Tử ngọc kim sa (8): Đặc điểm nổi bật đặc thù của tử sa núi Hoàng Long



Tác giả: Ý Văn

[ChanhKien.org]

Cuốn “Trường Vật Chí” ghi lại: “Dĩ thô sa chế chi, chính thủ sa vô thổ khí nhĩ hựu trà hồ dĩ sa giả vi thượng, cái kí bất đoạt hương hựu vô nhiệt thang khí, cổ dụng dĩ bào trà bất thất nguyên vị, sắc, hương, vị giai uẩn”, (tạm dịch: “Ấm tử sa Nghi Hưng được chế tác từ quặng tử sa, chính vì vậy mà tử sa không có mùi bùn đất, cho nên ấm trà làm từ tử sa là tốt nhất, loại ấm trà này khi pha ấm sẽ không lấy mất mùi thơm của lá trà và cũng không làm cho mùi nước bị chín, cho nên dùng nó để pha trà sẽ không mất đi hương vị nguyên bản của trà, sắc hương vị của trà đều chứa trong đó”), trên đây là kinh nghiệm của Văn Chấn Hanh thời nhà Minh đã tổng kết khi pha trà bằng ấm tử sa.

Ấm tử sa không tráng men bên trong và bên ngoài, nhưng tử sa Nghi Hưng núi Hoàng Long nhờ có đặc tính “lỗ khí kép” độc đáo, nên giữ được đặc tính thoáng khí mà không thấm nước, hơn nữa ấm tử sa lại có lực hấp thụ mạnh, nên khi pha trà có tác dụng “tăng hương, lưu hương sâu”, có tác dụng tốt hơn các dụng cụ pha trà khác.

Tử sa núi Hoàng Long có những đặc điểm gì?

Ấm tử nê Trúc Tiết Tiếu Anh (nguồn: Đường Vận tử sa)

1. Tính ổn định

Hệ số giãn nở của ấm tử sa (1) cao hơn so với ấm sứ thông thường, đặc tính này là do hàm lượng nhôm oxide (alumina) trong nguyên liệu thô tương đối cao, khiến cho ấm tử sa có khả năng chịu được tính sốc nhiệt và độ bền cơ học cao.

2. Tính dẻo

Thành phần ma-giê oxide quyết định độ dẻo của tử nê và hồng nê; còn silic quyết định độ dẻo của lục nê. Độ dẻo tốt sẽ khiến bề mặt của thành phẩm sau khi nung nhìn sáng bóng và mịn màng. Vì vậy, những ấm tử sa làm bằng nguyên liệu đất tốt thì trên bề mặt ấm sẽ cảm nhận rõ được các hạt khoáng, khi chạm vào có cảm giác như đang xoa vào ngọc vậy.

Những ấm tử sa làm theo phương pháp kéo phôi tay ở Nghi Hưng những năm gần đây đều không phải đất tử sa chuẩn, loại đất này đã được trộn thêm các loại đất sét như cao lanh v.v. để gia tăng độ dẻo của nguyên liệu bùn (để làm được ấm theo phương pháp kéo phôi tay).

3. Tính dễ điêu khắc tạo hình

Tính dễ điêu khắc tạo hình của tử sa cho phép nghệ nhân có thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn so với các loại gốm hoặc đất sét khác, nhờ thế có thể tùy ý gia công thành các hình thù lớn nhỏ khác nhau, tạo ra những đồ dùng có hình dạng khác nhau. Khi chế tác thì có độ kết dính mạnh, không dễ bị biến dạng và nứt vỡ, không bị dính vào dụng cụ và cũng không dính vào tay. Khoáng liệu tử nê đơn khoáng còn có thể nung thành nhiều loại đồ dùng tử sa.

4. “Kết cấu lỗ khí kép” đặc hữu của tử sa

“Kết cấu lỗ khí kép” có liên quan chặt chẽ với thành phần thạch anh trong tử sa. “Tử” trong tử sa là chỉ màu sắc; “sa” trong tử sa là chỉ rõ về tính chất, chỉ sự liên kết hỗn hợp của các phức thể thạch anh. “Kết cấu lỗ khí kép” là chỉ các lỗ khí bên trong các tiểu nê đoàn của tử sa nê và các lỗ khí được hình thành bởi sự liên kết bề mặt của các khoáng chất khác nhau.

Một loại lỗ khí là do nê liệu trong quá trình nung, acid carbonic trong đó bị phân giải đầu tiên, giải phóng carbon oxid (CO), carbon dioxid (CO2) từ đó hình thành “bong bóng hay bọt khí”, sau đó co rút lại thành chuỗi lỗ khí không liên tục, gọi là “nhóm lỗ khí dạng chuỗi” liên kết thành chuỗi mà dẫn khí thông thoáng. Nguyên nhân hình thành hiện tượng này là do trong quá trình sấy khô sẽ có sự co ngót từ đó hình thành nên các lỗ trống, các lỗ trống này không bị nung kết hoàn toàn sau đó bị sứ hóa, độ rộng thông thường từ 20 micron trở xuống, thậm chí ít hơn 10 micron.

