Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (7)



Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

曰(1)春夏 曰秋冬 此(2)四時(3)運(4)不窮(5)

曰南北 曰西東 此四方(6) 應(7)乎(8)中(9)

Bính âm

曰(yuē) 春(chūn) 夏(xià), 曰(yuē) 秋(qiū) 冬(dōng),

此(cǐ) 四(sì) 時(shí), 運(yùn) 不(bù) 窮(qióng)。

曰(yuē) 南(nán) 北(běi), 曰(yuē) 西(xī) 東(dōng),

此(cǐ) 四(sì) 方(fāng),應(yìng) 乎(hū) 中(zhōng)。

Chú âm

曰(ㄩㄝ) 春(ㄔㄨㄣ) 夏(ㄒ一ㄚˋ),

曰(ㄩㄝ) 秋(ㄑ一ㄡ) 冬(ㄉㄨㄥ),

此(ㄘˇ) 四(ㄙˋ) 時(ㄕˊ),

運(ㄩㄣˋ) 不(ㄅㄨˋ) 窮(ㄑㄩㄥˊ)。

曰(ㄩㄝ) 南(ㄋㄢˊ) 北(ㄅㄟˇ),

曰(ㄩㄝ) 西(ㄒ一) 東(ㄉㄨㄥ),

此(ㄘˇ) 四(ㄙˋ) 方(ㄈㄤ),

應(一ㄥˋ) 乎(ㄏㄨ) 中(ㄓㄨㄥ)。

Âm Hán Việt

Viết xuân hạ, Viết thu đông,
Thử tứ thời, Vận bất cùng.
Viết nam bắc, Viết tây đông,
Thử tứ phương, Ứng hồ trung.

Tạm dịch:

Mùa xuân mùa hạ, mùa thu mùa đông,
Bốn mùa này, tuần hoàn không ngừng.
Hướng nam hướng bắc, hướng tây hướng đông,
Bốn phương này, đối ứng ở trung tâm.

Từ vựng:

(1)Viết (曰):gọi là, rằng.

(2)Thử (此):này, cái này.

(3)Thời (時):mùa.

(4)Vận (運):vận hành, vận chuyển. Chuyển động tuần hoàn theo một quỹ đạo nhất định.

(5)Cùng (窮):chấm dứt, kết thúc, ngừng, dừng lại.

(6)Phương (方):phương vị, phương hướng.

(7)Ứng (應):đối ứng, tương ứng.

(8)Hồ (乎):ở, vào, tại, với.

(9)Trung (中):giữa, trung tâm.

Dịch nghĩa tham khảo

Xuân, hạ, thu, đông gọi là bốn mùa (tứ quý) trong năm, mỗi mùa đều có nét riêng (xuân sinh sôi, hạ lớn lên, thu thu hoạch, đông cất trữ), không hề đứt đoạn biến hóa, xuân qua hạ đến, thu đi đông lại, tuần hoàn không dứt, vĩnh viễn không ngừng.

Đông, nam, tây, bắc gọi là bốn phương (tứ phương), chỉ các vị trí phương hướng. Bốn phương hướng này đều lấy một điểm ở trung tâm làm chuẩn, và chúng đối ứng với nhau, như thế ta mới có thể định ra được các phương vị.

Đọc sách luận bút

Trong bài học trước có nói con người trước hết phải biết hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh em, đây là điều cơ bản và quan trọng nhất của đạo làm người, sau đó mới tiếp xúc tìm hiểu kinh nghiệm và học tập các loại tri thức. Khác biệt với đạo đức làm người, những tài năng bản sự này chỉ là thứ yếu. Có nghĩa là, cổ nhân không phủ nhận nắm bắt tri thức, mà cho rằng cần phải có cả đức, tài vẹn toàn, mới có thể cống hiến cho xã hội, là “đức” làm chủ “tài”, “tài” vì “đức” mà sử dụng, đây là tư tưởng nội hàm của Tam Tự Kinh.

Ở trường tư thục xưa, khi giảng bài này người thầy phải giải thích vì sao cần “Thủ hiếu đễ, Thứ kiến văn” (Hiếu thuận trước, tri thức sau). Dĩ nhiên phải giảng rất rõ ràng. Cái gọi là giáo đạo (dạy dỗ) vỡ lòng chính là nói những điều cơ bản nhất này của phận làm con, tuyệt đối không thể lẫn lộn đầu đuôi.

Vì vậy, bắt đầu từ bài học trước, là chuyển sang việc khai sáng các loại tri ​​thức. Lúc đầu cho con em tiếp xúc với các khái niệm cơ bản của tất cả các kiến ​​thức mà các em sẽ gặp trong cuộc sống tương lai và các em cần phải nắm vững để giải quyết các vấn đề khác nhau. Vậy khi giảng xong khái niệm cơ bản về con số ở bài trước, bài này sẽ chuyển sang tri ​​thức về bốn mùa và bốn phương của thiên văn, địa lý.

