Phát hiện dưới biển “con đường được xây dựng” cách đây hơn 10 nghìn năm phải chăng do người cổ đại tạo ra?
Biên tập: Triệu Tư Tế
[ChanhKien.org]
Hình ảnh con đường Bimini từ vệ tinh (Ảnh: Phạm vi công cộng); (Minh họa) Con đường Bimini. (Ảnh: Shutterstock)
Vùng biển Caribe (Caribbean) với nước biển trong vắt như pha lê, ngoài những hòn đảo cát trắng và những rặng dừa, còn ẩn chứa những điều vô cùng kỳ lạ, đầy màu sắc bí ẩn.
Tuy nhiên, trừ khi Wikipedia hoặc giới khoa học dòng chính thay đổi cách thức tư duy, nếu không thì con đường dưới nước bí ẩn được gọi là Bimini Road này có thể sẽ không được giới học thuật chủ lưu khám phá.
Trên Đại Tây Dương, ở phía Đông quần đảo Florida, tại một chuỗi những địa điểm đầy bí ẩn vẫn luôn lưu truyền một câu chuyện, những người đi tàu, thợ lặn và những người chứng kiến kể về những sự việc không thể giải thích, kết quả lại bị chế giễu và khinh thường.
Cũng giống như Tam giác Bermuda, Atlantis và suối nguồn tươi trẻ, vào năm 1968, Joseph Manson Valentine, Jacques Mayol và Robert Angove đã lặn xuống độ sâu khoảng 18 feet ở phía Bắc Bimini, cách khoảng 80 dặm Anh về phía Tây Bắc Bahamas, và nhìn thấy thứ mà họ mô tả là “vỉa hè” dưới đáy biển.
Họ mô tả rằng “vỉa hè” được tạo thành từ nhiều phiến đá hình chữ nhật, trải qua hàng thế kỷ bị bào mòn bởi cát và dòng nước, các phiến đá đã trở nên tròn trịa như bánh mì, tạo nên một đường thẳng hoàn hảo. Phần chính của con đường trải dài hơn 2.600 feet, một đầu cong thành hình chữ “J”. “Vỉa hè” còn có hai cấu trúc đường nét nhỏ hơn. Những tảng đá khổng lồ này rộng từ 7 đến 13 feet (khoảng 2-4 mét), có góc vuông, dường như được đặt phẳng bằng tay.
Hiển thị bản đồ phía Bắc Bimini với con đường Bimini. (Ảnh: Shutterstock)
Hiện tượng bất thường này đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà khoa học. Nó được hình thành như thế nào? Nó được tạo nên bởi con người hay tự nhiên? Lẽ nào một nền văn minh tiên tiến đã tồn tại trong kỷ băng hà đã chìm xuống đáy biển cách đây 10 nghìn năm? Hay thiên nhiên có thể sáng tạo ra thứ gì đó tinh vi như vậy? Và thế là, cuộc xung đột tư tưởng đã bắt đầu.
Có hai luồng quan điểm liên quan đến hiện tượng này.
Một quan điểm cho rằng khi lặn xuống người ta đã nhìn thấy một con đường nhân tạo. Cả các nhà khoa học và những người đam mê nghiệp dư đều đã nhìn thấy, và đôi mắt của họ nói với họ rằng: đây không thể là tự nhiên.
Phe còn lại vẫn tỏ thái độ hoài nghi. Để tránh sự không chắc chắn, họ dùng khoa học để giải thích rằng: con đường này là được hình thành tự nhiên.
Khi đi sâu vào nghiên cứu, các nhà khoa học được tài trợ cũng bay đến để điều tra. Eugene Shinn, một chuyên gia của Khoa Địa chất Đại học Miami, là một trong số đó. Năm 1978, Shinn đã lặn xuống và thu thập các mẫu lõi đá chứa carbon phóng xạ. Ông nói rằng, về nguồn gốc, đây là đá trầm tích biển (hỗn hợp cát, vỏ sò và xi măng) được tạo thành một cách tự nhiên.
Những tảng đá khổng lồ tạo thành một đường thẳng dưới đáy biển gần Bắc Bimini.
Nghiên cứu của ông Shinn đã tạo ra cái gọi là “sự đồng thuận khoa học”, ý nghĩa đại khái là: con đường Bimini được hình thành dưới bề mặt đảo. Khoảng 2000 năm trước, nó bị lộ ra do bờ biển bị xói mòn. Những khoảng trống đều đặn là nhờ sự kết hợp tự nhiên mà hình thành. Quan điểm này ngày nay được phổ biến và phóng đại trên Wikipedia.
Quan điểm của phe còn lại thì không thống nhất như vậy. Khi đến thăm con đường Bimini, có người đã đưa ra một khái niệm: có bằng chứng áp đảo cho thấy “con đường này là do con người tạo ra”. Tiếng nói của họ đến từ những nguồn thông tin không mấy cao cấp như: truyền thông không chính thống, các trang web, sách vở và các câu chuyện truyền miệng. Phần lớn trong số đó mang màu sắc của “thời đại mới” và có thể lan truyền (hoặc tràn ngập) những thông tin sai lệch nhằm bôi nhọ những người dũng cảm lên tiếng, thẳng thắn phản bác quan niệm chính thống. Cũng có một số tiếng nói đã cải biến tư tưởng của họ.
