Đạo của chữ số (1) (Phần 2)



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

Lời dịch giả: Do có sự khác nhau về hình thức biểu hiện chữ số trong chữ hệ thống chữ Ả Rập (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10) và chữ số trong hệ thống chữ Hán: Linh (〇-零: số 0); Nhất (一: số 1), Nhị (二: số 2), Tam (三: số 3), Tứ (四: số 4), Ngũ (五: số 5), Lục (六: số 6), Thất (七: số 7), Bát (八: số 8), Cửu (九: số 9), Thập (十: số 10), ngoài ra âm Hán-Việt của các chữ số này còn liên quan đến một số câu thành ngữ thường dùng trong tiếng Việt (quá tam ba bận, thủy chung như nhất…), nên trong bài viết khi biểu hiện chữ số của hệ thống chữ Hán, người dịch sẽ để phiên âm tiếng Hán – Việt và viết hoa (Linh, Nhất, Nhị, Tam …) để phân biệt với hệ thống chữ số trong tiếng Ả Rập.

2. Sự ra đời của chữ số

Lão Tử nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Ông còn nói: “… Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân cũng đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên” (Nghĩa là: Đạo lớn, Trời lớn, đất lớn, người cũng lớn, trên đời có bốn thứ lớn thì con người là một trong số đó). Đạo mà Lão Tử nói chính là Vô Cực, số của Vô Cực là Linh (零- Linh: số 0). Nhất mà ông nói chính là Thái Cực, chỉ toàn thể vũ trụ, Nhị chỉ âm dương, thời không, đối với con người mà nói thì chính là trời và đất trong không gian này của chúng ta. Tam chỉ con người, vì giữa trời và đất có con người, cho nên mới tạo nên chúng sinh vạn vật lấy con người làm gốc, bao gồm tất cả của cải, vật chất mà con người tạo ra. Bởi vì tất cả vật chất trong thời không của chúng ta đều được tạo ra và an bài cho con người, vì con người, cho nên người xưa mới nói là có con người thì mới có thế giới, vì vậy mới nói Tam sinh vạn vật. Đạo về Tam tài được đề cập trong Chu Dịch cũng chỉ về trời, đất và con người.

Nhất, Nhị, Tam mà Lão Tử nói đến chủ yếu sử dụng ý nghĩa tượng trưng của các chữ số, mục đích của ông không phải giảng về chữ số mà giảng về Đạo, giảng rõ trình tự tạo ra thiên, địa, nhân, trình tự này cũng là một trong những nội hàm của các con số trong nguyên lý Thái Cực.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn luận bàn về sự ra đời của các chữ số, vì góc nhìn khác nhau, mục đích khác nhau nên cũng có nhận thức riêng về sự ra đời của các chữ số.

Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước, Linh trong nguyên lý Thái Cực là đại biểu cho Vô Cực, mà trạng thái của Vô Cực là điều mà tất cả sinh mệnh trong Thái Cực đều không thể nắm bắt và dự đoán được, vì vậy ở đây chúng ta không cần bàn luận thêm về hàm nghĩa của Linh. Vì Vô Cực sinh Thái Cực, số của Thái Cực là Ngũ (五), nên Ngũ là thể hiện trực tiếp nhất của Linh. Như vậy những con số khác như Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu, Thập đều thuộc về phạm trù hiện hữu, đều ở trong Thái Cực. Nếu chúng ta coi Ngũ trong Thái Cực là yếu tố tiên thiên, vậy thì mười số là Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu, Thập chính là yếu tố hậu thiên, cả mười số này đều là thể hiện cực đoan của Ngũ, là hình thức biểu hiện của Ngũ trong Thái Cực. Để dễ dàng phân biệt Ngũ (五) của vũ trụ với Ngũ (五) trong nhất (Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu, Thập, chúng ta cũng có thể sử dụng các chữ số Ả Rập là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 để đại diện cho mười chữ số trên. Mối quan hệ giữa chúng vẫn là tiên thiên và hậu thiên (số 5 trong hậu thiên là hình ảnh thu nhỏ của Ngũ trong Thái Cực, là con số ở giữa, cực âm của 5 là 10).

