Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (31)
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
炎宋(1)興(2),
受(3)周(4)禪(5),
十八傳(6),南北混(7)。
十七史(8),全在茲(9),
載(10)治(11)亂(12),
知興衰(13)。
Bính âm
炎(yán) 宋(sòng) 興(xīng), 受(shòu) 周(zhōu) 禪(shàn),
十(shí) 八(bā) 傳(chuán), 南(nán) 北(běi) 混(hùn)。
十(shí) 七(qī) 史(shǐ), 全(quán) 在(zài) 兹(zī),
載(zài) 治(zhì) 亂(luàn), 知(zhī) 興(xīng) 衰(shuāi)。
Chú âm
炎(一ㄢˊ) 宋(ㄙㄨㄥˋ) 興(ㄒ一ㄥ),
受(ㄕㄡˋ) 周(ㄓㄡ) 禪(ㄕㄢˋ),
十(ㄕˊ) 八(ㄅㄚ) 傳(ㄔㄨㄢˊ),
南(ㄋㄢˊ) 北(ㄅㄟˇ) 混(ㄏㄨㄣˋ)。
十(ㄕˊ) 七(ㄑ一) 史(ㄕˇ) ,
全(ㄑㄩㄢˊ) 在(ㄗㄞˋ) 茲(ㄗ),
載(ㄗㄞˋ) 治(ㄓˋ) 亂(ㄌㄨㄢˋ),
知(ㄓ) 興(ㄒ一ㄥ) 衰(ㄕㄨㄞ)。
Âm Hán Việt
Viêm Tống hưng, Thụ Chu thiện,
Thập bát truyền, Nam Bắc hỗn.
Thập thất sử, Toàn tại tư,
Tải trị loạn, Tri hưng suy.
Tạm dịch
Viêm Tống hưng khởi, nhận Chu nhường ngôi,
Truyền mười tám đời, thời Nam Bắc hỗn.
Mười bảy bộ sử, ghi hết ở đây,
Thịnh trị loạn thế, tỏ tường hưng suy.
Từ vựng
(1) Viêm Tống (炎宋): chỉ triều Tống, ‘viêm’ là lửa. Người thời Tống cho rằng vì Tống Thái Tổ có Hỏa Đức trong ngũ hành mà được thiên hạ, cho nên gọi là Viêm Tống.
(2) hưng (興): hưng thịnh, hưng khởi.
(3) thụ (受): tiếp thụ, tiếp nhận.
(4) chu (周): chỉ Hậu Chu.
(5) thiện (禪): Thời xưa khi vua tuần sát bốn ngọn núi, thì sẽ có phong thiện, phong là tế trời, thiện là tế đất. Vì vậy truyền đế vị cho người hiền gọi là thiện. Ở đây chỉ Tống Thái Tổ được Chu Cung Đế thiện nhượng.
(6) thập bát truyền (十八傳): chỉ triều Tống tổng cộng truyền được mười tám vị vua.
(7) hỗn (混): hỗn loạn, sự hỗn chiến Nam Bắc là chỉ các nước như Liêu, Kim, Nguyên ở phương bắc thường tiến đánh Trung Nguyên, thế cục hỗn loạn.
(8) thập thất sử (十七史): mười bảy bộ sách sử. Bao gồm: Sử Ký, Tiền Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí, Tấn Thư, Tống Thư, Tề Thư, Lương Thư, Trần Thư, Bắc Ngụy Thư, Bắc Tề Thư, Bắc Chu Thư, Tùy Thư, Nam Sử, Bắc Sử, Đường Thư, Ngũ Đại Sử.
(9) tư (茲): đây, nơi này, tại đây, nơi đây, ở đây, bây giờ, hiện nay, hiện tại.
(10) tải (載): ghi chép.
(11) trị (治): thái bình thịnh thế.
(12) loạn (亂): thiên hạ bất an, loạn thế.
(13) hưng suy (興衰): hưng thịnh và suy vong.
