Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (28)
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
宋(1)齊(2)繼(3),梁(4)陳(5)承(6),
為南朝(7),都(8)金陵(9)。
北(10)元魏(11),分東西(12),
宇文周(13),與高齊(14)。
Bính âm
宋(sòng) 齊(qí) 繼(jì), 梁(liáng) 陳(chén) 承(chéng),
為(wéi) 南(nán) 朝(cháo),都(dū) 金(jīn) 陵(líng)。
北(běi) 元(yuán) 魏(wèi), 分(fēn) 東(dōng) 西(xī),
宇(yǔ) 文(wén) 周(zhōu),與(yǔ) 高(gāo) 齊(qí)。
Chú âm
宋(ㄙㄨㄥ\) 齊(ㄑㄧ/) 繼(ㄐㄧ\),
梁(ㄌㄧㄤ/) 陳(ㄔㄣ/) 承(ㄔㄥ/),
為(ㄨㄟ/) 南(ㄋㄢ/) 朝(ㄔㄠ/),
都(ㄉㄨ) 金(ㄐㄧㄣ) 陵(ㄌㄧㄥ/)。
北(ㄅㄟˇ) 元(ㄩㄢ/) 魏(ㄨㄟ\),
分(ㄈㄣ) 東(ㄉㄨㄥ) 西(ㄒㄧ),
宇(ㄩˇ) 文(ㄨㄣ/) 周(ㄓㄡ),
與(ㄩˇ) 高(ㄍㄠ) 齊(ㄑㄧ/)。
Âm Hán Việt
Tống Tề kế, Lương Trần thừa,
Vi Nam Triều, Đô Kim Lăng.
Bắc Nguyên Ngụy, Phân Đông Tây,
Vũ Văn Chu, Dữ Cao Tề.
Tạm dịch
Tống Tề kế tục, Lương Trần kế thừa,
Làm thành Nam Triều, đặt đô Kim Lăng.
Bắc triều vốn là Ngụy, chia ra Đông Tây,
Tây Vũ Văn Chu, và Đông Cao Tề.
Từ vựng
(1) Tống (宋): tên một triều đại của Nam triều thời kỳ Nam Bắc triều. Vị vua khai quốc là Lưu Dụ (Tống Vũ Đế), tiểu tự Ký Nô, là hậu duệ của Sở Nguyên Vương Lưu Giao, em trai của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông có công với Đông Tấn, được ban tước Tống vương. Sau này ông cưỡng bức vua Tấn Cung Đế nhường ngôi cho ông, đổi quốc hiệu là Tống. Lịch sử gọi là Tống Nam triều hoặc Lưu Tống (khác với Triệu Tống, triều Tống sau này). Công nguyên năm 479, Tống Thuận Đế Lưu Chuẩn bị Tiêu Đạo Thành bức ép, đem đế vị nhường cho Tiêu Đạo Thành, Tống Nam triều cuối cùng cũng bị Tề Nam triều thay thế. Lưu Tống tồn tại tổng cộng 59 năm.
(2) Tề (齊): tên một triều đại của Nam triều thời kỳ Nam Bắc triều. Tiêu Đạo Thành soán ngôi nhà Tống tự lập làm hoàng đế, quốc hiệu là Tề, tức Tề Cao Đế, Tề tồn tại được 24 năm.
(3) kế (繼): kế tục, liên tiếp.
(4) Lương (梁): tên một triều đại của Nam triều thời kỳ Nam Bắc triều. Đông Hôn Hầu triều Tề bạo ngược vô đạo, thế là thứ sử Tiêu Diễn khởi binh diệt Tề, Tiêu Diễn lên ngôi làm Lương Vũ Đế. Sau bởi vì Hầu Cảnh làm phản, dựa vào đó Trần Bá Tiên khởi binh thảo phạt Hầu Cảnh, nhưng Lương cũng bị Trần Bá Tiên cướp ngôi, Lương vong, tổng cộng tồn tại được 56 năm.
(5) Trần (陳): tên một triều đại của Nam triều thời kỳ Nam Bắc triều, Trần Bá Tiên là vua khai quốc, bởi vì Hầu Cảnh làm loạn tàn phá đất nước hơn nữa tài nguyên thiếu thốn, đến đời hậu chủ (Trần Thúc Bảo, con Trần Bá Tiên), thì bị nhà Tùy tiêu diệt, tồn tại tổng cộng được 33 năm.
