Đạo của chữ số (2) (Phần 1)



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

Trong Đạo có số, trong số cũng có Đạo. Nội hàm của số rất phong phú và cao thâm, phương thức tư duy khác nhau, cảnh giới và góc độ khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau về chúng. Do các chữ số trong văn hóa truyền thống của chúng ta và chữ số Ả Rập được viết theo cách khác nhau, cho nên nội hàm trong mỗi chữ số cũng khác nhau. Bởi vì các chữ số trong chữ Hán có cùng nguồn gốc với các chữ Hán khác, cho nên chúng tự nhiên sẽ có nội hàm thâm sâu hơn gắn với những âm-hình-ý mà chúng đối ứng, về phương diện này thì các chữ số Ả Rập không thể nào sánh được. Dưới đây chúng tôi sẽ giải nghĩa từng chữ số từ một đến mười trong chữ Hán, đương nhiên là dựa trên cơ sở các nguyên lý Thái Cực của Đạo gia để giải nghĩa.

1. Từ một đến mười, mỗi chữ số có ý nghĩa riêng của nó

Nhất (一) là số của đại Đạo. Tại các tầng thứ khác nhau có những nội hàm khác nhau. Thuyết Văn Giải tự viết: Chỉ khi khởi đầu, Đạo được dựng lập từ Nhất, tiếp đó tạo ra trời đất, rồi hóa thành vạn vật. Cách nói này có hàm nghĩa tương đồng với cách nói “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật” Lão Tử đã nói. Do đó, Nhất chính là tượng trưng cho sự thể hiện trực tiếp nhất của Đại Đạo Vô Cực trong vũ trụ hồng đại, đồng thời nó cũng là biểu hiện cao nhất và nguyên thủy nhất, là trạng thái phù hợp nhất với Đạo và gần nhất với Đạo. Đạo của vũ trụ vốn là vô hình vô tướng, vô thủy vô chung, khó mà biểu đạt thành lời, là điều mà bất kỳ chúng sinh nào trong vũ trụ đều không thể nắm bắt và không thể đoán trước. Và Nhất chính là biểu hiện viên mãn nhất Đại Đạo của vũ trụ. Tất cả vạn vật chúng sinh trong cảnh giới ấy cũng đều là trạng thái thân thần hợp nhất. Gọi là “hợp nhất” vừa có nghĩa là hòa làm một thể, không phân biệt, lại vừa có ý nghĩa phù hợp với Đại Đạo, bởi lẽ thân và thần hợp với Đạo nên gọi là hợp nhất. Có câu nói thủy chung như một (Nhất), cũng có nghĩa là luôn duy trì trạng thái sơ khai nhất, ngay chính nhất và tốt đẹp nhất, đối với người tu luyện mà nói lại càng phải như vậy. Cũng duy chỉ có thủy chung như một mới có thể hợp với Nhất, đạt được Nhất. Bởi vì Nhất là số của Đại Đạo, cũng là chữ số của sự khởi đầu, cho nên người đạt được Nhất sẽ chân thành lương thiện, tiền đồ vô lượng, phúc thọ vô cương. Có một điều cần phải nói rõ, Nhất là số của Đại Đạo, nó chỉ là thứ tượng trưng của Đại Đạo, là thể hiện sơ khai, nguyên thủy nhất của Đại Đạo trong Thái Cực, chứ nó không phải là bản thân Đại Đạo.

Nhị (二) là số của Thái Cực, số của âm dương, cũng là số của thiên địa. Chúng tôi nhận thấy rằng hình dạng của số 2 trong chữ số Ả Rập tương tự như đường cong trong đồ hình Thái Cực. Chữ Nhị cũng chứa đựng những hàm nghĩa của các tầng thứ khác nhau. Trong nguyên lý Thái Cực, số lẻ là dương và số chẵn là âm, vì vậy Nhất là dương và Nhị là âm. Nếu coi tổng thể Thái Cực là nhất, thì Nhị là có 2 giới Âm Dương trong đó, bởi thế mới nói Nhất sinh Nhị. Đối với hai gia lớn là Phật và Đạo trong cùng một tầng thứ mà nói, thì số của Phật gia là Nhất, số của Đạo gia là Nhị, nhưng không phân ra cao thấp. Ở một góc độ khác mà xét, thì Nhất là số tiên thiên, Nhị là số hậu thiên, Lão Tử nói: Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, tức là ý nghĩa đó. Thiên số là Nhất, địa số là Nhị, trời tròn đất vuông. Con người sinh ra ở giữa trời và đất, phỏng theo số của trời đất, nên có một đầu và hai chân. Mà cũng phỏng hình ảnh của trời và đất, với đầu tròn và bàn chân vuông. Số của tinh thần là Nhất, chân ngã là duy nhất, cho nên chủ ý thức con người phải mạnh mẽ, phải nhất tâm nhất ý, không bị dục vọng chi phối, không được có hai lòng. Số của vật chất là Nhị, đối với con người, điều đó có nghĩa là dù sở hữu của cải vật chất ít hay nhiều cũng đừng chấp trước vào đó. Thần thú Huyền Vũ trong Tứ tượng là ở phương Bắc, tính cách là âm, thuộc hành thủy trong Ngũ hành, hình dáng là sự kết hợp giữa rùa và rắn, cho nên cũng hợp với hai đức tính trên.

