Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (14)



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

論語(1)者(2) 二十篇(3)

群(4)弟子(5) 記(6)善(6)言(7)

孟子(9)者 七篇止(10)

講道(11)德 說仁義(12)

Bính âm

論(lún) 語(yǔ) 者(zhě), 二(èr) 十(shí) 篇(piān),

群(qún) 弟(dì) 子(zǐ), 記(jì) 善(shàn) 言(yán)。

孟(mèng) 子(zǐ) 者(zhě), 七(qī) 篇(piān) 止(zhǐ),

講(jiǎng) 道(dào) 德(dé), 說(shuō) 仁(rén) 義(yì)。

Chú âm

論(ㄌㄨㄣˊ) 語(ㄩˇ) 者(ㄓㄜˇ),

二(ㄦˋ) 十(ㄕˊ) 篇(ㄆ一ㄢ);

群(ㄑㄩㄣˊ) 弟(ㄉ一ˋ) 子(ㄗˇ),

記(ㄐ一ˋ) 善(ㄕㄢˋ) 言(一ㄢˊ)。

孟(ㄇㄥˋ) 子(ㄗˇ) 者(ㄓㄜˇ),

七(ㄑ一) 篇(ㄆ一ㄢ) 止(ㄓˇ);

講(ㄐ一ㄤˇ) 道(ㄉㄠˋ) 德(ㄉㄜˊ),

說(ㄕㄨㄛ) 仁(ㄖㄣˊ) 義(一ˋ)。

Âm Hán Việt

Luận Ngữ giả, Nhị thập thiên,

Quần đệ tử, Ký thiện ngôn.

Mạnh Tử giả, Thất thiên chỉ,

Giảng đạo đức, Thuyết nhân nghĩa.

Tạm dịch

Sách Luận Ngữ hai mươi thiên,

Các đệ tử chép lời hay.

Sách Mạnh Tử chỉ bảy thiên,

Giảng đạo đức nói nhân nghĩa.

Từ vựng

(1) Luận Ngữ (論 語): tên sách. Cuốn Luận Ngữ này có tổng cộng 20 thiên, do học trò của Khổng Tử ghi chép lại những lời dạy hay của Khổng Tử mà soạn nên.

(2) Giả (者): chỉ cuốn sách Luận Ngữ này.

(3) Thiên (篇): bài, phần, lượng từ đơn vị dùng cho thơ văn.

(4) Quần (群): nhóm, bầy, đàn.

(5) Đệ tử (弟子): học sinh, học trò.

(6) Ký (記): ghi chép, viết.

(7) Thiện (善): tốt, lành, hay, giỏi.

(8) Ngôn (言): lời nói

(9) Mạnh Tử (孟子): ở đây chỉ tên sách Mạnh Tử do Mạnh Kha soạn.

(10) Chỉ (止): chỉ có, mới thôi, thì ngưng.

(11) Đạo đức (道德):từ này có nguồn gốc từ cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử. “Đạo” là Lý của Thần, là con đường người trở về với Thần, là cái chân thực của vũ trụ. “Đức” là tâm niệm phù hợp với “ý chỉ của Thần”, hành vi tuân theo “đặc tính của Đạo” của con người, thể hiện tại thế gian chính là phẩm chất chân thành và hành vi thiện lương của con người.

(12) Nhân nghĩa (仁義):nhân ái chính nghĩa, khoan hậu chính trực.

Dịch nghĩa tham khảo

Cuốn “Luận Ngữ” có tổng cộng 20 thiên, do học trò của Khổng Tử ghi lại lời thiện của ông.

Còn cuốn sách “Mạnh Tử” thì do Mạnh Kha biên soạn, có tổng cộng 7 thiên. Cuốn này chủ yếu giảng về những đạo lý của đạo đức nhân nghĩa con người.

Đọc sách luận bút

Trong bài trước đã chính thức đề cập đến việc dạy học, trước tiên nên từ việc nắm chắc ngữ pháp cơ bản ở bậc tiểu học, sau đó mới đi vào học tập Tứ Thư. Cho nên bài này đương nhiên đề cập đến hai trong bốn cuốn sách đầu tiên của Tứ Thư là “Luận Ngữ” và “Mạnh Tử”. Hai cuốn còn lại là “Đại Học” và “Trung Dung”. “Luận Ngữ” được xem là quyển sách kinh điển đầu tiên của Nho học, tuy chỉ có 20 thiên, ghi lại những bài diễn thuyết của Khổng Tử dạy đệ tử, nhưng chúng đã trở thành cương lĩnh (nguyên tắc chỉ đạo) cơ bản của Nho học, các đệ tử đời sau có viết ra bao nhiêu sách thì các tư tưởng cơ bản đều khởi từ Khổng Tử. Nếu như phải đưa ra một ví dụ, thì nó cũng giống như mối quan hệ giữa hiến pháp và pháp luật. Bạn có thể nghiên cứu tường tận các loại ngành nhánh, các loại trường phái, các loại lĩnh vực chuyên môn khác nhau, nhưng tư tưởng chỉ đạo đều đến từ “Luận Ngữ”.

