Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (38)



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

蔡文姬(1),能(2)辨琴(3),

謝道韞(4),能詠吟(5)。

彼(6)女子,且(7)聰敏(8),

爾(9)男子,當(10)自警(11)。

Bính âm

蔡(cài) 文(wén) 姬(jī), 能(néng) 辨(biàn) 琴(qín),

謝(xiè) 道(dào) 韞(yùn),能(néng) 詠(yǒng) 吟(yín)。

彼(bǐ) 女(nǚ) 子(zǐ), 且(qiě) 聰(cōng) 敏(mǐn),

爾(ěr) 男(nán) 子(zǐ), 當(dāng) 自(zì) 警(jǐng)。

Chú âm

蔡(ㄘㄞˋ) 文(ㄨㄣˊ) 姬 (ㄐ│),

能(ㄋㄥˊ) 辨(ㄅ│ㄢˋ) 琴(ㄑ│ㄣˊ) ,

謝(ㄒ│ㄝˋ) 道(ㄉㄠˋ) 韞 (ㄩㄣˋ),

能(ㄋㄥˊ) 詠(ㄩㄥˇ) 吟(│ㄣˊ)。

彼(ㄅ│ˇ) 女(ㄋㄩˇ) 子 (ㄗˇ),

且(ㄑ│ㄝˇ) 聰(ㄘㄨㄥ) 敏 (ㄇ│ㄣˇ),

爾(ㄦˇ) 男(ㄋㄢˊ) 子(ㄗˇ),

當(ㄉㄤ) 自(ㄗˋ) 警(ㄐ│ㄥˇ)。

Âm Hán Việt

Thái Văn Cơ, Năng biện cầm,

Tạ Đạo Uẩn, Năng vịnh ngâm.

Bỉ nữ tử, Thả thông mẫn,

Nhĩ nam tử, Đương tự cảnh.

Tạm dịch

Bà Thái Văn Cơ, phân biệt tiếng đàn,

Bà Tạ Đạo Uẩn, ngâm xướng thơ ca.

Họ là phái nữ, thông minh nhanh nhẹn,

Bạn là phái nam, cần tự cảnh giới.

Từ vựng

(1) Thái Văn Cơ (蔡文姬): tên Diễm, là con gái của Thái Ung. Người lưu lại tác phẩm truyền đời “Hồ Già Thập Bát Phách”. Trong “Hậu Hán Thư. Đổng Tự Thê Truyện” nói bà “bác học mà lại có tài phân biệt, lại giỏi âm luật.” Trích dẫn về Thái tử Lý Hiền nhà Đường trong “Ấu Đồng Truyện” của Lưu Chiêu ghi chú rằng: Đêm tối Ung đàn cổ cầm, dừng lại ở một dây. Diễm nói: “Dây thứ hai” Ung nói: “Ngẫu nhiên mà nghe được thôi”. Vì thế cắt đứt một dây nữa rồi hỏi, Diễm nói: “Dây thứ tư.” Chẳng sai chút nào.

(2) năng (能): có thể.

(3) biện cầm (辨琴): phân biệt tiếng đàn.

(4) Tạ Đạo Uẩn (謝道韞): nữ thi nhân thời Đông Tấn. Cháu gái Tạ An, con gái của An Tây tướng quân Tạ Dịch, là con dâu của Vương Hi Chi, là vợ của Vương Ngưng Chi.

(5) vịnh ngâm (詠吟): ngâm xướng thơ ca.

(6) bỉ (彼): họ, người đó, ở chỗ này là chỉ Thái Văn Cơ và Tạ Đạo Uẩn.

(7) thả (且): còn.

(8) thông mẫn (聰敏): thông minh nhanh nhẹn.

(9) nhĩ (爾): bạn, anh, ngươi, các bạn, các anh, các ngươi.

(10) đương (當): nên, cần phải.

(11) tự cảnh (自警): tự mình phải cảnh giác không có bị bỏ lại phía sau.

Dịch nghĩa tham khảo

Thái Văn Cơ là con gái của Thái Ung cuối thời Đông Hán, có thể phân biệt ra được điềm lành dữ qua tiếng đàn. Tạ Đạo Uẩn cháu gái của Tể tướng Tạ An triều Tấn thì có thể xuất khẩu thành thơ.

