Các nhà khảo cổ kinh ngạc trước chiếc rìu khổng lồ thời Kỷ băng hà được khai quật ở Anh
[ChanhKien.org]
Gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hai chiếc rìu cầm tay khổng lồ trong lớp trầm tích sâu từ thời Kỷ băng hà ở miền Nam nước Anh, trong đó có một chiếc dài khoảng 1 foot (khoảng 30cm), ước tính có niên đại ít nhất ba trăm nghìn năm tuổi.
Các nhà nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam của Viện nghiên cứu khảo cổ học thuộc Đại học London (UCL Institute of Archeology) cho biết trong số khoảng 800 công cụ bằng đá được tìm thấy tại di chỉ thung lũng Medway ở Kent, điều làm người ta quan tâm đặc biệt là hai chiếc rìu cầm tay khổng lồ, một trong số đó có tay cầm gần như quá lớn để có thể sử dụng được. Nó là một trong những chiếc rìu cầm tay lớn nhất từng được tìm thấy ở Anh.
Những chiếc rìu cầm tay được tìm thấy ở các di chỉ trên khắp châu Phi và châu Âu có niên đại từ 1,7 triệu đến 300 nghìn năm trước. Đó là một loại công cụ bằng đá có hai mặt dùng để cắt với lưỡi cắt dài được tạo hình đối xứng.
Letty Ingrey, nhà khảo cổ học cao cấp tại Viện nghiên cứu khảo cổ học của Đại học Luân Đôn cho biết trong một bài báo: “Vì những công cụ này có chiều dài vượt quá 22cm, chúng tôi mô tả chúng là ‘khổng lồ’, chúng tôi tìm thấy hai loại công cụ như vậy”.
Theo bài báo, hai chiếc rìu cầm tay lớn được tìm thấy tại địa điểm này có những đặc điểm độc đáo, chẳng hạn như phần đầu nhọn dài, tinh xảo và phần đế dày hơn.
Các nhà khảo cổ cho rằng những công cụ này chủ yếu được sử dụng để giết mổ động vật và cắt thịt, nhưng Ingrey chỉ ra rằng những chiếc rìu cầm tay đặc biệt này “lớn đến mức thật khó có thể tưởng tượng chúng được cầm và sử dụng thế nào”.
Bà nói: “Có lẽ chúng có chức năng ít thực dụng hơn hoặc mang tính biểu tượng hơn các công cụ khác, thể hiện rõ sức mạnh và kỹ năng”. Không rõ tại sao những công cụ lớn như vậy lại được tạo ra, hoặc chủng người sơ khai nào đã tạo ra chúng.
Nhà khảo cổ học Letty Ingrey đo kích thước của chiếc rìu cầm tay khổng lồ. (Ảnh: Khảo cổ học Đông Nam/UCL)
Ingret trả lời phỏng vấn của tờ báo Newsweek: “Chúng tôi nghĩ những công cụ này có thể đến từ thời kỳ gian băng của Kỷ băng hà, khoảng 300 đến 330 nghìn năm trước. Vào thời điểm này, những người Neanderthal đầu tiên đang sống ở Anh, nhưng có thể còn có những chủng người cổ đại khác sống quanh đó. Thật không may, chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng hóa thạch nào ở khu vực này, vì vậy chúng tôi không thể nói chắc chắn ai đã tạo ra những công cụ này”.
Thung lũng Medway vào thời điểm đó có lẽ là một vùng hoang dã với những ngọn đồi cây cối rậm rạp và dòng sông chảy qua thung lũng, nơi sinh sống của nhiều loại động vật bao gồm hươu đỏ, ngựa và các loài hiện đã tuyệt chủng như voi ngà thẳng, sư tử, v.v.
Vào thời điểm đó, tổ tiên loài người kiếm sống bằng nghề săn bắn và đã phát triển nhiều loại công cụ dùng cho mục đích này, trong đó rìu cầm tay trở thành một phần trong số các loại công cụ đó.
“Chúng tôi chỉ tìm thấy các công cụ bằng đá (làm bằng đá lửa) tại khu vực này, nhưng ở các khu vực khác, chúng tôi biết rằng người ta có thể đã có giáo gỗ và các công cụ khác làm bằng xương hoặc gỗ, nhưng tại khu vực này vẫn chưa có các công cụ như vậy”, bà nói.
Rìu cầm tay thường được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ ở Kỷ băng hà, nhưng chiếc rìu cầm tay lớn được phát hiện gần đây ở Kent là điều bất thường.
“Điều thực sự độc đáo về chiếc rìu cầm tay lớn nhất mà chúng tôi tìm thấy là kích thước của nó”, Ingrey cho biết, “Nó dài khoảng 1 foot, là chiếc rìu cầm tay dài thứ ba ở Anh… Chúng tôi không hoàn toàn chắc chắn tại sao người ta lại làm ra những chiếc rìu này bởi vì chúng quá lớn để có thể sử dụng dễ dàng”.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284206
Ngày đăng: 28-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.