Khái quát về văn hóa Trung Quốc (11): Nghệ thuật hang động Trung Quốc



Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Nghệ thuật hang động là một loại kiến trúc đền chùa Phật giáo từ thời xa xưa ở Trung Quốc, đa phần được xây dựng dựa vào vách núi. Loại hình nghệ thuật này được cấu thành từ kiến trúc, tượng Phật và bích họa. Kiến trúc là nơi chứa đựng, nó bao gồm kết cấu mái vòm gỗ và kiến trúc hội họa; các bức bích họa dùng để trang trí cho hang động, chiếm diện tích rất lớn, nội dung tương đối đơn giản; tượng Phật là vị Thần linh chính được thờ phụng trong Phật giáo, là chủ thể của nghệ thuật hang động, do tượng Phật có nội dung phong phú và tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy loại hình hang động này trở nên nổi tiếng thế gian.

Nghệ thuật hang động có nguồn gốc ban đầu từ Ấn Độ cổ, được truyền nhập vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Tại miền Bắc Trung Quốc, trong thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều đến thời Đường thịnh vượng, lần lượt xuất hiện hai giai đoạn đỉnh cao về điêu khắc tượng; vào nửa sau thế kỷ thứ 8, ở miền nam lưu vực sông Trường Giang lại xuất hiện một thời kỳ đỉnh cao về điêu khắc tượng. Từ cuối thế kỷ thứ 9 đến giữa thế kỷ thứ 13, những tác phẩm điêu khắc đá lớn ở Đại Túc được xây dựng, trong đó điêu khắc tượng trên vách “Ngũ Sơn” làm tiêu biểu, từ đó kéo dài thêm lịch sử nghệ thuật hang động của Trung Quốc hơn 400 năm. Sau đó, nghệ thuật hang động Trung Quốc bị đình trệ, và ở những nơi khác không còn xây dựng thêm bất kì hang động lớn nào nữa.

Trong quá trình phát triển lâu dài, nghệ thuật hang động của mỗi một thời kỳ đều hình thành mô thức và nội hàm đặc sắc của riêng mình.

Đỉnh cao điêu khắc tượng lần thứ nhất: Thời Ngụy-Tấn-Nam Bắc triều.

Thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều tuy là một thời kỳ chia rẽ và hỗn loạn lớn, nhưng về phương diện văn hóa và khoa học kỹ thuật lại không hề bị đình trệ, hơn nữa về mặt nghệ thuật đã đạt đến một tầm cao mới. Đặc biệt là sự thịnh hành của Phật giáo không chỉ tạo nên phong cách độc đáo riêng cho điêu khắc và hội họa của thời kỳ này, mà còn lưu lại cho hậu thế những tác phẩm nghệ thuật hang động ngoạn mục, trong đó có hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng, Cam Túc, được đánh giá là kỳ quan thế giới.

Nghệ thuật điêu khắc trong thời kỳ này chủ yếu thể hiện qua việc điêu khắc tượng Phật. Thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều là thời kỳ Phật giáo rất hưng thịnh, nhiều Hoàng đế và Vương công quý tộc cũng đều tin theo Phật giáo. Vì để thể hiện sự tôn kính đối với Phật, một số Hoàng đế của Bắc triều đã ra lệnh đi khắp nơi mở núi, đào hang và điêu khắc tượng Phật, từ đó hình thành nên nghệ thuật hang động. Trong số đó, nổi tiếng nhất là hang động Vân Cương ở Đại Đồng, Sơn Tây, hang động Long Môn ở Lạc Dương, Hà Nam và hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, Cam Túc – còn gọi là hang động ngàn Phật. Trong các hang động này được bài trí rất nhiều tượng Phật và những tác phẩm nghệ thuật quý giá khác.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, những hang động thời kỳ đầu ở các khu vực kể trên đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nghệ thuật hang động Tân Cương, vì vậy để tìm hiểu nguồn gốc và truyền thừa nghệ thuật hang động ở Trung Quốc, chúng ta buộc phải đi sâu tìm hiểu về hang động Tân Cương. Ngoài ra, điêu khắc tượng Phật thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ, mang diện mạo đặc trưng của người Hy Lạp cổ đại, các pho tượng với mái tóc gợn sóng, vầng trán cao, mũi nhọn, môi mỏng, hốc mắt sâu. Về sau này, diện mạo của tượng Phật dần dần thể hiện xu hướng bản địa hóa, đã mang nét đặc trưng của người Trung Quốc.

