Khám phá phong thủy (9): La bàn



[ChanhKien.org]

Trong giới phong thủy có câu nói, gọi là: Nhất lưu tiên sinh quan tinh khoa (Bậc thầy hạng nhất quan sát tinh tú, còn gọi là thuật Chiêm tinh, là việc quan sát hình thái và cách vận hành của các ngôi sao trên bầu trời mà dự đoán sự việc xảy ra nơi Trái Đất), nhị lưu tiên sinh xem thủy khẩu (dòng chảy lưu thông vào ra của nước/gió), tam lưu tiên sinh lưng đeo la bàn đi khắp núi non.

La bàn là một công cụ hình đĩa tròn được các thầy phong thủy sử dụng trong hoạt động phong thủy để xác định phương hướng và các việc cát hung. La bàn thời nhà Hán có hình dáng một cái đĩa trên tròn dưới vuông, chủ yếu được dùng trong bói toán của Kỳ môn độn giáp, không có quan hệ nhiều với phong thủy; đến thời Dương Quân Tùng triều đại nhà Đường, phong thủy bắt đầu được phổ cập rộng rãi trong dân gian, bởi vì một số người học căn cơ không đủ, không thể đắc Pháp tu luyện, nhập Đạo tu tập, cho nên Dương Quân Tùng thiết kế ra loại la bàn này, để cho người học có thể căn cứ vào những kinh nghiệm tổng kết các biểu hiện của phong thủy do tiền nhân lưu lại, lợi dụng la bàn mà y hồ họa biều (dựa theo hình quả bầu mà vẽ ra cái gáo), tiến hành suy đoán; sau này truyền nhân hậu bối của Dương Quân Tùng là Lại Văn Tuấn triều Tống, dân gian gọi là Lại Bố Y, trên cơ sở này làm phong phú thêm những thứ đó; đến triều đại Minh Thanh có một số người đã liên tục thay đổi nó, cuối cùng cơ bản là định hình lại những chủng loại, dạng thức như chúng ta đã thấy hiện nay.

La bàn là có tác dụng hay không, là có tác dụng, nhưng chúng tôi nói phương pháp này bản thân nó là việc làm miễn cưỡng, mà hơn nữa còn bị người đời sau làm cho phức tạp thêm, kỳ thực là bất kể là chủng loại la bàn nào thì cũng cần thiết phải lợi dụng tác dụng của hai cực từ trường Nam – Bắc của Trái Đất, dựa vào hướng chỉ của kim để xác định phương hướng. Trong vật lý học hiện đại, chúng ta có thể biết rằng các ngôi sao trong các thiên thể đang xoay chuyển, địa từ trường trên Trái Đất cũng đang xao động, cực địa từ cũng đang từ từ di động, mà hiện nay còn có các loại như mỏ khai khoáng, đường dây điện cao thế hay các nhà máy phát điện ở khắp nơi, cho dù đó là một vùng rộng lớn hay một khu vực nhỏ cục bộ thì rất nhiều nơi đều đã hỗn loạn không chuẩn nữa rồi.

Rất nhiều thầy phong thủy dựa vào la bàn chỉ là những người yêu thích phong thủy, họ chưa tiến nhập vào tu luyện, không hiểu được chân cơ của phong thủy, cũng chưa được khai mở công năng, chỉ có thể có tác dụng là công cụ hỗ trợ, rập khuôn theo tiền nhân hoặc giả là những khẩu quyết lưu truyền lại trong sách vở, căn cứ vào một số tổng kết hiện tượng được lưu truyền bên ngoài mà suy đoán, cho đến cuối cùng thì có thể khởi tác dụng hay không, hay vì sao mà khởi tác dụng thì họ căn bản là hoàn toàn không biết.

Đại địa chân chính, căn cứ vào các huyệt vị, hướng núi, án sơn, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, chỗ dựa phía sau… để đặt định thiết lập hoàn cảnh tứ phía, phương hướng của địa huyệt đều rất cố định, không có sai lệch. Đây còn được gọi là Thiên công Địa tạo (tạo hóa tự nhiên). Người có kinh nghiệm khi họ đứng ở chỗ huyệt vị thì sẽ tự nhiên biết được là hướng nào.

Nếu như tầng thứ của thầy phong thủy mà đủ, và có năng lượng lớn, thì ngay cả huyệt vị ứng với triều sơn (núi chầu) nào cũng đều có thể căn cứ theo lời của họ mà định ra. Phía trước huyệt vị thông thường sẽ có rất nhiều núi chầu, mỗi huyệt vị sẽ đối ứng với các núi chầu khác nhau, sẽ khởi tác dụng và hiệu quả khác nhau, nếu như cấp bậc của bản thân địa huyệt không đủ thì không thể đối ứng được với những núi chầu tốt hơn. Những điều này đã xảy ra nhiều lần trong trải nghiệm của chúng tôi, tùy theo việc bạn chỉ định ngọn núi chầu nào đó cho địa huyệt thì sau đó địa huyệt sẽ vô cùng cảm tạ, bởi vì dựa vào cấp bậc và năng lượng của bản thân địa huyệt, nó không thể tương ứng đến mức đó, do lời nói của người tu luyện là có năng lượng, thậm chí là những người tu luyện có uy đức lớn ở những tầng thứ cao thì những lời nói ra đều là có hình trạng, nhờ vào năng lượng trong lời nói, khiến địa vị và cấp bậc của họ (địa huyệt) ngay lập tức được nâng lên, và họ có thể tương ứng với những núi chầu cao hơn, cho nên sẽ biểu thị sự cảm tạ đối với bạn.

