Đạo của chữ số (2) (Phần 3)



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

3. Gợi mở từ các chữ số

Theo nguyên lý của Thái Cực thì hình thức văn hóa của xã hội nhân loại cũng được chia thành hai loại lớn là Âm và Dương. Nếu xét theo khoa học xã hội và khoa học tự nhiên trong giáo dục hiện đại, thì khoa học xã hội là Dương và khoa học tự nhiên là Âm. Sự phân biệt ra Âm và Dương này tương ứng với cặp phạm trù vật chất và tinh thần trong triết học, vì vậy, khoa học xã hội là thể hiện của văn minh tinh thần, khoa học tự nhiên là thể hiện của văn minh vật chất. Nếu sử dụng chữ số để hình dung thì số của khoa học xã hội là Nhất, số khoa học tự nhiên là Nhị. Cũng có thể nói rằng số của tinh thần là Nhất và số của vật chất là Nhị. Của cải vật chất của xã hội nhân loại có thể đo được bằng tiền, nhưng của cải tinh thần không thể đo được bằng tiền. Người xưa có câu: “Văn nghèo võ giàu”, nói như thế cũng rất có đạo lý, khi bắt đầu việc buôn bán hoặc mở tòa soạn báo nếu ở trong tên thương hiệu có chữ “văn” trong đó thì muốn giàu thật không dễ. Cũng là vì văn thuộc dương, đại biểu cho tinh thần, nhưng không đại biểu cho vật chất.

Trong lý luận của Đạo gia, Tam là số sinh, cũng chính là số sản sinh và tạo ra vạn vật. Đồng thời chữ “生- sinh” còn mang ý nghĩa cứu vớt, hóa độ, giúp đỡ, che chở và yêu mến. Tam cũng đồng thời đại diện cho thiên địa nhân. Trong Ngũ hành, số của mộc là Tam, cho nên mộc chủ về sinh, biểu hiện của mộc tại thế gian là tất cả các loài thực vật, người dân coi lương thực là trời, cho nên cổ nhân và động vật đều coi thực vật là cái gốc để tồn tại, y học cổ truyền Trung Quốc cũng sử dụng thảo dược để chữa bệnh cho con người. Thuở nhỏ các trưởng lão trong dòng tộc luôn có người lên đồng thỉnh nhờ thiên nhân kê đơn thuốc cho người bệnh, tôi may mắn đã nhiều lần được xem những đơn thuốc của họ, phần lớn là ba tệ cho mỗi đơn thuốc thảo dược. Nếu đơn thuốc bốn tệ, thì trước tiên lấy ba tệ trước, sau khi kê mấy vị thuốc lại trả thêm một tệ nữa, đơn thuốc sáu tệ, thì trả ba tệ trước, sau khi kê mấy vị lại trả thêm ba tệ nữa. Hồi nhỏ tôi không hiểu được ý nghĩa của nó, nhưng sau này tôi mới hiểu ra cái lý là lấy Tam làm số sinh. Để được bề trên phù hộ độ trì, mọi người thắp hương bái Phật, cầu Thần, đa phần là ba nén hương, làm như thế cũng là vì điều này. Vì chữ “生-sinh” còn có hàm nghĩa từ bi và bác ái nên hai con số Tam và Bát cũng có ý nghĩa đó.

Tứ là một số tương đối đặc biệt, khi quá trình phát triển của sự vật đạt đến vị trí thứ tư hoặc đến bước thứ tư, thì trạng thái vận động ban đầu của nó sẽ kết thúc, thậm chí sẽ phát sinh thay đổi ngược lại. Vì vậy Tứ trước hết mang ý nghĩa “đình chỉ”, cũng có nghĩa là đứng yên bất động. Kỳ thực, hàm nghĩa của sự đình chỉ này cũng vô cùng rộng lớn, là có thể liên quan đến tất cả mọi phương diện. Ví dụ chúng ta biết rằng màu xanh lá cây là màu thứ tư trong quang phổ, vậy nên những thứ màu xanh lá cây có liên quan đến chữ 止 (đình chỉ), các chất mang màu xanh lá cây trong tự nhiên chủ yếu là màu các loài thực vật, vì vậy trạng thái sinh tồn của thực vật phù hợp với đặc trưng của nó là “đình chỉ” – thực vật không thể đi lại được, tất cả đều đứng im tại chỗ. Chữ “植-thực” trong từ “thực vật” đồng âm với chữ “止-chỉ”, cũng có nguyên nhân về phương diện này. Chúng ta cũng biết rằng các ngón tay của con người, ngón tay thứ tư được gọi là ngón vô danh, là ngón tay ít vận động nhất, tên gọi của ngón thứ tư cũng rất đặc biệt. Ví dụ trong số anh chị em trong gia đình thì người thứ tư hầu hết khác xa so với những người khác về đặc tính, tính cách hoặc số phận. Trong hầu hết các nhóm bốn người đó, một trong số họ rất đặc biệt. Đương nhiên, chữ số Tứ còn có nhiều ý nghĩa khác, trên đây chỉ là giải thích rõ hàm nghĩa đình chỉ của nó.