Như vậy, có người sẽ hỏi, khi bắt đầu giảng về tri ​​thức, ở bài học trước tại sao lại phải giảng về những con số trước tiên? Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong bài học này chẳng phải gần gũi với cuộc sống hơn sao? Thực ra, ở đây thể hiện ra vũ trụ quan về tự nhiên của Đạo gia. Đó là tư tưởng của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Ông cho rằng thế giới vạn vật từ trạng thái hỗn độn ban đầu, trải qua năm tháng dài đằng đẵng diễn biến thành hai khí âm dương, do tác dụng tương hỗ giữa hai khí âm dương mà sản sinh ra loại vật chất thứ ba, tiến tới biến thành tự nhiên và vạn vật trên đời. Do đó, con số trong bài trước đi từ “Nhất nhi thập” đến cuối cùng là “Vạn” không chỉ là nói từ số 1 đến 10.000, mà là thể hiện vũ trụ quan Đạo gia thời cổ đại. Thế giới của chúng ta là từ không tới có, từ một tới vạn, để dạy cho các em một cái nhìn bao quát về vũ trụ, hiểu được vị trí và liên hệ giữa con người chúng ta với toàn bộ thế giới tự nhiên, vạn vật trong trời đất, là lý niệm “thiên nhân hợp nhất” không thể tách rời. Vì vậy khi truyền thụ và giảng giải cho các em bắt đầu tiến nhập vào tri thức thì cần giảng từ số một đến số vạn.

Thực ra, học vấn của Nho gia cổ đại là học vấn của Đạo gia ở tầng con người, là học thuyết nhập thế. Đạo gia vốn là tu Đạo, là chỉ đạo xuất thế, Đạo Pháp tu luyện thành tiên, nhưng đã được Khổng Tử đúc kết lại, lưu cấp cho con người những tri ​​thức có thể hiểu và sử dụng được. Chữ Nho (儒), do hai chữ Nhân (人 – người) và Nhu (需 – sự cần thiết) hợp thành, cũng chính là ý tứ “sự cần thiết để làm người”. Vì vậy Nho gia thường phát xuất ra hàm ý của Đạo gia. Thực ra họ không thể tách rời nhau, họ là một. Nói cách khác, Nho gia không phải do Khổng Tử phát minh ra, mà là Khổng Tử đã tổng kết văn hóa thượng cổ ở tầng con người đúc kết ra. Thủy tổ Hoàng Đế của dân tộc Hoa Hạ là một người tu Đạo, vua Thuấn chính là thủy tổ của hiếu đễ, cũng là một người tu Đạo, cho nên đạo hiếu của Nho gia đã có từ thời đế vương thượng cổ. Tam Tự Kinh chính là muốn các em tiếp xúc và hiểu rõ đạo lý làm người do đế vương tổ tiên để lại và lý niệm cơ bản của vũ trụ tự nhiên.

Vì vậy, Tam Tự Kinh ngay lập tức mở rộng tư duy của con người ra toàn bộ vũ trụ, nâng tầm nhìn của mọi người lên một vị trí cao. Lượng thông tin rất lớn, mở ra góc độ nào cũng là học vấn rộng lớn uyên thâm khôn lường. Nó sẽ dẫn đến việc tìm tòi tu luyện. Nhưng ở đây lại chỉ là nhập môn, nên chỉ ra rồi dừng lại. Từ vũ trụ lại nhanh chóng chuyển sang chuyện cuộc sống của con người, nên đến bài này thì giảng về sự thay đổi thời tiết bốn mùa và phương hướng của địa lý.

Một năm bốn mùa, mùa xuân là mùa sinh sôi, vạn vật phát triển, thích hợp cho nhà nông gieo giống trồng trọt. Bỏ lỡ sẽ mất đi sinh cơ. Mùa hạ là mùa sinh trưởng nhanh chóng, mùa thu là mùa thu hoạch, mùa đông thì không thích hợp hoạt động, phải bảo dưỡng tốt. Sức khỏe con người và việc trồng trọt của nhà nông đều phải thuận theo bốn mùa, nếu không, cây trồng sẽ không phát triển tốt, cơ thể con người bị tổn hại. Hoạt động của con người phải tuân theo nhịp điệu của toàn bộ tự nhiên, mà nhịp điệu của tự nhiên phản ánh qua sự thay đổi của bốn mùa, không thể làm trái với tự nhiên.