Trung Quốc cổ đại gọi điều này là “ngôn xuất pháp tùy”, tạm hiểu là “lời nói ra là pháp luật đi theo sau”, ví dụ này đưa ra cũng không quá phù hợp, giống như một vị Hoàng đế, ông nếu muốn thăng chức cho người nào đó, thì giống như chỉ cần nói một câu, gọi là “kim khẩu ngọc ngôn” (miệng vàng lời ngọc), “đồng diệp phong đệ” (1) của vua Thành Vương triều Chu chính là một ví dụ điển hình.

Cho nên nói dùng la bàn mà suy đoán các núi chầu đối ứng với địa huyệt thì chỉ có thể nói là một loại phương pháp tham khảo chứ khẳng định là không tuyệt đối đúng được.

Phong thủy lưu truyền trong dân gian phần nhiều là lấy những khẩu quyết tổng kết kinh nghiệm bề ngoài của các thầy phong thủy trước đây, tuy những khẩu quyết này có một số đạo lý nhất định, nhưng nếu như không thực sự tiến nhập vào tu luyện phong thủy thì cũng chỉ biết hiện tượng nó thế mà không biết vì sao nó lại như thế. Ví như câu khẩu quyết “khe đất kẹp giữa hai ngọn núi, đời đời đều có người xuất sinh làm Hoàng đế”. Khe đất giữa hai núi này ám chỉ rằng hai ngọn núi ở phía sau “Đế hoàng địa” liên kết lại với nhau, tạo thành triển cáo (2), là một trong những biểu tượng của Đế Hoàng địa trong phong thủy, tương tự như bức bình phong phía sau Hoàng đế thời cổ đại. Nhưng là “kẹp” thế nào, vùng lõm này lớn bao nhiêu, sẽ xuất sinh ra bao nhiêu đời Hoàng đế, triều đại nào sẽ xuất hiện, kéo dài bao nhiêu năm? Nếu như chỉ dựa vào ngoại hình mà suy đoán thì rất khó để biết được những điều này.

Ví dụ về triển cáo

(Quý độc giả có thể dùng từ khóa tiếng Trung 展诰 để tìm kiếm các hình ảnh thực tế của triển cáo)

Còn nữa, trong phong thủy lưu truyền ở dân gian, núi chầu ý chỉ về việc triều bái (hành lễ bái lạy) huyệt chủ, núi chầu càng nhiều thì biểu thị là người ủng hộ huyệt chủ càng nhiều, chính là giống như bề tôi dưới trướng Hoàng đế triều bái vậy. Nhưng có một lần, khi chúng tôi đến một vùng đất, Địa Linh Thần nói chúng tôi phóng tầm mắt nhìn ra xa, phía đối diện có thể nhìn thấy bao nhiêu ngọn núi, chính là có thể thừa truyền bấy nhiêu thời đại, cũng chính là nói, ở đây khái niệm “triều” đã không phải là khái niệm triều bái kia trong phong thủy nơi dân gian nữa, mà là khái niệm biểu thị rằng một triều thì sẽ có bao nhiêu “đại (đời)” truyền nhau.

Cho nên rất nhiều điều được ghi chép trong sách hoặc lưu truyền trong dân gian đều là những đúc kết kinh nghiệm, nhưng đối với những thầy phong thủy tu luyện thực sự mà nói thì có lẽ đây là một loại mê hoặc và chướng ngại, trở thành nhân tố và trở ngại mà họ cần đột phá trong tu luyện. Chỉ có không bám chặt vào những ghi chép trong sách hoặc những khẩu quyết lưu truyền trong dân gian mới có thể nhìn được những “địa” tốt hơn.

Thủy khẩu (dòng lưu thông khí/nước) là một danh từ chuyên dùng trong phong thủy, dùng để chỉ nơi dòng nước/khí lưu thông vào ra ở một khu vực nhất định. Khu vực nhất định ở đây thường chuyên chỉ về phạm vi bao phủ của địa huyệt. Phong thủy dân gian gọi dòng nước chảy vào là thiên môn, dòng nước chảy ra là địa hộ. Vì thủy khẩu tượng trưng cho huyết mạch của rồng, chủ quản nguồn tài nguyên, cho nên hình thế ngọn núi chỗ có thủy khẩu tất phải uốn lượn quanh co, trở ngại trùng trùng. Hình thế của thiên môn phải có thế rộng mở, mới có thể chảy mãi lâu dài vô cùng tận, dự báo sẽ sinh khí thịnh vượng, tài nguyên dồi dào không bao giờ cạn. Hình thế của địa hộ cần ở trạng thái quan bế (đóng lại), có nhiều cát sỏi ngăn trở, để dòng nước chảy có hình chữ chi “之” hoặc chữ huyền “玄”, như vậy mới lưu giữ tích tụ được sinh khí dày đặc tầng tầng, mới tụ khí tàng tài (lưu tồn tàng trữ của cải). Dòng nước nếu không thể được ngăn trở mà cứ chảy vào ra thẳng tuột thì chính là sẽ bị khí tán tài vong (sinh khí tán đi, tiền tài tiêu mất).

Trong phong thủy dân gian, người có thể nhìn được thủy khẩu thì năng lực của họ đã mạnh hơn so với người dùng công cụ la bàn hỗ trợ rồi. Lấy một ví dụ, cũng chưa thực sự quá tương thích, thủy khẩu đối với địa huyệt mà nói cũng giống như cổng lớn (cổng chính) của một hộ gia đình. Cổng vào cao lớn có phẩm vị thì chứng tỏ gia đình này là một hộ gia đình lớn, và cấp bậc của địa huyệt cũng cao; nếu cổng chính bình thường, thì hộ gia đình này cũng thuộc loại bình thường, và địa huyệt cũng bình thường. Phạm vi thuận theo thủy khẩu hướng về phía trước, chính là thuộc phạm vi địa huyệt, ngược lại là nằm bên ngoài thủy khẩu không thuộc phạm vi địa huyệt, thuộc về bên ngoài cổng. Đây là dùng khái niệm mà người bình thường có thể hiểu được, thực tế thì tình huống còn phức tạp hơn.

