Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (20)
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
三傳(1)者,有公羊(2),
有左氏(3),有谷梁(4)。
經(5)既(6)明,方(7)讀子(8),
撮(9)其(10)要(11),記(12)其事。
Bính âm
三(sān) 傳(zhuàn) 者(zhě), 有(yǒu) 公(gōng) 羊(yáng),
有(yǒu) 左(zuǒ) 氏(shì), 有(yǒu) 谷(gǔ) 梁(liáng)。
經(jīng) 既(jì) 明(míng), 方(fāng) 讀(dú) 子(zǐ),
撮(cuò) 其(qí) 要(yào), 記(jì) 其(qí) 事(shì)。
Chú âm
三(ㄙㄢ) 傳(ㄓㄨㄢ`) 者(ㄓㄜˇ),
有(一ㄡˇ) 公(ㄍㄨㄥ) 羊(一ㄤ),
有(一ㄡˇ) 左(ㄗㄨㄛˇ) 氏(ㄕ`),
有(一ㄡˇ) 谷(ㄍㄨˇ) 梁(ㄌ一ㄤ)。
經(ㄐ一ㄥ) 既(ㄐ一`) 明(ㄇ一ㄥ),
方(ㄈㄤ) 讀(ㄉㄨ) 子(ㄗˇ),
撮(ㄘㄨㄛ`) 其(ㄑ一) 要(一ㄠ`),
記(ㄐ一`) 其(ㄑ一) 事(ㄕ`)。
Âm Hán Việt
Tam Truyện giả, Hữu Công Dương,
Hữu Tả Thị, Hữu Cốc Lương.
Kinh ký minh, Phương độc Tử,
Toát kì yếu, Ký kỳ sự.
Tạm dịch:
“Tam Truyện” ấy: có “Công Dương”,
Có “Tả Thị”, có “Cốc Lương”.
Kinh đã rõ, mới đọc Tử,
Trích điểm chính, nhớ sự việc.
Từ vựng
(1)Tam Truyện (三傳): “Tả Truyện”, “Công Dương Truyện” và “Cốc Lương Truyện” hợp lại gọi là “Xuân Thu Tam Truyện”, gọi tắt là “Tam truyện”. Giả (者): trợ từ.
(2)Công Dương (公羊): gọi tắt của “Công Dương Truyện”. Cuốn sách này trước đây do Công Dương Cao thời Chiến quốc viết, đến thời Hán Cảnh Đế do Công Dương Thọ và Hồ Mưu Sinh viết và định bản. Sách này dùng hình thức vấn đáp để giải thích bút pháp “Vi ngôn đại nghĩa” (Lời nhẹ nghĩa sâu) trong sách “Xuân Thu”.
(3)Tả Thị (左氏): chỉ “Tả Truyện”, còn gọi là “Tả Thị Xuân Thu” do quan Thái sử của nước Lỗ thời Xuân Thu là Tả Khâu Minh viết. Sách này chủ yếu dùng hình thức tự sự, chú trọng dùng sự việc trong lịch sử để chứng minh sự đúng đắn của cuốn “Xuân Thu”.
(4)Cốc Lương (穀梁): chỉ “Cốc Lương Truyện” do Cốc Lương Xích thời Chiến quốc viết.
(5)Kinh (經): Danh mục sách cổ đại phân ra 4 loại: Kinh, Sử, Tử và Tập. Ở đây chỉ các sách cổ của Nho gia.
(6)ký (既): đã, rồi.
(7)phương (方): mới, bắt đầu.
(8)Tử (子): Tử là một trong 4 bộ sách cổ, bao gồm: Kinh, Sử, Tử, Tập. Ở đây chỉ sách của Bách gia chư tử.
(9)toát (撮): trích, trích dẫn, trích lục, rút ra những điều cốt yếu.
(10)kỳ (其): sách của Bách gia chư tử.
(11)yếu (要): trọng điểm, điểm chính.
(12)ký (記): nhớ, ghi nhớ.
Dịch nghĩa tham khảo
“Tam Truyện” là tên gọi chung của bộ sách giải thích sách “Xuân Thu”, bao gồm “Công Dương Truyện” của tác giả Công Dương Cao thời Chiến Quốc, “Tả Truyện” của tác giả Tả Khâu Minh người nước Lỗ thời Xuân Thu và “Cốc Lương Truyện” của tác giả Cốc Lương Xích thời Chiến quốc.
Sau khi thông hiểu các sách của Nho gia thì mới bắt đầu học tới sách của Bách gia chư tử. Đối với sách các gia cần trích ra những trọng điểm, ghi nhớ những việc ở trong đó.
