Khám phá bí mật núi Thái Sơn (1): Đá phơi Kinh trên đường thỉnh Kinh



Tác giả: Liên Lý Chi

[ChanhKien.org]

Bản khắc đá “Kinh Thạch Dục” trên núi Thái Sơn

Con đường lên núi Thái Sơn là bắt đầu từ cung Hồng Môn (thường được gọi tắt là Hồng Môn), đây cũng là cửa ngõ vào khu danh thắng núi Thái Sơn. Cung Hồng Môn nằm ở phía Bắc, cuối con đường Hồng môn, là con đường từ Đại Miếu ở phía Nam núi Thái Sơn thông thẳng đến cổng cung Hồng Môn. Cung Hồng Môn phía Tây giáp với dãy núi Đại Tạng, từ cổng chính đi vào, phía Tây là miếu thờ Nguyên Quân, phía Đông viện thờ Phật Di Lặc.

Đi qua cung Hồng Môn là lầu Vạn Tiên, phía Bắc lầu Vạn Tiên là cung Đấu Mẫu (là Đấu Mẫu Nguyên Quân, bà rất được tôn sùng trong Đạo giáo). Trên sườn dốc thoai thoải phía Đông cung Đấu Mẫu là “Kinh Thạch Dục”, đây là địa danh nổi tiếng ở núi Thái Sơn, nơi đây có bản kinh Phật được khắc sườn núi, thường được gọi là đá phơi Kinh. Bản kinh Phật khắc trên đó là Kinh Kim Cương của Phật giáo, mỗi chữ kích thước nửa mét vuông, quy mô của khu vực đá phơi Kinh rất rộng lớn (tổng diện tích 2.064 m2), nguyên ban đầu có 2.799 chữ, đến nay chỉ còn lại một nghìn chữ. Tương truyền, nơi đây là dấu tích thầy trò Đường Tăng để lại khi phơi kinh thư trên đường thỉnh Kinh từ Tây Thiên trở về, vì thế nên được gọi là đá phơi Kinh. Ở bức tường đá phía Bắc có khắc một bản “Kinh Thạch Dục” khác, ở trên đó có ba chữ rất lớn là “Bạo Kinh Thạch”, có thể khẳng định rằng, bản khắc đá “Kinh Thạch Dục” đó chính là Bạo Kinh Thạch. Từ thư pháp cho đến quy mô của chữ khắc, ta có thể thấy rằng “Kinh Thạch Dục” trên núi Thái Sơn chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong nghệ thuật khắc đá của Trung Quốc, vì vậy nó được coi là “thủy tổ của đại tự”, “tổ tông của sách bảng”. Người ta cho rằng Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn do người Bắc Tề viết, nó đã có cách đây hơn một nghìn năm rồi.

Bản dập khắc đá của “Kinh Thạch Dục” núi Thái Sơn (chú thích: được ghi lại từ “Thái Sơn Thạch Kinh”)

Có thể nói Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn là ẩn đố của lịch sử, sở dĩ như vậy là do ba nguyên nhân sau: Một là, Kinh Thạch Dục không có ghi tên tác giả hoặc bút danh tác giả cho đến niên đại tạo ra, vì vậy không biết được thể chữ thư pháp khắc đá rốt cuộc là của ai, được chạm khắc khi nào; Hai là, hàng chữ cuối cùng của Kinh Thạch Dục có hơn mười chữ là được vẽ phác họa chữ trước rồi sau mới tô màu đỏ lên đó, hơn nữa các chữ này còn chưa được hoàn thành; Ba là, trong thể chữ khắc đá hơn một nghìn năm trước lại có 3 chữ giản thể, thể chữ mới chỉ được xuất hiện từ năm 1956, là: chữ lai “来: đến”, chữ vô “无: không”, chữ vạn “万: mười nghìn”. Như mọi người biết, Trung Cộng bắt đầu tiến hành giản hóa chữ Hán vào năm 1956, còn trước đó là không có phân ra giản thể và phồn thể, hoàn toàn không có ba chữ lai “来”, chữ vô “无” , chữ vạn “万” này, cách viết ba chữ này theo phồn thể như sau “來-lai, 無-vô, 萬-vạn”. Trong hơn 1000 chữ có thể nhận dạng được từ Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn, thì chữ lai “来/來” tổng cộng xuất hiện 16 lần, trong đó 14 lần xuất hiện chữ lai “来” giản thể, chỉ có 2 lần xuất hiện chữ lai “來”phồn thể; 18 lần xuất hiện chữ vô “无”, toàn bộ đều là chữ giản thể; 2 lần xuất hiện chữ vạn “万”, đều là chữ giản thể. Bản Kinh Thạch Dục khắc Kinh Kim Cương, vì sao lại có mười mấy chữ vẫn chưa hoàn thành? Tại sao trong bản khắc đá có lịch sử cả nghìn năm trước lại xuất hiện chữ giản thể của ngày hôm nay?