Bản thân địa huyệt không quá lớn, nhưng nó có phạm vi bao phủ, tương đối mà nói thì tầng thứ càng cao phạm vi bao phủ càng rộng. Thủy khẩu là ở cạnh phạm vi này, thủy tức là dòng nước, khẩu ý chỉ là cái miệng. Mọi người đều biết trong các ngôi chùa Phật giáo có một vị Thần giữ cổng tên là Vi Đà, cổng Nam Thiên Môn của Thiên đình cũng có thần tướng Tứ Đại Thiên Vương phụ trách trấn thủ, vào thời cổ đại, cổng vào chính của hoàng cung cũng có thị vệ trấn thủ, những gia đình cao môn đại viện (cổng cao sân lớn) có chút cấp bậc cũng có người gác cổng, đương nhiên người gác cổng của các gia đình giàu có này thì cấp bậc là không so được với những trường hợp đã nêu ở trên. Thủy khẩu cũng là có tầng ý tứ như thế bên trong nó, khi một thầy phong thủy dạn dày kinh nghiệm đến vị trí của thủy khẩu, dựa vào địa thế núi non khu vực lân cận thủy khẩu, họ cơ bản là đã biết được phương vị và cự ly của địa huyệt, và cả việc địa huyệt cấp bậc thế nào, đây vẫn là từ kinh nghiệm về ngoại hình mà suy đoán. Nếu là một thầy phong thủy có công năng, thông thường còn có thể câu thông (nói chuyện) với địa huyệt ở đây, bởi vì họ đã tiến nhập vào bên trong phạm vi bao phủ của địa huyệt, cũng giống như bạn tiến đến cổng nhà người khác, tự nhiên vị chủ nhà nhiệt tình hiếu khách sẽ nghênh tiếp và chuyện trò hỏi thăm bạn vậy.

“Nhất lưu tiên sinh quan tinh khoa”, khái niệm này đối với giới phong thủy mà nói đều là tương đối mơ hồ, mỗi người nói một cách, mỗi người đều có cách lý giải riêng của bản thân, đặc biệt là ở thời hiện đại, sau khi toàn bộ mạch của phong thủy dần dần tiêu vong, thì lại càng có nhiều ý kiến lao xao. Phong thủy còn gọi là kham dư, vào thời cổ đại, “kham” chính là quan sát bầu trời, dùng công năng câu thông với Thiên Thần, hoặc dùng công năng để hiểu các sự việc của Thiên thượng. Cổ nhân quen dùng các ngôi sao biểu thị cho Thiên thượng, biểu thị Thần của Thiên thượng. Quan tinh khoa (quan sát các ngôi sao), chính là quan sát quy luật vận hành của Thiên thể, thuận theo Thiên ý mà bố trí (các sự việc) trên Trái Đất.

Kể từ triều đại Minh Thanh đến nay, cơn sốt phong thủy dâng cao, phong thủy được phổ cập rộng rãi trong dân gian. Vị thế của la bàn được những người yêu thích phong thủy đẩy lên rất cao, thậm chí nó còn trở thành vật tiêu biểu bậc nhất trong công việc phong thủy, kỳ thực, thầy phong thủy chân chính không cần dựa vào những công cụ này.

Người cổ đại ban đêm quan sát Thiên tượng, theo ghi chép quan sát tìm được tổng cộng 1.464 ngôi sao, căn cứ vào quan hệ đối ứng tương quan giữa những ngôi sao này mà chia thành “283 tinh quan”. Trên cơ sở này làm đơn giản hóa thêm, quy thành “Tam viên (3), Nhị thập bát tú” (4). Khái niệm “tinh quan” trong thiên văn học cổ đại Trung Quốc cũng tương tự như khái niệm “tinh tòa (chòm sao)” trong thiên văn học phương Tây hiện nay.

Vì trục của Trái Đất khi quay hướng về Sao Bắc Cực, cho nên từ Trái Đất mà nhìn thì các ngôi sao trên bầu trời đều xoay quanh Sao Bắc Cực, đông thăng hạ giáng (mọc ở hướng Đông, lặn ở hướng Tây). Do đó, người xưa lấy Sao Bắc Cực (Trung Quốc cổ đại gọi là Sao Tử Vi) làm trung tâm, từ đó phân chia các khu vực xung quanh thành “tam viên”, thượng viên là “Thái vi viên”, hạ viên là “Thiên thị viên”, còn trung viên là “Tử vi viên”. Bắc Cực và Bắc Đẩu thuộc về trung viên. Sau đó lại lấy chòm sao ở bốn hướng Đông Nam Tây Bắc gần hoàng đạo quy thành “tứ tượng” (5), hướng Đông Thanh Long, hướng Tây Bạch Hổ, hướng Nam Chu Tước, hướng Bắc Huyền Vũ. Mỗi “tượng” trong “tứ tượng” bao gồm bảy tinh tú (chòm sao ở phạm vi nhỏ hơn tinh quan), vì vậy tổng cộng lại có Nhị thập bát tú (28 tinh tú).