Không chỉ vậy, “Luận Ngữ” thực sự là một cuốn sách rất thông tục dễ hiểu, người ta ngày nay nói rằng họ đọc không hiểu, chủ yếu là vì họ chưa đọc nó, hiểu lầm khi cho rằng một cuốn sách cổ điển hơn 2.000 năm trước thì hẳn là cao quá không thể với tới được.

Trên thực tế, mối quan hệ qua lại giữa người với người, quá trình trưởng thành, những vấn đề gặp phải trong công tác sinh hoạt và phiền não đại khái đều giống nhau, ở đất nước nào, và thời đại nào, khi vấn đề nảy sinh đều là ‘đại đồng tiểu dị’ (phần lớn là giống nhau chỉ có chút ít khác nhau), hơn nữa những lời này đều là lời mà Khổng Tử trả lời cho đệ tử khi có thắc mắc trong sinh hoạt hàng ngày, trong thời gian ông và các đệ tử của ông sống chung. Cũng không khác quá nhiều so với người hiện đại. Vì đều là con người, nên khi gặp vấn đề chẳng qua là đại đồng tiểu dị, cho nên cuốn sách này mới có thể làm rung động lòng người ở các thời đại khác nhau và trở thành sách chỉ đạo làm người ở nhân thế. Nếu như người ta đều nghe không hiểu, thì Khổng Tử cũng không cần phải dạy người, dạy bách tính chi nữa. Mục đích của ông chẳng phải là hy vọng mọi người đều có thể trở thành người tốt sao, tiến tới thêm nữa là trở thành bậc quân tử chính trực đó sao?

Hơn nữa, ông chủ trương “hữu giáo vô loại, nhân tài thi giáo”, nghĩa là người trong xã hội đều có quyền được học, được giáo dục, không phân biệt giàu nghèo hay giai tầng, dựa và khả năng của từng người mà có cách dạy khác nhau. Như vậy chẳng phải là ông mong muốn giáo dục tất cả người dân sao, tất nhiên bao gồm cả người làm việc chấp chính. Ông tuyệt đối sẽ không dạy những gì mà người ta nghe không hiểu. Bất kể là ai, bất kể thân phận thế nào, dù là trong cuộc sống hàng ngày hay làm quan làm chính trị, miễn là vấn đề ở tầng diện con người, bạn chỉ cần đọc sách này, thì đều có thể áp dụng vào thực tiễn, lập tức có thể nhận được chỉ đạo rất thực tế.

Thậm chí, khi người thế hệ sau đi chệch khỏi tư tưởng cơ bản của Khổng Tử, mà tiến hành tranh luận học thuật giữa các trường phái, mọi người cũng đều sẽ quay trở lại “Luận Ngữ”, từ đầu nhận thức điều căn bản lại một lần mới. Cũng giống như pháp luật, chế định ra rất nhiều phân loại cụ thể, bên dưới các phân loại lại có giải thích và các khoản chi tiết hơn nữa, thế nhưng, qua thời gian dài, người ta có thêm tư tâm, các luật cụ thể thậm chí còn xuất hiện tinh thần đi ngược lại hiến pháp, đạo lý giữa hai việc ở đây là giống nhau.

Chớ thấy “Luận Ngữ” chỉ có 20 thiên mà xem nhẹ, từ những thiên nói về phương pháp, ý nghĩa của việc học như “Học nhi thiên”, cho đến những thiên nói về các lĩnh vực trên đời liên quan con người bao gồm việc chấp chính, ví dụ “Vi chính thiên”, chỉ cần là giáo đạo về phương diện làm người, thì hầu như đều có đề cập và liên quan.

Ở Nhật Bản, với nền kinh tế chủ nghĩa tư bản cận đại cả trăm năm, giá trị quan về luân lý nghề nghiệp chú trọng tín nghĩa, đều được hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Nho học, nhất là “Luận Ngữ”. “Cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản” Shibusawa Eiichi, nhà tư bản khổng lồ lập nên 500 công ty, đã vận dụng “Luận Ngữ” trong suốt cuộc đời mình, từng câu từng chữ đều có thể sử dụng trực tiếp vào kinh doanh và cuộc sống. Vì vậy, các bậc quân vương xưa đều xem trọng Luận Ngữ, dùng làm chỉ đạo trong chính trị. Quyết không thể nói, các bậc đế vương xưa dùng Nho học chỉ để trị quốc thì nho học là “lễ giáo phong kiến”, còn các nhà tư bản Nhật Bản dùng Nho học để chỉ đạo thương nghiệp, thì là lễ giáo tư bản. Chỉ có thể nói rằng những người khác nhau đều có thể vận dụng trí tuệ của “Luận Ngữ” để chỉ đạo cuộc sống và sự nghiệp của mình. Ai dùng người đó được hưởng lợi. Luận Ngữ chính là giảng về đạo lý làm người dễ hiểu và phổ thông nhất.