Tam (三) là số sinh. Hàm nghĩa cũng là tầng thứ khác nhau có các nhận thức khác nhau. Trong Thuyết Văn Giải Tự có viết: Tam, là đạo của thiên địa nhân. Được coi là sự kết hợp của Nhất dương và Nhị âm, theo mức độ quan trọng, thì số của nó là Tam. Tức là, Tam chỉ trời, đất và con người, Dịch Truyện gọi là tam tài. Thiên số là Nhất và địa số là Nhị gộp lại tạo thành Tam, hai khí âm dương kết hợp lại sinh ra con người, cho nên ở đây cũng có thể hiểu số của con người là Tam. Lão Tử nói: Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. Vì vậy, người ta nói rằng Tam là số sinh ra vạn vật. Trong nguyên lý Thái Cực, các con số của ngũ hành lần lượt là Thủy Nhất, Hỏa Nhị, Mộc Tam, Kim Tứ, Thổ Ngũ. Mộc chủ về sinh, nên số của mộc là Tam, vì vậy Tam là số sinh. Sinh ý nghĩa là sản sinh, là tạo ra, là bảo hộ, là chăm sóc, là nuôi dưỡng.

Tứ (四) là số thành, là chỉ số. Ở đây cũng có nhiều tầng hàm nghĩa. Trong Thuyết Văn Giải Tự giải thích: Tứ (四) do Bát (八) ở trong chữ Vi (囗) hợp thành, 囗 (vi) là tứ phương. Chữ Bát (八) đứng trong Vi (囗) có hình ảnh giống phân chia ra bốn phần. Vì vậy tứ mang ý nghĩa phân chia, biệt ly, xa cách. Nó hoàn toàn không mang ý chỉ sinh tử biệt ly, đây là hàm nghĩa biểu hiện bề ngoài của nó, nó chỉ sự tách biệt tinh thần và thể xác (âm và dương) của mỗi cá thể sinh mệnh hoặc phân cách giữa đầu và thân. Số của mộc trong ngũ hành là Tam, số của kim trong ngũ hành là Tứ, mộc chủ về sinh, kim chủ về tử. Do đó Tứ có nghĩa là chấm dứt, dừng lại, kết thúc và tĩnh lặng, cũng có ý giết chết. Nói cách khác, khi sự vật hoặc sinh mệnh phát triển đến “Tứ” thì sẽ kết thúc trạng thái vốn có hoặc tuần hoàn trở lại, chúng tôi thấy rằng chữ “止” (chỉ: nghĩa là dừng lại) cũng là có bốn nét. Có câu tục ngữ nói rằng: sự bất quá Tam (quá tam ba bận), vì vậy Tứ cũng có nghĩa là diễn biến, biến đổi và biến hóa. Tính chất của kim trong ngũ hành là cứng rắn, vững chắc nhất, nên tứ còn mang ý nghĩa của sự trưởng thành ổn định, bất biến bất động và kiên cố vĩnh cửu. Hình dạng chữ Tứ (四) trong Khải Thư là trong Vi (口) có chữ Nhi (兒) viết giản lược, Nhi (兒) chính là chỉ người, vì là hình ảnh có người nằm trong quan tài, nên chữ Tứ cũng có nghĩa là tử vong. Tứ đồng âm với tử (死), chính là như thế.