Người Trung Quốc cổ đại gọi năm hành tinh lớn là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong Thái Dương hệ, thêm vào Mặt Trời và Mặt Trăng, là thất tinh (bảy ngôi sao), thất diệu (vì Thiên Vương Tinh, Hải Vương Tinh, Minh Vương Tinh/Diêm Vương Tinh, mắt thịt của con người quan sát không thấy, cho nên không bao gồm bên trong). Tam viên, tứ tượng, thất diệu là cách phân loại trong thời Trung Quốc cổ đại đối với những tinh tượng (6) mà mắt người có thể nhìn thấy được. Quan tinh khoa, ý tứ bề mặt tức là quan sát quần tinh khắp bầu trời, nhưng cũng lại là lấy Sao Bắc Đẩu làm tọa độ thiên văn chính yếu để quan sát hệ quần tinh khắp bầu trời.

Vậy còn có thể tiếp tục chia nhỏ hơn nữa không? Có thể. Cũng có thể lấy Thái Dương hệ làm chỉ giới, đem tất cả các ngôi sao này quy tụ lại thành lưỡng bàn là nội, ngoại. Cần nói rõ rằng, có một số người định nghĩa thành hai tượng trong, ngoài. Nhưng trong bài viết này, suy xét về các mối quan hệ với bài trước và bài sau, tôi định nghĩa nó thành nội, ngoại lưỡng bàn. Kỳ thực gọi là “tượng” cũng được mà gọi là “bàn” cũng được, chỉ là bề mặt tên gọi không giống nhau còn thực chất thì nội hàm của nó là như nhau.

Bên ngoài Thái Dương hệ có tam viên tứ tượng, đây là ngoại bàn (bên ngoài đĩa). Đứng từ Trái Đất mà quan sát, các ngôi sao bên ngoài đĩa đều quay xung quanh Sao Bắc Cực, mỗi ngày đêm quay một vòng, thiên văn học hiện đại ngày nay gọi là chu kỳ chuyển động. Các hành tinh bên ngoài đĩa dù chuyển động đông thăng hạ giáng (mọc hướng Đông lặn hướng Tây) ở quanh Sao Bắc Cực nhưng vị trí tương đối của chúng là không thay đổi, giống như vạch chia độ của la bàn, mặc dù mặt số của la bàn đang quay nhưng tỷ lệ vạch chia trên đó là hằng định bất biến, vậy nên các ngôi sao bên ngoài đĩa được người Trung Quốc xưa gọi là “tú” (túc) hoặc “xá” hoặc “cung”, cũng chính là ý tứ chỉ về không gian cố định, cũng giống như một cung điện cố định được xây trên Thiên thượng, vì vậy phần bên ngoài đĩa bất biến là tĩnh, lấy Bắc Cực làm tôn chỉ. Trong các tiểu thuyết thần thoại, chúng ta thấy Ngọc Hoàng đại đế có cung nào đó, điện nào đó, thì chính là ý tứ như thế.

Thất diệu (bảy hành tinh gồm Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng) trong hệ Mặt Trời, đứng ở Trái Đất mà quan sát thì thấy chúng không ngừng chuyển động. Vị trí giữa chúng không ngừng thay đổi, mỗi giây mỗi phút đều đang thay đổi, đang di động. Do đó phần nội bàn (phần bên trong của la bàn) (7) luôn thay đổi, là động.

Các nghiên cứu đã phát hiện rằng, Thái Âm tinh (Mặt Trăng) quay quanh Trái Đất một vòng 360 độ, khoảng chừng 28 ngày, cho nên 28 ngày là một chu thiên (chu kỳ hoặc vòng tuần hoàn vận chuyển) của Thái Âm (Mặt Trăng). Mà tứ tượng nhị thập bát tú ở bên ngoài Thái Dương hệ, nếu như giống với mặt đồng hồ (mặt la bàn) có 28 vạch chia, thì Mặt Trăng mỗi ngày đêm sẽ di chuyển một vạch, tức là Mặt Trăng mỗi đêm sẽ tiến nhập vào một tú (Hán tự: 宿, đọc là tú, túc, chòm sao, cũng có nghĩa là chỗ nghỉ ngơi, tá túc, chỗ dừng chân…), cho nên trong quá khứ gọi một đêm là một túc (cùng cách viết, khác cách đọc với tú).

Ngoài ra, Trấn Tinh (Thổ Tinh) quay quanh Mặt Trời một vòng mất khoảng 28 năm, cho nên một chu thiên của nó là 28 năm, mỗi năm tiến vào một tú. Mà Tuế Tinh (Sao Mộc) quay quanh Mặt Trời một vòng là 12 năm, cho nên một chu thiên của Tuế Tinh là 12 năm. Người xưa lấy 12 năm là một “kỷ”, tương ứng với 12 “địa chi” (12 con giáp) và 12 “sinh tiêu” (cung hoàng đạo). Vì vậy mà cổ nhân chia cung hoàng đạo thành 12 ô, lấy 28 tú đối ứng với danh sách 12 ô kia, gọi là 12 tinh thứ (8), đặt tên theo thứ tự là Tinh Kỉ, Nguyên Hiệu, Tưu Ty, Giáng Lâu, Đại Lương, Thực Trầm, Thuần Thủ, Thuần Hoả, Thuần Vĩ, Thọ Tinh, Đại Hoả, Tích Mộ. Do đó, Tuế Tinh mỗi năm tiến nhập vào một tinh thứ, 12 năm là một kỷ hoặc một luân (một vòng). Sau đó, theo vị trí của Mặt Trời mà đi vào vị trí 12 tinh thứ, rồi lại lấy một năm phân thành 24 tiết khí.