Từ một cảnh giới nhất định mà xét, nhận thức về thế giới của Đạo gia là Ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; Phật gia lại là Tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong. Ngũ hành và Tứ đại là hai cực và hai mặt của thế giới vật chất, là mối quan hệ nhất âm nhất dương, phạm vi của nó thực ra là to lớn như nhau, do đó về phương diện này mà nói, hai số Tứ và Ngũ là bằng nhau và to lớn như nhau. Chúng ta thấy rằng số nét viết của chữ “四-Tứ” trong chữ Hán là 5 nét, số nét viết của chữ “五-Ngũ” là bốn nét, cũng là có lý do về phương diện này. Đồng thời, chúng tôi còn phát hiện rằng trong chữ số Ả Rập, các số 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9 có thể viết bằng một nét, còn số 4 và 5 cần viết hai nét, số nét viết của chúng là như nhau, điều này cũng không phải là ngẫu nhiên. Từ góc độ trên để xét, số bốn và số năm có thể nói là lớn như nhau, nhưng chúng biểu hiện về nội hàm của chúng là khác nhau và nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau, chúng là hai số bằng nhau nhưng không giống nhau.

Tứ và Thất là hai con số có ý nghĩa gần nhau nhưng lại không giống nhau, cũng là hai con số mà hầu hết mọi người không thích lắm. Chúng đều mang hàm nghĩa đình chỉ nhưng hình thức biểu hiện lại khác nhau. Ví dụ, ý nghĩa của đình chỉ trong Tứ có liên quan đến trình tự, thiết kế, là biểu hiện của tự nhiên, và cũng là sự chủ động đình chỉ. Đồng thời cũng có hàm nghĩa là mình chủ động ngăn cản người khác. Trong hàm nghĩa đình chỉ mà Thất biểu thị lại có hàm nghĩa bị động, có nghĩa ngăn cản, cản trở. Về phương diện tầng hàm nghĩa đình chỉ và kết thúc, Tứ và Thất là tương tự nhau nhưng không giống nhau. Xét từ góc độ thuộc tính âm dương, Tứ là số âm và Thất là số dương, thể hiện hữu hình nhất của hai loại vật chất âm dương ở thế gian chính là thủy và thổ. Vì vậy mà trên địa cầu có bốn đại dương và bảy đại lục. Mọi người đều biết Chúa Jesus đã nói rằng con người đều có tội, vậy có tội thì phải bị trừng phạt vì “止-chỉ” đồng âm với các từ như “制-chế”, “治-trị” và “至-chí” v.v., cho nên hoàn cảnh mà nhân loại đang sống thực chất là để hạn chế, ngăn chặn và chấn chỉnh hành vi của con người, hơn nữa nó cũng là tầng thứ thấp nhất. Đồng thời, chúng ta có thể thấy rằng trong cấu trúc của hai chữ 罪 (tội) và 罚 (phạt) đều có một chữ “四-Tứ”, điều này cũng có lý do của nó.

Trong lý luận của Đạo gia, xét ở một góc độ đặc biệt nào đó, Ngũ và Thập là một cặp số có hàm nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Trong Hà Đồ có thuyết pháp “thiên Ngũ sinh thổ, địa Thập thành chi”, tức là Ngũ là thổ thuộc tiên thiên ngũ hành và Thập là thổ thuộc hậu thiên ngũ hành. Cái gọi là tiên thiên chính là dùng để chỉ sự tồn tại ở cảnh giới cao và vi quan, còn cái được gọi là hậu thiên chính là sự tồn tại trong không gian này của xã hội nhân loại chúng ta. Nếu dùng chữ số để hình dung vị trí của con người, thì con người ở vị trí của Thập, bởi vì Thập chính là thổ, cho nên truyền thuyết kể rằng Thần dùng bùn đất tạo ra con người cũng có đạo lý. Quan trọng hơn Ngũ là con số của cao quý, số của trí huệ, số của sinh mệnh, số của chính trực và số của viên mãn. Và Thập là biểu hiện thấp nhất của Ngũ, cũng có thể nói là mặt trái của Ngũ, cho nên những người sinh tồn ở đây sống không có tôn nghiêm, không có trí huệ, tuổi thọ ngắn và đánh mất chính mình, không thể tìm thấy vị trí của mình, mất tất cả những gì có được từ tiên thiên, đến với tấm thân trần trụi. Vậy thì làm người có gì đáng tự hào đâu? Hơn nữa chữ Thập này, nếu đổi hướng một chút thì chính là thành một dấu hiệu sai (X), con người nghĩ thế nào làm thế nào đều sai, vì vậy phương Tây có một câu ngạn ngữ: con người hễ suy nghĩ, thì Thượng đế lại cười. Bởi vì con người đã rơi vào trong nơi sai lầm, và chỉ có ai làm theo lời dạy của các bậc hiền triết và các bậc Giác Giả, họ mới có thể tự tìm ra lối thoát cho mình, nếu không, thật sự vạn kiếp không thể trở về được.