Đọc sách luận bút
Trong bài này, ngoài việc truyền dạy cho trẻ rằng còn có phần “Tam Truyện” được soạn riêng để hiểu được nội dung, tác dụng và ý nghĩa của bộ kinh điển “Xuân Thu”, chủ yếu là để các em biết sau này học xong kinh điển Nho gia, sẽ còn tiếp xúc với sách của Bách gia chư tử, và sẽ học tập những sách này ở mức độ nhất định. Vì vậy, hai câu then chốt ở đây là “Kinh ký minh, Phương độc Tử” (Kinh đã rõ, mới đọc Tử).
Tại sao câu này quan trọng như vậy? Kỳ thực đây là nói cho học sinh biết rằng các tác phẩm kinh điển của Nho gia về cơ bản là giáo dục đạo đức. Ngoài việc học tập quyển “Xuân Thu” nói về lịch sử thì làm quan nhất định còn phải hiểu quyển “Thượng Thư” nói về ý nghĩa và cách viết của các loại văn chương, thông hiểu quyển “Dịch Kinh” nói về cái lý của vạn vật tự nhiên trong trời đất, hiểu được quyển “Kinh Thi” nói về xã hội, lòng dân và tình cảm chân thành, xác định được chí hướng rõ ràng. Đồng thời, học tập “Chu Lễ” để nắm rõ chế độ lễ nghi của triều đình và bách quan. Tất cả đều là để thực hiện lý tưởng trị lý quốc gia, khiến cho thiên hạ thái bình của Nho sinh như khuông phù thiên hạ, lấy đức giáo hóa thiên hạ, lên tiếng bênh vực dân chúng… Đó chính là nghiên cứu học tập xuất phát từ tư tưởng và trách nhiệm vì nước vì dân một cách vô tư, lấy tu dưỡng phẩm chất đạo đức làm trọng. Đó là cơ sở để làm người. Cơ sở này không xây dựng tốt thì không thể học tập Bách gia chư tử.
Tại sao lại như vậy? Nếu thông thường theo Bách gia chư tử mà nói, đó là các loại phương pháp luận, về cơ bản chính là các biện pháp để xử lý các vấn đề cụ thể. Ví dụ như “Hàn Phi Tử”, người hiện đại nghiên cứu về ông, đa số là nhằm đạt được kỹ năng nghiên cứu lòng người. Có thể nói, đó là phương pháp và kỹ xảo thông minh để giải thích, lý giải tâm lý con người và sử dụng nó để đạt được mục đích của chính họ. Ví dụ, cách đối đãi với cấp trên, cách thuyết phục cấp trên, cách làm vui lòng họ, thuận theo chấp trước vào danh-lợi-tình của đối phương mà nói và áp dụng nó vào các mối quan hệ giữa người với người trong công ty trong thời đại ngày nay. Một ví dụ khác là bộ “Binh pháp Tôn Tử”, có thể áp dụng vào việc cạnh tranh thị trường. Sự ứng đối trong các loại phương pháp cụ thể, phân tích rất thấu triệt, hầu như rất nhanh chóng được áp dụng vào trong sinh hoạt và công việc, nên người hiện đại thấy nó rất thực dụng, nên thông thường rất nhiều người nghiên cứu và học tập, nhưng không ai muốn đọc sách kinh điển của Nho gia. Đây là cách làm đảo ngược gốc ngọn. Bách gia chư tử, gần như có thể nói là tụ hội của các loại kỹ xảo mưu kế, nhưng nó giống như một con dao, việc nó được áp dụng ở đâu, xuất phát từ mục đích gì, sẽ quyết định việc phương pháp này sẽ mang lại kết quả tốt-xấu khác nhau cho con người.
Một người tốt sử dụng nó, họ sẽ sử dụng những phần mang lại ích nước lợi dân. Một kẻ phẩm đức bại hoại dùng nó, ngược lại sẽ hại nước hại dân, vì để đạt được tư lợi mà không từ thủ đoạn nào. Khổng Tử gọi những người có được kỹ xảo nhưng đạo đức bại hoại này là kẻ tiểu nhân. Tiểu nhân thì không thể đọc những sách này. Chỉ những người có phẩm đức quân tử mới có thể học tập những phương pháp và kỹ xảo này, dùng để điều hành đất nước, cứu giúp dân chúng. Vì vậy, trước tiên phải học tập kinh điển của Nho gia, hiểu được phẩm đức của quân tử, có được chí hướng của quân tử, mới có thể đọc những sách này. Đi trên con đường ‘dĩ đức ngự tài’ (lấy đức điều khiển tài năng). Cho nên, Nho gia không hề bài xích Bách gia chư tử, chỉ là sử dụng với mục đích lương thiện hơn. Ví dụ, khi quản lý quốc gia hay gặp phải vấn đề cụ thể và việc áp dụng hình pháp thì có thể tham khảo Pháp gia, nhưng phải thận trọng, không thể dùng hình phạt nghiêm khắc, mọi thứ đều lấy việc chăm lo tốt cho bách tính làm khởi điểm. Khi dùng binh thì người ta có thể tham chiếu các loại binh pháp v.v..có thể lấy làm tham khảo, có các phương pháp và ví dụ thực tế cụ thể để tham khảo, rất thực dụng, nhưng tuyệt đối không được dùng chúng để hại người. Vì vậy, đọc những sách này chỉ cần đọc những điểm mấu chốt quan trọng, ghi nhớ những ví dụ thực tế điển hình là tốt rồi.