Những phân chia này nhìn bề mặt thì khác nhau, kỳ thực trên căn bản là giống nhau, chỉ là phân chia vạch khắc khác nhau. Cũng giống như mặt số của chiếc đồng hồ, lúc chia vạch giờ, thì chia thành 12 ô, khi chia vạch phút, lại chia thành 60 ô. Cho dù chia thế nào, thì chỉ là biểu hiện thay đổi trên bề mặt, còn cơ chế bên trong nó là không đổi. Có nghĩa là, bất kể mặt đồng hồ được chia thành bao nhiêu ô, thì mối quan hệ đối ứng giữa các bánh răng bên trong nó vẫn không thay đổi.

Trên đây chỉ liệt kê đơn giản vòng tuần hoàn chu thiên vận chuyển của một số ngôi sao. Tương ứng với việc sử dụng la bàn của các thầy phong thủy, kỳ thực thì tinh tượng còn phức tạp hơn gấp bội, hình thức la bàn chỉ là biểu tượng, then chốt là nội hàm to lớn ẩn chứa phía sau mỗi vị trí, mỗi vạch chia cho đến mỗi lần vận chuyển của mặt la bàn, những nội hàm này là đại biểu cho thiên cơ, cho đến ảnh hưởng của những biến đổi vi tiểu nhưng lại khó thăm dò suy đoán. Đây chính là nội hàm của “quan tinh khoa”.

Phần ngoại bàn (7) không thay đổi, hình thức biểu hiện là tĩnh, mọi vị trí trên la bàn đều đại biểu cho nội hàm và Thiên ý của nó. Nội bàn chủ về “biến”, biểu hiện là động, tương đương với kim chỉ la bàn, mỗi kim chỉ đều có đối ứng của nó, ví như năm đại hành tinh là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, ở một ý nghĩa nào đó nó là đối ứng với Ngũ hành, đại biểu cho sự biến đổi của Ngũ hành sinh – khắc, còn Mặt Trời và Mặt Trăng ở một ý nghĩa nào đó là đại biểu cho sự phát triển và biến hóa của âm dương v.v.

Đương nhiên, đứng ở các góc độ và tầng thứ khác nhau, những tinh thần (tinh tú, ngôi sao) này đại biểu cho các nội hàm khác nhau, giống như trên cùng một chiếc đồng hồ, lấy ý nghĩa của vạch chia và kim chỉ thay đổi một chút, thì nó có thể được sử dụng như một chiếc đồng hồ thông thường để xác định thời gian, và cũng có thể được sử dụng để xác định phương hướng khi đi dã ngoại, hoặc có thể được sử dụng làm thời khóa biểu v.v… Vậy nên, Kỳ môn độn giáp và Tử vi khoa số sắp xếp các “bàn” theo cách khác nhau, bởi vì chúng đứng ở các góc độ và tầng thứ khác nhau, việc chọn lựa tinh tượng cũng khác nhau, ý nghĩa đại biểu của tinh tượng cũng không tương đồng, nhưng do cơ chế đằng sau nó không thay đổi, nên nếu như tính toán được chính xác, thì kết quả đại thể là giống nhau.

Cho nên “quan tinh khoa”, lớn, có thể nhìn thấy toàn bộ sự phát triển của xã hội, có thể nhìn thấy sự biến đổi của mấy trăm mấy nghìn năm sau; nhỏ, có thể nhìn được tình huống đường đời của mỗi cá nhân, có thể nhìn được vận mệnh của một đời người.

Những điều chứa đựng trong toàn bộ tinh tượng mà những tinh đẩu này hiển hiện có nội hàm to lớn, mà mỗi ngôi sao tự bản thân nó cũng có những nội hàm khác nhau, đối ứng với các thần vị khác nhau, đại biểu cho Thiên ý khác nhau; đối ứng với các địa huyệt và long mạch khác nhau trên mặt đất; cũng như có đối ứng với mạch lạc và huyệt vị trên thân thể con người.

Nói rộng hơn chút, những thay đổi bên ngoài như hành vi và tư tưởng của nhân loại chúng ta sẽ dẫn đến lục phủ ngũ tạng bên trong thân thể biến đổi tương ứng, đồng thời sẽ khiến cho mỗi tế bào bên trong thân thể sinh ra một số biến hóa vi tiểu. Bởi vì cơ thể người là một chỉnh thể hoàn chỉnh, giữa các bộ phận của thân thể có một mối quan hệ đối ứng tinh vi phức tạp, và có thể ảnh hưởng lẫn nhau.

Cũng giống như vậy, nếu vũ trụ này của chúng ta là một cơ thể sống, vậy thì “Ông” (chỉ vũ trụ) sẽ là một vị Thần cự đại, và “ý” của Ông cũng là ý của Thần, cũng chính là Thiên ý. Vậy những biến đổi trong tư tưởng của Ông cũng sẽ dẫn động sự biến đổi của tinh hệ (thiên hà) trong vũ trụ này, đồng thời cũng sẽ dẫn động những biến đổi của hệ Mặt Trời và nhân loại trên Trái Đất, bởi vì chúng ta đều là một bộ phận của Ông, là một chỉnh thể, có mối quan hệ đối ứng nội tại vô cùng tinh vi phức tạp với vũ trụ. Cho nên cổ nhân mới gọi thân thể người là một tiểu vũ trụ.

Toàn bộ các hành tinh, thiên hà hoặc cụm thiên hà địa phương (9), và các siêu cụm thiên hà (10) v.v., đều đang không ngừng tự chuyển động và xoay chuyển. Quỹ tích xoay chuyển của chúng được khoa học hiện đại gọi là quỹ đạo, còn Đạo gia của Trung Quốc gọi là chu thiên, nghĩa là mỗi tinh cầu đều có vận hành chu thiên riêng của nó.