Một loại lỗ khí khác là do thạch anh và hạt silicat tập trung trong “thể kết tinh tập hợp”, ở giữa các hạt bị tắc nghẽn, khiến chỗ trống ban đầu không được liên thông với nhau, nên dẫn đến bị phong bế. Các lỗ khí ở bên trong của nê đoàn là lỗ khí đóng, các lỗ khí ở trên bề mặt của nê đoàn là các lỗ khí mở (xem ảnh mặt cắt kết cấu lỗ khí kép và nê đoàn), các lỗ khí này hình thành do sự co ngót không đồng đều khi nung, thông thường các lỗ khí này rộng khoảng 1,3 micron.

Sau khi nung xong, “thể kết tinh tập hợp” sẽ co ngót tương đối nhiều, xung quanh của nó lại sinh ra chuỗi lỗ khí không liên tục, đa số là lỗ khí mở, số lượng lỗ khí từ 3,35% đến 12% tùy thuộc vào độ mịn của hạt và mức độ xử lý bề mặt của các loại nê liệu.

Bọt khí đóng và mở cũng tồn tại “kết cấu khe hở”, đó là cấu trúc lỗ khí kép độc đáo của tử sa. Tức là, sự hình thành lỗ khí kép là có nhân tố cấu tạo tự thân đất tử sa, đồng thời là do tốc độ co ngót khác nhau của các loại khoáng liệu trong quá trình nung kết ấm tử sa.

Kết cấu của tử sa dưới kính hiển vi

Ảnh: Kết cấu đặc thù lớp bề mặt của ấm tử sa (nguồn: internet)

Quan sát mặt cắt ấm tử sa sau khi nung dưới kính hiển vi, phần lớn “thể kết tinh tập hợp” được cấu thành từ các khoáng vật như thạch anh, hematit và mica v.v., còn một lượng nhỏ được tạo thành từ các khoáng vật đơn khoáng như đá cao lanh v.v.

Khoảng giãn cách giữa các lỗ khí mở của “thể kết tinh tập hợp” lớn, nên không khí có thể ra vào ở đó; mặt khác khoảng giãn cách giữa các lỗ khí đóng bên trong “thể kết tinh tập hợp” nhỏ, nên nước sẽ bị tắc ở chỗ đó. Đồng thời, bởi vì thể tích của phân tử khí nhỏ hơn nhiều thể tích của phân tử nước, nhờ đó hơi nước lại có thể thông qua lỗ khí này đi ra ngoài. Đây là đặc tính thoáng khí không thấm nước mà người ta thường nói.

Ảnh: Trong hình tròn là kết cấu và mật độ thực tế của các hạt tử sa. (nguồn: internet)

Ảnh: Thông qua kính hiển vi điện tử, quan sát thấy kết cấu “thể kết tinh tập hợp” tử sa sau khi nung. Lỗ khí mở hình thành ở bên ngoài. (nguồn: internet)

Ảnh: Nhóm lỗ khí dạng chuỗi của phôi ấm tử sa (nguồn: internet)

Ảnh: Cấu trúc hạt của phôi ấm tử sa và các lỗ khí nhỏ mịn bên trong các hạt. (nguồn: internet)

Kết cấu lỗ khí kép độc đáo của tử sa

Lý Ngư, một nhà văn học vào cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh đã ca ngợi: “Minh chú mạc diệu vu sa, ôn chi tinh giả, hựu mạc quá vu Dương Tiễn” (tạm dịch: Ấm trà không có gì tuyệt diệu hơn tử sa, nghệ nhân làm ấm tinh xảo không đâu hơn Dương Tiễn, nay là Nghi Hưng). Có thể thấy tử sa đã được giới văn nhân ưa chuộng như thế nào qua các thời đại, bởi vì ấm trà tử sa có đặc điểm khác biệt các loại khí cụ khác, vì thế mà trở nên phổ biến vào thời đại nhà Minh.

Chính bởi vì tử sa có lỗ khí tầng kép, khiến lỗ khí của ấm tử sa rất nhỏ mịn, mật độ cao, đối với tác dụng hấp thụ nước trà, nhờ đó khi để qua đêm trà không bị thiu, không mất đi đặc điểm của hương trà, có thể làm chậm thời gian thiu và biến chất trà.

Điểm độc đáo đặc biệt của loại kết cấu lỗ khí kép này chính là tính thoáng khí không thấm nước, khi hơi nước của trà đi qua nội các lỗ khí quanh co gập ghềnh bên trong thì một phần hơi nước sẽ bị giữ lại ở thành lỗ khí, sau đó khi hơi nước bốc hơi, chất trà sẽ được giữ lại, đây là nguyên lý chính đằng sau việc giữ mùi hương của ấm tử sa, và đây cũng là nguyên nhân tại sao lại có câu nói “nhất ôn bất sự nhị trà” (một chiếc ấm không thể pha được hai loại trà).

Tương tự, thời gian sử dụng càng dài, càng có nhiều chất trà được lưu lại trong ấm, lâu dần, chất trà thấm vào thành các lỗ khí, từ từ thay đổi màu sắc và kết cấu của ấm, hình thành lớp da ấm bóng và sáng bên ngoài ấm, đây là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa tử sa và các sản phẩm gốm sứ khác, đồng thời cũng chính là đặc điểm hấp dẫn của ấm tử sa.

Chú thích:

1. Hệ số giãn nở là từ vật lý, có lúc gọi là hệ số đàn hồi tuyến tính, biểu thị quá trình vật liệu giãn nở hoặc co rút.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/254908

 



Ngày đăng: 25-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.