Không chỉ như thế, trong khi nghiên cứu núi Thái Sơn chúng tôi còn phát hiện: 3 chữ giản thể chữ lai “来”, chữ vô “无” , chữ vạn “万”, khắc trong Kinh Thạch Dục này, lại là nhân tố trung tâm trọng yếu nhất của văn hóa núi Thái Sơn. Ví như đỉnh Ngạo Lai (傲徕) ở sườn phía Tây núi Thái Sơn, núi Tồ Lai (徂徕) ở phía trước núi Thái Sơn, thành phố Lai Vu (莱芜) ở phía Đông núi Thái Sơn, thị trấn Vạn Đức (万德) ở chân phía Tây núi Thái Sơn; Lầu Vạn Tiên (万仙) một phong cảnh nổi tiếng của núi Thái Sơn; Tấm bia đá cao nhất núi Thái Sơn, là bia vô tự (无字) trên đỉnh Ngọc Hoàng… đều có tên gọi liên quan đến 3 chữ lai “来”, chữ vô “无” , chữ vạn “万” này. Rõ ràng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hơn nữa chữ lai “来” được lặp lại nhiều lần trong Kinh Thạch Dục, có chỗ là chữ giản thể, có chỗ là chữ phồn thể, giản thể và phồn thể cùng xuất hiện, điều này càng thể hiện rõ là có ai đó đã cố ý làm như thế. Cho nên có thể khẳng định Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn là một bí ẩn được cố ý lưu lại cho con người, là một bí ẩn mà lịch sử đã bày ra cho hậu thế và cho chúng ta ngày nay, những mong ở giai đoạn lịch sử của chúng ta ngày nay có thể phá giải được bí ẩn này. Vì vậy chúng ta mới thấy rằng, Kinh Thạch Dục được xưng danh là “Bạo Kinh Thạch”, ý nghĩa là đến ngày nào đó bí ẩn sẽ được phơi bày, bởi vì chữ Bạo “暴” này trong tiếng Hán đồng âm với chữ bộc “曝”, trong từ bạo quang “曝光: cho phơi bày ra ánh sáng”.

Tại sao nói Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn là bí ẩn của lịch sử đặt ra cho chúng ta hôm nay? Câu trả lời nằm tại 3 chữ giản thể khắc trên Kinh Thạch Dục. Ba chữ giản thể được khắc trên Kinh Thạch Dục nói với chúng ta: khi hậu thế xuất hiện 3 chữ giản thể này, đó là lúc bí mật của đá phơi kinh núi Thái Sơn sẽ được làm sáng tỏ. Bí ẩn đó là gì? Phật Di Lặc hạ thế truyền Phật Pháp.

Do Kinh Thạch Dục khắc bản Kinh Kim Cương của Phật giáo, vậy nên Kinh Thạch Dục đại biểu cho kinh sách Phật giáo. Còn hơn mười chữ khắc họa chưa hoàn thành là giải thích rằng: chưa phải toàn bộ—hàm ý rằng kinh sách Phật giáo chưa hoàn toàn đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, cũng tức là nói Phật giáo chưa truyền Phật Pháp hoàn chỉnh. Vậy khi nào Phật Pháp hoàn chỉnh được truyền? Là khi 3 chữ giản thể khắc trong Kinh Thạch Dục xuất hiện thì Kinh Phật hoàn chỉnh, Phật Pháp hoàn chỉnh mới được truyền ra. Đây chính là bí ẩn của Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn mà lịch sử đã bày ra.