Kỳ thực thì quỹ đạo này chính là một mạch lạc. Mạch lạc là mắt người nhìn không thấy nhưng nó vẫn đang tồn tại khách quan. Thân thể người có vô số mạch lạc, vô cùng rắc rối phức tạp, ví như khi đả thông hai mạch nhâm đốc thì chính là tuần hoàn tiểu chu thiên. Trên địa cầu cũng có vô số mạch lạc, gọi là long mạch, thủy mạch, cũng có tuần hoàn chu thiên. Vũ trụ giống như thế có vô số mạch lạc, kết nối tất cả các hành tinh và thiên hà với nhau, vô cùng rắc rối phức tạp và lại tinh vi vô tỉ, khiến các vị Thần cũng phải tán dương.

Có một mối liên hệ nội tại giữa các hành tinh trong vũ trụ, đó là phương ngang của mạch lạc chu thiên; chính là giống như giữa những dãy núi trên Trái Đất, giữa các cách cục (địa thế/bố cục khu vực) khác nhau có mối liên hệ ngang bằng bình đẳng như nhau, giống như giữa con người với con người trong xã hội nhân loại cũng có mối quan hệ bình đẳng như thế, loại quan hệ bình đẳng này trong con người được người hiện đại mở rộng ra gọi là “nhân mạch” (11), tính là một ý nghĩa khác của “nhân mạch”. Mà thiên hà trong vũ trụ cùng với long mạch trên Trái Đất, cho đến thân thể con người thế gian có một quan hệ đối ứng, loại quan hệ đối ứng này kỳ thực cũng là một chủng mạch lạc chu thiên, chẳng qua chúng chỉ là ẩn hình (vô hình) theo hướng dọc. Đương nhiên ở đây nói vô hình là dựa trên cơ điểm (cơ sở nhận thức quan điểm) của người thường để nói, đối với người tu luyện, đặc biệt là người đắc Đạo ở tầng thứ cao thì có lẽ là rất rõ ràng.

Huyệt vị chính là những nút thắt then chốt của mạch lạc, là nơi dòng năng lượng của mạch lạc vào ra, chủ trì việc vận hành năng lượng và công năng của một đoạn mạch lạc nào đó.

Cổ nhân giảng, Thiên Địa Nhân tam tài hợp nhất, là đối ứng một một với nhau. Thân thể người có mạch lạc, có huyệt vị, có lục phủ ngũ tạng, có tuần hoàn chu thiên, những điều này đối ứng với “đất”, trên đất cũng có mạch lạc (các loại long mạch và thủy mạch, v.v…), có tuần hoàn chu thiên, cũng có huyệt vị cho đến các vùng phong thủy bảo địa (vùng đất mà giới phong thủy coi như bảo vật, cũng gọi là vùng đất quý), cũng có lục phủ ngũ tạng. Lại đối ứng với Thiên thượng, cũng có Thiên mạch và Thiên huyệt, Thiên mạch chính là các chu thiên khác nhau, còn Thiên huyệt thì chính là các tinh vị (vị trí của các tinh cầu/ngôi sao) quan trọng trong đó, các tinh vị khác nhau đại biểu cho các Thần vị khác nhau. Nói một cách đơn giản, các Thiên mạch, Thiên huyệt khác nhau liên kết đối ứng với các ngôi sao, các chòm sao khác nhau, đối ứng với các Thần linh, Thần vị khác nhau, đại biểu cho Thần ý và Thiên ý; đồng thời đối ứng với long mạch, địa huyệt khác nhau, và nhân mạch, huyệt vị khác nhau. Cho nên, sự vận hành của Thiên tượng có ảnh hưởng đối ứng với những vận hành trên Trái Đất, và cũng ảnh hưởng đối ứng đến sự biến đổi của nhân loại. Các loại đối ứng hợp nhất theo hướng ngang, hướng dọc, hữu hình, vô hình này chính là tạo thành bộ phận phối hợp chuyển động hoàn chỉnh của toàn vũ trụ.

Con người hiện nay có một cách nói gọi là “địa vị”, dùng để chỉ vị trí của một người trong xã hội. Khi đề cập đến “nhân mạch” ở bên trên chúng tôi đã nói, mối liên hệ ngang hàng giữa người với người hình thành một quần thể cộng sinh, cũng chính là cái mà chúng ta hiện nay nói là “xã hội”. Xã hội cũng có mạch lạc, và “duyên” là một loại mạch lạc như vậy, được gọi chung là nhân mạch. Mỗi cá nhân có thể được coi là “xã hội”, là một điểm, một phần tử, một tế bào trong nhân mạch phức tạp này.

Còn những nhân vật quan trọng, những nhân vật lớn có ảnh hưởng xã hội, chính là một huyệt vị khác nhau trên nhân mạch này. Họ đối ứng với các địa huyệt có cấp bậc khác nhau, đồng thời có đối ứng với “Thiên thượng”, cho nên cũng đối ứng với các Thiên huyệt khác nhau, tức là các tinh vị khác nhau. Vậy nên trong quá khứ cổ nhân thường nói là người này là ngôi sao nào đó từ Thiên thượng hạ thế xuống đây, là Sao Văn Khúc hạ thế v.v…, là cũng có tầng ý nghĩa này ở bên trong.

