Giải mã “Tây Du Ký” (4): Năm thầy trò đi lấy kinh, thực ra là một người tu hành
Tác giả: Thu Cứu Tàn Duyên
[ChanhKien.org] Tiếp theo Phần 3
Đọc Tây Du Ký, chúng ta phát hiện rằng, thực chất Tây Du Ký thông qua “quá trình đi thỉnh kinh” để miêu tả quá trình của một người tu luyện. 81 nạn phải trải qua trên đường đi thỉnh kinh gian khổ và việc hàng yêu trừ ma trên đường, đều là những ma nạn mà một người tu luyện phải trải qua, có thể thấy chứng ngộ được Đại Đạo hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Quá trình tu luyện thực sự thể hiện trong cuộc sống thường ngày, từng ý nghĩ, từng sự việc nhỏ, đối với người thường chỉ là những hỷ nộ ai lạc trong cuộc sống, nhưng đối với người tu luyện đều là những quan ải vô cùng quan trọng cần đề cao. Người tu luyện chính là thông qua những ma sát tâm tính giữa người với người đó mà đề cao tâm tính của bản thân. Huyền cơ trong đó chỉ có chính bản thân người tu luyện mới thấu tỏ, vậy nên tác giả nếu không lấy việc đi thỉnh kinh làm hình ảnh ẩn dụ thì khó có thể thể hiện rõ cho con người thế gian biết tu luyện là gì.
Năm thầy trò Đường Tăng thực chất là biểu hiện khác nhau trong quá trình tu luyện của một người tu luyện, chứ không thực sự là năm người.
Đường Tăng đại biểu cho chính niệm của người tu luyện
Đường Tăng gặp vô số ma nạn trên đường đi thỉnh kinh, nhưng bất cứ lúc nào ông cũng nhất tâm chính niệm, kiên định mang chân kinh trở về, từ đầu đến cuối chưa từng mất phương hướng, đây chính là đại biểu cho chính niệm tín Sư tín Pháp của người tu luyện. Quá trình tu luyện cũng có thể nói là quá trình bản thân không ngừng kiên định tin tưởng vào Phật Pháp. Trong khi đối diện với các loại khảo nghiệm, đứng giữa thật giả lẫn lộn, đối mặt với sự cám dỗ mê hoặc của thế tục và tu luyện có thể vượt qua khảo nghiệm hay không, có thể nhất tâm bất loạn hay không, có thể kiên trì con đường tu luyện của bản thân mình hay không?
Có người nói mình thực sự tín tâm vào Thần Phật, nhưng khi gặp phải nguy nan họ lại gọi “Mẹ ơi”, mà không từng nhớ đến vị Thần Phật bình thường họ vẫn kính ngưỡng, đây không phải là thực sự tín tâm, lúc quan trọng họ đã bỏ Thần Phật ra khỏi đầu rồi. Lại có người nói mình tinh tấn thực tu, nhưng lúc nào cũng chỉ nghĩ làm thế nào cho cuộc sống của mình tốt hơn một chút, lúc nào có duyên gặp được người bạn đời như ý, đây chính là lưỡng lự, do dự giữa thế tục và tu luyện, vẫn không nguyện ý từ trong tâm vứt bỏ những lưu luyến với thế tục. Lại cũng có người biết rằng Thần Phật thần thông quảng đại, người tu luyện vốn dĩ không nên lo sợ, phải chính niệm chính hành, nhưng họ lại sợ thứ này thứ kia, tự mình bó buộc tay chân, đã không tinh tấn trên con đường tu luyện, lại cũng không hoàn thành sứ mệnh cứu độ chúng sinh của mình.
Tôn Ngộ Không đại biểu cho năng lực siêu thường của người tu luyện
Khi tu luyện chân chính, từ lúc bước chân vào cửa tu luyện thì người tu luyện đã được trang bị rất nhiều công năng, tuy nhiên trong giai đoạn đầu, những công năng này chỉ có thể dùng được trong không gian này mà thôi. Cùng với việc tu luyện thâm sâu, thì những công năng này đã được thay thế bằng Phật Pháp thần thông, mà Phật Pháp thần thông lại có thể ước chế các không gian, uy lực vô tỷ. Một người bước trên con đường tu luyện chính là từ đó trở đi đã bước trên con đường siêu thường, đương nhiên về mặt năng lực sẽ vượt xa khỏi người thường. Công năng và thần thông của họ vừa thể hiện thành tựu tu luyện của bản thân họ, cũng là để tự bảo vệ bản thân. Cho nên người tu luyện đang trong quá trình tu luyện nhất định phải học cách vận dụng thần thông pháp lực của mình, phải giống như Tôn Ngộ Không dám lên trời xuống đất, vận dụng pháp lực thần thông để giải quyết các loại ma nạn bản thân gặp phải trong quá trình tu luyện, trong quá trình vận dụng công năng cũng khiến họ trở nên ngày càng mạnh mẽ, uy lực vô tỷ.