Xem xét toàn bộ kinh sách của Phật giáo, dù kinh Đại Tạng nghìn vạn chữ thì khái quát lại là 3 chữ: “Giới, Định, Huệ”, đây là phương pháp tu hành do Phật Thích Ca Mâu Ni để lại. Có nghĩa là, Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ lưu lại phương pháp tu luyện Phật Pháp là: trì thủ giới luật, ngồi thiền nhập định, thì có thể khai trí khai huệ. Dễ nhận thấy, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng không giảng cụ thể Phật Pháp là gì. Chính vì Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ lưu lại phương pháp tu hành và không giảng cụ thể Phật Pháp là gì, cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni nhiều lần nói với các đệ tử của Ông về việc của Phật Di Lặc, Ông nói rằng đến thời mạt Pháp mạt kiếp, sẽ do Phật Di Lặc (Phật vị lai) hạ thế truyền Phật Pháp. Kinh sách Phật giáo có ghi chép, khi Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn, đã trao y bát cho đại đệ tử của Ông là Ca Diếp, tức Ma Ca Ha Diếp, dặn dò Ma Ca Ha Diếp chờ khi mạt Pháp mạt kiếp trong tương lai sẽ có Phật Di Lặc hạ thế dạy. Sau đó Ma Ca Ha Diếp đã đi đến núi Kê Túc, tọa thiền nhập định, chờ đến khi Phật Di Lặc hạ thế.

Kỳ thực mục đích chủ yếu của Phật giáo là: vì hậu thế mà đặt định văn hóa chờ tới khi Phật Di Lặc hạ thế. Đây là chức năng và địa vị lịch sử của Phật giáo. Vì vậy chúng ta thấy: cổng Hồng Môn núi Thái Sơn ở phía Tây dãy núi Đại Tạng, có ý ám chỉ về Đại Tạng Kinh của Phật giáo; mà cổng Hồng Môn lại bố trí tự viện Phật Di Lặc, càng thể hiện rõ mục đích trung tâm của Phật giáo là: chờ khi Phật Di Lặc hạ thế.

Vì vậy chúng ta thấy được: hầu hết các chùa của Phật giáo đều có tượng Phật Di Lặc.

Chúng ta cũng thấy được rằng: ở cả miền Bắc miền Nam Trung Quốc, trong các chùa hầu như đâu đâu cũng đều có tượng điêu khắc hoặc tranh Phật Di Lặc. Điều đó nói lên rằng Phật giáo truyền nhập vào Trung quốc là vì để đặt định ra văn hóa để chờ tới khi Phật Di Lặc hạ thế.

Vậy thì khi nào Phật Di Lặc mà con người mong chờ sẽ hạ thế truyền Phật Pháp? Bí ẩn của Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn nói cho chúng ta biết: ngày mà 3 chữ Kinh Thạch Dục giản thể xuất hiện là khi Phật Di lặc hạ thế truyền Pháp — chính là “ngày hôm nay của lịch sử”. Nghĩa là, Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn ẩn chứa mật mã thời gian cực kỳ quan trọng: “ngày hôm nay của lịch sử”. “Ngày hôm nay của lịch sử” chính là thời mạt Pháp mạt kiếp giảng trong Phật giáo, “ngày hôm nay của lịch sử” chính là lúc Phật Di Lặc hạ thế truyền Phật Pháp.