Nguyên lý Thái Cực cho rằng tất cả sinh mệnh và vật chất trong không gian này của chúng ta đều được cấu thành bởi Ngũ hành, có nghĩa là, vi lạp nguyên sơ nhất, nguyên thủy nhất cấu thành tất cả mọi sinh mệnh và vật chất chính là Ngũ hành. Trong lý luận Đạo gia của Trung Quốc cổ đại, trạng thái vi quan ban đầu của Ngũ hành được gọi là Khí (炁), cũng có người viết là Khí (氣), người xưa cho rằng khi khí trong Ngũ hành tụ lại thì thành hình, khi tản ra thì tạo thành Khí. Lão Tử có một câu nói rằng: “Vạn vật phụ âm nhi bão dương, trùng khí dĩ vi hòa” (Nghĩa là: Vạn vật đều chứa đựng âm và dương, cân bằng và thống nhất, kích động lẫn nhau, giao thoa với nhau), chính là ý tứ đó.

Khí trong Ngũ hành có năm hình thức biểu hiện, đó là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm hình thức biểu hiện này không chỉ là năm trạng thái tinh thần khác nhau, mà còn là năm trạng thái vật chất khác nhau. Trạng thái tinh thần của sinh mệnh khác nhau thì đặc trưng cá tính, diện mạo tinh thần và phương thức tư duy cũng khác nhau, cách nhìn nhận về cùng một sự vật cũng khác nhau, người nhân thì đứng từ góc độ nhân, người trí nhìn đứng từ góc độ trí mà nhìn nhận. Mà trạng thái vật chất của sinh mệnh khác nhau thì kết cấu vật chất và hình thể trên bề mặt sẽ khác nhau, biểu hiện trong không gian này của chúng ta chính là có non có nước, có kim có mộc, có động vật có thực vật, v.v.

Ngũ hành cũng có những con số riêng của nó, đó là: thủy Nhất, hỏa Nhị, mộc Tam, kim Tứ, thổ Ngũ. Đây là con số tiên thiên của Ngũ hành, cái gọi là tiên thiên là chỉ trạng thái của Ngũ hành ở cảnh giới cao và vi quan. Trong đó, thủy và hỏa là một cặp khái niệm âm dương, kim và mộc cũng là một cặp khái niệm âm dương, thổ là ngũ, ngũ vừa là lớn nhất và vừa là nhỏ nhất nên thổ tự có âm dương.

Trong nguyên lý Thái Cực, số lẻ là dương, số chẵn là âm, trời là dương, đất là âm, vì vậy số lẻ còn được gọi là thiên số còn số chẵn là địa số. Vì tổng của ba số dương trong số của Ngũ hành là Cửu, cho nên Cửu được gọi là số dương lớn nhất; tổng của hai số âm là Lục, vì vậy Lục được gọi là số âm lớn nhất. Chúng tôi thấy rằng chữ số Ả Rập 6 và 9 có cách viết hoàn toàn trái ngược nhau, một số là âm một số là dương, cũng chính từ nguyên nhân này. Còn 〇 (Linh) không phải là âm cũng không phải là dương, không phải là thiên cũng không phải là địa, nó đại diện cho Vô Cực, là Đạo “tiên thiên địa sinh” (Đạo có trước cả trời đất – Lão Tử).

Thủy và hỏa trong Ngũ hành tồn tại theo chiều dọc, là trạng thái tiên thiên, kim và mộc tồn tại theo chiều ngang, là trạng thái hậu thiên, còn thổ là trạng thái tổng thể của nó nên thổ ở trung tâm. Thủy – hỏa và kim – mộc là bốn cực của thổ, thủy và hỏa quyết định thuộc tính âm dương sinh mệnh, mộc và kim quyết định quá trình sinh tử của sinh mệnh, còn thổ là tổng thể và nơi quy tụ của sinh mệnh, nên thổ tự có âm dương. Trong Ngũ hành, thổ là cơ sở tạo nên thủy hỏa mộc kim.