(6) thừa (承): kế tục, kế thừa.
(7) Nam Triều (南朝): gồm 4 triều Tống, Tề, Lương, Trần.
(8) đô (都): đặt kinh đô.
(9) Kim Lăng (金陵): địa danh, nay là Nam Kinh.
(10) Bắc (北): bắt đầu từ việc Bắc Ngụy thống nhất phương Bắc, đến tận khi Tùy Văn Đế diệt Bắc Chu, trải qua Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, lịch sử gọi là “Bắc triều”.
(11) Nguyên Ngụy (元魏): tức Bắc Ngụy, còn gọi bằng các tên là Hậu Ngụy, Thác Bạt Ngụy, Nguyên Ngụy. Thác Bạt Khuê là vị hoàng đế khai quốc Bắc Ngụy, sử gọi là Thái Tổ Đạo Vũ Đế. Bởi vì Ngụy Hiếu Văn Đế đổi sang họ Nguyên, cho nên còn gọi là Nguyên Ngụy.
(12) Phân Đông Tây (分東西): Ngụy chia làm Đông Ngụy cùng Tây Ngụy. Về sau, thực quyền Bắc Ngụy do Đại tướng Cao Hoan cùng Vũ Văn Thái nắm giữ. Công nguyên năm 534, Bắc Ngụy Hiếu Vũ Đế chạy trốn tới Trường An nương nhờ Vũ Văn Thái. Năm thứ hai, Vũ Văn Thái giết Hiếu Vũ Đế, lập Văn Đế lên ngôi; Cao Hoan lập Ngụy Hiếu Tĩnh Đế, dời đô về Nghiệp Thành. Từ đây, Bắc Ngụy chia ra thành hai triều đình. Trong lịch sử gọi triều đình đóng đô tại Trường An là Tây Ngụy, đóng đô tại Nghiệp Thành là Đông Ngụy.
(13) Vũ Văn Chu (宇文周): là Bắc Chu của thời kỳ Nam Bắc triều. Tây Ngụy sau đó bị Vũ Văn Giác soán ngôi, thành lập Bắc Chu. Bởi vì họ của hoàng thất là Vũ Văn, còn gọi là Vũ Văn Chu. Sau này thì triều đại này bị nhà Tùy tiêu diệt, tồn tại được 25 năm.
(14) Cao Tề (高齊): là Bắc Tề của thời kỳ Nam Bắc triều. Đông Nguỵ bị Văn Tuyên Đế Cao Dương thay thế, kiến lập ra Tề quốc. Sử gọi là Bắc Tề. Bởi vì hoàng thất họ Cao, còn gọi là Cao Tề. Sau bị Bắc Chu tiêu diệt, tồn tại được 28 năm.
Dịch nghĩa tham khảo
Sau khi triều Tấn truyền được hơn 100 năm thì Trung Quốc tiến vào thời đại Nam Bắc triều. Trong đó Nam triều gồm 4 triều đại Tống, Tề, Lương, Trần. Bốn triều đại này lập kinh đô tại Kim Lăng.
Mở đầu từ Nguyên Ngụy Bắc triều, cho đến thời Hiếu Vũ Đế, Nguyên Ngụy phân ra thành Đông Nguỵ và Tây Ngụy. Sau đó, Vũ Văn Giác soán ngôi Tây Ngụy, kiến lập Bắc Chu, Cao Dương soán ngôi Đông Ngụy, kiến lập Bắc Tề.
Giảng giải văn tự
Lịch sử từ thời Tam Quốc vào những năm cuối thời Đông Hán bước tới triều Tấn, rồi lại từ triều Tấn, tiến vào thời kỳ Nam Bắc triều. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 420 Lưu Dụ cướp ngôi Đông Tấn kiến lập Tống Nam triều, đến năm 589 triều Tùy diệt triều Trần của Nam triều mới kết thúc. Thời kỳ này là kế thừa Đông Tấn, Ngũ Hồ thập lục quốc (thời 5 dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa, bao gồm 16 nước từ năm 304 đến năm 439), tiếp sau đó triều Tùy kế tục. Bởi vì 2 thế lực Nam Bắc đối lập nhau thời gian dài, cho nên gọi là Nam Bắc triều.
