Giải mã “Tây Du Ký” (1): Lời nói đầu



Tác giả: Thu Cứu Tàn Duyên

 

[ChanhKien.org]

Thấu hiểu Tây Du Ký, thấu hiểu kiếp nhân sinh

Hoá ra tác phẩm Tây Du Ký là cuốn sách truyền kỳ về người tu luyện, là một tác phẩm dự ngôn vĩ đại của nhân loại…

Tây Du Ký có lẽ là cuốn sách mà mọi người chúng ta từ nhỏ đều thích đọc.

Nhớ lúc nhỏ đọc Tây Du Ký, tôi thường bỏ qua những đoạn thơ và những phần nói về tu luyện trong truyện, chỉ chú tâm xem những tình tiết mà tôi thấy hứng thú. Thiết nghĩ chắc hẳn rất nhiều người có thói quen giống tôi, nguyên do bởi đối với phần lớn những người bình thường không tu luyện thì những thứ như: mộc mẫu, nguyên thần, thi quỷ, thỏ ngọc… họ hoàn toàn mù mịt không hiểu.

Lúc nhỏ đọc Tây Du Ký, nhân vật Đường Tăng khiến người ta cảm giác là người rất đần độn, ông chẳng có chút năng lực gì, chỉ biết kêu khóc, mỗi lần bị yêu quái bắt và trói lại, Đường Tăng chỉ vừa khóc lóc vừa làm thơ kể khổ. Ông không hề có chút bản lĩnh gì, chỉ biết niệm chú “Kim Cô” để bắt Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại phải ngoan ngoãn phục tùng, đặc biệt trong phần “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, tôi cứ mãi cảm thấy bất bình thay cho Tôn Ngộ Không. Tuy vậy tôi cũng rất khâm phục sự kiên cường của Đường Tăng, dù ông không có bất cứ bản lĩnh gì, lại liên tục bị yêu quái bắt đi, động chút là đòi nấu ông lên ăn thịt, lại có lúc chúng biến thành yêu nữ đến dụ dỗ ông, nhưng ông chưa bao giờ bị lừa.

Nhân vật mà trẻ em thích nhất là Tôn Ngộ Không, vì Ngộ Không thần thông quảng đại, cương trực, công bằng, có thể xuống long cung, xuống âm phủ, lên thiên đình đại náo thiên cung, tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Vì muốn mình trường sinh bất tử, thọ cùng trời đất mà ‘con khỉ đá’ đã một mình vượt biển đi tìm tổ sư Bồ Đề, học được 72 phép thần thông biến hoá, cưỡi Cân Đẩu Vân, luyện thành Hỏa Nhãn Kim Tinh phân biệt được hết thảy yêu ma quỷ quái nơi thế gian. Tôn Ngộ Không nhảy vào lửa không cháy, đi xuống nước không ướt, sét đánh không chết, dầu chiên không bỏng, ăn trộm tiên đan, uống trộm rượu tiên, mang theo cây gậy Kim Cang tung hoành khắp thiên đình không có đối thủ. Tôi cứ luôn có cảm tưởng rằng Tôn Ngộ Không chính là hiện thân của chính nghĩa ở nhân gian, nhân vật này đã rót vào tâm hồn nhỏ bé của tôi sức mạnh và niềm tin vào chính nghĩa, Tôn Ngộ Không dường như là tiêu chuẩn và hình mẫu làm người của tôi, giúp tôi khi trưởng thành không sa ngã vào dòng chảy của xã hội tha hoá này mà mê lạc mất tiêu chuẩn làm người của mình. Thật sự phải cảm ơn Tôn Ngộ Không rất nhiều.

