Đạo của chữ số (2) (Phần 2)
Tác giả: Chiếu Viễn
[ChanhKien.org]
2. Chữ số giải thích cho kết cấu của vũ trụ và đặc trưng của tầng thứ
Trong cấu trúc của vũ trụ được biểu thị bằng các con số, giữa hai con số liền kề bất kỳ từ Nhất đến Cửu đều là khái niệm về Thái Cực. Cái gọi là Thái Cực, nếu dùng âm dương để biểu thị thì đó chính là quan hệ giữa cực âm và cực dương. Nếu dùng lớn nhỏ để biểu thị thì đó là mối quan hệ giữa vô cùng lớn và vô cùng nhỏ. Nếu dùng dọc ngang để biểu thị thì đó là quan hệ giữa chiều dọc và chiều ngang. Nói cách khác, nếu vũ trụ tầng thứ nhất là cảnh giới của thuần dương, thì nói một cách tương đối vũ trụ tầng thứ hai là cảnh giới thuần âm, trạng thái tồn tại của tất cả sinh mệnh và vật chất trong hai cảnh giới này hoàn toàn khác nhau. Tương tự như vậy, nếu coi vũ trụ tầng thứ hai là cảnh giới thuần dương, thì vũ trụ tầng thứ ba chính là cảnh giới thuần âm. Nếu coi vũ trụ tầng thứ ba là cảnh giới thuần dương, thì nói một cách tương đối vũ trụ tầng thứ tư là cảnh giới thuần âm. Cứ như vậy cho đến tầng thứ tám và thứ chín cũng là khái niệm tương tự, ở giữa tầng trên và tầng dưới cũng là khái niệm âm dương, tầng cao hơn là dương, tầng thấp hơn là âm. Trong xã hội nhân loại cũng là nhận thức như thế này: Trời là dương, đất là âm, quân là dương, thần là âm. Cảnh giới thấp hơn con người được gọi là cõi âm, Minh giới. Hình thái của sinh mệnh và vật chất của bất cứ hai giới âm dương nào đều tồn tại hoàn toàn khác nhau.
Từ khái niệm lớn nhỏ mà nói, nếu vũ trụ tầng thứ nhất là lớn vô hạn thì vũ trụ tầng thứ hai là nhỏ vô hạn. Nếu coi vũ trụ tầng thứ hai là lớn vô hạn, thì vũ trụ tầng thứ ba là nhỏ vô hạn. Tương tự, so sánh tầng thứ ba và tầng thứ tư cũng như thế, mãi cho đến so sánh giữa tầng thứ tám và thứ chín đều là như thế. Hơn nữa, kết cấu của mỗi tầng vũ trụ đều là chín tầng, trong đó mỗi tầng lại phân chia thành chín tầng, mỗi tầng được phân chia đó lại chia thành chín tầng, tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau, vô cùng vô tận. Bất kể tầng nào trong đó, khi so sánh giữa bất kỳ hai tầng liền kề nhau đều là khái niệm vô cùng lớn và vô cùng nhỏ.
Nếu xét từ góc độ chiều dọc và chiều ngang thì không gian vũ trụ tầng thứ nhất là chiều dọc, không gian vũ trụ tầng thứ hai là chiều ngang. Nếu coi không gian vũ trụ tầng thứ hai là chiều dọc thế thì không gian vũ trụ tầng thứ ba chính là chiều ngang. Nếu coi không gian vũ trụ tầng thứ ba là chiều dọc thì không gian vũ trụ tầng thứ tư là chiều ngang… cứ vậy cho đến tại tầng thứ tám và tầng thứ chín đều như thế, trong bất kỳ hai tầng không gian liền kề nào trong đó, thì giữa tầng cao hơn và tầng thấp hơn đều có mối quan hệ theo chiều dọc và chiều ngang. Mối quan hệ giữa tầng tầng kết cấu nội trong một tầng không gian bất kỳ nào đều như thế, cho nên kết cấu này rất phức tạp, khó có thể diễn tả bằng lời.
Bởi vì cảnh giới khác nhau, cho nên năng lực, trí huệ, phúc phận… của chúng sinh ở các tầng thứ khác nhau cũng khác nhau rất nhiều.
