Các chuyên gia cứ ngỡ đang du hành thời gian khi tìm thấy một vật từ mộ cổ thời Chiến Quốc



Tác giả: Tam Lập

[ChanhKien.org]

Khảo cổ là một ngành khoa học rộng lớn, thông qua những đồ vật khai quật được, các chuyên gia có thể suy đoán được đời sống và bối cảnh văn hóa của thời đại đó. Ngoài những tài liệu lịch sử chính thức được ghi chép lại, khảo cổ cũng làm nảy sinh rất nhiều câu chuyện ly kỳ, thậm chí những hiện tượng khó giải thích. Một câu chuyện khá kỳ lạ đã xảy ra tại một vùng quê ở tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc. Tại khu vực quần thể mộ cổ được cho là có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, đột nhiên lại đào được một đồ vật giống như một chiếc “kìm hổ”. Lẽ nào đây chính là hiện tượng “du hành thời gian” mà mọi người vẫn thường hay nói đến? Gần đây, điều này cũng đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Tờ NetEase của Trung Quốc đã đăng tải bài viết về thông tin này. Một số nhà khai quật làm việc tại bộ phận quản lý văn hóa huyện Phượng Tường, tỉnh Thiểm Tây đã tiến hành khai quật sơ bộ và xác định rằng nơi đây là một khu mộ cổ từ thời kỳ Chiến Quốc. Trong lần khai quật tiếp theo, người ta đã liên tục đào được một số ấm đồng và đồ gốm, tất cả đều là những thành quả rất đáng mừng.

Điều kỳ lạ hơn nữa, ở bên cạnh chiếc gối đá trong mộ chủ nhân, họ đã phát hiện một vật cứng giống như được làm bằng đồng xanh. Sau khi mất khoảng một tiếng đồng hồ để cẩn thận đào vật đó ra, cuối cùng họ phát hiện một thứ công cụ trông giống như cái “kìm hổ”. Cảnh tượng tại hiện trường lúc ấy vừa gây sốc vừa có phần dở khóc dở cười.

Để xác định xem đó có phải là vật phẩm được chôn cất từ thời kỳ đó hay không, hay là của người đời sau đã đưa vào, các chuyên gia đã sử dụng các phương pháp như đồng vị carbon-14 để xác định. Ngoài ra, vì nó đã được chôn dưới đất hơn hai nghìn năm, nên một số bộ phận ở cả trong lẫn ngoài đã bị ăn mòn và oxy hóa. Qua nhiều lần xác định, người ta phát hiện rằng trọng lượng của nó chỉ bằng 1/3 so với chiếc kìm hiện đại, và là đồ thật.

Hàng giả không chỉ khiến con người phải đề phòng trong sinh hoạt hàng ngày, mà đôi khi cũng khiến các chuyên gia khảo cổ cảm thấy rất lúng túng. Ví như có lần, các chuyên gia đã khai quật được một chiếc kìm đồng trong một ngôi mộ cổ thời Chiến Quốc; mà cái kìm này lại giống hệt với chiếc kìm hiện đại mà chúng ta sử dụng hiện nay. Vậy nên lúc đó có rất nhiều người cho rằng đó là đồ giả, thế nhưng sau đó các chuyên gia đã vất vả sử dụng ba phương pháp trắc định, cuối cùng chứng minh được rằng nó là đồ thật. Trở lại với chiếc kìm kia, vì dù sao nó cũng là “nhân vật chính” trong sự kiện này. Vào những năm 60 thế kỷ trước, thôn dân huyện Phượng Tường tỉnh Thiểm Tây đang chuẩn bị tu sửa một con đường nhỏ ở sườn núi gần đó. Nơi này cỏ dại mọc um tùm, như thể là hàng trăm năm chẳng có ai đặt chân tới. Mới bắt đầu công việc được ba ngày thì người dân đã phát hiện ra một điều không ngờ tới.

Lúc ấy có hai cây hòe gai to hình miệng bát cản trở việc sửa đường, dân làng liền quyết định di dời hai “con hổ ngáng đường” này đi. Lúc đang đào gốc cây, mới đào được mấy xẻng thì đột nhiên nghe thấy dưới mặt đất vọng lại những tiếng “keng keng keng”. Dân làng cảm thấy rất quái lạ, bởi vì đây rõ ràng là âm thanh của đồng sắt chạm nhau, lẽ nào bên dưới có kho báu? Nhưng ở nơi đồi núi hoang vu thế này, lẽ nào có ai lại đi chôn đồ vật quý báu ở đây.