Ngũ (五) là số của sự tôn quý, số của sinh mệnh, số của trí huệ, số của trung chính, số của viên mãn. Nội hàm của chữ số Ngũ là phong phú nhất. Thuyết Văn Giải Tự giải thích: Ngũ cũng là Ngũ hành, từ Nhị mà ra. Âm dương đan xen ở giữa trời và đất. Tức là, nghĩa gốc của Ngũ chính là Ngũ hành, cũng là số của Ngũ hành, từ Nhị mà ra, Nhị chỉ âm dương. Cách viết chữ Ngũ trong tiếng Hán cổ là (㐅), tượng trưng cho sự vận hành tương tác của khí âm và khí dương giữa trời và đất. Chiểu theo lý luận của Đạo gia, vật chất cấu thành của vũ trụ này là Ngũ hành, toàn bộ vũ trụ này là Ngũ hành, vì vậy mới nói số của vũ trụ là Ngũ. Vũ trụ lớn đến đâu thì Ngũ lớn đến đó, vì lẽ đó Ngũ là số tôn quý nhất. Tự xưng của vũ trụ cũng là Ngũ (Ngũ ‘五’ nếu thêm Khẩu ‘口’ thì chính là Ngô ‘吾’- nghĩa là tôi), tự xưng của tất cả các sinh mệnh đều là Ngũ (ngô- 吾), bởi thế nó là số của sinh mệnh. Trí huệ của vũ trụ chính là trí huệ lớn nhất, cho nên con số của trí huệ chính là Ngũ (Ngũ ‘五’ nếu động tâm thì chính là ngộ ‘悟’). Nếu toàn bộ vũ trụ được chia thành chín tầng lớn, thì tất Ngũ sẽ nằm trong đó. Vật chất tối cơ bản cấu thành nên vũ trụ là Ngũ hành, vì vậy Ngũ cũng là con số nhỏ nhất, vừa lớn nhất vừa nhỏ nhất, vừa ở trong vừa ở ngoài, không thiên không lệch, không nơi nào không có, bởi lẽ đó nó là số trung chính, toàn bộ vũ trụ tất cả đều bao hàm, viên mãn vô lậu, vì vậy nó là số của sự viên mãn.

Lục (六) là số thông suốt hiển đạt, là số mê hoặc lòng người. Hàm nghĩa của Lục cực kỳ phức tạp, có cả hai giới âm dương, có cả hai mặt chính phụ, có cả các tầng thứ khác nhau. Xét về mặt tích cực, Ngũ thêm Nhất là Lục, Ngũ là số của sinh mệnh, Nhất lại là số của Đại Đạo, mà đã là người đắc đạo, tự khắc dưới chân đi sẽ có đường, thông suốt không có trở ngại. Người ta thường nói “lục lục đại thuận”, đại khái nguồn gốc như thế. Tam thêm Tam cũng là lục, Tam là số sinh, Tam Tam lặp lại, thì sức sống tràn trề. Xét về mặt tiêu cực, Nhị thêm Tứ là Lục, Nhị và Tứ đều là số âm, vì vậy lục là số cực âm. Ở nơi cực âm, ma huyễn bắt đầu sinh ra, vì thế những việc yêu ma quỷ quái phần lớn đều liên quan đến lục. Người Trung Hoa xưa gọi địa phủ và cõi âm là Minh giới, ví đó là nơi chúng sinh ở tầng thấp nhất sinh sống. Chúng ta thấy rằng trong cấu tạo chữ Minh (冥) cũng có chữ Lục (六). Theo Kinh thánh, ngày sinh của Quỷ vương Satan là ngày 6/6. Trong Lịch nhà Hạ, ngày 6/6 là ngày thăm mồ mả ở nông thôn. Trong Phật giáo, ma vương Ba Tuần còn được gọi là Đệ Lục Thiên ma vương. Ngộ Không giả trong Tây Du Ký là Lục Nhĩ Hầu. Trong Chu Dịch quẻ Khảm là quẻ số sáu, Khảm có ý là rơi vào nguy nan, thất bại, hoạn nạn. Khảm là thủy, là tửu, cũng là độc. Có một loại thuốc trừ sâu có độc tính cao mang tên “666”, cũng không phải ngẫu nhiên.