Tầng không gian vũ trụ thứ nhất là biểu hiện trực tiếp nhất của Đại Đạo Vô Cực, tất cả vật chất và sinh mệnh trong đó đều là ở cảnh giới thân thần hợp nhất, sự tồn tại và biểu hiện của tất cả chúng sinh đều hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của Đại Đạo, vì vậy đó là cảnh giới của đại phúc phận, đại trí huệ, đại tự tại và đại viên mãn. Nếu phân chia không gian vũ trụ tầng thứ nhất thành chín tầng, thì cái vỏ bên ngoài của chỉnh thể không gian vũ trụ tầng thứ nhất là Thập. Thập chính là bản thân Đại Đạo, chính là Vô Cực, bao trùm và làm nổi bật toàn bộ vũ trụ tại tầng này, là cội nguồn trí huệ, phúc phận và năng lượng cho vạn vật chúng sinh trong không gian vũ trụ tầng này. Thập vừa cao nhất vừa thấp nhất, vừa lớn nhất vừa nhỏ nhất. Nói rằng cao nhất, vì tất cả chúng sinh trong vũ trụ đều do Thập tạo ra, Thập là trời của tất cả chúng sinh. Nói rằng thấp nhất, vì Thập chính là mặt đất của tất cả chúng sinh. Nói rằng lớn nhất, vì Thập chính là Vô Cực, Thập lớn hơn tổng tất cả Thái Cực. Nói rằng nhỏ nhất, vì Thập chính là nhân tố vật chất vi quan nhất và cơ bản nhất cấu thành nên toàn bộ vũ trụ. Còn khi Thập ở trạng thái đồng thời vừa nhỏ nhất thấp nhất, thì Thập lại là trời của vũ trụ tầng thứ hai, tất cả vạn vật chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ hai đều bắt nguồn từ Thập. Trước mặt tất cả chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ hai thì Thập chính là Vô Cực, vì Vô Cực sinh Thái Cực, nên tất cả vạn vật chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ hai đều là sự biểu hiện vật chất và sinh mệnh của Thập. Nếu dùng chữ số Ả Rập để biểu thị thì là số 10, tức là Nhất (số 1) và Linh (số 0). Nói cách khác, nếu so sánh chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ hai với tầng thứ nhất thì khả năng, trí huệ và phúc phận của họ là những khái niệm nhỏ vô hạn. Bên trong cấu thành sinh mệnh của họ có nhiều hơn một lớp vỏ, lớp vỏ này chính là “Thập” – Nhất và Linh, đó là vật chất tầng thấp nhất của vũ trụ tầng thứ nhất, đó cũng là những vật chất không đủ tiêu chuẩn trong vũ trụ tầng thứ nhất. Cho nên cho dù năng lực và trí huệ của sinh mệnh trong vũ trụ tầng thứ hai có lớn đến đâu cũng không đột phá được lớp vỏ tầng này.
Theo đạo lý tương tự, nếu phân vũ trụ tầng thứ hai thành chín tầng thứ lớn, thì chữ Thập chính là lớp vỏ ngoài của vũ trụ tầng thứ hai. Cho nên Thập vừa cao nhất vừa thấp nhất, vừa lớn nhất vừa nhỏ nhất. Khi là cao nhất Thập là trời, khi là thấp nhất Thập là đất. Khi là lớn nhất Thập chính là Vô Cực, tất cả vạn vật chúng sinh trong vũ trụ tầng này đều là biểu hiện ý chí và vật chất của Thập. Khi là nhỏ nhất Ông chính là vật chất nền tảng vi quan nhất cấu thành nên vạn vật chúng sinh trong vũ trụ tầng này. Xuống tiếp nữa, thấp nhất của vũ trụ tầng thứ hai chính là Trời của vũ trụ tầng thứ ba, nếu biểu thị bằng chữ số thì chính là 20: hai số Linh (0). Nói cách khác, cấu thành vật chất của sinh mệnh ở trong vạn vật chúng sinh của vũ trụ tầng thứ ba có hai tầng vỏ. Như vậy, xem xét từ những chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ hai, thì năng lực, trí huệ và phúc phận của chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ ba là nhỏ vô hạn. Theo cách suy luận tương tự, cấu thành sinh mệnh của chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ tư sẽ có ba tầng vỏ, cấu thành sinh mệnh của chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ năm sẽ có bốn tầng vỏ… cho đến, cấu thành sinh mệnh chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ chín có tám tầng vỏ. Tám tầng vỏ ở đây cũng là một khái niệm tổng thể, hồng quan, nói cụ thể, kỳ thực có vô số tầng, bởi vì như đã nói ở phần trước, mỗi một tầng không gian vũ trụ đều có thể phân chia thành chín tầng thứ lớn, mỗi tầng trong đó lại có thể được chia thành chín tầng lớn nữa… vô cùng vô tận, và sự tương phản giữa hai tầng không gian vũ trụ liền kề bất kỳ nào cũng đều là khái niệm lớn vô cùng và nhỏ vô cùng.