Hang động Tân Cương

Các hang động đá ở Tân Cương chủ yếu phân bố dọc theo tuyến đường phía bắc lòng chảo Tarim từ Kashgar về phía đông. Hiện nay đã phát hiện di tích hang động có ở bốn khu vực, lần lượt từ tây sang đông là khu vực Shule cổ (nay là Kashgar), khu vực Quy Từ cổ (nay là Kuchar, Bái Thành), khu vực Karasahr cổ (nay là Yên Kỳ) và khu vực Cao Xương cổ (nay là Turfan).

Về mặt hình dạng kiến trúc, ở Tân Cương có rất nhiều hang thờ Phật được bố trí xung quanh trụ tháp trung tâm. Hang đại Phật dựng tượng Phật khổng lồ, hang dành cho tăng nhân sinh hoạt hàng ngày, hang thiền cho tăng nhân tu thiền đả tọa và tổ hợp hang động tạo thành nhiều hình dạng hang động khác nhau, cũng có một số ít quần thể hang thiền. Sau thế kỷ thứ 5, số lượng hang có điện thờ Phật hình vuông tăng lên, còn xuất hiện cả hang Phật đàn có đàn thờ Phật đặt ở vị trí trung tâm. Tại khu vực An Kỳ, Turfan là một dải các hang động thường được nối tiếp bằng gạch bùn ở phía trước hoặc hoàn toàn được xây bằng gạch bùn. Trong những hang động có hình dạng khác nhau này thường vẽ những bức bích họa, ban đầu đa số còn có tượng đắp (hiện nay phần lớn đã bị phá hủy). Các tác phẩm điêu khắc trước thế kỷ thứ 6 chủ yếu là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và tượng Phật Di Lặc.

Hang động Vân Cương

Núi Vũ Châu ở ngoại ô phía tây thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây có hang động Vân Cương được xây dựng vào thời kỳ Hòa Bình của triều đại Bắc Ngụy (từ năm 460 đến năm 465), do vị hòa thượng nổi tiếng Đàm Diệu chủ trì việc kiến tạo năm hang động. Hiện nay, hang động số 16 đến 20 của Vân Cương chính là những hang động được xây dựng sớm nhất thời bấy giờ, còn gọi là “hang động Đàm Diệu”. Các hang động chính khác phần lớn cũng được hoàn thành vào năm Thái Hòa thứ 18 của triều đại Bắc Ngụy (năm 494) trước khi Hiếu Văn Đế dời đô sang Lạc Dương.

Hang động Vân Cương trải dài 1.000 mét từ đông sang tây, hiện nay còn lại 45 hang động chính, 252 hang động lớn nhỏ và hơn 51 nghìn tượng đá điêu khắc, là một trong những quần thể hang động cổ có quy mô lớn nhất Trung Quốc. Tượng Phật cao nhất 17 mét, thấp nhất chỉ vài cm.

Hang động Vân Cương nổi tiếng thế giới với vẻ đẹp hùng vĩ, nội dung phong phú và kỹ thuật điêu khắc tinh xảo. Nhà địa lý học cổ đại Lệ Đạo Nguyên đã mô tả nó như sau: “Đục đá khai sơn, dựa vào đá mà xây dựng, hình dáng đồ sộ, hiếm có trên đời, sơn đường thủy điện, hương chùa nối tiếp”. Đây là những miêu tả chân thực về cảnh đẹp rực rỡ của hang động thời bấy giờ. Nghệ thuật điêu khắc nơi đây vừa tiếp thu và học hỏi nghệ thuật Phật giáo Gandhara (Kiền Đà La) Ấn Độ, vừa dung hòa một cách nhuần nhuyễn phong cách nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, chiếm một địa vị vô cùng quan trọng trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc thế giới.

Hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng, Cam Túc – Động Ngàn Phật

Hang Mạc Cao nằm trên con đường tơ lụa, là tuyến giao thương quan trọng nối liền phương Đông và phương Tây, nằm tại phía đông của chân núi Minh Sa. Tương truyền vào thời Tiền Tần (năm 366), một nhà sư tên là Lạc Tôn đi qua núi Tam Nguy ở phía đông nam Đôn Hoàng vào lúc hoàng hôn, đột nhiên trên núi Tam Nguy phát ra ánh sáng vàng kim rực rỡ, vạn Phật hiện ra trong ánh sáng ấy. Lạc Tôn vì thế đã hóa duyên và xây dựng hang động đầu tiên ở đây. Sau đó, lại có một nhà sư khác tên là Pháp Lương hành hương đến đây, ông đã cho xây dựng hang động thứ hai. Đến thời kỳ Nam Bắc triều, ngày càng có nhiều nhà sư đến đây hành hương và xây dựng thêm nhiều hang động khác. Đến thời Tùy-Đường, nghệ thuật của hang Mạc Cao đạt đến đỉnh cao.

Hang Mạc Cao trải dài gần hai kilomét từ bắc xuống nam, chia thành năm tầng hang động trên dưới, những hang động này sắp xếp cao thấp xen kẽ nhau, vô cùng hùng vĩ. Vì đá ở Đôn Hoàng không thích hợp để điêu khắc, nên tượng Phật chủ yếu được làm bằng đất sét. Những hang động này trước đây thường có tượng Phật tròn, sau này dần chuyển sang tượng Phật cao, tượng Phật bóng, tượng Phật nổi trên tường.

Trải qua nhiều đời xây dựng, đến thế kỷ thứ 7 thời nhà Đường, ở Mạc Cao đã có hơn một nghìn hang động Phật, vì vậy, hang động Mạc Cao còn được gọi là “Động Ngàn Phật”. Hiện nay còn lại 492 hang động, trong đó có 32 hang động được xây dựng vào thời Bắc Ngụy thuộc thời kỳ Nam Bắc triều. Các hang động thời Bắc triều chủ yếu có hình thức kiến trúc “tháp trụ trung tâm”. “Tháp trụ trung tâm” tức là dựng một cột vuông thông từ trên xuống dưới ở trung tâm hang động, tượng trưng cho không gian bên trong tháp Phật. Kiểu hang động này được phát triển từ tháp giáo đường của Ấn Độ cổ. Lúc này, tượng Phật trong hang động chủ yếu là Phật Thích Ca hoặc Phật Di Lặc tương lai, hai bên tượng còn có hai vị Bồ Tát hoặc một vị Phật, hai đệ tử đi theo. Phần lưng tượng thường được nối liền với bích họa.

Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam

Hang động Long Môn ở Lạc Dương được xây dựng vào khoảng thời gian trước và sau khi Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế dời đô về Lạc Dương (năm 494). Trải qua các triều đại Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, Tùy, Đường và Bắc Tống, trong đó hang động vào thời Bắc Ngụy và thời nhà Đường được xây dựng với quy mô lớn nhất. Hiện tại vẫn còn hơn 2.100 hang động, hơn 40 tháp Phật, hơn 3.600 bia ký và hơn 100.000 pho tượng trên toàn bộ khu vực núi. Cổ Dương động, Tân Dương động và Liên Hoa động thuộc thời Bắc Ngụy là những hang động tiêu biểu của thời kỳ đó.