Thất (七) là kỳ hạn, cũng là con số của chu thiên. Trong Bát Quái số của quẻ Cấn là Thất, quẻ Cấn hàm nghĩa kết thúc và mở đầu. Ở đây không những có ý tĩnh chỉ bất động, mà chỉ sự dừng lại của một hình thức chuyển động và sự bắt đầu một hình thức chuyển động khác. Hàm nghĩa của nó tương tự như Tứ nhưng có sự khác biệt. Ví dụ, trong một ngày bắt đầu khí dương từ giờ Tý dần dần sinh ra đến mức đạt khí thuần dương ở giờ Tỵ. Sáu canh giờ này là một chu kỳ nhỏ. Sau đó khí âm bắt đầu sinh ra từ canh giờ thứ bảy tức là vào giờ Ngọ và đến mức đạt khí thuần âm ở giờ Hợi, sáu canh giờ này cũng là một chu kỳ nhỏ. Trong một năm cũng giống như thế, kể từ ngày Đông chí của tháng Tý, dương khí bắt đầu trở lại cho đến khi đạt được khí thuần dương ở tháng Tỵ, sáu tháng này là một chu kỳ lớn, sau đó từ tháng thứ bảy tức là tháng Ngọ, âm khí bắt đầu phát triển thành khí thuần âm ở tháng Hợi, sáu tháng này cũng là một chu kỳ lớn. Chu kỳ vận hành của hai khí âm dương trong một ngày cho đến một năm đều có liên quan đến Thất, sự vận động của khí âm dương có ảnh hưởng trực tiếp và trực tiếp quyết định đến sự sinh trưởng và biến hóa của vạn vật ở thế gian, mà điều quyết định đến quy luật vận động của hai khí âm dương là sự vận hành thiên thể của không gian vũ trụ cao tầng, tất cả đều liên quan đến Thất. Do đó Thất là con số của chu thiên.

Bát (八) là con số của sung túc, thịnh vượng, phát đạt. Thuyết Văn Giải Tự giải thích: 八 (Bát), là phân ly, giống như sự đối lập quay lưng lại với nhau. Chữ Biệt (别) ngoài ý nghĩa phân ly, phân biệt, còn có nghĩa là sự khác biệt và không giống nhau. Trời đất đã được định vị, chúng sinh vạn vật trên thế gian đều đã được sắp xếp đâu vào đấy, mỗi người đều có năng lực riêng, gánh vác sứ mệnh riêng, mỗi người thực thi những nhiệm vụ riêng và làm theo Đạo của mình. Trong Hà Đồ có câu “Thiên Tam sinh mộc, địa Bát thành chi”, Tam và Bát đều thuộc Mộc trong Ngũ hành, mộc chủ về sinh, vì thế chữ Bát (八) sinh sôi không ngừng. Trong Dịch truyện cũng giải thích: Đại đức của thiên địa là đức sinh dưỡng. Có thể sinh dưỡng vạn vật chính là công đức lớn nhất trong trời đất, đức tức là đắc, cho nên mới nói phồn vinh thịnh vượng, phát đạt sung túc. Và bởi vì Tam và Bát đều thuộc mộc trong Ngũ hành, mộc chủ về sinh, mộc đồng âm với mẫu, người ta ai cũng có mẹ, nên việc thế gian coi ngày 8/3 là Ngày Phụ nữ cũng có đạo lý. Người xưa cũng cho rằng “nữ tử vô tài tiện thị đức (người phụ nữ coi đức quan trọng hơn tài)”, vì với mộc cùng là đức, chính là có đức. Mộc chủ về nhân đức, người có nhân đức thì sống thọ, vì vậy phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới.

Cửu (九) là Đại Đạo trường tồn, thiên địa vĩnh hằng, là cực số. Trong Hà Đồ cũng có câu “địa Tứ sinh kim, thiên Cửu thành chi”. Tứ và Cửu đều thuộc kim trong ngũ hành, Tứ mang ý chỉ sự thành thục ổn định, bất biến bất hoại, Cửu là hậu thiên của Tứ, sinh ra với đặc điểm của Tứ, Cửu (九: số chín) đồng âm với Cửu (久: vĩnh cửu), nên Cửu cũng mang ý nghĩa là kim cương bất hoại, trường tồn vĩnh cửu. Tổng của số dương trong Ngũ hành là Nhất, Tam, Ngũ là Cửu, do đó Cửu là số cực dương. Lại nữa, Cửu (九) đồng âm với Cứu (究), Cứu (究) có ý nghĩa cùng cực, tận cùng, cao thâm, cho nên mới nói Cửu là cực của số (cực số). Đại Đạo diễn hóa đến Cửu là hết, vì vậy cấu trúc thiên thể của các cảnh giới khác nhau đều có chín tầng, xem xét kỹ hơn, mỗi tầng lại được phân thành chín tầng, tầng tầng đều như thế, vô cùng vô tận. Xét về mặt không gian thì là từ vi quan nhất đến hồng quan nhất, xét về mặt thời gian thì là không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Vùng đất Hoa Hạ cũng được chia thành cửu châu. Quan hệ nhân luân ở thế gian là cửu tộc. Tam tài cũng đều cùng một lý đó. Từ Nhất đến Cửu, nếu Nhất được coi là cảnh giới ban đầu, chí cao chí dương của Đại Đạo, nếu tính từ trên xuống dưới thì Cửu là cảnh giới thấp nhất, tức là cuối cùng của Đại Đạo và đầu tận cùng của dương, là cảnh giới thấp nhất của sinh mệnh, trí huệ và năng lực, đồng thời cũng là cảnh giới gần với con người nhất. Ngược lại, nếu coi cảnh giới đó là Nhất, cảnh giới cao nhất là Cửu, thì đối với con người mà nói, Cửu là số chí cao chí cực chí dương. Thiên lý và nhân lý quả là trái ngược nhau. Nếu nhảy ra ngoài số, từ trong Vô Cực mà nhìn, thì Cửu chính là Nhất, Nhất chính là Cửu. Các con số đều ngang bằng nhau, không có cao thấp, không có lớn nhỏ.