Nói đến bốn mùa, tất nhiên bao hàm đạo lý làm việc và nghỉ ngơi trong ngày. Trong một ngày cũng có nhịp điệu của bốn mùa, buổi sáng cũng như mùa xuân, phải dậy sớm để cho mình tràn đầy sức sống mỗi ngày, khoảng giữa trưa giống như mùa hè, nóng và hoạt động dồi dào, chạng vạng tối giống như mùa thu, hoạt động thu lại, ban đêm giống như mùa đông, mọi người phải chìm vào giấc ngủ và nghỉ ngơi, dưỡng tốt tinh lực (năng lượng), chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Ngày nay, con người vi phạm các quy luật của tự nhiên, không làm việc và nghỉ ngơi đúng giờ, ăn uống trái mùa và gây ra nhiều loại bệnh hiện đại, đều là kết quả của việc lãng quên và từ bỏ lời giáo đạo của tổ tiên. Học tập Tam Tự Kinh không những bảo người làm việc Thiện, còn giúp người ta hiểu được nhiều quan niệm dưỡng sinh truyền thống, đồng thời khơi dậy hứng thú rộng lớn đối với y học cổ truyền, nông học và địa lý thiên văn.

Còn ý nghĩa của việc học tập phương hướng địa lý thì cứ xem câu chuyện dưới đây sẽ hiểu.

Câu chuyện “Hoàng Đế và xe chỉ nam (chỉ nam xa)”

Trước khi phát minh ra la bàn, con người dựa vào mặt trời và các ngôi sao để xác định phương hướng khi đi đường. Ban đêm, con người thời cổ đại quan sát sao Bắc Cực, ban ngày thì quan sát mặt trời để phân biệt phương hướng.

La bàn, kỹ thuật chế tạo giấy, kỹ thuật in và thuốc súng là bốn phát minh của Trung Quốc thời cổ đại. Trong đó la bàn (hay kim chỉ nam) được phát minh sớm nhất. Hơn 2.000 năm trước, con người đã biết dùng loại đá có từ tính để chế tạo ra “tư nam”, dùng để xác định đâu là hướng nam đâu là hướng bắc, do đó có thể nói “tư nam” là tiền thân của la bàn. Có điều, “xe chỉ nam” cũng dùng để xác định phương hướng đã xuất hiện từ hơn 4.000 năm trước.

Khoảng hơn 4.000 năm trước, vùng lưu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang của Trung Quốc có rất nhiều bộ lạc sinh sống. Hoàng Đế là thủ lĩnh của một bộ lạc nổi tiếng trong truyền thuyết, ông cũng là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa.

Khi đó, ở phương đông có một thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê tên là Xi Vưu, không những khỏe mạnh, hung dữ mà còn mang tâm oán hận và không muốn phục tùng sự chỉ huy của Hoàng Đế. Về sau, Xi Vưu liên kết với 81 người anh em của mình và bắt đầu cuộc đại chiến với Hoàng Đế. Vì để đối phó với kẻ địch mạnh, lại có các loại vũ khí chế tạo từ đồng, Hoàng Đế đã nghĩ mọi kế sách. Cuối cùng ông phát minh ra một loại vũ khí sắc nhọn – cung tên. Nhưng vì phương bắc có gió cát lớn, thường hay có những trận bão cát, nên để cho các binh sĩ không bị lạc mất phương hướng, thủ hạ của Hoàng Đế đã chế tạo thành công một thứ gọi là “chỉ nam xa” (xe chỉ nam).

Quân hai bên giao chiến tại Trác Lộc, mặc dù quân của Xi Vưu dũng mãnh, nhưng gặp quân của Hoàng Đế lại không chống đỡ được, lần lượt tháo chạy. Lúc này, mặc dù trên chiến trường không có gió cát, nhưng lại dày đặc sương mù, quân của hai bên không thể phân biệt được đông tây nam bắc. Nhờ trên xe chỉ nam của Hoàng Đế có đặt một tượng người sắt nhỏ, tay của người sắt luôn chỉ hướng nam, dựa vào chỉ dẫn của xe chỉ nam, quân của Hoàng Đế có thể phân biệt rõ được phương hướng trong làn sương mù dày đặc đó, nên đã đánh bại được quân của Xi Vưu và giành thắng lợi. Đây chính là “trận chiến Trác Lộc”.

Câu chuyện này cho thấy phân biệt phương hướng địa lý là rất quan trọng, không chỉ có chiến tranh mới cần mà trong cuộc sống cũng rất cần. Đi đến địa phương xa lạ mà nắm được kiến thức này, thì sẽ không bị lạc đường. Cho tới ngày nay, thường thức cơ bản này vẫn khá hữu dụng. Nếu như du lịch vào nơi rừng rậm nguyên sinh, còn có thể tự cứu mình. Giáo dục Nho gia rất thực dụng (thực tế và hữu dụng), dạy bảo cho các em những kiến thức tương quan chặt chẽ đến cuộc sống tương lai của con người.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/245303



Ngày đăng: 17-05-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.