Đạo của chữ số (1) (Phần 1)



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

Lời dịch giả: Do có sự khác nhau về hình thức biểu hiện chữ số trong chữ hệ thống chữ Ả Rập (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10) và chữ số trong hệ thống chữ Hán: Linh (〇-零: số O); Nhất (一: số 1), Nhị (二: số 2), Tam (三: số 3), Tứ (四: số 4), Ngũ (五: số 5), Lục (六: số 6), Thất (七: số 7), Bát (八: số 8), Cửu (九: số 9), Thập (十: số 10), ngoài ra âm Hán-Việt của các chữ số này còn liên quan đến một số câu thành ngữ thường dùng trong tiếng Việt (quá tam ba bận, thủy chung như nhất…), nên trong bài viết khi biểu hiện chữ số của hệ thống chữ Hán, người dịch sẽ để phiên âm tiếng Hán – Việt và viết hoa (Linh, Nhất, Nhị, Tam …) để phân biệt với hệ thống chữ số trong tiếng Ả Rập.

Chữ số trong tiếng Hán gồm có Linh, Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu, Thập. Đầu tiên cần nói rõ ý nghĩa của những chữ số được thảo luận trong bài viết này là nhận thức đứng trên cơ điểm của Đạo gia, dùng cách tư duy của Đạo gia, dựa trên nguyên lý Thái Cực, hoàn toàn khác với nhận thức về chữ số trong toán học hiện đại. Để mọi người dễ hiểu, trước tiên xin nói qua về nội dung cơ bản của nguyên lý Thái Cực.

Nguyên lý Thái Cực cho rằng Vô Cực sinh Thái Cực, tức là Thái Cực chính là thể hiện ý chí của Vô Cực, cũng có thể nói Thái Cực là sự thể hiện vật chất của Vô Cực. Về hai chữ “Vô Cực”, hàm nghĩa của “Vô” là không tồn tại, không có. Hàm nghĩa của “Cực” là chỉ cực đoan, hạn độ tối đa, mức độ cao nhất, tức là âm và dương. Ví dụ: tốt nhất, xấu nhất, cao nhất, thấp nhất, lớn nhất, nhỏ nhất, gần nhất, xa nhất, vật chất nhất, tinh thần nhất… Sở dĩ những điều vô cực đó được gọi là Vô Cực, là vì tinh thần (ý chí) và vật chất trong vô cực hoàn toàn hòa hợp với nhau, không phân rõ đâu là tinh thần đâu là vật chất, cũng chính là trạng thái của “thân thần hợp nhất”. Nó đồng thời là tinh thần nhất và lại cũng là vật chất nhất, là thứ mà chúng sinh ở bên trong Thái Cực không cách nào hình dung và ước đoán được, nhưng tinh thần và vật chất của nó lại có thể được thể hiện trong Thái Cực, cho nên trong nguyên lý Thái Cực, chúng ta thường xem Thái Cực là thể hiện ý chí của Vô Cực.

Trong nhận thức về Vô Cực, còn có một khái niệm quan trọng đó là chữ “Vô” trong Vô Cực, ngoài hàm nghĩa không có và không tồn tại, còn có bốn chữ có hàm nghĩa gần với “Vô” nhất, đó là Ngô (吾), Ngộ (悟), Ngũ (五), Vật (物) (bốn chữ này trong tiếng Hán có phát âm gần như nhau). Cho nên cái gọi là Vô Cực kỳ thực là cái cực của cái tôi (ngô), cái cực của giác ngộ, cái cực của ngũ và cái cực của vật. Khái niệm này có hai khía cạnh: Đối với tất cả chúng sinh trong Thái Cực mà nói, Vô Cực là thể hiện tối cao của cái tôi (ngô), là thể hiện tối cao của trí huệ (ngộ), là thể hiện tối cao của ngũ hành (ngũ), và là thể hiện tối cao của vật chất (vật). Còn đối với Vô Cực mà nói, mọi thứ tồn tại trong Thái Cực là thể hiện thấp nhất của cái tôi (ngô), là thể hiện thấp nhất của trí huệ (ngộ), là thể hiện thấp nhất trong ngũ hành(ngũ) và là thể hiện thấp nhất của vật chất (vật). Đây cũng là một trong những nội hàm của Vô Cực sinh Thái Cực.

