[ChanhKien.org]
Một tượng Phật cổ ngàn năm cao 66 mét được ghi chép nhiều trong sách cổ, bỗng nhiên biến mất hơn 600 năm. Pho tượng Phật khắc trên đá lộ thiên sớm nhất ở Trung Quốc và trên thế giới này đã được một cụ già tò mò phát hiện và được khai quật từ đống đá vụn, nó lại một lần nữa xuất hiện dưới ánh sáng Mặt Trời.
Đây là pho tượng Phật khắc trên đá khổng lồ sớm nhất trên thế giới, nhưng đã biến mất khỏi tầm mắt con người suốt 600 năm! Ngay trước mắt mọi người, bức tượng còn cao hơn cả tượng Phật Bamiyan ở Afghanistan — từng được phương Tây công nhận là “Bức tượng Phật lớn nhất thế giới” trước khi bị phá hủy — và có lịch sử lâu đời hơn tượng Phật Bamiyan hơn 100 năm. Vậy mà một tượng Phật như thế đã biến mất một cách thần bí khỏi tầm nhìn của nhân loại suốt 600 năm.
Tượng Phật Mông Sơn nằm ở núi Mông Sơn cách khu vực Tây Nam thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hơn 20km. Theo sử ký ghi chép, tượng Phật Mông Sơn được xây dựng vào năm 551 thời Bắc Tề là tượng Phật khắc đá lộ thiên sớm nhất ở Trung Quốc. Sau thời nhà Nguyên, tượng Phật Mông Sơn đã “mất tích” một cách bí ẩn. Mãi đến hơn 600 năm sau vào những năm 80 của thế kỷ trước mới được một cụ ông người địa phương tên là Vương Kiếm Nghê ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây phát hiện ra. Tượng Phật cao hơn 60 mét, đến nay đã gần 1.500 năm tuổi, thấp hơn đại tượng Phật Lạc Sơn ở Tứ Xuyên, nhưng được xây dựng trước tượng Phật Lạc Sơn 162 năm. Do đó, tượng Phật Mông Sơn là bức tượng Phật khắc đá lộ thiên cổ xưa nhất ở Trung Quốc và thậm chí trên cả thế giới.
Trong “Bắc Tề Thư – Ấu Chủ Hằng Kỷ” có ghi chép: “Đục núi Tây Sơn Tấn Dương để tạc tượng Phật lớn, một đêm đốt vạn chậu dầu, ánh sáng chiếu sáng cả trong cung”. Cung điện này chính là cung Tấn Dương nổi tiếng trong lịch sử, di chỉ nằm ở khu vực miếu Cửu Long, làng cổ Thành Doanh, thị trấn Tấn Nguyên.
Trong “Bắc Tề Thư” không nói rõ Tây Sơn Tấn Dương ở đâu. Tây Sơn Tấn Dương là vùng núi phía Tây Thái Nguyên. Nơi đây có ba ngôi chùa với các tượng Phật lớn: Thiên Long Sơn Thiên Long Tự, Long Sơn Đồng Tử Tự và Mông Sơn Khai Hóa Tự. Vậy nơi nào mới là “Tây Sơn Đại Phật”? Vào thời Võ Tắc Thiên, bà từng cho chế tạo một tấm áo cà sa khổng lồ dành riêng cho tượng Phật, điều này đủ cho thấy sự hưng thịnh của tượng Phật thời đó. Tuy nhiên cùng với việc thay triều đổi đại, tượng Phật chịu nhiều tổn hại do chiến tranh và xói mòn tự nhiên. Đến cuối thời nhà Nguyên, đầu tượng Phật bị sụp đổ, phần từ bụng trở xuống bị chôn vùi trong đất đá. Năm 1983, một người dân Thái Nguyên tên Vương Kiếm Nghê khi đang kiểm tra địa danh đã lần nữa phát hiện ra tượng Phật Mông Sơn. Lúc phát hiện ra, ông nhận thấy còn một địa danh tên là “Đại Đỗ Nhai”, khiến ông cảm thấy rất kỳ lạ.
Vì vậy ông bắt đầu triển khai điều tra thực địa, dần dần phát hiện ra Đại Đỗ Nhai thực chất là phần ngực của tượng Phật Mông Sơn. Đầu tượng đã mất, phần ngực cao lộ ra, từ ngực trở xuống bị chôn trong đất đá dày hàng chục mét. Toàn bộ thân Phật mà chúng ta thấy hiện nay là do sau này đào đất để lộ ra.
Trên đỉnh vách núi phía sau tượng Phật còn có một mảnh đất bằng phẳng – ở đó là di chỉ có kiến trúc cổ trải dài khoảng 500 mét.