“Tây du ký”: Tam thừa giải Pháp (8)
Tác giả: Lăng Ngộ
[ChanhKien.org]
(Ba mươi sáu)
Khi bốn thầy trò Đường Tăng đến phủ Kim Bình, họ nghỉ lại trong chùa Từ Vân. Sau khi dùng bữa chay, chuẩn bị lên đường, họ được chư tăng khuyên nên ở lại đón Tết Nguyên Tiêu. Đường Tăng nói: “Đệ tử trên đường chỉ biết có núi, có sông, sợ nhất là gặp yêu ma, chẳng còn để ý đến thời gian, cũng không biết lúc nào là Tết Nguyên Tiêu nữa”. Đây chính là trạng thái tâm lý chính thường của người tu luyện. Nhưng Đường Tăng không cưỡng lại được lời mời của mọi người, đồng ý lưu lại thêm vài ngày. Đến đêm rằm tháng Giêng Tết Nguyên Tiêu, bốn thầy trò Đường Tăng cùng chư tăng vào thành thưởng nguyệt, xem kim đăng. Không ngờ giữa không trung xuất hiện ba yêu tinh giả dạng Phật, Đường Tăng không phân biệt thật giả, chỉ bái lạy một cái đã bị yêu tinh bắt đi, khiến dân chúng kinh hãi, chạy tán loạn bốn phía. Tôn Ngộ Không theo sát không rời, tìm tới động Huyền Anh, núi Thanh Long, hóa ra đây là nơi chốn của loài tê giác thành tinh. Chỗ chúng ở có ba tên đại vương: đại vương tên Tịch Hàn Đại Vương, nhị vương tên Tịch Thử Đại Vương, tam vương hiệu Tịch Trần Đại Vương. Ngoài ra, chúng còn cướp cả dầu đèn cúng tế từ Kim Bình Phủ đem về động. Lúc sau, Tôn Ngộ Không một mình đấu không lại, bèn gọi Trư Bát Giới và Sa Tăng trợ chiến, nhưng cả hai cũng bị yêu quái bắt đi. Tôn Ngộ Không bất lực, đành lên Thiên Cung để hỏi rõ xuất xứ, thỉnh thiên binh trợ chiến. Cuối cùng, Ngọc Đế giáng chỉ, để Tôn Ngộ Không cùng với Tứ Mộc Cầm Tinh hạ thế thu phục ba tên yêu quái. Cuối cùng ba yêu quái bị chế phục và bị trừng phạt theo chính pháp, quy chính lại. Quan lại và dân chúng phủ Kim Bình không ai là không đốt hương quỳ bái, vì không những được miễn thuế dầu mà còn trừ khử được một mối họa cho dân. Vì vậy, họ đã xây dựng chùa và đền thờ sống để tưởng nhớ bốn thầy trò Đường Tăng, đồng thời lập miếu thờ bốn vị thần tinh tú. Mọi người đều vô cùng hoan hỷ. Sau khi mọi việc đã được thu xếp ổn thỏa, thầy trò Đường Tăng mới lặng lẽ, không gây động tĩnh mở cửa núi, rồi tìm đường để tiếp tục hành trình.
Kỳ thực, ma nạn lần này mà họ gặp phải đều bắt nguồn từ tâm an dật, phóng túng tham vui của Đường Tăng tạo thành. Ngay cả danh xưng của ba đại vương yêu tinh cũng thể hiện điều này: Người tu luyện nếu sợ nóng sợ lạnh, ham ăn ham ngủ, tự mãn cá nhân, chấp trước vào những suy nghĩ trần tục, sống qua loa, nhược tồn nhược vong, không tinh tấn thì ắt sẽ chiêu mời phiền phức, tà ma xâm nhập. Con đường tu luyện nếu không tiến lên thì ắt sẽ thụt lùi. Chỉ có tinh tấn, giữ vững một niệm tu luyện, mới có thể giữ tâm thanh tịnh, thoát khỏi bụi trần, đắc chính quả bay về thiên giới. Mặt khác, việc thầy trò Đường Tăng bắt giữ và tiêu diệt yêu quái, giúp dân trừ hại, cũng chính là đang chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh.