Nói tới Thái Cực là bao gồm toàn bộ vũ trụ cho tới vô số chúng sinh và vạn sự vạn vật trong vũ trụ, tất cả thứ này đều là hình thức biểu hiện của Vô Cực. Tức là, chúng sinh và vạn vật trong Thái Cực đều là sự thể hiện tinh thần và vật chất của Vô Cực, nhưng lại không phải là bản thân Vô Cực. Còn bản thân Vô Cực, thì tất cả chúng sinh ở bên trong Thái Cực đều không thể nắm bắt và không thể đoán trước, vì vậy nếu cần dùng một chữ số để biểu thị cho Vô Cực, thì đó chính là chữ số O (Linh). Vì Vô Cực sinh Thái Cực, nên tất cả các chữ số trong Thái Cực đều sản sinh từ Linh, mà Linh này là nguồn gốc của mọi chữ số. Tức là, tất cả các số Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu, Thập đều là hình thức biểu hiện của số Linh, đều là những thể hiện khác nhau của sinh mệnh và vật chất của Linh trong Thái Cực. Vậy trong các số đó số nào là số lớn nhất và số nhỏ nhất? Thứ tự mà các số được tạo ra như thế nào? Hàm nghĩa của mỗi con số đó đại biểu khác nhau ra sao? Sau đây chúng tôi sẽ trình bày chi tiết về những điểm này.

1. Số lớn nhất và số nhỏ nhất

Trong toán học hiện đại, người ta cho rằng số lớn nhất và số nhỏ nhất đều không tồn tại, bởi vì cho dù bạn đưa ra một con số lớn cỡ nào, thì khi cộng thêm 1, 100 hoặc một vạn, bạn sẽ lại nhận được một con số lớn hơn con số ban đầu, vì vậy số lớn nhất không tồn tại. Tương tự nguyên lý đó, số nhỏ nhất cũng không tồn tại. Nhưng trong nguyên lý Thái Cực lại không nhận thức như thế, có nghĩa là, trong nguyên lý Thái Cực là có số lớn nhất và số nhỏ nhất, nói đến đây, chúng ta cũng cần phải định nghĩa lại khái niệm “lớn” và “nhỏ” của các con số.

Trước khi thảo luận về tính lớn nhỏ của các con số, trước tiên chúng ta phải thảo luận một chút các con số thực chất là gì, bởi vì chỉ khi làm rõ thực chất của các con số, chúng ta mới có thể có cơ sở lý luận để thảo luận về tính lớn nhỏ của các con số. Thông thường chúng ta cho rằng, cái gọi là con số chẳng qua chỉ là một khái niệm, là điều không thật, trong thế giới thực không có bất cứ “con số” cụ thể nào được đặt ở một nơi nào đó. Nhưng cuộc sống hàng ngày của chúng ta lại không thể tách rời các con số, ví dụ như đã chi tiêu bao nhiêu tiền, đã mua được bao nhiêu thứ và thời gian hiện tại là tháng mấy, ngày nào, giờ nào, phút nào v.v., trong đó đều có con số. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cho rằng tiền là tiền, vật là vật, tiền và vật đều là thực tại. Còn số chỉ là số, số không phải là tiền, số cũng không phải là vật, số vẫn chỉ là một khái niệm, không có thực, có thật như vậy không? Không phải vậy.

Nguyên lý Thái Cực cho rằng, bản thân vũ trụ là có con số, chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ cũng đều có con số, mọi sự tồn tại trong vũ trụ đều là thể hiện của con số, cũng có thể nói tất cả đều là số, sinh mệnh và vật chất, thời gian và không gian đều là thể hiện của con số, tất cả mọi thứ đều có con số, mọi thứ đều ở trong con số. Tất cả sinh mệnh và vật chất, kết cấu và sự diễn hóa, phát triển của thời gian và không gian đều tuân theo và thể hiện quy luật vận hành của các con số, chúng ta cũng gọi quy luật này là định số.

Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về khái niệm lớn và nhỏ.

Trong Thái Cực thì cái gì là lớn nhất trong vũ trụ này? Chỉ có một câu trả lời, đó là bản thân vũ trụ là lớn nhất. Vì vậy nếu có một con số như thế, thì nó cũng to lớn như vũ trụ, nó chính là tổng hòa của tất cả các con số trong vũ trụ, như vậy con số này phải là con số lớn nhất trong vũ trụ phải không? Tương tự như vậy, nếu có một con số là cơ sở của tất cả các con số trong kết cấu vũ trụ, con số nhỏ hơn nữa cũng do con số này tạo thành, vậy thì con số này có thể nói là con số nhỏ nhất trong vũ trụ phải không? Vậy rốt cuộc có con số như vậy không? Câu trả lời là có.

Nguyên lý Thái Cực cho rằng, trong không gian vũ trụ này của xã hội nhân loại của chúng ta, tất cả sinh mệnh và vật chất đều được cấu tạo bởi ngũ hành, đều đang phát triển và diễn hóa chiểu theo quy luật của ngũ hành. Các mối quan hệ phức tạp trong ngũ hành như tương sinh tương khắc, tương xung tương hợp đã tạo nên sinh lão bệnh tử và buồn vui tan hợp của vạn vật trên thế gian. Ví dụ nói thời gian là thể hiện của ngũ hành, từ các đơn vị thời gian là nguyên [1], hội, vận, thế đến năm, tháng, ngày, giờ cho đến các đơn vị thời gian lớn hơn và nhỏ hơn nữa, tất cả đều tiến hành chiểu theo quy luật của ngũ hành. Lịch pháp truyền thống của Trung Quốc phản ánh quy luật vận hành của ngũ hành trong thời gian, ví dụ, ngày sinh theo bát tự [2] mà chúng ta thường nói đến chính là tổng quan của ngũ hành về giờ, ngày, tháng, năm mà một người nào đó được sinh ra. Không gian là thể hiện của ngũ hành, tất cả bốn phương tám hướng và trung tâm đều có thuộc tính của ngũ hành, ví dụ Thiên Can Địa Chi được sử dụng để đại diện cho ngũ hành đều có các vị trí tương ứng của chúng trong không gian. Trạng thái tinh thần và tình trạng thể chất của con người bao gồm tất cả các phương diện của vận mệnh và khí số đều là thể hiện của ngũ hành, người ta đều cho rằng “mình làm chủ tâm trạng của mình”, kỳ thực con người từ trước đến nay chưa bao giờ tự định đoạt được bản thân, tâm trạng và phương thức tư duy của con người đều là thể hiện của ngũ hành. Tình trạng sức khoẻ của con người bao gồm các loại tai họa và bệnh tật cũng đều là thể hiện của ngũ hành. Dáng người cao, lùn, béo, gầy cũng đều là thể hiện của ngũ hành. Tất cả động, thực vật trong không gian này cho đến tất cả những gì người ta gọi là chất vô cơ và hữu cơ cũng là thể hiện của ngũ hành. Tức là, mọi thứ tồn tại trong vũ trụ này của chúng ta đều là ngũ hành, toàn bộ vũ trụ này chính là ngũ hành, bởi vì ngũ hành vừa tồn tại vật chất vừa tồn tại cả tinh thần, cho nên vũ trụ do ngũ hành tạo thành này là có tinh thần có ý thức, hơn nữa còn có trí huệ, trí huệ của nó chính là tổng hòa trí huệ của tất cả chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ, cái gọi là đại trí đại huệ là có ý nghĩa như vậy. Tương tự như thế, bởi vì tất cả chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ này cũng đều do ngũ hành cấu thành, nên tất cả chúng sinh và vạn vật đều có thân thể vật chất của riêng mình – vật chất, đồng thời cũng có ý thức tự ngã độc lập của riêng mình – cái tôi (吾: ngô). Mọi thứ đều tồn tại không có ngoại lệ. Do đó nói tinh thần và vật chất tồn tại một cách đồng thời và đồng thể, là nhất tính. Nhưng do phương thức tư duy của con người là cực đoan, thiếu chu toàn và không đủ trí huệ nên khó phát hiện ra sự thật này.

