Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (5)



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

香(1)九齡(2) 能溫(3)席(4)

孝於親(5)所當(6)執(7)

融(8)四歲  能讓(9)梨

弟(10)於長(11) 宜(12)先知

Bính âm

香(xiāng) 九(jiǔ) 齡(líng), 能(néng) 温(wēn) 席(xí),

孝(xiào) 於(yú) 親(qīn), 所(suǒ) 當(dāng) 執(zhí)。

融(róng) 四(sì) 歲(suì), 能(néng) 讓(ràng) 梨(lí),

弟(tì) 於(yú) 長(zhǎng), 宜(yí) 先(xiān) 知(zhī)。

Chú âm

香(ㄒ一ㄤ) 九(ㄐ一ㄡˇ) 齡(ㄌ一ㄥˊ),

能(ㄋㄥˊ) 溫(ㄨㄣ) 席(ㄒ一ˊ),

孝(ㄒ一ㄠˋ) 於(ㄩˊ) 親(ㄑ一ㄣ),

所(ㄙㄨㄛˇ) 當(ㄉㄤ) 執(ㄓˊ)。

融(ㄖㄨㄥˊ) 四(ㄙˋ) 歲(ㄙㄨㄟˋ),

能(ㄋㄥˊ) 讓(ㄖㄤˋ) 梨(ㄌ一ˊ),

弟(ㄊ一ˋ) 於(ㄩˊ) 長(ㄓㄤˇ),

宜(一ˊ) 先(ㄒ一ㄢ) 知(ㄓ)。

Âm Hán Việt

Hương cửu linh, Năng ôn tịch,

Hiếu vu thân, Sở đương chấp.

Dung tứ tuế, Năng nhượng lê,

Đễ vu trưởng, Nghi tiên tri.

Tạm dịch:

Hoàng Hương 9 tuổi, có thể ủ ấm chiếu,

Hiếu với cha mẹ, là việc nên làm.

Khổng Dung 4 tuổi, có thể nhường lê,

Thuận theo anh chị, là điều trước tiên nên biết.

Từ vựng

(1)Hương (香): chỉ Hoàng Hương, người thuộc vùng Giang Hạ thời Đông Hán.

(2)Cửu linh (九龄): chín tuổi.

(3)Ôn (温): hâm nóng, làm cho ấm áp.

(4)Tịch (席): chiếu, sản phẩm dệt bằng cây cỏ dùng để kê lót khi ngủ.

(5)Thân (親/亲): cha mẹ.

(6)Đương (當/当): nên, cần phải, hẳn là.

(7)Chấp (執/执): chấp hành, thi hành, thực hành, làm.

(8)Dung (融): chỉ Khổng Dung (153 – 208), tự là Văn Cử, nhà văn học thời Đông Hán, người nước Lỗ (nay là Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông). Là người đứng đầu trong Kiến An Thất Tử, tài văn chương rất phong phú, cháu đời thứ 20 của Khổng Tử.

(9) Nhượng (讓/让): lễ nhượng, khiêm nhượng, nhún nhường.

(10)Đễ (弟) hoặc (悌): kính nhường anh chị. Một âm khác là ‘Đệ’ nghĩa là em trai, em gái.

(11)Trưởng (長/长): anh cả, chị cả; trưởng huynh, trưởng tẩu.

(12)Nghi (宜): nên, cần phải.

Diễn giải tham khảo

Khi Hoàng Hương lên chín tuổi đã biết dùng hơi ấm cơ thể của mình để ủ ấm chăn chiếu lúc đêm đông lạnh giá, sau đó mới mời cha lên giường đi ngủ. Vì hiếu thảo với cha mẹ, là bổn phận mà người làm con nên làm.

Khổng Dung khi mới bốn tuổi đã biết đạo lý khiêm nhường, lấy quả lê to nhường cho anh ăn, còn mình thì ăn quả nhỏ. Yêu mến anh chị là đạo lý mà các em trai, em gái từ khi còn nhỏ nên hiểu biết trước tiên.

Đọc sách luận bút

1/ Trước hết hãy hiếu kính cha mẹ

Ở bài trước, Tam Tự Kinh đã bắt đầu giảng trực tiếp cho trẻ ngay từ nhỏ là làm người cần phải tiếp thụ giáo dục, bởi vì “Nhân bất học, Bất tri nghĩa” (Người mà không học, không biết lẽ phải). Cần phải học tập nghĩa lý, hiểu được đạo lý làm người, thì tương lai mới có thể trở thành nhân tài có ích cho xã hội. Vì vậy, giáo đạo con cái cần “Thân sư hữu, Tập lễ nghi”. Gần gũi thầy tốt bạn hiền, cùng học tập những lễ nghi tốt đẹp ở họ và những nguyên tắc đối nhân xử thế đúng đắn.