Vì sự phê phán của Trung Cộng mấy chục năm qua, cho nên rất nhiều người cho rằng Nho học là cái gọi là “lễ giáo phong kiến”. Ngay cả đọc cũng chưa từng đọc qua, điều này thật đáng buồn. Từ bỏ truyền thống cũng đồng nghĩa với việc đánh mất tâm hồn và trí tuệ đáng tự hào của chính mình.

Nho học cũng được gọi là Đạo của Khổng Mạnh, do vậy sau “Luận Ngữ”, chính là lời dạy của Mạnh Tử. Ông tiến hành trình bày phân tích tập trung tường tận hơn nữa về cái gốc nhân nghĩa mà Khổng Tử nhấn mạnh. Lời của ông cũng có thể được coi là một trong những cương lĩnh (nguyên tắc chỉ đạo) của Nho học. Vì vậy, đọc “Tam Tự Kinh”, mỗi người đều sẽ biết làm thế nào để tiến từng bước học tập học vấn Nho gia và trở thành một Nho giả. Kỳ thực nó không khó chút nào.

Câu chuyện về Khổng Tử

Khổng Tử tên Khâu, tự Trọng Ni, người nước Lỗ thời Xuân Thu. Cha Khổng Tử qua đời khi ông lên ba tuổi, trong nhà chỉ còn hai mẹ con Khổng Tử. Mặc dù gia cảnh bần hàn, nhưng Khổng Tử rất thích đọc sách, lại rất yêu thích học tập lễ chế.

Khổng Tử bắt đầu công việc dạy học đào tạo anh tài khi ông ngoài 30 tuổi. Do thời đó chưa phổ cập giáo dục, ngoài vương tôn quý tộc, thì người dân bình thường không có cơ hội đi học và năng lực để tiếp thụ giáo dục. Vì thế mà Khổng Tử là người đầu tiên đề xướng “hữu giáo vô loại” (người trong xã hội đều có quyền được học, được giáo dục, không phân biệt giàu, nghèo) và “nhân tài thi giáo” (dựa và khả năng của từng người mà có cách dạy khác nhau). Ông thu nhận học trò trên diện rộng, trở thành người đi đầu và đại biểu cho giáo dục tư nhân, đồng thời cũng đưa đến cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Dưới sự dạy bảo không mệt mỏi của Khổng Tử, các học trò của ông đều chăm chỉ học tập vươn lên, hơn nữa nhờ đó mà văn hoá dân tộc cũng truyền thừa và được phát huy mạnh mẽ.

Khổng Tử nhận thấy xã hội thời đó có nhiều hiện tượng bất công, chính trị thì thiếu đạo nghĩa. Vì để phục vụ xã hội, tạo phúc lợi cho người dân, ông quyết tâm lấy nhân từ cảm hoá người dân, dùng lễ nghĩa giáo dục người dân. Quả nhiên, nền chính trị và đạo đức xã hội của nước Lỗ đã hồi phục trở lại, thấy của rơi trên đường không ai nhặt, tối không cần đóng cửa, cũng nhờ đó mà nước Lỗ trở nên ngày càng cường thịnh.

Nhưng về sau do vua Lỗ Định Công mê luyến nữ sắc, bỏ bê triều chính, Khổng Tử thất vọng nên từ quan. Ông dẫn học trò chu du các nước như nước Vệ, nước Tấn, nước Tống, nước Trần, nước Sở để phổ biến tư tưởng chính trị nhân nghĩa của mình. Đáng tiếc ông đến đâu cũng không được trọng dụng.

Mười bốn năm sau, Khổng Tử lại trở về nước Lỗ. Cũng từ đó ông cũng không quan tâm đến chính sự nữa mà toàn tâm đặt vào việc dạy học. Khổng Tử có khoảng trên 3.000 học trò, trong đó có 72 người trở thành những bậc hiền tài. Họ truyền bá tư tưởng của Khổng Tử, vì thế mà người đời sau gọi họ là Nho gia. Cuốn Luận Ngữ chính là do các học trò của Khổng Tử ghi chép lại những chỉ dạy làm người và lời bàn thường ngày của Khổng Tử, nội dung tuy đơn giản nhưng hàm nghĩa lại sâu xa.

Khổng Tử là người sáng lập Nho gia, là nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại, ông được người đời sau tôn xưng là “vạn thế sư biểu” (bậc thầy của muôn đời) và “chí thánh tiên sư” (vị thầy sống ở đời trước và đã đạt đến bậc thánh).

Ghi chú: Bài viết này dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.

Video:

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/245310



Ngày đăng: 08-08-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.