(Ba mươi bảy)
Bốn thầy trò Đường Tăng đến chùa Bố Kim, núi Bách Cước. Di tích vườn Cấp Cô Viên nơi năm xưa Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp, nằm ngay ở sân sau của chùa. Khi Đường Tăng đến đây, ông không khỏi cảm khái. Bỗng nhiên, ông nghe thấy tiếng khóc của một cô gái. Hỏi vị lão tăng đi cùng, mới biết rằng cô gái bị nhốt trong một căn phòng trống chính là công chúa của quốc vương nước Thiên Trúc. Một năm trước, cô bị một cơn gió lớn cuốn đến nơi này và được vị lão tăng che chở bảo vệ. Thì ra công chúa chính là tiên nữ Tố Nga ở cung trăng. Vì lỡ tay đánh con thỏ ngọc chuyên giã thuốc một cái, nên bị nó ôm hận trong lòng. Tố Nga vì tưởng nhớ nơi phàm trần mà hạ giới, đầu thai thành công chúa nước Thiên Trúc. Nhân cơ hội này, thỏ ngọc cũng giáng trần, dùng phép thuật bắt cóc công chúa ra khỏi hoàng cung, rồi tự hóa thành hình dáng của công chúa để đóng giả công chúa. Vừa hay trong mệnh của Đường Tăng có an bài ma nạn này. Yêu quái kia biết trước ngày này, tháng này, năm này tại nơi này Đường Tăng sẽ đến, liền lợi dụng thân phận công chúa để dựng lầu hoa lộng lẫy, giả vờ chọn phò mã. Mục đích thực sự của nó là hấp thụ nguyên dương chân khí của Đường Tăng để tu luyện thành Thái Ất Thượng Tiên. Cuối cùng, trong buổi lễ thành hôn, yêu quái bị hỏa nhãn kim tinh của Tôn Ngộ Không nhìn thấu. Ngộ Không lập tức dùng gậy Như Ý đánh nó hiện nguyên hình. Sau đó, Thái Âm Tinh Quân đã xuất hiện và thu phục thỏ ngọc, đưa nó trở về cung trăng, kết thúc mối ân oán này. Công chúa thật được quốc vương, mẫu hậu và thầy trò Đường Tăng hộ tống từ chùa Bố Kim trở về hoàng cung. Để ghi nhớ sự kiện này, nhà vua đã đổi tên núi Bách Cước thành núi Bảo Hoa, Cấp Cô Bố Kim Tự.
Nước Thiên Trúc nằm rất gần Linh Sơn, điều đó có nghĩa là thành công cũng đã ở ngay trước mắt. Yêu quái Ngọc Thố này không còn hung ác như những yêu ma quỷ quái trước đây, nhưng về ý đồ muốn ăn thịt Đường Tăng và hút tinh khí nguyên dương thì vẫn giống hệt. Vì thế mới nói trên con đường tu luyện không có chuyện nhỏ nhặt. Dù chỉ là một sự việc nhỏ nhặt bất kỳ đều có thể dẫn đến kiếp nạn không cần thiết. Do đó, tu luyện vừa phải buông bỏ hết thảy chấp trước, còn phải đạt đến trạng thái vô lậu. Đường Tăng tham quan Cấp Cô Viên, nơi Phật Tổ giảng Pháp, đồng thời phát hiện công chúa thật bị “giam giữ” trong một gian phòng trống, điều này đã ngầm thể hiện rằng hành trình Tây Thiên thỉnh kinh và con đường tu luyện cầu Chân của Đường Tăng đã đạt đến một dấu mốc quan trọng. Chân (真 – có nghĩa là thật) công chúa bị giam tức là cầu chân (chữ 囚: giam đồng âm với 求: cầu). Mà công chúa giả ném tú cầu kén rể, một mặt thể hiện nỗi nhớ ơn sinh thành của Đường Tăng đối với cha mẹ; mặt khác cũng là yêu cầu về mặt hình thức và nội dung để tạo sự liên kết giữa phần đầu và phần cuối của toàn bộ tác phẩm. Cũng có khả năng cần trải qua một quan ải tình cảm, bởi lẽ trong hồi này, chính vì chuyện đó mà Đường Tăng đã gặp phải yêu ma. Nhưng có