Do đó, tám câu trong bài này tiếp tục dùng hai câu chuyện có thật, tiêu biểu nhất thời cổ đại của hai em bé để làm ví dụ, giúp trẻ em biết nên bắt đầu từ đâu trước. Muốn hiểu đúng đạo lý xử thế thì trước hết phải ghi nhớ hai yêu cầu cơ bản của đạo làm người, đó chính là phải giảng về hai chữ: 孝 ‘hiếu’ với cha mẹ và 悌 ‘đễ’ với anh chị trong gia đình. Điều đầu tiên cần giáo đạo cho trẻ chính là con trẻ cần lấy tâm thái hiếu đễ để đối đãi với người thân bên cạnh mình, ấy là cha mẹ và anh chị. Đây là tất cả những điều cơ bản của việc làm người.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ!” (Hiếu và đễ là cái gốc làm người). Chính là nói hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh em là những điều căn bản của lòng nhân ái.

Trong chữ Hán, nghĩa gốc của chữ ‘hiếu’ 孝 là nói đến lòng kính trọng, yêu thương, lòng biết ơn đối với cha mẹ, là đạo lý của người dưới đối với người trên. Tương lai bước ra xã hội, đối với cha mẹ người khác, người ngang hàng với cha mẹ mình và hết thảy những người ở thế hệ lớn tuổi hơn, hoặc cấp trên, giám đốc ở nơi làm việc đều có thái độ cơ bản đúng mực. Tất cả những điều ấy đều là từ hiếu tâm đối với cha mẹ trong gia đình mà ra. Dưỡng thành thái độ và lễ nghi làm người khiêm tốn, cung kính, có hàm dưỡng một cách cơ bản nhất.

2/ Văn hóa truyền thống lấy hiếu trị quốc

Trong chữ ‘hiếu’ 孝, bên trên là chữ ‘lão’ 老, bên dưới là chữ ‘tử’ 子, chuyên dùng cho mối quan hệ của con em đối với bậc trưởng bối là người già, thầy giáo. Do vậy khi thứ bậc khác nhau, thì hiếu được dùng để bày tỏ lòng kính ái của bề dưới đối với bề trên. Vì vậy, chữ ‘hiếu’ với nghĩa rộng sẽ được mở rộng ra toàn xã hội, khiến bạn khi gặp người già hay người lớn hơn đều phải nhân ái kính trọng. Cả xã hội đều như vậy thì đất nước mới ổn định. Vì vậy, từ thời nhà Hán đã lưu lại truyền thống bậc đế vương lấy hiếu trị quốc. Trong việc đối xử với cha mẹ mình, bậc đế vương cũng phải làm tấm gương sáng, lấy tâm nhân ái như vậy chăm sóc cho bách tính thiên hạ.

Vì vậy, thời cổ đại khi đề cử nhân tài làm quan đều là đề cử người hiếu thảo. Người ta tán thưởng và tín nhiệm bậc hiếu tử, cho rằng người biết hiếu kính cha mẹ ở nhà thì sẽ có lòng nhân ái, sẽ có lòng cảm ân và quan tâm chăm sóc đến dân chúng vốn là những người đóng thuế nuôi mình. Người hiếu thảo là người đáng tin cậy nhất, chỉ có người như vậy mới có thể khiến người ta yên lòng giao phó nhiệm vụ và trách nhiệm chăm sóc bách tính cho anh ta.

3/ Nội hàm của ‘đễ’

‘Đễ’ (弟 hoặc 悌), cũng có ý là kính ái, cũng là thái độ và sự tu dưỡng cơ bản của người dưới với người trên. Nhưng có khác với hiếu, nó không phải là đối với người ở thế hệ trên hay cấp trên, những người mà chức vị và vai vế đều cao hơn mình, mà là với người cùng thế hệ với mình, nhưng tuổi tác lớn hơn mình. Đương nhiên, trước hết là đối với anh chị trong gia đình, phải biết kính lễ, thân thiện. Đó cũng là một loại tâm nhân ái. Khi hiểu được mối quan hệ và thái độ cơ bản này, thì ngôn hành sẽ biểu đạt ra sự kính nhường, khiêm tốn và cung kính.