Chiểu theo suy lý trên, sau khi chúng sinh trong vũ trụ tầng thứ năm có bốn tầng vỏ, bởi vì chữ Tứ mang hàm nghĩa chấm dứt và chuyển biến, cho nên khi phát triển đến tầng thứ sáu, tất cả các hình thức tồn tại của sinh mệnh đều sẽ phát sinh biến đổi về chất. Biến đổi cái gì? Sinh mệnh từ tầng thứ nhất đến tầng thứ năm đều là trạng thái thân thần hợp nhất, đây là cảnh giới mà không thể chỉ bằng Phật hay Đạo những đơn thuần trong vũ trụ tầng thấp mà hình dung được, bởi vì hình thức sinh mệnh loại này đã vượt qua Phật và Đạo rồi, cho nên sinh mệnh từ tầng thứ năm trở lên có thể nói đều là vô hình. Các sinh mệnh từ tầng thứ sáu trở xuống, tức là các sinh mệnh như Phật, Đạo, Thần, ma v.v. đều đã xuất hiện. Họ đều có ngoại hình cơ thể cố định, đều là thể tồn tại tam vị nhất thể.
Trong nguyên lý Thái Cực, âm và dương là khái niệm cơ bản nhất, ở tầng cao của vũ trụ thì dương ở tầng thấp được coi là âm. Chúng tương ứng với cặp phạm trù vật chất và tinh thần trong triết học. Tinh thần là dương, vật chất là âm, nói một cách tương đối, tầng thứ càng cao thì tinh thần càng nhiều, còn tầng thứ càng thấp thì càng vật chất. Như vậy, tầng cao và tầng thấp của vũ trụ đang lần lượt biểu hiện các trạng thái khác nhau của âm và dương. Nói cách khác, từ trung tầng trở xuống, bắt đầu từ tầng thứ sáu, sự tồn tại của sinh mệnh càng ngày càng vật chất hơn, thì càng ngày càng hữu hình hơn, tất cả sự tồn tại đều không còn là trạng thái thân thần hợp nhất nữa, Phật là Phật, Đạo là Đạo, Thần là Thần, ma là ma… ngoại hình của sinh mệnh là cái gì thì cũng chính là sinh mệnh đó, với sinh mệnh ở cảnh giới cao thì hoàn toàn không phải là khái niệm giống như thế, đây cũng là hình thức thể hiện của Đại Đạo vũ trụ chuyển từ dương sang âm. Từ đó mà xét, cảnh giới cao nhất của ma trong vũ trụ là xuất hiện tại tầng thứ lớn thứ sáu ở mức hồng quan, cho nên Lục trong nguyên lý Thái Cực là số âm lớn nhất.
Theo chiều ngang mà nói, từ Nhất đến Cửu là phản ánh thời không khác nhau ở cùng một tầng thứ đồng đẳng, hoặc có thể nói đó là sự biểu hiện của sinh mệnh và vật chất khác nhau trong các không gian khác nhau ở một tầng thứ đồng đẳng, hoặc nói đó là hình thức biểu hiện của sinh mệnh hoặc vật chất đồng nhất trong thời gian khác nhau của tầng thứ đồng đẳng, hơn nữa giữa hai con số bất kỳ nào cũng đều có quan hệ với Thái Cực.
Kết cấu của toàn thể vũ trụ này, từ Nhất đến Cửu, độ lớn của sự khác biệt của các cảnh giới khác nhau, nếu dùng tư duy của con người thì không thể tưởng tượng nổi. Nhưng chúng ta có thể sử dụng kết cấu của cơ thể con người để hình dung. Bởi vì trong nguyên lý của Thái Cực cho rằng, thiên địa là đại vũ trụ, cơ thể con người là tiểu vũ trụ, kết cấu của cơ thể con người xét ở mức vi quan có mối quan hệ tương ứng với kết cấu của vũ trụ, vì vậy chúng ta có thể sử dụng kết cấu của cơ thể con người để biểu thị không gian vũ trụ của các cảnh giới khác nhau, qua sự khác biệt trong kết cấu của thân thể con người để hình dung ra sự khác biệt vật chất và sinh mệnh của các tầng thứ khác nhau.
Lý luận của Đạo gia cho rằng Vô Cực sinh Thái Cực, Vô Cực khi cao nhất, thì đó là thiên (trời), Vô Cực thấp nhất thì đó là địa (đất). Thiên số là Linh (số 0) cũng là Thập, địa số là Thập cũng là Linh. Thập (10) chính là 1 và 0. Bởi vì toàn bộ Thái Cực chính là hình tượng của một con người, cho nên tầng thứ của Thái Cực cũng giống như kết cấu của cơ thể con người: 一 (Nhất) là đầu, 二 (Nhị) là vai (cánh tay), 三 (Tam) là ngực, 四 (Tứ) là bụng, 五 (Ngũ) là bụng dưới, 六 (Lục) là đùi, 七 (Thất) là đầu gối, 八 (Bát) là ống chân và 九 (Cửu) là bàn chân.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/241839
Ngày đăng: 27-02-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.