Đỉnh cao điêu khắc tượng lần thứ hai: Đường triều.

Đến thời nhà Tùy, do Tùy Văn Đế ra sức hồng dương Phật pháp, hang động Mạc Cao cũng được đổi mới hoàn toàn. Số lượng hang động được xây dựng và trùng tu lại vào thời nhà Tùy lên tới 94 hang, gần như gấp đôi số hang động ở Mạc Cao được xây dựng trong suốt 200 năm trước đó. Các tượng Phật trong hang động bỗng chốc trở nên đồ sộ và tráng lệ, không còn vẻ lạnh lẽo hoang sơ nữa, mà thay vào đó là rất nhiều vị Bồ Tát, Kim Cang rực rỡ sắc màu, như thể bỗng chốc các vị Thần linh tụ hội về mảnh đất Hoa Hạ. Đến thời nhà Đường, nghệ thuật hang động đã được mở rộng và phát triển mạnh mẽ đạt đến đỉnh cao chưa từng có.

Hang động điêu khắc ở Long Môn

Hang động điêu khắc ở Long Môn được xây dựng trên diện rộng vào thời Bắc Ngụy và thời nhà Đường. Hiện tại có hơn 2.100 hang thờ cúng, hơn 40 tòa tháp Phật, khoảng 3.600 tấm bia ký và hơn 100.000 pho tượng trên toàn bộ khu vực núi. Trong đó, gian thờ tượng Phật Lư Xá Na ở chùa Phụng Tiên có khí thế hùng vĩ, chạm trổ tinh xảo, hoàn thành vào năm thứ 2 thời vua Đường Cao Tông Lý Trị (năm 675), là hang động chính có quy mô lớn nhất, nghệ thuật tinh mỹ và còn mang tính tiêu biểu trong các hang động ở Long Môn thời nhà Đường. Pho tượng chính Phật Lư Xá Na cao 17,14 mét, khuôn mặt đầy đặn thanh tú, đôi mắt tĩnh lặng, khóe miệng khẽ mỉm cười. Hai bên là Ca Diếp trang nghiêm và điềm tĩnh, A Nan điềm đạm và thành kính, các vị Bồ Tát trang nghiêm và nhã nhặn, các vị Thiên Vương nhíu mày giận dữ, các vị lực sĩ mạnh mẽ và uy nghi. Các bức tượng trong chùa Phụng Tiên có hình dáng sinh động, mỗi bức tượng mang một phong thái riêng, thể hiện trình độ nghệ thuật điêu khắc cao siêu thời nhà Đường.

Động Vạn Phật được xây dựng vào năm Vĩnh Long thứ nhất (năm 680) niên hiệu Đường Cao Tông Lý Trị. Do trên vách động hai bên Nam Bắc có khắc đầy tượng Phật nhỏ, tổng cộng khoảng 15.000 bức, nên được gọi là động Vạn Phật. Tượng Phật ở bức tường chính ngồi trang nghiêm trên đài sen tám cạnh có bệ đỡ, vị Phật chính trong hang này là Phật A Di Đà, ngồi đả tọa trên đài sen hướng về núi Tu Di, một tay đặt trước ngực, một tay khẽ đặt trên đầu gối. Người đời sau gọi đây là “Ấn thuyết pháp”. Vách sau có khắc 54 bông hoa sen, trên mỗi bông sen có một vị Bồ Tát hoặc người cúng dường ngồi lên, hình dáng độc đáo. Trên nền vách hai bên Nam Bắc khắc các nhạc công, vũ công với tà áo phấp phới, dáng vẻ duyên dáng; các nghệ sỹ cầm nhạc cụ trong tay, hình tượng sinh động. Trên bức tường phía nam bên ngoài động là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tay trái cầm bình tịnh, tay phải nâng phất trần, tỷ lệ cân đối hài hòa, thần thái động tĩnh đều được khắc họa rất tự nhiên. Tháp gỗ được xây dựng trên bệ cao, bệ cao hơn bốn mét, chia thành hai tầng trên dưới. Bệ ở tầng trên và các góc của nguyệt đài đều có đá góc, nhìn vào thấy những con sư tử nhô ra từ đá góc, phong cách điêu khắc cổ kính, có lẽ là vật quý từ thời nhà Liêu. Chiều cao tổng thể của tháp gỗ là 67,31 mét, trong đó chóp tháp cao khoảng 10 mét. Mặt bằng tháp hình bát giác, đường kính tầng đáy là 30,27 mét. Tháp có năm tầng lộ thiên, xen kẽ là các tầng ẩn, thực ra là chín tầng. Tầng đáy có mái xếp tầng và hành lang, do đó nhìn từ bên ngoài tháp có sáu tầng mái hiên. Tỷ lệ tổng thể của tháp cân đối, hình dáng bên ngoài cũng toát lên vẻ trang nghiêm.