Dịch nghĩa tham khảo
Triệu Khuông Dận tiếp nhận Hậu Chu nhường ngôi đế, kiến lập triều Tống, đóng đô ở Biện Kinh, truyền 18 đời vua, sau đó bị triều Nguyên tiêu diệt. Đến Khâm Tông (đời thứ 9), người Kim tấn công Biện Kinh, bắt đi Huy Tông và Khâm Tông. Tống Cao Tông dời đô về Hàng Châu, từ đó về sau gọi là Nam Tống, từ Cao Tông trở về trước gọi là Bắc Tống. Thời Tống, nước Liêu, Kim và Nguyên đều xâm lấn Trung Nguyên mà hình thành thế cục Nam Bắc hỗn loạn.
Lịch sử phát triển từ xưa đến nay, từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế cho tới thời Ngũ Đại (trước triều Tống), các sự kiện lịch sử xảy ra trong các triều đại đều ở trong 17 bộ sách sử, bao gồm các vị thánh vương – ngu vương, hiền thần – gian thần, thiện nhân – ác nhân, các thời đại thái bình và hỗn loạn của các triều đại, tất cả được ghi chép lại kỹ càng trong sử sách. Đọc nó chúng ta liền có thể minh bạch nguyên nhân quốc gia hưng thịnh và suy vong, từ đó đắc được trí huệ và những bài học quý giá.
Đọc sách luận bút
Lịch sử triều Tống rất bi tráng, các vị đế vương không làm được gì to tát, nhưng giai đoạn lịch sử này lại thể hiện ra sự trung liệt nghìn đời và chính khí ngút trời của Dương Gia Tướng, Phạm Trọng Yêm, Nhạc Phi và Văn Thiên Tường. Truyền kỳ Dương Gia Tướng, sự thần vũ của Nhạc Phi với tinh thần “Tinh trung báo quốc” (một lòng trung thành đền ơn nước), Phạm Trọng Yêm với tinh thần “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, tinh thần xả thân vì nghĩa, khảng khái hy sinh vì chính nghĩa: “Đời người xưa nay ai không chết? Lưu lấy lòng son chiếu sử xanh” của Văn Thiên Tường, ghi chép về tinh thần dân tộc vô tư trung nghĩa của các vị võ tướng văn thần trong lịch sử Trung Quốc, trong giai đoạn này tinh thần vô tư trung nghĩa ấy là có tác dụng khích lệ con người mạnh nhất so với các thời kỳ khác trong lịch sử. Những câu chuyện của họ được hậu nhân truyền tụng nghìn đời, hòa tan vào trong huyết mạch của toàn bộ dân tộc Trung Hoa, chỉ cần nghe đến câu chuyện của họ, thì ai cũng không khỏi cung kính nể phục, không khỏi khơi dậy lòng ngưỡng mộ và hướng đến, chẳng phải từ đó mà lập được hùng tâm tráng chí của đấng nam nhi sao?
Nếu trẻ em hôm nay đọc được những câu chuyện này, thì nhất định có thể hiểu được thế nào là phong thái quân tử “phú quý bất năng dâm” (giàu sang không phóng túng hoang phí), “uy vũ bất năng khuất” (đứng trước vũ lực cường quyền mà không khuất phục), “bần tiện bất năng di” (nghèo hèn cũng không thay đổi ý chí của mình), thì sẽ mang trong lòng chính khí, lập chí từ nhỏ. Như vậy sẽ không bị trầm mê vào trò chơi điện tử, cũng sẽ không lầm vào trạng thái “hung vô đại chí” (trong bụng không có chí lớn), so đo từng tý, và chỉ còn lại cái tư tình nam nữ nhỏ hẹp và chấp trước vào danh lợi. So sánh với họ, ai ai cũng đều sẽ cảm thấy xấu hổ.