4/ Làm người vì sao giảng hiếu đễ đầu tiên

Có nhiều trẻ sẽ không phục, cho rằng tại sao chúng ta phải nhấn mạnh thái độ của người dưới đối với người trên, mà không phải là tâm từ ái của người trên với người dưới? Thực ra, về trên đối với dưới, cha mẹ hay anh chị, nhất là cha mẹ, luôn quan tâm và chăm sóc con cái, đây là sự yêu thương, xuất phát từ nội tâm, coi như bảo vật, dành hết thảy cho con cái, thân tình quan tâm hết mức, là thiên tính tạo ra. Song, khi cha mẹ quá dễ dàng, cưng chiều con quá mức tự nhiên, sẽ biến con trẻ trở thành kẻ không biết cảm ân, đương nhiên sẽ thành đứa con hư hỏng.

Hơn nữa ở trên đời, yêu thương phó xuất vô điều kiện chỉ có cha mẹ mới có thể làm được, và người ta luôn so sánh tình yêu thương vô tư của người khác với tâm yêu thương của cha mẹ. Ví như ân giáo đạo của sư phụ, thầy giáo cũng vĩ đại như tình cha, nên được mọi người tôn xưng là ‘sư phụ’. Ân tình này làm sao mà không biết cảm kích. Nếu như cha mẹ yêu thương nhất của mình mà cũng không biết kính yêu, phụng dưỡng, thì không xứng là người.

Còn với anh chị, tuy không phó xuất như cha mẹ nhưng họ vẫn đảm đương trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ em, chia xẻ nỗi lo của cha mẹ. Nếu xảy ra chuyện, cha mẹ sẽ trách hỏi anh chị trước tiên vì sao không dẫn dắt các em cho tốt. Cổ huấn Trung Quốc dạy rằng: “Trưởng huynh như phụ, trưởng tẩu như mẫu” (Anh cả như cha, chị cả như mẹ). Nghĩa là, anh chị lớn sẽ vì chăm sóc các em, mà gánh chịu rất nhiều trách nhiệm, sẽ hy sinh cho gia đình, bỏ ra nhiều công sức. Vì lớn tuổi hơn, sẽ không được tự do làm theo ý mình như các em. Cho nên, các em phải biết cảm tạ, cũng phải tôn kính và khiêm nhường đối với anh chị.

Đối xử với người thế hệ trên, cấp trên như với cha mẹ. Đối xử với bạn bè lớn tuổi hơn như với anh chị. Tiến lùi phù hợp, khiêm tốn cung kính lễ độ, cuộc sống suôn sẻ như ý, đều xuất phát từ tâm hiếu đễ của gia đình.

Vì vậy mà Khổng Tử đã nhấn mạnh: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ!” (Hiếu và đễ là cái gốc làm người).

Văn hóa lễ nghi làm người ở Trung Quốc, hạch tâm (trung tâm, cốt lõi) đều là bảo vệ hai chữ ‘nhân nghĩa’ 仁義 , đạo lý này trước hết đặt cơ sở trên mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái và anh chị em trong gia đình. Khi lớn lên, ra ngoài xã hội, sẽ biết cách đối xử với người khác. Vì vậy, cái gọi là “Thân sư hữu, Tập lễ nghi”, chính là trước tiên phải hiểu được hạch tâm của ‘lễ nghi’ (禮儀) , nằm ở ‘nhân nghĩa’ (仁義) , cơ bản của ‘nhân nghĩa’ lại nằm ở ‘hiếu đễ’ (孝悌).

Chúng ta biết rằng Nhật Bản đặc biệt chú trọng đến sự khiêm tốn, cảm ân (lòng biết ơn), lễ kính tiền bối và khách nhân (khách hàng, khách đến nhà…), bởi vì họ bắt đầu học hỏi lý niệm làm người truyền thống của Trung Quốc từ thời Tùy Đường. Mặt khác họ bảo trì cho đến ngày nay, chưa hề bị tổn hại.

Câu chuyện

Hoàng Hương quạt gối ủ chăn

Hoàng Hương là người vùng Giang Hạ, thời Đông Hán, từ nhỏ đã rất hiếu thuận với cha mẹ. Người trong vùng đều gọi cậu bé là “tiểu hiếu tử” (đứa con nhỏ có hiếu). Năm Hoàng Hương lên chín tuổi thì mẹ cậu qua đời, vì thế cậu bé lại càng hiếu thuận với cha hơn. Hàng ngày, cậu đều làm những công việc tương đối nặng nhọc, để cho cha mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Cậu bé nghĩ mọi cách để cha có được cuộc sống thoải mái hơn.

