Ngoài ra, sự xuất hiện của chữ giản thể đã làm cho người Trung Quốc sau năm 1949 không còn biết làm thế nào để đặt tên chính xác cho các sự vật mới xuất sinh. Cho dù đặt cho nó một cái danh từ thì cũng đã đánh mất liên hệ với bản tính và tầng tầng ý nghĩa sâu hơn của sự vật. Từ mặt này mà giảng, chữ Hán cũng chỉ còn lại một chút ý tứ nông cạn bề mặt. Chữ Hán giản thể cũng đã khiến thuộc tính âm dương, ngũ hành nguyên bản của chữ Hán biến mất gần như không còn.

Nói tóm lại, chữ Hán truyền thống bị biến dị thành chữ giản thể, kỳ thực chính là cắt đứt huyết mạch đã tương truyền qua các thời kỳ của văn minh Trung Hoa 5000 năm, hủy diệt quan niệm đạo đức chính thống để làm người của con người.

Ghi chú của người dịch:

(1) “字法” : “Tự pháp” là cách dùng chữ chứ không phải là phương pháp tạo chữ.

– Chữ chuyển chú là chữ có tự dạng giống nhau, cách phát âm tùy vào vị trí chữ mà có cách phát âm khác biệt. Ví dụ: Chữ 考 (Khảo: thọ/già) và 老 (Lão: già) là hai chữ khác nhau nhưng có cùng nghĩa chỉ người già.

– Chữ giả tá thuộc dạng chữ mượn có sẵn rồi phát âm chệch đi hoặc giữ nguyên âm đọc, thay đổi nghĩa khác. Ví dụ: 長 (Trường) là dài bị mượn và đọc ra thành Trưởng có nghĩa trưởng thành 長大 (Zhǎng dà).

Xem tham khảo tại đây.

(2) Chữ cổ văn (Giáp cốt văn và Kim văn) của chữ 上 (Thượng) chính là chữ 二 (Nhị), xem tham khảo tại đây.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/38214



Ngày đăng: 06-12-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.