Cho nên trong phong thủy có câu nói “Nhất lưu tiên sinh quan tinh khoa”, cũng tức là quan sát Thiên tượng có thể dự đoán được sự phát triển của xã hội, thấy được sự biến đổi của nhân loại mấy trăm mấy nghìn năm sau, đây là loại trí huệ cao hơn, siêu việt rất xa nhận thức của khoa học hiện đại, kỳ thực là cổ nhân có trí huệ cao hơn rất nhiều so với con người hiện nay. Trong giới khoa học có cách nói, gọi là “khởi điểm chính là tối cao điểm” (tạm dịch rằng: điểm bắt đầu chính là điểm cao nhất), ý tứ là thế nào đây? Nói đơn giản là: Văn minh nhân loại thời kỳ sơ khai nhất chính là thời kỳ có trình độ khoa học và đạo đức ở mức cao nhất, càng về sau càng trượt xuống. Người cổ đại không có phi cơ, nhưng họ có thể trực tiếp từ đả tọa mà nâng người lên, và bay bất cứ nơi nào họ muốn; người cổ đại không có điện thoại di động, nhưng họ có thể trực tiếp từ truyền cảm tư duy mà tiếp nhận được, bất kể là cách xa bao nhiêu, thậm chí là không ở trong cùng một thời không cũng vẫn có thể truyền đạt được, khoa học hiện đại có làm được không?

Bởi vì việc quan trắc tinh tượng và người quan trắc trong khu vực đó là có mối liên quan với nhau, đứng ở phương Tây và đứng ở vùng đất Trung Hoa đại địa, thì bầu trời sao nhìn được hoàn toàn không giống nhau, ví như bầu trời sao ở khu vực Nam Cực thì người ở khu vực Trung Hoa là vĩnh viễn nhìn không thấy, nhưng người ở khu vực Nam bán cầu lại có thể nhìn thấy được, cho nên “tinh tượng” kia là không có liên quan với chúng ta, là thuộc về những thể hệ khác nhau.

Chú thích theo hiểu biết của người dịch:

(1) Chu Thành Vương (周成王); 1065-1020 TCN, là vị Thiên tử thứ hai của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì khoảng 21 năm, từ năm 1042 TCN đến năm 1021 TCN. Thành Vương kế vị khi mới 13 tuổi, Chu Công Đán được Chu Vũ Vương Cơ Phát phó thác làm nhiếp chính giúp Thành Vương lên ngôi trị quốc. Có một câu chuyện xảy ra trong cuộc đời Chu Thành Vương, khiến ông ghi nhớ kỹ suốt đời như sau: Thuở còn nhỏ, một lần, Chu Thành Vương cùng em trai Thúc Ngu chơi ở dưới gốc cây ngô đồng (cây vông) sau hoàng cung. Chu Thành Vương cắt một chiếc lá ngô đồng thành hình viên ngọc và đưa cho em trai, nói: “Anh dùng cái này phong tước cho em”. Chu Công nghe thấy lời ấy, liền tiến đến bái kiến và nói: “Đại vương phong tước cho em trai, thật là việc tốt!” Chu Thành Vương nói: “Ta chẳng qua chỉ là đang chơi đùa một chút với em mà thôi!” Chu Công nghiêm túc nói: “Thiên tử không thể nói đùa, Thiên tử nói gì, người chép sử ghi lại thế ấy, nhạc công hát thế ấy, đại thần truyền bá thế ấy. Thiên tử đã nói là nhất định phải làm”. Vì thế, Chu Thành Vương đã phong cho em trai làm Ứng hầu. Sự việc này thực sự đã làm cho Chu Thành Vương ghi nhớ suốt đời. Cho đến tận lúc băng hà, Chu Thành Vương cũng vẫn nhớ kỹ: Trước khi nói lời phải suy ngẫm kỹ càng, lời nói của vua là không thể bông đùa, phải thực sự nghiêm túc, có trách nhiệm với lời nói của mình, nói lời phải giữ chữ tín. Đây cũng là điển cố nổi tiếng “Đồng diệp phong đệ”.

(2) Triển cáo: Chỉ về các tài liệu được chỉ định hoặc ban tặng bởi các vị Hoàng đế. Vì vậy, triển cáo giống như một dạng chiếu chỉ do các Hoàng đế cổ đại ban ra và được các hoạn quan mở ra đọc cho ai được ban triển cáo. Đó là một loại ân sủng của Hoàng đế. Nhìn thấy phía sau huyệt vị là hai ngọn núi lớn giao nhau dự báo là điềm lành vậy, giống như được “tiếp chỉ”, tiếp thu pháp tắc, có thể được phong tước, trở thành Chúa cai trị một vùng nào đó, vinh dự vô cùng. Nếu nhìn tổng thể một khu vực nơi hai ngọn núi sát nhau, ở giữa có vùng lõm mà bằng phẳng, đó là triển cáo lớn, rất có giá trị. Núi đó làm long tổ thì tôn quý. Núi đó là núi chầu tất có quan cao, hưởng lộc.

(3) Tam viên (三垣): tinh (星) chỉ tinh tú, ngôi sao; tinh quan (星官): chòm sao. Người cổ đại chia các ngôi sao trên bầu trời rộng lớn thành ba khu vực, chữ Viên (垣), trong Hán tự nghĩa là bức tường thành quây lại, các ngôi sao trong một khu vực chụm lại với nhau gọi là một viên, mỗi viên có nhiều chòm sao gồm: Tử vi viên (39 tinh quan), Thái vi viên (24 tinh quan) và Thiên thị viên (19 tinh quan), mỗi tinh quan có từ một đến hơn một chục ngôi sao.

