Phát hiện hiếm thấy: Khai quật được hóa thạch của thuỷ quái thời kỳ cuối kỷ Phấn Trắng với chiều dài bảy mét
[ChanhKien.org]
Một “thần thú dưới biển sâu” 100 triệu năm tuổi đã vô tình được phát hiện tại một trang trại hẻo lánh ở Úc. Khi ba nhà cổ sinh vật học nghiệp dư địa phương đang tìm kiếm ở khu vực McKinlay phía Tây Bắc Queensland, thì họ bất ngờ tìm thấy hóa thạch của loài Elasmosaurus đã tuyệt chủng, theo lịch sử thì nó có thể được bắt nguồn từ kỷ Phấn Trắng cách đây 100 triệu năm. Vì bộ xương khá hoàn chỉnh nên đây cũng là lần đầu tiên một hóa thạch trọn vẹn của loài Elasmosaurus được tìm thấy ở Úc, là điều hiếm có trên thế giới.
Hóa thạch được khai quật của loài Elasmosaurus, phần đầu còn khá nguyên vẹn (ảnh sao chép từ Twitter MUSEUM QUEENSLAND)
Tờ “Daily Mail” của Anh đưa tin, ba nhà cổ sinh vật học nghiệp dư đã ngay lập tức thông báo cho bảo tàng Queensland, theo Giám đốc viện bảo tàng Espen Knutsen, loài Elasmosaurus sống vào cuối kỷ Phấn Trắng. Loài bò sát biển này được biết đến với chiếc cổ cực dài và hộp sọ tương đối nhỏ. Nó thường dài khoảng 15 mét, nhưng cổ của nó có thể dài tới tám mét.
Loài Elasmosaurus sống vào cuối kỷ Phấn Trắng, và là loài bò sát biển cùng thời với khủng long (ảnh sao chép từ Wikipedia)
Bởi vì loài Elasmosaurus có chiếc cổ rất dài nên cơ thể và đầu của nó thường bị tách rời sau khi chết, rất khó để bảo tồn cả hai bộ phận cùng một lúc, vì vậy việc tìm thấy một bộ xương hoàn chỉnh như thế này là cực kỳ quý giá. Sau khi tìm hiểu rõ hơn, con Elasmosaurus này hẳn là chết khi còn nhỏ, với chiều dài dao động từ năm đến bảy mét.
Loài Elasmosaurus chủ yếu sống ở vùng biển khơi, đôi khi lên đất liền để hít thở không khí. Nó có hàm răng thon dài có thể bắt cá, cua và động vật thân mềm. Mặc dù địa điểm được khai quật là sa mạc, nhưng khu vực này là một vùng biển trong đất liền ở thời kỳ kỷ Phấn Trắng, vì vậy hóa thạch của loài bò sát biển có thể được tìm thấy ở đây.
Các nhà khoa học cũng kiểm tra hóa thạch loài Elasmosaurus, và phát hiện ra rằng chúng thực sự có sỏi trong dạ dày (gọi là gastrolith), những viên đá này có thể được nuốt vào để nghiền nát thức ăn trong dạ dày, hoặc làm vật nặng giúp chúng lặn xuống nước.
Ngoài ra, Tiến sĩ Jim Thompson, Giám đốc điều hành của mạng lưới bảo tàng Queensland tin rằng, phát hiện quan trọng này sẽ giúp các nhà cổ sinh vật học hiểu, và xác định các hóa thạch khác của loài Elasmosaurus được bảo tồn trong bảo tàng, đồng thời cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu quan trọng về kỷ Phấn Trắng ở Queensland.
Loài Elasmosaurus sống vào cuối kỷ Phấn Trắng, và là loài bò sát biển cùng thời với khủng long (ảnh sao chép từ Facebook)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284104
Ngày đăng: 23-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.