Bởi vì “Tam Tự kinh” được viết vào thời nhà Tống, cho nên lịch sử đến thời Tống thì xuất hiện một bản tổng kết. Cũng trong phần cuối này, nói về giai đoạn cuối cùng của lịch sử, nói ra cho mọi người biết mục đích của việc học lịch sử, chính là muốn từ các loại tình huống như thái bình, loạn lạc, hưng thịnh, suy vong của lịch sử mà đắc được khải ngộ của đời người, học được đạo lý trọng đức của đời người. Điều nên được học tập nhất ở các triều đại này chính là chính khí phi thường và tiết tháo cao thượng của những nhân vật anh hùng thời đó. Đây mới là nhân cách truyền thống đã từng được toàn thế giới ngưỡng mộ của dân tộc Trung Hoa.
Câu chuyện giới thiệu tóm tắt lịch sử nhà Tống
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận vốn là tướng lĩnh của nhà Hậu Chu, ông phụng mệnh dẫn quân lên phía bắc để chống lại Khiết Đan, lúc đi tới trạm dịch Trần Kiều, tướng sĩ mang áo hoàng bào chuẩn bị trước đó và ủng hộ lập ông làm hoàng đế. Do đó Hậu Chu Cung Đế tuổi còn nhỏ đã nhường ngôi cho ông, Tống Thái Tổ phong Hậu Chu Cung Đế làm Trịnh Vương. Năm sau, Thái Tổ chuẩn bị tiệc chiêu đãi thịnh soạn cho các tướng lĩnh trọng yếu, trong lúc say rượu, Thái tổ khuyên họ đến các nơi tậu ruộng tốt, xây nhà đẹp, mua nhiều của cải, hưởng phúc một cách thanh nhàn. Ngày kế tiếp các tướng lĩnh đều cáo ốm từ quan. Đây chính là câu chuyện nổi tiếng “Binh biến Trần Kiều” và “Dùng rượu tước binh quyền”.
Thời kỳ đầu Bắc Tống chịu họa ngoại xâm từ nước Liêu ở phương bắc và nước Tây Hạ ở Tây Bắc. Thời Thái Tông nước Liêu xâm lấn, danh tướng Dương Nghiệp tại Nhạn Môn Quan lấy mấy ngàn binh lực đánh bại mười vạn đại quân nước Liêu, mở ra sự tích lịch sử “Dương gia tướng” rung động lòng người. Đệ nhất danh tướng Bắc Tống Dương Diên Chiêu (Lục Lang) là con trai của Dương Nghiệp, lúc Dương Nghiệp dẫn quân bắc phạt, Diên Chiêu đảm nhiệm vai trò tiên phong giao chiến kịch liệt với quân Khiết Đan. Trong lúc giao chiến, Diên Chiêu bị loạn tên bắn xuyên cánh tay, vẫn uy phong lẫm liệt, dẫn binh đánh quân Khiết Đan thảm bại.
Thời Chân Tông, quân Liêu được đích thân Tiêu thái hậu cầm quân tiến công Toại Thành, Dương Diên Chiêu đã lấy diệu kế đổ nước lên thành tạo băng cứu vãn nguy cơ phá thành. Mấy năm sau, Tiêu thái hậu lại dẫn mấy chục vạn đại quân xuống phía nam, sẵn dịp đường vòng bỏ trống tiến thẳng đến Thiền Châu, Tể tướng Khấu Chuẩn rất tin tưởng khả năng của Diên Chiêu và các tướng sĩ, chủ trương để Chân Tông thân chinh, quân Tống vô cùng phấn chấn, nước Liêu cầu hòa. Tống Liêu ký kết “Hòa ước Thiền Uyên”.
Thời Nhân Tông, Tây Hạ nhiều lần tấn công triều Tống, lúc đó Hàn Kỳ và Phạm Trọng Yêm cố thủ biên cương, Phạm Trọng Yêm nhìn thấy Tây Hạ vật tư thiếu thốn, mà triều Tống binh yếu, bởi vậy đề xuất sách lược lấy phòng thủ thay thế tấn công, cuối cùng Tây Hạ xưng thần mà cầu hòa. Phạm Trọng Yêm đã viết ra một câu rất nổi tiếng: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Kiểu in ấn bằng bộ chữ rời do Tất Thăng người thời Tống sáng chế là một phát minh lớn đã thay đổi thế giới. “Mộng Khê Bút Đàm” của Thẩm Quát đã ghi lại nội dung phong phú bao gồm các môn số học cổ đại, thiên văn, y học, xã hội học và các loại kỳ văn dị sự (chuyện lạ hiếm có), trong đó cũng đã ghi lại chuyện phát minh kỹ thuật in ấn bằng bộ chữ rời này của Tất Thăng.