Sau đây lại nói một chút về nhận thức về ngũ hành trong nguyên lý Thái Cực. Trước hết, “ngũ hành” là một danh từ cố định, cũng giống như hai chữ của danh từ “pha lê” không thể tách rời nhau. Cũng có thể coi “ngũ hành” là một cách nói khác của vật chất. Tiếp đến, ngũ hành có năm hình thức biểu hiện là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm hình thức biểu hiện này không chỉ là trạng thái vật chất cực đoan của ngũ hành, mà còn là trạng thái tinh thần cực đoan của ngũ hành.

Vậy thì ngũ hành có con số riêng của mình, con số này có từ tiên thiên, bẩm sinh đã có, con số của ngũ hành là Ngũ. Bởi vì mọi thứ trong toàn bộ vũ trụ đều do ngũ hành cấu thành, chỉnh thể vũ trụ này là ngũ hành, nên mới nói con số của vũ trụ này là số Ngũ. Tự xưng của vũ trụ cũng là Ngũ (ngũ (五) và ngộ – tôi (吾) có cùng cách phát âm). Vũ trụ lớn thế nào thì số Ngũ lớn thế đó, tổng hòa của tất cả các con số trong vũ trụ chính là số Ngũ. Tương tự đạo lý này, bởi vì tất cả chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ cũng đều do ngũ hành cấu thành, ngũ hành là cơ sở vật chất vi quan nhất của mọi tồn tại trong cấu thành vũ trụ, ngũ hành bé thế nào thì số năm cũng bé như vậy. Tức là, Ngũ vừa là số lớn nhất trong vũ trụ lại vừa là số nhỏ nhất trong vũ trụ. Đây cũng là một trong những nội hàm của hai chữ “Thái Cực”.

Trời đất là đại vũ trụ, thân thể người là tiểu vũ trụ, vì vậy đối với con người mà nói thì là như thế này: Vũ trụ rộng lớn bao nhiêu, cái tôi (五) lớn bấy nhiêu, ngũ hành nhỏ bao nhiêu, cái tôi (五) nhỏ bấy nhiêu. Lớn nhất hay là nhỏ nhất phụ thuộc vào cách mọi người nhìn nhận và lựa chọn.

Bởi vì toàn bộ vũ trụ có đầy đủ mọi thứ, viên mãn và vô lậu, cho nên số Ngũ này cũng chính là đầy đủ mọi thứ, viên mãn và vô lậu. Ngũ đã là con số lớn nhất trong vũ trụ, cũng là con số nhỏ nhất trong vũ trụ, đồng thời cũng là con số tốt nhất trong vũ trụ.

Chú thích:

[1]: 1 nguyên = 12 hội = 360 vận = 4320 thế = 129600 năm 1 hội = 30 vận = 360 thế = 10800 năm = 129600 tháng 1 vận = 12 thế = 360 năm = 4320 tháng = 129600 ngày 1 thế = 30 năm = 360 tháng = 10800 ngày = 129600 canh giờ (một canh giờ là hai giờ ngày nay) 1 năm = 12 tháng = 360 ngày = 4360 canh giờ = 129600 phút = 1555200 giây

[2] ngày sinh theo tám ký tự: gồm giờ, ngày, tháng, năm mỗi loại có 2 chữ theo Thiên Can Địa Chi thường dùng để xem tướng số, ví dụ: giờ Giáp Tý, ngày Kỷ Mùi, tháng Ất Hợi, năm Kỷ Hợi

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/157021



Ngày đăng: 06-12-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.