Mùa hè thời tiết oi bức, lại nhiều muỗi. Hoàng Hương biết cha mình không chịu được nóng, thời tiết nóng thường làm ông không ngủ được, lại còn bị muỗi đốt nữa. Vì thế mà mỗi tối trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương thường dùng quạt để quạt gối và chiếu cho mát, và đuổi muỗi, xong rồi mới mời cha đi ngủ. Đến mùa đông lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị lạnh, cậu bèn nằm trên giường ủ ấm chăn chiếu, rồi mới mời cha lên giường nghỉ ngơi.

Không lâu sau, những hành động hiếu thuận của Hoàng Hương được truyền khắp kinh thành, không ai là không biết, không ai là không rõ. Thời đó còn lưu truyền câu nói khen ngợi Hoàng Hương “Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng”. Ý của câu nói này là: Hiếu thuận như Hoàng Hương ở quận Giang Hạ, e rằng thiên hạ không có người thứ hai. Khi đó, thái thú Giang Hạ nghe được chuyện này, ông cảm thấy đây là chuyện vô cùng hiếm gặp, liền tấu lên hoàng thượng để biểu dương việc làm hiếu thuận của Hoàng Hương.

Người đời sau có câu thơ kính trọng khen ngợi Hoàng Hương rằng: “Trời đông ủ ấm chăn, tiết hè quạt mát gối; tuổi nhỏ mà đã hiểu phận con, xưa nay chỉ có Hoàng Hương.”

Câu chuyện Khổng Dung nhường lê

Khổng Dung, người Dự Châu nước Lỗ cuối thời Đông Hán, là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử. Khổng Dung tính tình thật thà, lương thiện, từ nhỏ đã biết khiêm nhường.

Năm Khổng Dung lên bốn tuổi, có người đến tặng một giỏ lê. Cha Khổng Dung gọi cậu bé lại bảo cậu chọn trước một quả. Khổng Dung chọn quả nhỏ nhất.

Cha Khổng Dung cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi: “Này con, sao con không chọn quả to chứ?” Khổng Dung trả lời: “Con tuổi nhỏ nhất, nên ăn quả nhỏ nhất; anh lớn tuổi hơn con, nên ăn quả to ạ!” Sau khi người trong dòng họ biết được chuyện này thì đều nhìn Khổng Dung với ánh mắt khác, tán thưởng không thôi.

Hai câu chuyện trên đây đều là ví dụ rất hay về hiếu đễ. Bậc làm cha mẹ đối với người con như vậy có thể nào không vui mừng, vì thế mà càng cảm thấy sự vất vả khổ cực của mình có giá trị đúng không? Làm anh lớn đối với người em nhỏ hiểu chuyện thế này, phải chăng càng cảm thấy yêu thương em mình quả là không uổng công, sẽ nguyện ý tận tâm với chức trách làm anh, sẽ ra sức chăm sóc cho đứa em ngoan của mình nhiều hơn nữa đúng không? Một người biết cảm ân thì mới có thể hiếu đễ, cũng nhất định sẽ làm cảm động những người xung quanh, mâu thuẫn sẽ không xảy ra, quan hệ sẽ hài hòa. Những ví dụ được đưa ra ở đây đều nhấn mạnh đến thái độ của người dưới đối với người trên là vô cùng trọng yếu. Người xưa tin rằng trách nhiệm và nghĩa vụ của người trên đối với người dưới là dưỡng dục, chăm sóc và bảo hộ, là có ơn với người dưới, cho nên mới nhấn mạnh thái độ của người dưới đối với người trên.

Nhìn vào xã hội ngày nay, hiện trạng con cái bất hiếu rất nhiều, coi cha mẹ như hàng tôi tớ, như con ở. Người trẻ chế giễu người già. Trẻ sơ sinh bị giết hại hoặc bỏ rơi. Quan hệ nhân luân hỗn loạn không thể tả, bổn phận và đạo nghĩa của mỗi người bị vứt bỏ sau lưng. Truyền thống kính già, yêu trẻ bị hủy hoại không còn chi nữa. Thậm chí phụ tử tương tàn, cha con, anh em đều trở thành kẻ bất nghĩa. Sa đọa đến nước này, thật không xứng gọi là người nữa rồi.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/245301



Ngày đăng: 14-04-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.