Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (15)
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn
作(1)中庸(2),子思(3)筆(4),
中不偏(5),庸不易(6)。
作大學(7),乃曾子(8),
自(9)修齊(10),至平治(11)。
Bính âm
作(zuò) 中(zhōng) 庸(yōng), 子(zǐ) 思(sī) 筆(bǐ) ,
中(zhōng) 不(bù) 偏(piān), 庸(yōng) 不(bú) 易(yì)。
作(zuò) 大(dà) 學(xué), 乃(nǎi) 曾(zēng) 子(zǐ),
自(zì) 修(xiū) 齊(qí), 至(zhì) 平(píng) 治(zhì)。
Chú âm
作(ㄗㄨㄛˋ) 中(ㄓㄨㄥ) 庸(ㄩㄥ),
子(ㄗˇ) 思(ㄙ) 筆(ㄅ一ˇ),
中(ㄓㄨㄥ) 不(ㄅㄨˋ) 偏(ㄆ一ㄢ),
庸(ㄩㄥ) 不(ㄅㄨˊ) 易(一ˋ)。
作(ㄗㄨㄛˋ) 大(ㄉㄚˋ) 學(ㄒㄩㄝˊ),
乃(ㄋㄞˇ) 曾(ㄗㄥ) 子(ㄗˇ),
自(ㄗˋ) 修(ㄒ一ㄡ) 齊(ㄑ一ˊ),
至(ㄓˋ) 平(ㄆ一ㄥˊ) 治(ㄓˋ)。
Âm Hán Việt
Tác Trung Dung, Tử Tư bút,
Trung bất thiên, Dung bất dịch.
Tác Đại Học, Nãi Tăng Tử,
Tự tu tề, Chí bình trị.
Tạm dịch:
Sáng tác Trung Dung, ngài Tử Tư viết,
Trung: không thiên lệch, Dung: không thay đổi.
Sáng tác Đại Học, là ngài Tăng Tử,
Từ đầu tu tề, tiếp đến bình trị.
Từ vựng
(1)tác (作): làm, làm nên, tạo nên. Ở đây có ý là tả tác (寫作): sáng tác.
(2)Trung Dung (中庸): tên một thiên trong cuốn Lễ Ký, tương truyền là cháu nội của Khổng Tử, Khổng Cấp (Tử Tư) viết.
(3)Tử Tư (子思): Khổng Cấp, cháu nội Khổng Tử (con trai của Khổng Lý). Tên là Cấp, tự là Tử Tư. Học trò của Tăng Tử (Tăng Sâm). Người đời sau tôn ông là Thuật Thánh.
(4)bút (笔): chấp bút, viết (dùng làm động từ).
(5)thiên (偏): bất chính, không thẳng. Bất thiên: không chệch hướng chính giữa, cần ở giữa, đi chính đạo (đường chính).
(6)dịch (易): thay đổi, cải biến.
(7)Đại học (大学): tên một thiên trong Lễ Ký, tương truyền là do Tăng Sâm (Tăng Tử) học trò của Khổng Tử viết.
(8)Tăng Tử (曾子): đệ tử của Khổng Tử, tên là Sâm, tự là Tử Dư, nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi. Ông là một người cực kỳ hiếu thảo, là người truyền bá học thuyết của Khổng Tử, người đời sau tôn ông là Tông Thánh.
(9)Tự (自): từ, bắt đầu từ.
(10)Tu tề (修齐): gọi tắt của “tu thân, tề gia”.
(11)Bình trị (平治): gọi tắt của “trị quốc bình thiên hạ”.
Dịch nghĩa tham khảo
Tác phẩm “Trung Dung” là thủ bút của Tử Tư. Chữ “Trung” trong tên sách có nghĩa là mong muốn làm người ta không bị nghiêng lệch, thực hiện trung đạo (đi đường giữa), chữ “Dung” có nghĩa là làm người cần phải giữ tâm bình tĩnh, bình dị, thì mới vĩnh cửu không thay đổi, bảo trì trung chính (công bằng chính trực).
Người viết sách “Đại Học” là Tăng Tử, nội dung trong sách tường thuật về đạo lý bắt đầu từ tu thân, tề gia cho đến trị quốc, bình thiên hạ.
Đọc sách luận bút
Sau khi nói đến hai cuốn sách đầu tiên trong Tứ thư của Nho gia là “Luận Ngữ” và “Mạnh Tử” ở bài trước, bài này sẽ tuần tự nói tiếp đến sách “Đại Học” và “Trung Dung”, để các em hiểu được rằng sau khi biết đọc sách, thì đầu tiên nên học bốn cuốn sách xưa này, đặc biệt là hai cuốn đầu, hiểu được đạo quân tử của Khổng Tử và Mạnh Tử, mới có thể tiếp tục học tập “Đại Học” và “Trung Dung”.