Nội hàm của Thập rất phong phú, trong thời không của cảnh giới cao, từ Nhất đến Cửu là đại diện cho các tầng thứ khác nhau trong đó, còn Thập là lớp vỏ bên ngoài của cảnh giới này, tức là trời và đất của cảnh giới này đều là Thập. Dùng chữ số Ả Rập để biểu thị thì chính là số 10 tức Nhất và Linh. Nó là một đường thông sinh ra sinh mệnh và vật chất ở cảnh giới tầng thấp, tồn tại giống như một lỗ đen trong thiên thể. “Cửa Huyền Tẫn” trong câu “cửa Huyền Tẫn là gốc của trời đất, dằng dặc mà như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không hết” của [Đạo đức kinh] của Lão Tử chính là chỉ cái đó. Cảnh giới của con người cũng đúng như thế. Con người không ở trên trời cũng không ở dưới đất, vừa đúng ở vị trí của Thập, cho nên mới nói người ta sinh ra ở trên đời, kỳ thực chính là sinh ra tại Thập, giống như việc cùng lúc đối mặt với nhiều lựa chọn khác nhau ở ngã tư đường, sinh mệnh không có mục tiêu và phương hướng một cách rõ ràng. Vì vậy nói đây là một nơi rất đặc biệt và rất hiểm ác. Nó cũng tương tự như miệng của lỗ đen, nếu thực sự đã xấu hỏng rồi thì sẽ bị hút xuống trong nháy mắt. Vậy nên với con người thì quý trọng đức, hành thiện là điều vô cùng quan trọng.

Mặt khác, chữ Thập khác với các số khác, như đã nói ở trên, Thập là một công cụ để tải các số, là bối cảnh và là nên để tôn thêm tất cả các số, là cội nguồn sinh ra tất cả các số. Nếu như nhìn trong một cảnh giới nhỏ nào đó thì Thập chính là giới hạn và lớp vỏ bên ngoài của cảnh giới này, nó không thể được xem như một tầng thứ trong vũ trụ, nó không ở trong số. Như vậy con người ở vị trí của “Thập” thấp nhất này, kỳ thực chính là đã đến tầng đáy và rìa nhất của toàn bộ vũ trụ, hơn nữa chúng là tất cả sinh mệnh không ở trong số nữa, cũng có thể nói rằng chúng là sinh mệnh không được tính đến số nữa, chỉ bằng cách đi theo chân lý đại đạo, chịu khổ tu hành, không ngừng tinh tấn, mới có ngày thoát ra.

Về chữ số Lục, ở phần trước chúng tôi đã đề cập đến, nếu khi dùng nó để biểu thị đặc điểm tầng thứ của toàn bộ vũ trụ, bắt đầu từ tầng lớn thứ sáu trên hồng quan trở xuống, thì tất cả các sinh mệnh đều là hình thức tồn tại tam vị nhất thể, tất cả chúng sinh đều có hình dáng có thân thể. Còn các sinh mệnh từ tầng thứ năm trở lên đều là dạng thức sinh mệnh vô hình và vô tướng của thân thần hợp nhất, về phương diện này, chúng ta cũng có thể thể ngộ ra từ hình dáng và cấu trúc của chữ số Lục.