Cần lưu ý là, theo những ghi chép trong kinh thư Phật giáo, Phật Thích Ca Mâu Ni nói hàng trăm triệu năm sau, Phật Di Lặc sẽ hạ thế truyền Phật Pháp. Thời gian “hàng trăm triệu năm” ở đây không phải là nói về thời gian ở nhân gian. Trong kinh sách Phật giáo, Phật Thích Ca Mâu Ni nói rất nhiều chuyện của Phật giáo, những câu chuyện này cũng không phải là chuyện xảy ra ở thế gian con người, mà là những chuyện Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhớ lại trong ký ức sau khi khai công khai ngộ, đó đều là những sự việc xảy ra trong tiền kiếp của Ông. Vì vậy, không thể hoàn toàn đứng tại không gian, góc độ của con người mà giải thích những chuyện trong Kinh sách Phật giáo.

Điều được dự ngôn trong Kinh Thạch Dục là “ngày hôm nay của lịch sử”, vậy thì trong văn hóa núi Thái Sơn vốn cực kỳ phong phú ấy, có chỗ nào khác để thể hiện mật mã thời gian “ngày hôm nay của lịch sử” này không? Câu trả lời là có, chúng có ở khắp mọi nơi. Thiên cơ càn khôn được tàng trữ trong mỗi Hán tự. Lời giải ở trong chữ Thái (泰), chúng ta hãy xem xét chữ Thái trong Thái Sơn.

Tại sao chữ phía dưới của chữ Thái (泰) trong từ Thái Sơn là bộ thủy (氺)? Bởi vì bốn mặt của núi Thái Sơn đều bao vây bởi thủy. Phía Bắc Thái Sơn là sông Hoàng Hà chảy từ Tây sang Đông; phía Đông Thái Sơn là sông Vấn chảy từ Đông về Tây, sông Vấn chảy về Tây đổ vào hồ Đông Bình, hồ Đông Bình lại thông với sông Hoàng Hà, có thể thấy Thái Sơn bị bao bọc bởi nước. Cũng là nói bộ thủy (氺) trong chữ Thái (泰) là biểu hiện của hình thái địa lý của núi Thái Sơn bị thủy vây quanh.

Vậy tại sao trong chữ Thái là bộ thủy (氺) chứ không phải là chữ thủy (水)? Kỳ thực bộ thủy (氺) trong chữ Thái (泰) cũng là ẩn chứa mật mã thời gian: “ngày hôm nay của lịch sử”. Trong chữ Hán, so với chữ thủy (水) thì ý nghĩa tượng hình của bộ (氺) là biểu hiện của nước bị khô cạn. Lần đầu sông Hoàng Hà bị khô cạn trong lịch sử là năm 1972, từ đó trở đi hầu như năm nào con sông cũng bị khô cạn, đặc biệt là năm 1997 con sông này bị khô cạn trong hơn 200 ngày; cùng với việc sông Hoàng Hà khô cạn, người ta cũng thường thấy sông Vấn ở phía Đông núi Thái Sơn cũng bị khô cạn. Rõ ràng là, khi sông Hoàng Hà bao quanh núi Thái Sơn xảy ra hiện tượng khô cạn, đó là “ngày hôm nay của lịch sử”, khoảng thời gian sau năm 1972, tức là điều mà bộ thủy (氺) trong chữ Thái Sơn thực sự thể hiện là trạng thái khô cạn nước sông “ngày hôm nay của lịch sử”, cũng giống như mật mã thời gian ẩn chứa trong Kinh Thạch Dục, bộ thủy (氺) trong chữ Thái (泰) cũng ẩn chứa mật mã thời gian: “ngày hôm nay của lịch sử”.

Chúng ta thấy, Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn là có ẩn chứa mật mã thời gian “ngày hôm nay của lịch sử”; chữ Thái (泰) của núi Thái Sơn cũng mang trong nó mật mã thời gian “ngày hôm nay của lịch sử”; và đỉnh Ngạo Lai ở sườn phía Tây núi Thái Sơn lại càng biểu hiện trạng thái xã hội của Trung Cộng trong “ngày hôm nay của lịch sử”.

Mời xem tiếp phần 2: Trên đỉnh Ngạo Lai nhìn thấy triều đại đỏ

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/268315

Chú thích: Kinh Thạch Dục, Kinh trong kinh sách, Thạch: đá, Dục: khe núi, thung lũng



Ngày đăng: 20-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.