Mấy người dân lại tiếp tục đào, đầu tiên họ đào lên được một vài viên gạch nung màu xanh, tiếp theo là mấy thanh gỗ mục nát, những thanh gỗ này có mùi chua. Tiếp đó, một chiếc đĩa đồng thau xuất hiện trước mắt mọi người. Một người dân gan dạ đã cầm chiếc đĩa lên quan sát kỹ lưỡng, có thể thấy rõ những hoa văn tinh xảo bên trên, cầm trên tay cũng rất nặng. Đến lúc này, người dân mới nhận ra đã đào trúng một ngôi mộ cổ, họ lập tức dừng tay rồi xuống núi về thôn để báo trưởng thôn biết tình huống này. Trưởng thôn biết chuyện liền báo lại cho Cục Di sản Văn hóa của huyện Phượng Tường.

Một số nhân viên của Cục Di sản Văn hóa huyện Phượng Tường đã đến hiện trường. Sau khi tiến hành khai quật sơ bộ, họ xác định đây là một ngôi mộ có từ thời Chiến Quốc. Trong quá trình khai quật sau đó, họ lại đào được thêm một số bình đồng và đồ gốm. Nhưng điều khiến họ cảm thấy kinh ngạc nhất vẫn còn ở phía sau.

Khi một nhân viên công tác văn vật lịch sử đang dọn nước bùn trong lăng mộ thì phát hiện có một vật đồng xanh nằm sát cạnh chiếc gối đá của chủ nhân ngôi mộ. Sau hơn một giờ dọn dẹp, vật dụng đồng thau ấy cuối cùng đã lộ diện hoàn toàn. Người phụ trách công tác khai quật văn vật nhìn thấy vật thể bằng đồng xanh ấy, cảm thấy thật dở khó dở cười, vì nó đúng là một chiếc “kìm hổ”, giống trong bức hình quý vị đang nhìn thấy ở trên. Cái kìm bằng đồng thau này so với cái kìm kẹp đầu dẹt mà chúng ta sử dụng ngày nay gần như là giống hệt.

Phương pháp thứ nhất: So sánh trọng lượng.

Do cái kìm bằng đồng xanh này đã được chôn dưới đất hơn hai nghìn năm nên một số bộ phận cả trong lẫn ngoài đã bị ăn mòn, lại cộng thêm việc đồng có đặc tính dễ bị oxy hóa nên dẫn đến việc trọng lượng nhẹ đi. Với những chiếc kìm đồng có cùng kích thước, chiếc kìm cổ có trọng lượng nhẹ hơn khoảng 1/3 so với kìm hiện đại mô phỏng lại. Nó đã đáp ứng được tiêu chí về trọng lượng nhẹ hơn này, vậy nên nó là đồ thật.

Phương pháp thứ hai: Đánh giá ngoại hình và chất lượng.

Khi quan sát kỹ lưỡng, chiếc kìm rõ ràng được chế tác thủ công chứ không phải thông qua khuôn đúc cơ giới hiện đại. Ngoài ra, trên chiếc kìm có rất nhiều vết gỉ sâu vào tận xương, đúng như tên gọi, vết gỉ đã ăn sâu vào tận bên trong của cái kìm đồng thau. Mà điểm này thì đúng là kiệt tác của “thời gian” dài mấy nghìn năm, là điều mà bất kỳ công nghệ hiện đại nào cũng đều không thể làm giả mạo được.

Phương pháp thứ ba: Giám định sự phân rã của đồng vị carbon 14.

Đồng vị carbon 14 được mệnh danh là “đồng hồ tiêu chuẩn” của Trái Đất. Công nghệ khoa học hiện đại cũng thường lợi dụng sự phân rã của đồng vị carbon 14 để giám định niên đại của các văn vật. Đây cũng là “tuyệt chiêu tối hậu” để giám định các di tích văn hóa, tựa như hỏa nhãn kim tinh của Tôn Ngộ Không vậy, bất kỳ các văn vật giả mạo nào dưới sự giám định đồng vị carbon 14 đều sẽ bị bại lộ nguyên hình. Chiếc kìm đồng này đã “vượt qua bài kiểm tra này” một cách thuận lợi, chứng minh được rằng nó thật sự là một di vật có niên đại hơn ba nghìn năm trước, và không còn nghi ngờ gì nữa, nó đã được chứng minh là đồ thật.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/282107



Ngày đăng: 01-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.