Cấu trúc của chữ “六-Lục” là có một dấu chấm ở trên của chữ “一-Nhất” và hai chấm ở dưới, chữ Nhất này có thể được xem như là đường phân cách giữa tầng trên và tầng dưới, bởi vì Nhất là dương và Nhị là âm, cho nên nói một cách tương đối, một dấu chấm ở trên tượng trưng cho cảnh giới thuần dương, và hai dấu ở dưới tượng trưng cho cảnh giới thuần âm. Tất cả chúng sinh trong cảnh giới thuần dương đều là chính, đều lấy tinh thần làm chủ thể, vì vậy hình thức tồn tại của nó là trạng thái thân thần hợp nhất, đều là vô hình. Bởi vì trong dương cũng có âm và dương, cho nên các cá thể sinh mệnh khác nhau trong cảnh giới thuần dương đều là thể hiện các đặc trưng tinh thần (dương) khác nhau. Còn trong cảnh giới thuần âm, thì lại lấy vật chất làm chủ thể, cho nên các loại hình sinh mệnh đều có, hơn nữa trước hết tất cả đều có các ngoại hình sinh mệnh khác nhau, đều có cơ thể vật chất của riêng mình. Bởi vì trong âm cũng có âm và dương, nên các cá thể sinh mệnh khác nhau trong cảnh giới thuần âm đều thể hiện các đặc tính vật chất (âm) khác nhau.

Vì vậy, xét theo nguyên lý Thái Cực, chữ số từ Nhất đến Cửu phản ánh quy luật thay thế nhau và dung hợp nhau của âm và dương, nói một cách tương đối, vạn vật chúng sinh ở trong cảnh giới càng cao thì đặc trưng tổng thể mà chúng biểu hiện là càng tinh thần thì càng cương dương, vạn vật chúng sinh ở trong cảnh giới càng thấp thì đặc trưng tổng thể mà chúng biểu hiện là càng vật chất thì càng âm nhu. Nếu như nhảy ra khỏi Thái Cực, nhảy ra khỏi con số, từ Vô Cực mà xét thì từ cao xuống thấp, từ dương đến âm, tất cả những tồn tại này đều là thể hiện của trí huệ của Đại Đạo Vô Cực, cho nên tất cả vạn vật chúng sinh sẽ không có lớn không có nhỏ, không có cao không có thấp, không có âm không có dương, vô tha vô ngã, vô thiện vô ác, tất cả đều hành động theo Đại Đạo, tùy tâm sở dục, như ý mình mà biểu hiện, như ý mình mà làm.

Cuối cùng cần nói rõ rằng hàm nghĩa của mỗi con số không phải là đơn nhất, mà là bao gồm tất cả các phương diện, ví dụ các yếu tố như tầng thứ của sinh mệnh và vũ trụ, thời gian khác nhau, không gian khác nhau, loại hình sinh mệnh khác nhau, hình thái vật chất khác nhau, phương thức tư duy khác nhau và phương thức vận động khác nhau v.v., mọi tồn tại đều là thể hiện của số, mọi tồn tại cũng đều có số. Lấy ví dụ như chữ số Nhất, nó không chỉ đại diện cho cảnh giới cao nhất và nguyên thủy nhất của vũ trụ mà còn có thể đại diện cho toàn bộ vũ trụ, bao gồm tất cả vũ trụ của các tầng thứ. Đối với con người mà nói, nó có thể chuyên dùng để chỉ đến cái đầu của con người, nhưng cũng có thể đại diện cho một con người hoàn chỉnh. Một ví dụ khác là chữ số Tứ, hàm nghĩa của nó bao gồm đình chỉ và chuyển hướng, biểu hiện trong không gian bao gồm trạng thái chuyển động và phương thức sinh tồn, biểu hiện trong thời gian cũng có tình huống tương tự như vậy, biểu hiện thường thấy nhất của nó là sự thay đổi của các mùa, cứ ba tháng một mùa, đến tháng thứ tư là mùa tiếp theo, điều này phản ánh hàm nghĩa của sự chuyển hướng hoặc thay đổi của nó. Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa thứ tư là mùa đông là mùa kết thúc của một năm, điều này nói lên hàm nghĩa chấm dứt của nó. Chúng ta cũng biết rằng thông thường mỗi năm dương lịch có 365 ngày, tháng Hai có 28 ngày, năm nhuận có 366 ngày và tháng Hai là 29 ngày, năm nhuận này cũng là bốn năm lặp lại một lần. Điều này cũng phản ánh hàm nghĩa “đặc thù” của chữ số Tứ, hoặc là hàm nghĩa “chấm dứt”. Bởi vì con số nào cũng có những nội hàm bác đại tinh thâm nên nhận thức về bất cứ con số nào cũng không thể chỉ giới hạn ở một khía cạnh nào đó, mà nó bao gồm tất cả các khía cạnh. Cũng do phương thức tư duy và tầng thứ của tác giả có hạn, sự hiểu biết về các con số cũng vô cùng hạn chế, nên những giải thích được đưa ra chỉ có thể là từ một khía cạnh nào đó mà tác giả có thể nhận thức được. Nếu như những nhận thức này có thể giúp mọi người hiểu biết thêm dù một chút về các con số, thì đó cũng sẽ là điều rất may mắn.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/241840



Ngày đăng: 12-03-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.