Thời Thần Tông, danh tướng [1] Tư Mã Quang rất ưa thích đọc sách lịch sử, thế nhưng suy xét thấy sách lịch sử quá nhiều, khó mà đọc hết, thế là bỏ công 10 năm biên soạn “Tư Trị Thông Giám”, ghi lại các sự kiện lịch sử quan trọng theo trình tự thời gian.
Nước Kim diệt nước Liêu, cùng thời đó, Khâm Tông triều Tống bị đánh chiếm ở thủ đô Biện Kinh, bắt đi 2 vua Huy Tông và Khâm Tông, lịch sử gọi là “Họa Tĩnh Khang”. Bắc Tống kết thúc. Cao Tông lên ngôi, đóng đô tại Lâm An, bắt đầu thời kỳ Nam Tống. “Tinh trung báo quốc” Nhạc Phi với danh tiếng chấn động cổ kim chính là người thời này.
Nhạc Phi, thích đọc “Tả Truyện”, võ nghệ hơn người, có mưu trí, là người văn võ song toàn hiếm thấy. Ông có thể lấy ít thắng nhiều, từng dẫn 800 binh đại phá 50 vạn đạo tặc; tại trấn Chu Tiên với 500 kỵ binh thân cận, đại phá 10 vạn quân Kim do Ngột Truật dẫn đầu. Ở cuộc chiến Yển Thành Ngột Truật phái xuất 15 ngàn binh “Quải Tử Mã” không ai địch nổi, các tướng lĩnh đều cảm thấy kinh hãi, Nhạc Phi ung dung lệnh binh sĩ lấy đao xông vào trận chặt chân ngựa mà đại phá quân Kim, “Quải Tử Mã” từ đó bị phế bỏ. Lúc Nhạc Phi sắp đánh vào Biện Kinh, đón 2 vua Huy Tông và Khâm Tông trở về, đáng tiếc là Tần Cối lại chủ trương nghị hòa, trong một ngày truyền xuống 12 kim bài triệu hồi ông quay trở về, vu tội danh “Mạc tu hữu” [2] và chết trong ngục.
Những năm cuối Nam Tống, Mông Cổ nổi dậy, Hốt Tất Liệt tài trí mưu lược kiệt xuất, đã diệt triều Tống kiến lập triều Nguyên. Khi ấy vị tướng triều Tống Văn Thiên Tường thà chết chứ không chịu khuất phục, trong ngục ông đã viết ra tác phẩm nổi tiếng “Chính Khí Ca”, Hốt Tất Liệt chiêu hàng không thành. Sau khi Văn Thiên Tường hy sinh vì đại nghĩa, mọi người tìm thấy tờ giấy trong thắt lưng của ông ghi rằng: “Khổng viết thành nhân, Mạnh vân thủ nghĩa, tòng kim nhi hậu, thứ kỷ vô quý” (Khổng Tử nói xả thân vì chính nghĩa, Mạnh Tử nói chọn lấy nghĩa, từ nay về sau, không có gì để hổ thẹn).
Video: https://www.youtube.com/watch?v=lbgpZRQsjiQ&list=PLnr5-kA_zchCVCD35ZUFQ3SFrrj5JmYeY&index=32
(Còn tiếp)
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/246061
[1]: Chữ tướng trong tể tướng
[2]: “không cần phải có”, là câu trả lời của Tần Cối khi bị Hàn Thế Trung chất vấn rằng kết tội Nhạc Phi thì có bằng chứng gì không
Ngày đăng: 10-05-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.