Hang động điêu khắc ở Đôn Hoàng

Thời kỳ Tùy-Đường là thời kỳ toàn thịnh của hang Mạc Cao, đặc biệt là vào thời Đường. Phật giáo đạt đến thời kỳ đỉnh cao, việc xây dựng hang động cũng bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất. Trong số 492 hang động hiện có của Mạc Cao, có đến 247 hang động được xây dựng vào thời nhà Đường.

Kiểu dáng của hang động thời nhà Tùy được thay đổi từ kiểu tháp trung tâm thời Bắc triều sang bàn thờ Phật trung tâm, các pho tượng được sắp xếp giống như thời Nam Bắc triều. Vào thời Đường đã xuất hiện sự kết hợp của một Phật, hai đệ tử, hai Thiên Vương hoặc hai lực sĩ. Các pho tượng cũng chuyển từ tạo hình “gầy gò thanh tú” ban đầu sang “to cao vạm vỡ”. Những bức bích họa trong hang chủ yếu là tranh lớn khung cảnh thuyết Pháp và tranh kinh biến đơn giản. Tượng Phật lớn nhất ở hang Mạc Cao đều được tạc vào thời Đường, tượng Đại Phật ở hang 96 là tượng Phật lớn nhất trong khu hang động Mạc Cao. Bức bích họa thời Đường là tranh kinh biến đa dạng, quy mô vô cùng hùng vĩ, thể hiện cảnh tượng tráng lệ của Thiên quốc.

Đại Phật Lạc Sơn

Có câu tục ngữ “Đến núi Nga Mi nhất định phải đến thăm Đại Phật Lạc Sơn”. Đại Phật Lạc Sơn tọa lạc tại phía đông thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, trên núi Lăng Vân, nơi hội tụ của ba con sông Mân Giang, Thanh Y Giang và Đại Độ Hà. Đây là bức tượng Phật bằng đá khắc trên vách núi nguyên khối ven sông Lăng Vân, hoàn toàn dựa vào sức người đục đẽo mà thành. Tượng cao 71 mét, đầu cao 14,7 mét, tai dài 6,12 mét, mũi dài 5,33 mét, vai rộng 24 mét, ngón tay dài 8,3 mét, mu bàn chân rộng 9 mét và dài 11 mét. Đây là tượng Phật khắc đá lớn nhất trên thế giới hiện nay. Tượng Phật này hai tay đặt lên đầu gối, thần thái trang nghiêm, hướng mắt nhìn ra sông nước mênh mông. Không chỉ có kích thước khổng lồ, tượng còn sở hữu kỹ thuật điêu khắc cao siêu, kết cấu cân đối, tỷ lệ hài hòa và đường nét mượt mà. Trên đầu và thân tượng còn ẩn tàng một hệ thống thoát nước khéo léo để tránh nước chảy xói mòn và giảm thiểu sự phong hóa. Trên vách đá bên trái hang động Phật có một con đường núi hiểm trở được xây dựng cùng lúc với tượng Phật, do uốn lượn chín khúc nên được gọi là “Cửu Khúc Sạn Đạo”. Từ con đường này có thể đi xuống chân tượng Phật.