Chúng ta nói, lịch sử từ năm 220 cuối thời nhà Hán bắt đầu Tam Quốc phân quyền, cho đến thời Nam Bắc triều, dài đến 360 năm. Nếu như bao gồm cả những năm bạo loạn cuối thời nhà Hán, thì gần như tương đương với 400 năm, cùng ngang bằng số năm với lịch sử thống nhất của hai vương triều chính thống là nhà Hán và nhà Đường. Đây là thời đại chính quyền chia rẽ lâu dài hoặc là luân phiên thống trị.
Sự hỗn loạn và chia rẽ lâu dài này mang ý nghĩa gì? Nếu Trung Nguyên từ xưa đã được gọi là Thần Châu, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc đã viết dự ngôn Mã Tiền Khóa, đã tiên đoán sự hưng vong các triều đại sau đó và sụp đổ của chính quyền Thục Hán mà bản thân ông nắm quyền. Có thể thấy rằng lịch sử đi theo sự an bài của Thiên ý. Mục đích là qua các triều đại mà lưu lại văn hóa và hành vi tư tưởng làm người tương ứng, cho nên tất nhiên là văn hóa của Thần truyền.
Bài học trước giảng rằng điều mà lịch sử của Tam Quốc diễn là nội hàm văn hóa của chữ “Nghĩa”. Đương nhiên lòng nhân đức và phong thái đạo đức của bậc quân vương thời cổ đại về chiêu hiền đãi sĩ của Lưu Bị vẫn không thay đổi. Điều đó giống như một sự tổng kết về văn hóa Nho gia. Sau đó sẽ bắt đầu đặt định văn hóa Phật gia.
Nhìn lại thời Xuân Thu Chiến Quốc những năm cuối nhà Chu, cũng trải qua hàng trăm năm chia rẽ và hỗn loạn, nhưng cũng chính vì vậy mà đã xuất hiện những tư tưởng của Bách Gia Chư Tử lấy Nho gia và Đạo gia làm đầu để tổng kết văn hóa thượng cổ, xác lập địa vị chính thống của Nho gia là tư tưởng chỉ đạo để làm người trong nhân thế, Đạo gia tồn tại lúc ẩn lúc hiện là vì để tu hành và phụng Thiên ý trợ giúp sức lực và trí tuệ để thay đổi các triều đại. Bởi vậy khi lịch sử lại bước sang một thời đại chia rẽ kéo dài 400 năm, tất nhiên có ý nghĩa của nó.
Từ thời Tam Quốc, vì để diễn dịch chữ “Nghĩa”, là để tổng kết văn hóa Nho gia, lưu lại tư tưởng nhân nghĩa. Song một tư tưởng khác cũng được định sẵn, tư tưởng Phật gia, sẽ bắt đầu du nhập vào Trung Quốc một cách toàn diện, vì thế mà tiếp đó đã tạo nên một triều Đường đại thống nhất, đặt định tam giáo đại phồn vinh, đặt định cơ sở cho thời đại văn hóa đạt đến đỉnh cao.
Do đó đã được định rằng triều Tấn chỉ là thống nhất ngắn ngủi, chú trọng hình thành lý luận độc lập, thẩm mỹ quan của các loại nghệ thuật như văn học, thơ ca, thư họa, lâm viên, sau đó tiếp tục đặt định cơ sở cho văn hóa nghệ thuật triều Đường, rồi lại phân chia thành Nam Bắc triều. Giai đoạn Nam Bắc triều này, chính quyền thay đổi liên tục, mục đích là để các dân tộc thiểu số không ngừng dung hợp cùng Hán tộc Trung Nguyên, hoàn thành đại dung hòa văn hóa dân tộc, mục đích chính là để văn hóa Phật từ Tây Vực rộng lớn truyền vào Trung Nguyên, phổ biến và hưng thịnh Phật giáo, đặt định cơ sở cho tư tưởng văn hóa tu luyện Phật pháp được lưu lại ở Trung Nguyên.
Cho nên nhìn lịch sử của thời kỳ này, nhiều hoàng đế đều tín phụng Phật giáo, một số lớn chùa chiền được khởi công xây dựng. Chúng ta nhìn về thời Nam Triều giàu có, chùa chiền các đời Nam Triều cũng như tăng ni các loại đều rất nhiều. Theo ghi chép, nhà Tống có 1913 chùa chiền, 36000 tăng ni; nhà Tề có 2015 chùa chiền, 32500 tăng ni; nhà Lương có 2846 chùa chiền, 82700 tăng ni; nhà Trần có 1232 chùa chiền, 32000 tăng ni. Không ít vương thần, quan lớn cùng văn nhân học sĩ, thậm chí dân gian cũng hết lòng tin theo Phật pháp, cho nên chùa chiền khắp cả Giang Đông, mà thời Lương Vũ Đế là tạo ra chùa chiền nhiều nhất, cũng xa hoa và đẹp đẽ nhất.