Câu chuyện: Bện da đứt ba lần (Vi biên tam tuyệt)
Vào những năm cuối đời, Khổng Tử thích nghiên cứu Chu Dịch.
Bởi vì thời kỳ Xuân Thu vẫn chưa có giấy, vì thế chữ được viết lên từng chiếc thẻ tre. Một bộ sách sẽ có rất nhiều thẻ tre nên cần dùng dây làm bằng da trâu thuộc (hoặc động vật khác) để kết các thẻ tre lại với nhau thì mới đọc được. Bình thường các sách bằng thẻ tre được cuộn lại để cất đi, khi đọc thì mới mở ra. Văn tự của Chu Dịch không lưu loát, nội dung lại khó hiểu, do đó Khổng Tử mới mở đi mở lại để đọc nhiều lần. Cứ như thế, dây da nối các thẻ tre bị mòn đứt nhiều lần (Vi biên tam tuyệt).
Dù đọc đến mức độ như vậy, nhưng Khổng Tử vẫn chưa hài lòng, ông nói: “Nếu như ta có thể sống thêm vài năm nữa, thì ta sẽ có thể hiểu nhiều hơn về văn bản và nội dung của Chu Dịch”.
Thành ngữ “Vi biên tam tuyệt” miêu tả việc chăm chỉ chịu khó đọc sách. Câu chuyện này cũng nói với mọi người rằng, Khổng Tử nhận ra rằng những thứ của Đạo gia vốn cao thâm hơn, bản thân ông bất quá chỉ là chỉnh lý một bộ phận văn hóa làm người của Đạo gia, phần có thể hiểu được, để trở thành kinh điển của Nho gia và truyền cấp cho con người. Trên thực tế, Khổng Tử cũng thừa nhận rằng so với tu Đạo của Đạo gia, điều mà bản thân ông biết quả thực quá ít. Cho nên, ông không ngừng học tập.
Câu chuyện: Nửa bộ Luận Ngữ (Bán bộ Luận Ngữ)
Triệu Phổ, ban đầu là quan cấp dưới của Triệu Khuông Dận. Năm 960, Triệu Khuông Dận đưa quân lên phía bắc, khi quân đến Trần Kiều, Triệu Phổ đã đưa ra kế sách giúp Triệu Khuông Dận phát động binh biến ở Trần Kiều. Triệu Khuông Dận làm hoàng đế, kiến lập triều Tống, sử gọi là Tống Thái Tổ. Sau đó, Triệu Phổ lại phò tá Tống Thái Tổ thống nhất đất nước, và ông được phong làm Tể tướng. Sau khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận qua đời, em trai của ông là Triệu Khuông Nghĩa lên kế vị, sử gọi là Tống Thái Tông.
Dưới thời Tống Thái Tông, Triệu Phổ vẫn làm Tể tướng. Có người tâu với Tống Thái Tông rằng Triệu Phổ học thức nông cạn, sách mà ông ta đọc chỉ có một bộ “Luận Ngữ” của Nho gia, mà lại để ông ta làm Tể tướng là không thích hợp.
Có một lần, Tống Thái Tông hỏi Triệu Phổ: “Có người nói khanh chỉ đọc có một bộ “Luận Ngữ”, có đúng vậy không?”
Triệu Phổ thật thà trả lời: “Những gì thần biết, quả thật không vượt khỏi cuốn “Luận Ngữ”. Năm xưa thần dùng nửa bộ “Luận Ngữ” để phò trợ Thái tổ bình định thiên hạ, giờ đây thần dùng nửa bộ “Luận Ngữ” để phò trợ bệ hạ, giúp thiên hạ thái bình”.
Về sau Triệu Phổ qua đời vì bệnh, người nhà mở hòm sách của ông ra, bên trong quả thật chỉ có 20 thiên của bộ “Luận Ngữ”.
“Bán bộ Luận Ngữ” dùng để nhấn mạnh sự tinh thâm của tư tưởng Nho gia. Có thể sử dụng nhân tài một cách đúng đắn hợp lý, bình định và quản lý thiên hạ. Ta tuyệt đối không thể so sánh “Luận Ngữ” ngang hàng với những thứ tài mọn cụ thể khác của Bách gia chư tử. Đương nhiên có những sách như binh pháp có nội hàm cao thâm hơn nhưng chúng không được tiết lộ cho người bình thường, người không tu luyện [1] cũng nhìn không thấy, đây là một vấn đề khác.
Chú thích của BBT:
[1] Người không tu luyện: có thể hiểu là người không tu Đạo.
Video:
Ngày đăng: 05-10-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.