Trư Ngộ Năng đại biểu cho mặt thế tục của người tu luyện
Người tu luyện bất luận có dũng mãnh tinh tấn thế nào thì vẫn là người đang tu, là người thì ắt có tâm của con người, đều thể hiện ra vô số tâm của người thường.
Ví như tình tiết trong “Hồi thứ 79: Phá động đánh yêu cho Lão Thọ – Lên triều giúp chúa cứu con thơ”: “…Khi quan đương giá cầm dao đưa cho Đường Tăng giả. Đường Tăng giả lãnh đao rồi cởi áo ưỡn ngực và bụng ra, lấy tay trái vuốt ngang bụng, tay phải cầm dao, rồi hét lên một tiếng, mổ bụng ra, từ trong bụng rơi ra một đống tim. Đám quan văn trông thấy thất sắc, đám võ tướng cũng rùng mình. Quốc trượng ở trên điện nhìn thấy nói: ‘Đây là một vị hòa thượng có nhiều tim!’ Đường Tăng giả nhặt từng trái tim máu chảy đầm đìa đó lên cho đám người xem, nhưng đều là những trái tim đỏ, tim trắng, tim vàng, tim tham lam, tim danh lợi, tim tật đố, tim so bì, tim hiếu thắng, tim trèo cao, tim coi thường, tim sát hại, tim độc ác, tim sợ hãi, tim thận trọng, tim tà vọng, tim ám muội, các loại tim bất thiện, nhưng không có cái tim đen nào”.
Những trái tim này đều là tâm người thường, đều là những nhân tâm vọng niệm mà người tu luyện phải trừ bỏ từng cái một, chỉ có trừ sạch những nhân tâm vọng niệm này mới có thể thành chân nhân thành thánh. Đương nhiên người thường vẫn là người thường, người thường sống cuộc sống khổ sở theo đuổi những lý tưởng và truy cầu, họ cũng không biết số mệnh là do trời định, phú quý là do đạo trời, có người truy cầu cả đời vẫn không có được gì, có người trong mệnh vốn dĩ đã có, lẽ ra không cần nỗ lực vẫn có được điều mình muốn, nhưng họ cứ hành hạ bản thân, cả một đời cứ nỗ lực phấn đấu truy cầu hết thứ này đến thứ khác. Người thường chính là như vậy, nhưng người tu luyện cần nhảy ra khỏi cái lý của người thường, cần phải dựa theo chân lý của Phật Pháp cao hơn mà chỉ đạo bản thân.
Sa Ngộ Tĩnh đại biểu cho trạng thái tu luyện bình thường của người tu luyện – trạng thái thanh tĩnh
Sư phụ của Pháp Luân Công viết trong bài thơ “Nhân Giác chi phân” – Hồng Ngâm như sau:
Hà vi nhân Tình dục mãn thân
Hà vi Thần Nhân tâm vô tồn
Hà vi Phật Thiện đức cự tại
Hà vi Đạo Thanh tĩnh Chân NhânDiễn nghĩa:
Phân cách giữa người và Giác Giả
Người là gì – Thân chứa đầy tình cảm (tình) và ham muốn (dục)
Ông Thần là gì – Không tồn tại cái tâm của người nữa
Ông Phật là gì – Ở hẳn trong thiện đức to lớn
Ông Đạo là gì – Bậc Chân Nhân thanh tĩnh
Trạng thái bình thường của một người tu luyện chính là rất thanh tịnh, không có nhiều vọng niệm thế tục, một lòng dĩ Pháp vi Sư, không ngừng học Pháp luyện công. Chỉ khi khảo nghiệm đến mới xuất hiện một số tâm người thường, vậy mới là chân nhân thanh tịnh.
Bạch Long Mã đại biểu cho một loại nhẫn và động lực dũng mãnh hướng về phía trước của người tu luyện
Bạch Long Mã suốt chặng đường mang vác hành lý và cõng Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, có thể nói là công lao không hề nhỏ. Người tu hành cũng cần có tinh thần này, một mực tiến về phía trước, không quay đầu chùn bước. Những việc đã qua đều là những việc trên con đường tu luyện, cho dù làm tốt hay không, cho dù là việc tốt hay việc xấu, cho dù vui vẻ hay đau thương đều không bận tâm đến nữa, làm tốt việc trước mắt mới là quan trọng nhất. Người tu hành chính là vừa đi vừa xả bỏ, không có ai vương vấn mãi những chuyện cũ, bởi vì người chân tu hiểu rằng nhanh chóng tu đến viên mãn mới là đích cuối của người tu.
Giống như Đường Tăng mang một tấm lòng hoàn toàn thành tâm hướng Phật
Giống như Tôn Ngộ Không rèn luyện và vận dụng thần thông pháp lực để hàng yêu diệt ma
Lấy Trư Bát Giới để vứt bỏ một số tâm người thường
Giống như Sa Tăng thanh tịnh vô vi
Cộng thêm tinh thần của Bạch Long Mã dũng cảm tiến về phía trước.
Đây chính là hình tượng của một người tu luyện.
Xem tiếp phần 5
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/72818
Ngày đăng: 07-06-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.