Sau đoạn lịch sử đầy biến động này, cuối cùng Phật pháp đã tiến nhập vào Trung Nguyên, đặt cơ sở cho sự hưng thịnh toàn diện của Phật pháp vào triều Đường. Hết thảy nhìn như không có thứ tự, kỳ thực là an bài một vở kịch lớn đã định sẵn của lịch sử để lưu lại nền văn hóa Thần truyền.
Nhưng ngay cả trong thời đại này, lịch sử vẫn chứng thực như cũ, ‘nhân quân hưng quốc, hôn quân vong quốc’ (vua nhân ái thì nước hưng thịnh, vua ngu tối thì nước diệt vong). Do điều đó không là trọng điểm của câu chuyện này, nên không nói ra đây. Song nếu bạn có hứng thú thì có thể tự nghiên cứu.
Câu chuyện Lương Vũ Đế
Lương Vũ Đế là hoàng đế khai quốc nhà Lương thời kỳ Nam Triều, đồng thời ông cũng là một tín đồ Phật giáo rất sùng đạo. Trong ba bốn mươi năm trị vì, ông được các sử gia ca tụng là thời thịnh thế chưa từng có trong suốt hơn 200 năm các triều đại Ngụy Tấn thời kỳ Nam triều, tại các phương diện chính trị và văn hóa, cũng có được thành tựu rất huy hoàng. Sách sử nói ông: “Lục nghệ đầy đủ, chơi cờ vượt trội, lịch số âm dương, bói toán bốc quẻ, cái gì cũng giỏi… Thư từ thảo lệ, cưỡi ngựa bắn cung, không gì không hay” (Thư từ thảo lệ: là thư từ theo lối viết thảo, Lệ thư). Sau đây là một câu chuyện liên quan với Lương Vũ Đế.
Lương Vũ Đế nghe người khác nói có một vị thiền sư tên là Khải Đầu Sư, vị này tu thiền rất tinh tấn, đồng thời rất có thần thông, cho nên tâm sinh ý kính trọng, muốn gặp gỡ ông, liền phái người đi tìm. Có một ngày, Lương Vũ Đế đang cùng người khác ngồi chơi cờ. Bỗng nhiên có sứ giả đến bẩm báo: “Vị pháp sư mà bệ hạ muốn tìm, ông ta đã đến ạ!” Lúc ấy Lương Vũ Đế đang chuyên tâm đánh cờ, muốn diệt một quân cờ của đối phương, lại lớn tiếng nói ra: “Giết chết!” Sứ giả liền mau ra ngoài, đem vị pháp sư này chém chết.
Chờ ván cờ này chơi xong, Lương Vũ Đế mới nhớ tới, nói: “Mời pháp sư vào!” Sứ giả trả lời: “Vừa rồi bệ hạ ra lệnh giết chết, thần đã phụng mệnh giết ông ta rồi ạ!” Lương Vũ Đế rất đau buồn, liền hỏi: “Pháp sư trước khi chết, có nói gì không?” Sứ giả nói: “Pháp sư nói: Bần tăng vô tội! Chỉ là do ta trước đây có một đời là nông dân, lúc dùng thuổng sắt đào đất, giết lầm một con giun. Hoàng Thượng đương thời chính là con giun ấy. Cho nên bây giờ ta bị cái báo ứng này”. Lương Vũ Đế nghe xong, nước mắt chảy xuống, hối hận không thôi.
Câu chuyện này, là để nói cho người đời sau rằng nhân quả báo ứng mà Phật pháp giảng là điều thực sự tồn tại, con người không thể tùy ý giết hại sinh mệnh, thiện ác hữu báo là Thiên lý, vô luận là người nào, thân phận nào, đều phải tự gánh chịu quả báo từ việc làm thiện ác của mình. ‘Thiện nhân thiện báo, ác nhân ác báo’ đã khởi lên tác dụng khuyến thiện.
Video:
Dịch từ:
http://big5.zhengjian.org/node/246059
Ngày đăng: 25-02-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.