“Đại Học” lấy đạo quân tử của Khổng Tử làm cơ điểm, cũng chính là lấy tu thân làm căn bản, trọng điểm là trình bày và phân tích rằng, sau khi trở thành bậc quân tử, thì lấy đạo lý nhân đức để trị vì quốc gia như thế nào. Như vậy, rốt cuộc khái niệm quân tử nên được lý giải thế nào? Kỳ thực quân tử cần phải có sự tu dưỡng ra sao, ở thiên “Học Nhi” mở đầu của “Luận Ngữ” đã nói rõ: “Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?” (Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế chẳng phải người quân tử ư?).
Nói cách khác, khi các đệ tử của Khổng Tử ghi lại và sắp xếp những lời bàn của ông, trước tiên họ đã chép lại những điều mà Khổng Tử cho là sự tu dưỡng của một bậc quân tử làm lời mở đầu cho thiên đầu tiên. Làm vậy là để tỏ rõ, mục đích của việc Khổng Tử giáo dục con người chính là dạy họ thành đấng quân tử. Bởi vì hầu hết các bài trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử được viết dưới dạng trích dẫn lời mà các đệ tử hỏi, Khổng Tử trả lời rồi soạn thành sách. Khi chỉnh lý, các đệ tử của Khổng Tử chắc chắn sẽ không làm tùy tiện, mà nhất định là phân loại theo chủ đề. Vì vậy, thiên đầu tiên đã nêu ra tu dưỡng của bậc quân tử là không nóng giận (bất uấn chính là không nóng giận), cho dù khi người khác không lý giải được mình, không hiểu mình, không tài giỏi như mình, mà bản thân mình cũng không nóng giận, vẫn biết thông cảm và bao dung. Đây chính là phẩm đức tu dưỡng của bậc quân tử. Luôn đứng tại góc độ của người khác mà suy xét vấn đề.
Nhìn vào con người chúng ta ngày nay, nếu họ thấy người khác không hiểu mình, hoặc là không thông minh hiểu biết bằng mình, họ sẽ rất tức giận, thậm chí còn coi thường và đối xử lạnh nhạt với người ta. Người như vậy hiện tại rất phổ biến, họ tuyệt đối không phải là quân tử. Không phải là quân tử thì đừng nói đến trị vì quốc gia thiên hạ, ngay cả quản lý gia đình cũng sẽ oán giận không dứt, ly hôn liên miên. Bởi vì để quản lý người khác, thì phải quan tâm thông cảm với người ta, phải ân cần hỏi han, còn một người luôn cao ngạo hết mức, động một chút lại lấy cảm xúc của mình làm trung tâm, một khi không như ý liền lập tức nổi giận, không thèm đếm xỉa gì đến người khác, thì làm sao có thể thiện đãi ai khác ngoài mình đây, đoán chừng là ngay cả vợ con cũng sẽ không tín phục. Cho nên “tu thân để trở thành quân tử” là trọng điểm của cả đời dạy bảo học trò của Khổng Tử. Nói rõ ra, chính là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, đây là năm tiêu chuẩn làm người. Trong “Luận Ngữ”, những lời dạy của Khổng Tử đều nhắc đến, hoặc là đều bao hàm những điều này.
Do đó, đệ tử Tăng Tử của Khổng Tử, đã dựa trên việc tu dưỡng của của quân tử mà biên soạn ra sách “Đại Học”, nói cụ thể đạo lý quân tử nên trị quốc như thế nào. Nói cách khác, đó là học vấn chỉ đạo làm thế nào để trị quốc dựa trên đức của người quân tử. Thực hiện lý tưởng dùng đức giáo hóa thiên hạ, thực ra chính là lý tưởng của Khổng Tử.