Còn Trư Bát Giới tham lam, háo sắc, lười biếng, động một chút là đòi chia hành lý trở về Cao Lão Trang, nhân vật này cũng để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Sau này dần dần trưởng thành, mỗi lần tự xét lại bản thân, tôi phát hiện chính mình cũng có không ít những điểm xấu của Trư Bát Giới, tôi thường cảm thấy tự hổ thẹn, Trư Bát Giới giống như tấm gương phản chiếu cho tôi thấy những thiếu sót của mình. Dù vậy, bản thân Trư Bát Giới cũng có những điểm tốt, ít khi tức giận, mỗi khi làm sai, mỗi khi bị Tôn Ngộ Không trách mắng là đồ ngốc, Trư Bát Giới lại nhẹ nhàng ngon ngọt gọi hai tiếng “Hầu ca”, rồi lại cười hì hì vui vẻ như bình thường, biết sai sửa sai, sau rồi lại cùng sư phụ và sư huynh đệ lên đường thỉnh kinh, trên đường đi cũng góp công sức không nhỏ.

Tôi vẫn luôn cảm nhận nhân vật Sa Tăng là một người trung thực, thật thà, tu hành rất thiết thực, trên đường đi thỉnh kinh rất chuyên cần chịu khó, phối hợp với Tôn Ngộ Không trừ yêu quái, điều hòa mâu thuẫn giữa Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, Sa Tăng không hề phát sinh tư tâm, người như vậy ở đâu cũng luôn khiến cho người khác yêu thích, quả là một con người rất tốt.

Lúc bé vì không biết nên tôi cứ thắc mắc mãi, không hiểu sức mạnh nào khiến cho đoàn người đi thỉnh kinh này trên đường đi có thể gặp yêu trừ yêu, gặp quỷ trừ quỷ, cuối cùng đắc được chân kinh, chứng được chính quả? Các đệ tử của Đường Tăng, người nào cũng thần thông quảng đại, nhưng dưới sự chỉ dẫn của Bồ Tát, ai nấy đều tận lực phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh, điều này khiến cho người ta cảm nhận một sức mạnh đoàn kết thật vĩ đại; càng cảm thấy mục tiêu vĩ đại lấy được chân kinh thực sự giúp con người vượt lên khó khăn, cho nên có thể nói năm thầy trò Đường Tăng là những người có lý tưởng rất cao đẹp, họ đã khiến tôi bắt đầu âm thầm ngưỡng mộ người tu hành.

Cho dù lớn lên tôi đã từng đọc lại Tây Du Ký, nhưng cũng chỉ xem kỹ hơn các tình tiết câu chuyện, mà chưa từng suy xét nội hàm thâm sâu hơn.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của văn hóa Trung Quốc dù sao cũng rất lớn, từ bé đến lớn tôi đã đọc Tây Du Ký rất nhiều lần, câu chuyện đã để lại trong tôi rất nhiều câu hỏi, ví như tại sao Ngộ Không chỉ có 72 phép thần thông? Tại sao có những lúc Ngộ Không không dùng phép tàng hình? Tại sao sau khi lấy được chân kinh rồi mà còn phải chịu thêm nạn cho đủ 81 kiếp nạn? v.v.

Hôm nay, khi tôi cũng đã trở thành một người tu luyện như thầy trò Đường Tăng, từng bước từng bước tu luyện trong Pháp Luân Đại Pháp, những ma nạn như trong Tây Du Ký cũng dần dần xuất hiện với tôi, tôi cuối cùng cũng đã minh bạch!

Hóa ra Tây Du Ký là cuốn sách ghi chép về người tu luyện;

Hóa ra Tây Du Ký là một cuốn sách dự ngôn vĩ đại;

Hóa ra Tây Du Ký là cuốn sách tu luyện ký sự của đệ tử Đại Pháp ngày nay;

Hóa ra Tây Du Ký đã vượt qua thời gian, không gian 400 năm, từ triều đại nhà Minh đã bắt đầu nói cho người Trung Quốc biết rằng: “Tương lai thời mạt pháp sẽ có một lô những người tu luyện, họ được gọi là ‘đệ tử Đại Pháp’, họ cũng sẽ giống như thầy trò Đường Tăng vượt qua ma nạn tu thành chính quả, cứu độ chúng sinh”.

Chúng tôi sẽ dần dần vén bức màn bí mật của Tây Du Ký, đã đến lúc triển hiện chân tướng cho con người thế gian.

 

Xem tiếp phần 2

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/72820



Ngày đăng: 10-05-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.