một điểm đáng chú ý: Ngọc Thố giã thuốc trên cung trăng, công chúa thật thì không ở Thiên Trúc quốc để làm công chúa. Xét theo luân thường đạo lý của con người, đây đều là biểu hiện của việc không giữ bổn phận, không làm tròn trách nhiệm. Mỗi người phải đảm nhiệm đúng vai trò của mình, đi theo con đường của mình, vô vi nhi vô bất vi (ý tứ là không làm gì mà không gì không làm, cũng có nghĩa là không cần can thiệp vào việc gì, đạo tự làm tốt mọi việc), đó mới là chính lý và bổn phận. Cái gọi là tà hay ma cũng chính là hình thức biến dị và tha hóa do lòng người không còn như xưa tạo thành. Do đó mới nói, vì sao vũ trụ cần Chính Pháp, là vì hết thảy đều đã bất chính, vì thế cần quy chính lại mới hoàn toàn, nếu không thì không còn lựa chọn nào khác. Còn có một điểm, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến biến cố công chúa thật, công chúa giả bắt nguồn từ việc quốc vương yêu hoa, thưởng hoa, đây cũng chính là sự quấy nhiễu do tâm ham thích nhàn hạ của người tu luyện gây ra. Vẫn là câu nói ấy: Người tu luyện cần làm được chuyên nhất, bất sát bất dưỡng, giữ mình thanh tịnh mới là điều đúng đắn.
(Ba mươi tám)
Bốn thầy trò Đường Tăng lại đi đến địa phận huyện Địa Linh, phủ Đồng Đài. Trong thành có một lão viên ngoại lâu nay thường xuyên thiết trai đãi tăng, trước cửa nhà ông còn dựng tấm biển khắc dòng chữ “Vạn tăng bất trở” (Vạn vị tăng sĩ đều không bị cản trở). Khi bốn thầy trò Đường Tăng bước vào nhà, lão viên ngoại liền tỏ vẻ vui mừng, tươi cười nói: “Đệ tử tiện danh là Khấu Hồng, tự Đại Khoan, năm nay đã hư độ 64 tuổi (chú thích: một cách nói khiêm tốn, có ý sống uổng phí 64 năm) rồi. Từ năm 40 tuổi, ta đã phát nguyện thiết trai cúng dường một vạn tăng sĩ để viên mãn. Hiện nay, ta đã thiết đãi được 9996 người, chỉ thiếu bốn vị nữa là trọn vẹn. Hôm nay thật may mắn trời ban bốn vị đại sư tới đây, đúng đủ con số vạn tăng. Xin các vị để lại pháp danh, nán lại đây khoảng một tháng, đợi ta hoàn thành tâm nguyện viên mãn, sau đó ta sẽ chuẩn bị kiệu ngựa tiễn các thầy lên đường. Từ đây đến Linh Sơn chỉ có 800 dặm, cũng không còn xa nữa”. Trong nhà viên ngoại còn có một phu nhân và hai người con trai là tú tài, một người tên Khấu Lương, người kia tên Khấu Đống. Sau khi lão viên ngoại mời các vị tăng sĩ, đạo sĩ, thân thích, bạn bè và hàng xóm đến chứng kiến lễ viên mãn, hơn nửa tháng sau, bốn thầy trò Đường Tăng mới có thể từ biệt ra đi sau nhiều lần kiên quyết từ chối lời giữ lại của viên ngoại. Thế nhưng, trời có mưa gió bất ngờ, người có họa phúc khó lường. Khi bốn thầy trò chỉ vừa rời đi không xa, do trời đổ mưa như trút nước, họ phải ghé vào Hoa Quang hành viện để trú mưa và nghỉ chân. Cùng lúc đó, nhà Khấu viên ngoại bất ngờ gặp kiếp nạn cướp của giết người, một toán cướp không chỉ cướp sạch tài sản mà Khấu Hồng viên ngoại còn bị một tên cướp đá mạnh vào hạ bộ, ngã nhào xuống đất, tắt thở tại chỗ. Sau khi cướp bóc thành công, toán cướp đi tiếp thì tình cờ gặp được bốn thầy