Họ là những bé gái mà còn thông minh thiên bẩm như vậy, các bạn là những nam sinh càng nên xem chừng bản thân, cần tăng cường nỗ lực thật tốt mới đúng.

Đọc sách luận bút

Ở đây nhắc tới hai vị tài nữ, trong lịch sử Trung Quốc có tứ đại tài nữ như vậy, ngoài Ban Chiêu, Lý Thanh Chiếu, thì hai người còn lại chính là Thái Diễm và Tạ Đạo Uẩn được đề cập ở đây. Mục đích là từ góc độ rằng phái nữ mà học giỏi như thế để khích lệ phái nam càng nên học tốt hơn. Có điều hai vị tài nữ này mặc dù đều tài hoa lạ thường, nhưng tính tình lại rất khác nhau.

Thái Diễm, tự Văn Cơ, là con gái của Thái Ung ở cuối thời Đông Hán, cả đời lang bạt kỳ hồ, số phận long đong lận đận, mọi người hẳn là rất quen thuộc, cũng rất đồng cảm với câu chuyện của bà. Là một cô gái yếu đuối, sau khi kết hôn một năm thì chồng bà mất, sau đó bà bị bắt làm tù binh gả cho vua Hung Nô và sinh con cho ông ta, về sau được Tào Tháo bỏ số tiền lớn chuộc về, tái giá lần nữa, chịu đựng nỗi đau mẹ con phân ly. Cả đời bà đã để lại tác phẩm âm luật “Hồ Già Thập Bát Phách”, đây là cống hiến lớn nhất của bà. Nhưng những sáng tác văn thơ khác của bà lưu lại rất ít. Trong “Tùy Thư. Kinh Tịch Chí” có một cuốn “Thái Văn Cơ Tập”, nhưng đã thất truyền. Đoán chừng có liên quan đến nhiều bi tình ly hận của bà. Tác phẩm văn học của Thái Văn Cơ hiện nay chỉ có thể tìm được hai bài “Bi Phẫn Thi”. Ý chính của các bài này vẫn là bi phẫn.

Tuy tác phẩm của Thái Văn Cơ chân tình, nhưng tình cảm ai oán và bi thương quá nặng, mặc dù làm người ta đồng tình thương xót, nhưng cuối cùng không thoát ra khỏi tình cảm nhỏ hẹp của phái nữ. Còn Tạ Đạo Uẩn thời Đông Tấn thì hoàn toàn khác biệt, cũng gặp phải biến cố, chồng con đều bị sát hại, nhưng bà ý chí kiên cường, chính khí lẫm liệt, làm cho người ta kính ngưỡng. Mọi người xem xong câu chuyện bên dưới, sẽ phát hiện ra cảnh giới và nhân cách của Tạ Đạo Uẩn khác với những người thường. Bà hoàn toàn hiểu rõ được mục đích chân chính của người đọc sách. Bà có can đảm thực hành trung nghĩa, bảo vệ bách tính, không có chút nào ai oán. Vì vậy tác phẩm của bà ý cảnh cao xa, khí thế hùng vĩ, không phủ lên cảm xúc bi thương quá mức, chính khí tràn đầy.

“Vịnh nhứ tài” Tạ Đạo Uẩn, một bậc nữ anh hùng

Tạ Đạo Uẩn được người đời sau tôn làm người đứng đầu trong tứ đại tài nữ Trung Quốc. Bà không chỉ xuất thân từ một gia đình danh giá, tài hoa hơn người, nổi tiếng khắp thiên hạ vì một câu nói “Vị nhược liễu nhứ nhân phong khởi” (Chi bằng ví hoa tuyết như tơ liễu gió thổi bay), bà còn là một nữ anh hùng có thể sánh ngang với Hoa Mộc Lan.