Đại Phật Lạc Sơn được khởi công xây dựng vào đầu những năm Khai Nguyên Đường Cao Tông (năm 713), hoàn thành sau 90 năm. Khi đó, vị tăng nhân Hải Thông rất nổi tiếng của chùa Lăng Vân nhìn thấy nơi tụ hội của ba con sông mỗi khi đến mùa nước lớn liên tục xảy ra lũ lụt, nên ông đã nảy sinh ý tưởng muốn xây dựng tượng Phật lớn để trấn yểm thủy quái. Thế là ông đã trải qua bao gian khổ, đi khắp nơi hóa duyên trong 20 năm để quyên góp tiền. Sư Hải Thông không đợi được đến ngày tượng Phật hoàn thành thì qua đời. Sau đó, Tiết độ sứ Kiếm Nam Xuyên Tây là Vi Cao, đã tiếp tục xây dựng hoàn thành công trình này. Hiện nay, động Hải Sư trên đỉnh núi Lăng Vân được lưu truyền là nơi tu tập của sư Hải Thông, trong động có khắc tượng ông cao hai mét, ngồi xếp bằng, tay bưng khay đựng nhãn cầu, khuôn mặt cương nghị, uy nghiêm.

Đỉnh cao điêu khắc tượng lần thứ ba: Từ cuối triều Đường đến triều Tống.

Chạm khắc đá Đại Túc Trùng Khánh là đại diện cho nghệ thuật hang động giai đoạn sau này (từ cuối thế kỷ thứ 9 đến giữa thế kỷ 13, thời kỳ hậu Đường đến Nam Tống), trên cơ sở tiếp thu và dung hợp tinh hoa nghệ thuật hang động của các thời kỳ trước, nó đã có những điểm khác biệt so với các triều đại trước về mặt lựa chọn chủ đề, hình thức nghệ thuật, kỹ thuật tạo hình và sở thích thẩm mỹ. Với điểm nổi bật về đặc sắc dân tộc hóa và hiện thực hóa, nó đã trở thành hình mẫu của nghệ thuật hang động mang phong cách Trung Quốc.

Trong khu vực huyện Đại Túc, Trùng Khánh, có hơn một trăm địa điểm chạm khắc tượng đá từ thời Đường Tống với hơn 60 nghìn bức tượng, được gọi chung là Đại Túc Thạch Khắc (Những bức chạm khắc đá ở Đại Túc). Trong số đó, tượng đá trên núi Bắc Sơn và Bảo Đỉnh Sơn có quy mô lớn nhất, mang tính quy mô nhất và tráng lệ nhất. Tượng đá trên núi Bắc Sơn, nằm cách thị trấn một kilômét về phía tây bắc, được xây dựng vào cuối thời Đường, trải qua thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc và Nam Tống, chạm khắc tượng Phật, Bồ Tát, v.v., với gần 10 nghìn bức tượng thanh lịch và tao nhã nổi tiếng thế giới. Hình tượng con người thời Đường đoan trang đầy đặn, khí chất thuần phác; kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, con người hòa hợp với Thần linh.

Mặc dù trải qua hàng nghìn năm bị bào mòn, thậm chí bị con người tàn phá, nhưng một số hang động đá ở Trung Quốc vẫn còn bảo tồn được vẻ đẹp ban đầu, trở thành những bảo tàng nghệ thuật vô song trên thế giới. Ngày nay, người ta có thể thông qua nội dung điêu khắc trong các hang động đá từ các thời kỳ khác nhau mà thấy được lòng thành kính Phật Pháp và sự tôn kính vô hạn của tổ tiên đối với Phật. Có lẽ đây cũng là một trong những tài sản quý giá nhất mà tổ tiên để lại cho thế hệ ngày nay.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/48625



Ngày đăng: 16-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.