trò Đường Tăng, bọn chúng bèn nảy sinh ý đồ xấu, khi định ra tay cướp lần nữa thì bị Tôn Ngộ Không thi triển phép định thân chế phục. Tất cả tang vật đều được thu hồi, nhưng đám cướp lại để xổng mất. Khi bốn thầy trò Đường Tăng quay lại huyện Địa Linh để trao trả tài sản cho chủ cũ, không ngờ rằng vợ của viên ngoại Khấu Hồng lại tố cáo họ lên nha môn quan phủ. Vị quan thứ sử nha môn lập tức ra lệnh bắt giữ bốn thầy trò Đường Tăng. Lần này đúng là nhân chứng vật chứng đầy đủ, khó lòng biện bạch, bốn thầy trò họ lại một lần nữa bị oan uổng và phải vào đại lao. Lúc đó, Tôn Ngộ Không thầm nghĩ: “Sư phụ đáng phải chịu kiếp nạn ngồi tù một đêm. Lão Tôn không vùng vẫy, không dùng phép thuật chính là vì điều này. Nhưng bây giờ đã gần cuối canh tư, tai ương cũng sắp mãn, ta phải lo liệu để sáng mai còn ra khỏi ngục”. Ngay lập tức, Đại Thánh hóa thành một con châu chấu, bay đến nhà bà vợ Khấu viên ngoại, rồi đến phủ đường của viên thứ sử, sau đó lại hiện linh cảnh báo trong nha môn phủ, bay đi bay lại bận rộn vô cùng. Sáng hôm sau, tất cả những người liên quan đều hoảng hốt tỉnh dậy, người thì vội rút đơn kiện, người thì mở cửa nhà lao. Tôn Ngộ Không còn có lòng xuống âm phủ để cứu Khấu viên ngoại, Địa Tạng Bồ Tát từ bi mở lòng, ban cho viên ngoại thêm một kỷ dương thọ, tức 12 năm nữa. Nhờ đó, câu chuyện lần này kết thúc tốt đẹp, viên mãn.
Hồi thứ 97 có một bài thơ rằng:
Lấy ân báo ân nhân gian hiếm,
Còn lấy ân tình hóa thành thù.
Xuống nước cứu người phải gặp họa,
Tam tư hành sự lại vô ưu.
Đây chính là tình huống mà một người tu luyện, khi làm việc thiện hay việc tốt, cũng có thể bị hiểu lầm. Đây thực sự là gặp phải một lần khảo nghiệm. Đồng thời, nó cũng là cơ hội để xem xét tâm tính của người tu luyện, xem họ đối diện với những sự việc tương tự ra sao. Vẫn một câu nói, dù là chuyện tốt hay chuyện xấu, trong mắt người tu luyện đều nên coi đó là chuyện tốt. Bởi vì đối với người tu luyện thì việc đề cao tâm tính và thăng hoa tầng thứ cảnh giới mới là điều quan trọng nhất. Một điều đáng chú ý trong hồi này là tên của Khấu Hồng viên ngoại, số mệnh theo quẻ toán, cũng như việc ông được ban thêm một kỷ dương thọ, từ đó đạt được viên mãn trọn vẹn. Điều này phải chăng cũng ám chỉ khi thế giới mạt kiếp, đó là tên gọi của người mà Phật Di Lặc sẽ giáng sinh vào thời mạt kiếp, cũng như sự an bài tổng thể về thời gian Chính Pháp và quá trình Pháp Chính Nhân Gian chăng? Bởi vì sự thành công của Đường Tăng khi thỉnh kinh trong Tây Du Ký có mối liên hệ trực tiếp với sự viên mãn của giai đoạn Chính Pháp cuối cùng trong lịch sử nhân loại. Chính vì vậy, tác giả mới dám khẳng định rằng: Trong lịch sử văn học tiểu thuyết, bất kỳ tác phẩm kinh điển nào có tầm ảnh hưởng to lớn, tác giả của nó đều đang viết về chính mình, hoặc về tiền kiếp hay hình bóng của chính mình, không có ngoại lệ.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/56632
Ngày đăng: 02-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.