Năm dạng thức kim, mộc, thủy, hỏa, thổ đều là biểu hiện cực đoan của Ngũ hành, nói cách khác, khi Ngũ hành biểu hiện là thủy nó là thủy, khi Ngũ hành biểu hiện là hỏa nó là hỏa, khi Ngũ hành biểu hiện là mộc nó là mộc, khi Ngũ hành biểu hiện là kim thì nó là kim, khi Ngũ hành biểu hiện là thổ thì nó là thổ, về tổng thể Ngũ hành bao gồm cả năm thuộc tính: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Khi ngũ hành bất biến bất động thì số của nó là Ngũ, 五- Ngũ (吾- ngô) là lớn nhất, một khi có sự thay đổi thì sẽ tự biến thành Nhất, Nhị, Tam, Tứ, tức là thu nhỏ, cho nên Đạo gia chú trọng vô vi thanh tĩnh, bởi vì trạng thái này mới thực sự là chính mình, mới là trí huệ (悟- ngộ) của mình. Bởi vì một khi làm được việc gì lớn thì đã làm bản thân trở thành nhỏ bé, mê mờ, cũng sẽ không có trí huệ, không ngộ (五 ngũ) được. Mọi người đều biết Thái Cực Quyền cũng chú trọng lấy tĩnh chế động, lùi một bước để khống chế đối phương. Là vì “Nhất, Nhị, Tam, Tứ” chỉ có trạng thái của “thủy, hỏa, mộc, kim”; trí huệ và năng lực của nó là đơn nhất và cực đoan, giống như trạng thái của người thường, còn khi Ngũ hành hoàn chỉnh trong 五-ngũ (吾- ngô) ở trạng thái bất biến, thì đó là toàn trí toàn năng, giống như trạng thái của người ngộ đạo, đắc đạo.

Năm con số thủy Nhất, hỏa Nhị, mộc Tam, kim Tứ, thổ Ngũ nói trên đều là thể hiện cực đoan của Ngũ (Ngũ hành), là con số tiên thiên của Ngũ hành. Cái gọi là tiên thiên, đối với con người mà nói chính là trạng thái ở cảnh giới cao, nguyên thủy và vi quan. Trong không gian nơi nhân loại, vạn vật chúng sinh nhìn thấy được bằng mắt thịt đều là tồn tại hậu thiên. Bởi vì vạn sự vạn vật kể cả cơ thể con người đều do Ngũ hành tạo thành, Ngũ hành tụ lại thì thành hình, khi phân tán thì tạo thành khí, do đó số của Ngũ hành hậu thiên là do số của Ngũ hành tiên thiên cộng với 5 (số của ngũ hành tổng thể) mà thành, tức là thủy Lục, hỏa Thất, mộc Bát, kim Cửu, thổ Thập. Tổng hợp lại chính là: Nhất và Lục thuộc thủy, Nhị và Thất thuộc hỏa, Tam và Bát thuộc mộc, Tứ và Cửu thuộc kim, Ngũ và Thập thuộc thổ. Mười con số Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu, Thập là sự triển hiện toàn diện của Ngũ hành (五). Tiên thiên và hậu thiên, vi quan và hoành quan cùng nhau tổ hợp thành vũ trụ hoàn chỉnh này.

Bởi vì số lẻ là dương và số chẵn là âm cho nên số của thủy, hỏa, mộc, kim, thổ của Ngũ hành tương ứng có số âm và số dương, tức là ngũ hành có âm và dương, nên Ngũ hành còn gọi là âm dương Ngũ hành.

Chúng ta biết rằng trong Hà Đồ có một câu mô tả như sau: “Thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi; địa nhị sinh hỏa, thiên thất thành chi; thiên tam sinh mộc, địa bát thành chi; địa tứ sinh kim, thiên cửu thành chi; thiên ngũ sinh thổ, địa thập thành chi” (Nghĩa là: Số Trời 1 sinh Thủy, thành số Đất 6; số Đất 2 sinh hỏa, thành số Trời 7; số Trời 3 sinh mộc, thành số Đất 8; số Đất 4 sinh kim, thành số Trời 9; số Trời 5 sinh thổ, thành số Đất 10) . Cho nên, người xưa nói Nhất là số sinh của thủy, Nhị là số sinh của hỏa, Tam là số sinh của mộc, Tứ là số sinh của kim và Ngũ là số sinh của thổ. Lục là số thành của thủy, Thất là số thành của hỏa, Bát là số thành của mộc, Cửu là số thành của kim, Thập là số thành của thổ. Vạn vật đều có thuộc tính Ngũ hành của mình, thuộc tính đó là do số sinh của nó quyết định. Mà vạn vật đều có số sinh và số thành, nên vạn vật sinh tồn đều có số của nó, số này còn được gọi là định số.

Tóm lại, mười con số từ Nhất đến Thập là thể hiện cực đoan của Ngũ hành, nói cách khác, các con số sinh ra từ Ngũ hành lại được dùng để biểu thị cho Ngũ hành, quy luật tính toán các con số chính là thể hiện quy luật vận hành của Ngũ hành, cũng chính là quy luật tồn tại, diễn hóa và phát triển của thời không, sinh mệnh và vật chất trong vũ trụ, chính là mối quan hệ đó.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/157022



Ngày đăng: 23-01-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.