Trong số các nhà lý luận, nhà khảo cổ học William Donato đã nói với The Epoch Times rằng con đường Bimini không phải là một con đường. Đó là một bức tường được tạo thành từ một dãy đá gọi là đê chắn sóng, được xây dựng để bảo vệ khu định cư thời tiền sử khỏi sóng biển xâm nhập. Điều này đã tạo ra cho nó một cái tên khác gọi là: Bức tường Bimini.
Một trong những lập luận mạnh mẽ nhất ủng hộ quan điểm con đường Bimini là do con người tạo ra được nêu trong tác phẩm của Gavin Menzies: “1421: Năm Trung Quốc khám phá thế giới” (1421: The Year China Discovered the World). Ông viết: “Đá nhỏ được đặt dưới đá lớn, rõ ràng là để giữ cho đáy biển bằng phẳng; ‘cấu trúc’ bao gồm những chiếc ‘kim đồng hồ’ hình mũi tên chỉ có thể là do con người tạo ra”, và “một số viên đá hình vuông nhỏ có cấu trúc nhô ra và khớp nối lõm”.
Menzies được coi là người ngoài cuộc trong cả hai phe, ông cho rằng những nhà thám hiểm cổ đại của Trung Quốc đã cập bến ở đây và xây dựng con đường này như một bến cảng để sửa chữa tàu thuyền.
Năm 2022, nhà văn người Anh Graham Hancock trong chương trình của Joe Rogan đã thảo luận về con đường này. Ông nói rằng nó được “chống đỡ” và “làm phẳng” một cách nhân tạo bằng những viên đá nhỏ hơn. “Khi bạn lặn xuống đó”, ông nói với Rogan, “bạn không thể tin rằng đây hoàn toàn là sản phẩm của tự nhiên”.
Cũng có một số mô tả gây nhầm lẫn.
Những tảng đá có chiều rộng từ 7 đến 13 feet trải dài trên con đường dưới biển ở Bắc Bimini. (Ảnh: Shutterstock)
Điều trớ trêu là Wikipedia và Menzies đưa ra những luận điểm trái ngược nhau, nhưng lại trích dẫn cùng một người. Ông Menzies trích dẫn lời của David Zink, người đã khám phá con đường Bimini vào năm 1974, ông đề cập đến “những viên đá nhỏ” dưới những viên đá lớn là lớp thứ hai bên dưới con đường Bimini. Wikipedia cũng trích dẫn lời của ông Zink, nhưng lại đưa ra một tuyên bố trái ngược: kết luận về lớp thứ hai “rất có thể là không chính xác”.
The Epoch Times đã cố gắng có được cái nhìn độc lập về cuộc xung đột này.
Con đường Bimini, còn được gọi là bức tường Bimini, được cho là được xây dựng để bảo vệ khu định cư thời tiền sử khỏi sóng biển. (Ảnh: Shutterstock)
Nhà tâm lý học Greg Little, tác giả của cuốn sách “Atlantis của Edgar Cayce” (Edgar Cayce’s Atlantis), đã tiết lộ một quan điểm gây sốc khác với The Epoch Times. Ông tuyên bố rằng có bằng chứng cho thấy các nhà khoa học đã bí mật thay đổi các mẫu lõi đá để ủng hộ quan điểm con đường Bimini là hình thành tự nhiên. Ông nói rằng họ thừa nhận đã làm như vậy vì chịu áp lực từ “tất cả những điều điên rồ” liên quan đến con đường Bimini, và rằng điều này được thực hiện “cho vui” và để “kể một câu chuyện hay”.
Để xác minh tuyên bố của Little, The Epoch Times đã liên lạc với một nhà khoa học, người này trả lời rằng họ “sẽ không bới lông tìm vết về những lo ngại của Little”.
Nếu đó là sự thật, tuyên bố này sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao giới học thuật chính thống lại cố tình đánh lừa công chúng? Họ có thể đạt được gì bằng cách bác bỏ sự tham gia của con người cổ đại trong việc xây dựng con đường Bimini?
Chúng tôi đã đặt ra vấn đề này cho ông Little, và ông đã giải thích bằng tâm lý học:
“Tất cả những gì mâu thuẫn với tín ngưỡng của họ đều có thể được coi là mối đe dọa trực tiếp tới nghề nghiệp và tâm lý của họ”. Ông nói: “Trong lịch sử khoa học lâu dài, có vô số những ví dụ về niềm tin phổ biến được nghiên cứu chứng minh là sai. Nhưng, ngay cả khi đối mặt với bằng chứng không thể chối cãi chứng minh những niềm tin này là sai, rất nhiều người được gọi là nhà khoa học vẫn từ chối chấp nhận bằng chứng mới”.
Về con đường Bimini, cho dù nó có giống như “sự đồng thuận” đã nói hay vẫn là một bí ẩn như trước đây, có lẽ có một cách để biết được diện mạo thực sự của nó: hãy đến thăm con đường Bimini. Hãy bơi trong làn nước biển xanh thẳm, tận mắt chứng kiến sự kỳ diệu của nó.
Bài báo gốc: “Thợ lặn tìm thấy ‘Con đường lát đá’ dưới nước được xây dựng cách đây hơn 10.000 năm – Liệu đó có phải do con người cổ đại tiên tiến tạo nên?” được đăng trên trang web tiếng Anh của The Epoch Times.
(Theo báo The Epoch Times)
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/291437
Ngày đăng: 30-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.