Trong “Thế Thuyết Tân Ngữ” ghi chép rằng: lúc Tạ Đạo Uẩn mười bốn tuổi, có một lần gia đình đoàn tụ vào một ngày đông, đúng dịp có tuyết lớn bay đầy trời, chú ruột của bà là Tể tướng Tạ An đột nhiên có nhã hứng ra đề hỏi hai người cháu mình đang ngồi chung: “Bạch tuyết phân phân hà sở tự?” (Tuyết trắng tới tấp giống gì nhỉ?) Anh họ của Tạ Đạo Uẩn là Tạ Lãng nhanh nhẩu trả lời: “Tát diêm không trung soa khả nghĩ.” (Ví như tung muối lên không trung chắc chẳng sai) Tạ Đạo Uẩn tiếp lời: “Vị nhược liễu nhứ nhân phong khởi” (Chưa hay bằng ví như tơ liễu bay trong gió). Ý nói, hình ảnh ví von của Tạ Lãng không bằng hình ảnh tơ liễu bị gió thổi bay, như thế tự nhiên hơn. Tạ An nghe xong vỗ bàn khen ngợi, không ngờ đứa cháu gái nhỏ này lại có thể xuất ra ý cảnh vần thơ đẹp như vậy, thế là rất tán thưởng bà, cho rằng bà so sánh rất tinh diệu, ý tứ văn vận thật nhanh nhạy thông minh. Người đời sau đã mượn cụm từ “vịnh nhứ tài” [1] này để khen ngợi người nữ có tài văn thơ.

Người người đều biết bà là người có tài văn thơ, nhưng lại không biết bà là người trung nghĩa, trước gian nguy không hề run sợ, nam giới không sánh kịp. Cha của Tạ Đạo Uẩn là tướng quân, bản thân bà là trưởng nữ, được gia đình giáo dục coi trọng cả văn lẫn võ, bởi vậy bà được hun đúc tài văn có thể so với Lý Thanh Chiếu, tài võ can đảm có thể so với Hoa Mộc Lan.

Năm đó, Vương Ngưng Chi chồng bà làm Thái thú Cối Kê, Tôn Ân nổi loạn, chiến tranh lan đến Cối Kê. Vì để bảo vệ thành, bà đã đích thân chiêu mộ mấy trăm gia đinh hàng ngày tiến hành huấn luyện. Sau khi đại quân của Tôn Ân xông vào thành Cối Kê, chồng bà Vương Ngưng Chi và con cái tất cả đều bị giết. Tạ Đạo Uẩn tận mắt thấy chồng con gặp thảm nạn, nhưng vẫn có thể nén nỗi đau to lớn đó, không chút sợ hãi, cầm binh khí cùng các nữ gia nhân hăng hái giết giặc. Cuối cùng, vì không địch lại số đông nên bị bắt, Tôn Ân có lần muốn giết cháu ngoại bà là Lưu Đào để uy hiếp bà thì bà cao giọng nói: “Chuyện nhà họ Vương, liên quan gì họ khác? Đây là cháu ngoại Lưu Đào, nếu muốn giết thêm nữa, chi bằng giết ta trước!” Tôn Ân sớm nghe nói Tạ Đạo Uẩn tài hoa xuất chúng, nay lại thấy bà có phẩm đức cao thượng như vậy, có thể đại nghĩa lẫm liệt như vậy, không sợ hãi chút nào, sinh lòng cảm phục, bèn thả bà ra.

Về sau, bà trọn đời không tái giá, sống một mình trong núi, sống cuộc đời thanh tịnh như một ẩn sĩ, bà viết ra bài “Thái Sơn Ngâm” nổi tiếng, dù chồng con đều bị giết trong ‘chiến loạn Tôn Ân’, nhưng trong thơ của bà chẳng những không có bộc lộ ra ai oán của nữ nhân bình thường, ngược lại ý cảnh lại còn hùng vĩ cao xa. Chính vì như thế, các bài thơ khác do Tạ Đạo Uẩn sáng tác đều được hậu thế khen ngợi, có thể để đời. Thơ văn của bà phản ánh tấm lòng và nhân cách phi phàm của bà, đọc lên có thể đề cao chính khí con người, làm cho tâm hồn rộng mở, yêu quý thiên nhiên. Cho nên mọi người kính trọng và ngưỡng mộ bà, chứ không phải thương xót, bà được xếp đứng đầu trong các vị tài nữ vì chỉ nhân cách như thế mới xứng đáng.

Chú thích:

[1] Vịnh nhứ tài: nhứ nghĩa là tơ liễu, vịnh nhứ tài là cái tài ngâm vịnh câu thơ về tơ liễu.

Video:

https://www.youtube.com/watch?v=xHRf-y4Aq9g&list=UUTHdYZSBURpwULSyAYzAsJg&index=5

Dịch từ:

http://big5.zhengjian.org/node/246070



Ngày đăng: 24-06-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.