Thập (十) là tổ tông của các con số, là số của toàn mỹ, cũng là số của Vô Cực. Trong Thuyết Văn Giải Tự giải thích: Thập là số của công cụ. Nét ngang (一) là Đông và Tây, nét dọc (丨) là Bắc và Nam, Thập có đủ tứ phương và trung tâm. Hàm nghĩa của nó là: Thập là công cụ chuyển tải số. Trong chữ Thập có một nét ngang đại diện cho Đông và Tây, một nét dọc đại diện cho Bắc và Nam, vì vậy đã có đủ bốn mặt tám hướng và trung tâm. Lý giải này cực kỳ hình tượng và chuẩn xác. Ngoài ra, nét ngang và nét dọc của chữ Thập còn có thể chỉ âm dương, thời không. Nếu đứng ở góc độ Đại Đạo mà xét, Thập là bối cảnh, là nền để tôn lên tất cả các số, là nguồn gốc sản sinh ra tất cả các số. Tất cả các số đều nằm trong Thập, Thập luôn lớn hơn tổng của tất cả các số, đây là tổ tông của các số. Cũng tức là nói, tất cả các con số đều ở trong Thái Cực, đều là thể hiện của Đại Đạo, mà Thập chính là bản thân Đại Đạo, chính là Vô Cực. Nếu đặt nó trong một cảnh giới nhỏ nào đó để xem xét, Thập là cực hạn và lớp vỏ ngoài của cảnh giới này, nó trong một tầng thứ không thể trở thành vũ trụ mà xem xét thì nó không nằm ở trong con số. Đối với cảnh giới tầng thấp mà nói, nó là cao nhất. Đối với cảnh giới tầng cao mà nói, nó là thấp nhất. Và đứng tại mức cuối cùng mà xét, Thập chính là vô cực, tất cả các số, tất cả Thái Cực đều do Thập sinh thành, trong Thập có đầy đủ tất cả, là toàn trí toàn năng, là bản nguyên của mọi vật chất và sinh mệnh, cung cấp tất cả trí huệ và năng lượng của nó cho diễn hóa sinh mệnh vật chất trong Thái Cực, vì thế mới nói là số toàn mỹ. Thập (十) đồng âm với Thị (是) trong tiếng Hán, Thập chính là Đạo, cho nên nói Đạo chính là “thị”. Thập đồng âm với Thực (实), còn Đại Đạo thì có tất cả, so với Thái Cực mà nói thì nó là chân thực nhất, vững chắc nhất và lại tồn tại vĩnh hằng bất biến.

Tiểu kết: Trong thời không vũ trụ của tầng thứ rất cao, mọi con số đều tồn tại giống như Thần, chúng đều là một trong những nhân tố cốt lõi nhất, nội tại nhất, bản chất nhất trong cấu trúc thời không và cấu thành sinh mệnh của vũ trụ, đây cũng là phương thức tồn tại chân thực nhất của thời không vũ trụ và vạn vật chúng sinh. Giải thích của văn hóa truyền thống đối với “số” cũng thường nói thành thiên số và định số, vì vậy chúng ta cũng có thể hiểu rằng số là trình tự diễn hóa của vũ trụ tuân theo thiên định, từ sự vận hành của thời không dưới điều kiện đặc định và cho đến trạng thái tồn tại của vạn vật chúng sinh, vì vậy mỗi con số đều có hàm nghĩa đặc biệt của nó, cũng như mỗi sinh mệnh đều khác với các sinh mệnh khác. Đối với con người mà nói, nếu có thể nhận thức được đạo lý liên quan đến các con số, khiến mình trở thành một người trong tâm có con số, vậy thì đó là điều tốt nhất.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/241838



Ngày đăng: 16-02-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.