Còn “Trung Dung”, gốc từ trí tuệ của Đạo gia, dù làm gì cũng không thể đi lệch, chẳng hạn như việc đối xử tốt với người khác, tốt quá hóa dở, quá rồi sẽ thành “nuông chiều sinh hư”, “nể quá hóa hỏng”, khi ở nhà chỉ biết yêu chiều con cái. Ví dụ như khái niệm về sức khỏe, khi chú trọng một loại thực phẩm nào đó quá sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng. Thức ăn tốt mà ăn nhiều quá thì lại trở thành thứ xấu. Vì vậy, trung dung là một phương pháp và khái niệm thuộc về xử lý sự việc một cách có trí huệ, chính là không đi sang cực đoan, bảo trì cân bằng ở giữa. Mặc dù Khổng Tử không nhấn mạnh đến đạo trung dung, nhưng trong “Luận Ngữ” cũng có nói đến đạo lý ‘tốt quá hóa dở’. Vì vậy dù là “Trung Dung” hay “Đại Học” thì đều dựa trên giáo đạo của Khổng Tử, tiến thêm một bước nữa trình bày và phân tích cặn kẽ một phương diện học vấn nào đó một cách cụ thể hơn, nhờ đó mà trở thành một lý luận.
Học bốn cuốn sách này được tốt, thì bất kể là lo cho thân mình hay là bình thiên hạ, đều sẽ khá ung dung và sáng suốt. Người Nhật đọc “Tam Tự Kinh” có cảm giác rằng “Tam Tự Kinh” tựa như là một cuốn “Luận Ngữ” phiên bản dành cho trẻ em hoặc là phiên bản phổ thông dễ hiểu cho người dân trăm họ hiểu được. Cuốn sách này dùng hình thức một câu ba chữ, truyền tải học thuyết của Khổng Tử, để người đọc phổ thông có thể dễ dàng tiếp thu và đọc hiểu, nên rất đáng để cho người hiện đại đọc khi nhập môn Nho học.
Câu chuyện: Phẩm chất và bề ngoài tương xứng, ấy mới là quân tử
Một hôm, Khổng Tử rảnh rỗi ngồi ở nhà, bèn nói với con trai Khổng Lý: “Quân tử không thể không học tập, gặp mặt người khác không thể không tu sức (chỉnh lại trang phục cho lịch sự, nghiêm túc), không tu sức thì bề ngoài sẽ hiện ra vẻ không chỉnh tề, bề ngoài không chỉnh tề thì lộ ra sự không tôn trọng người khác, không tôn trọng người khác chẳng khác nào thất lễ, thất lễ thì sẽ không có chỗ đứng ở đời. Những người đứng ở xa mà đã thể hiện ra vẻ sáng sủa cuốn hút người khác, là do họ có bề ngoài chỉnh tề. Khi tiếp cận khiến người ta thấu hiểu rằng mình là người có học vấn uyên bác”.
Khổng Lý nghe xong bèn hỏi: “Vậy ý phụ thân có nghĩa là người quân tử nhất định phải chú trọng tới vẻ bề ngoài. Nhưng chẳng phải phụ thân vẫn thường dạy con rằng người quân tử chỉ cần giữ được bản chất là được rồi, không cần chú trọng tới vẻ bên ngoài sao?”
Khổng Tử nói: “Lý à, con vẫn chưa hiểu ý của ta. Vẻ bề ngoài và bản chất đều quan trọng như nhau, vẻ bề ngoài và bản chất đều tốt và tương xứng, thì mới có thể trở thành bậc quân tử. Nếu một người quá chất phác, thì sẽ biểu hiện ra sự lỗ mãng và trở nên thô tục. Nhưng cũng không thể quá chú trọng vẻ ngoài. Nếu như một người quá nghiêng về vẻ ngoài, vẻ ngoài lấn át tâm chất phác thì lại trở thành hư giả, hào nhoáng. Kẻ hoa ngôn xảo ngữ, hiền lành giả tạo, loại người này rất ít khi có nhân đức. Chỉ có chất phác, mộc mạc và vẻ ngoài phối hợp thích đáng thì mới là quân tử”.
Quân tử là mẫu nhân cách lý tưởng, là nhân cách mẫu mực của Nho gia, là tiêu chuẩn và tấm gương cho người bình thường noi theo. Nhưng để trở thành quân tử cũng không phải là chuyện dễ dàng, yêu cầu nắm chắc mối quan hệ không nghiêng lệch giữa ‘văn’ (vẻ bên ngoài) và ‘chất’ (bản chất). “Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử” [1] cũng là một loại biểu hiện đạo trung dung của Nho gia. Nho gia giảng “quá do bất cập” (tốt quá hóa dở), quá chú trọng vẻ ngoài hay quá chất phác đều không thể xem là quân tử, chỉ có ‘văn’ và ‘chất’ điều hòa thích hợp, mới đạt tới cảnh giới của bậc quân tử.
[1] Bản chất và vẻ bề ngoài đều tốt và tương xứng
Ngày đăng: 17-08-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.