(4) Nhị thập bát tú (二十八宿)): Thống kê này được cho là ra đời từ thời Chiến Quốc, năm 400 TCN. Người xưa quan sát sự di chuyển của các chòm sao, khi Mặt Trăng chuyển động ban đêm và Mặt Trời chuyển động ban ngày theo một quỹ đạo nhất định, dải nằm giữa con đường này tạo thành một hệ thống 28 chòm sao. Tú (宿): Hán tự chỉ về ngôi nhà, chỗ ở, chỗ trú ngụ… vậy nên, mỗi chòm sao quây tụ lại một khu nhất định gọi là một tú (宿).

(5) Tứ tượng (四象): Hay còn gọi là Thiên chi Tứ Linh, Tứ Thần, Tứ Thánh, gồm bốn chòm sao được đặt tên theo bốn thần thú Thanh Long (hướng Đông), Bạch Hổ (hướng Tây), Chu Tước (hướng Nam), Huyền Vũ (hướng Bắc), mỗi thần thú gắn liền với một phương, một màu sắc chính, và đại diện cho một mùa trong năm… Ngọn núi có thế triều bái, tạm hiểu là núi chầu.

(6) Tinh tượng: các hiện tượng, hình thái vận hành biến thiên của các ngôi sao. Nội bàn và ngoại bàn (của la bàn): Nội bàn là bộ phận chính cấu thành nên la bàn, là mặt của la bàn, có hình tròn, được phân thành nhiều vòng và khắc những nội dung của la bàn. Nội bàn có thể chuyển động. Ngoại bàn: Là bộ phận bao quanh bên ngoài nội bàn, có tác dụng như một khay đỡ và bảo vệ nội bàn, có hình vuông. Trên ngoại bàn không có chữ, đặc điểm này khác với loại thức bàn đời nhà Hán. Có một số loại la bàn không có ngoại bàn, nhất là những chiếc la bàn sản xuất trong nội địa Trung Quốc. Phần lớn những chiếc la bàn có bộ phận ngoại bàn đều là la bàn cận hiện đại được sản xuất ở Đài Loan và Hồng Kông.

(7) Tinh thứ: Còn gọi là Nguyệt tướng, là thứ tự, vị trí của các ngôi sao trong cung hoàng đạo, có 12 Thần cai quản 12 tháng trong năm (theo Lục Nhâm Đại Độn). Nguyệt tướng dựa vào tiết khí và vị trí của Mặt Trăng. Nhật triền là chỉ sự vận hành của Mặt Trời. Trong đó:

Hợi là Thú Tử, hay còn gọi là Tưu Ty sau Vũ thủy. Tháng 1.

Tuất là Giáng Lâu sau Xuân phân. Tháng 2.

Dậu là Đại Lương sau Cốc vũ. Tháng 3.

Thân là Thực Trầm sau Tiểu mãn. Tháng 4.

Mùi là Thuần Thủ sau Hạ chí, Tháng 5.

Ngọ là Thuần Hỏa sau Đại thử. Tháng 6.

Tỵ là Thuần Vỹ sau Xử thử. Tháng 7.

Thìn là Thọ Tinh sau Thu phân. Tháng 8.

Mão là Đại Hỏa sau Sương giáng. Tháng 9.

Dần là Tích Mộc sau Tiểu tuyết. Tháng 10.

Sửu là Tinh Kỷ sau Đông chí. Tháng 11.

Tý là Huyền Hiêu hay còn gọi là Nguyên Hiêu sau Đại hàn. Tháng 12.

(8) Quần tụ thiên hà địa phương hay còn gọi là cụm thiên hà địa phương, nơi có dải Ngân Hà trong đó có địa cầu mà chúng ta đang trú ngụ, là một tập hợp của nhiều thiên hà gần nhau, là cấu trúc liên kết hấp dẫn lớn nhất được biết đến trong vũ trụ cho đến thập niên 1980, trước khi siêu cụm thiên hà được phát hiện. Kích thước của quần tụ thiên hà có thể từ năm triệu năm đến hàng tỉ năm ánh sáng. Quần tụ thiên hà địa phương này của chúng ta gồm ba thiên hà xoắn ốc là Ngân Hà, thiên hà Andromeda (thiên hà Tiên Nữ M31) và thiên hà M33. Dải Ngân Hà của chúng ta (thiên hà Milky Way) có khoảng 100 tỉ ngôi sao. Mỗi quần tụ thiên hà chứa từ 100 – 1000 thiên hà.

(9) Siêu cụm thiên hà: còn gọi là “phức hợp siêu thiên hà” hay “siêu đám thiên hà”, là những cấu trúc khổng lồ bao gồm các quần tụ thiên hà và các nhóm thiên hà trong cấu trúc vũ trụ quy mô lớn. Với kích thước khổng lồ của siêu đám, các thành viên trong đó không phải liên kết ràng buộc với nhau bằng lực hấp dẫn.

(10) Siêu cụm thiên hà trải rộng trong khoảng ít nhất 10 tỉ năm đến 91 tỉ năm ánh sáng (tính ra km thì quãng đường của một năm ánh sáng khoảng một vạn tỉ km). Các nhà khoa học ước tính có khoảng 10 triệu cụm siêu thiên hà như vậy tương đương khoảng 200.000 tỉ tỉ ngôi sao trên toàn vũ trụ này. Thậm chí con số này vẫn còn quá nhỏ, bởi chúng ta sẽ còn phát hiện thêm nhiều thiên hà nữa nếu công nghệ thám không phát triển hơn trong tương lai.

(*) Trong tiếng Trung là chỉ các mối quan hệ xã hội của con người, ví dụ một người có các mối quan hệ xã hội rất rộng thì họ gọi là người này có “nhân mạch” rất rộng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/282801



Ngày đăng: 02-05-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.