“Tây du ký”: Tam thừa giải Pháp (7)



Tác giả: Lăng Ngộ

[ChanhKien.org]

(Ba mươi mốt)

Thầy trò Đường Tăng tiếp tục đi đến Sư Đà Lĩnh. Thái Bạch Kim Tinh hóa thành một ông lão, cảnh báo Tôn Ngộ Không rằng nơi đây có những yêu ma cực kỳ hung dữ, nhất định phải cẩn thận. Hóa ra, tại Sư Đà Lĩnh, trong Sư Đà Động và Sư Đà Quốc, có ba con yêu ma hoành hành. Đó là lão đại Thanh Mao Sư Tử quái, lão nhị Hoàng Nha Bạch Tượng và lão tam Đại Bàng Điểu. Thanh Sư vốn là thú cưỡi của Văn Thù Bồ Tát, Bạch Tượng là thú cưỡi của Phổ Hiền Bồ Tát, còn Đại Bàng Điểu là anh em ruột với Phật Mẫu Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát. Chúng đã ở bên Phật và Bồ Tát từ lâu, tự nhiên có chút linh khí, nhưng vì tâm niệm bất chính, bản tính thú vật không đổi, không quên nơi trần gian nên tự mình hạ phàm giới, gây họa một phương. Cũng có thể nói rằng, do vận hạn của Đường Tăng chưa hết, tâm ma sinh ra chấp trước mà dẫn đến kiếp nạn này. Khi Tôn Ngộ Không bị bảo bối âm dương nhị khí của ba yêu ma thu vào trong bình, anh ta trong cấp bách đã nghĩ ra cách dùng ba sợi lông cứu mạng mà Quan Âm Bồ Tát ban cho, xuyên thủng bảo bình để thoát ra ngoài, làm rò rỉ hai khí âm dương bên trong bình. Điều này cho thấy Tôn Ngộ Không đã không còn bị ước thúc bởi tam giới, ngũ hành và âm dương nữa. Lúc này, cảnh giới tu luyện của Đường Tăng cũng đạt đến trạng thái khai ngộ hoặc bán khai ngộ. Tuy nhiên, Đường Tăng lại mang danh “sư phụ” nên tất nhiên phải thuyết giảng kinh pháp cho đồ đệ hoặc chúng sinh, làm công việc tế thế cứu người. Chính điều đó đã khiến ông vô tình âm thầm phát triển sinh ra một loại tâm ma mạnh mẽ nhưng khó nhận ra, đó là thích làm thầy người khác, tự mãn kiêu ngạo, thậm chí dần dần rơi vào ma đạo khi coi việc được người khác sùng bái là mục đích. Vị trí của Sư Đà Lĩnh phản ánh điều này. Thanh Sư quái chính là hóa thân của hình tượng “sư phụ” hư danh, giả tạo, đồng thời đi kèm với hai ma đầu khác tượng trưng cho hùng tâm và tráng chí. Hùng tâm chính là voi trắng, tráng chí là Đại Bàng Điểu. Khi ba thế lực hợp lại, ngay cả Tôn Hành Giả cũng không đấu lại. Cuối cùng, vẫn phải là dĩ Pháp vi Sư, tìm đến Phật Như Lai để xử lý chuyện này. Như Lai chính là xưng hiệu của chân lý như ý, do đó nói Phật Như Lai là chân Pháp, là chính Pháp. Tất cả những thứ bất chính và nhân tố bất chính đều phải được quy chính. Vì vậy, trong hồi thứ bảy mươi bảy của bộ sách, Phật Như Lai đích thân ra tay hàng phục yêu ma. Điều này cho thấy rằng, càng đến giai đoạn cuối cùng của tu luyện, càng cần cẩn trọng hành sự, vì mức độ của ma nạn ngày càng lớn. Tu luyện tâm tính không chú ý một chút thôi cũng có thể bị hủy trong một sớm. Kỳ thực những người tu luyện đều là một chỉnh thể. Là một chỉnh thể thì phải phá bỏ mọi gián cách và phối hợp với nhau để cùng nhau đề cao, đồng thời phải coi trọng “nghĩa” khí trong hành xử. Nhưng Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới trước đó lại không hòa thuận, đố kỵ lẫn nhau, từ đó mới tạo cơ hội cho tà ma thừa cơ xâm nhập. Ma nạn trở nên nghiêm trọng hơn cũng do nguyên nhân ở chính bản thân họ tạo thành. Bốn thầy trò Đường Tăng bị tiểu yêu bắt bỏ vào vạc lớn để hấp hơi, sau đó Đường Tăng còn bị nhốt vào tủ sắt, suýt chút nữa mất mạng. Những cảnh tượng này để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, đồng thời cũng là một bài học giáo huấn và kinh nghiệm quý giá khó có được. Chỉ khi Phật Như Lai và hai vị Bồ Tát xuất hiện, mới khiến tâm ma của bốn thầy trò được cắt đứt. Một lần nữa, điều này chứng minh rằng việc học Pháp là vô cùng quan trọng, vì Đại Pháp có thể phá trừ mọi chấp trước.

(Ba mươi hai)

Khi bốn thầy trò Đường Tăng đến Tỳ Kheo Quốc, họ phát hiện một hiện tượng kỳ lạ: trước cửa mỗi nhà đều đặt một cái lồng ngỗng, bên trong nhốt một bé trai. Đường Tăng hỏi han nhiều lần mới biết được rằng đương kim quốc vương muốn dùng 1.111 trái tim và gan của trẻ nhỏ sắc làm thuốc dẫn, để cầu được công “nghìn năm bất lão”. Lại nói ba năm trước, một lão già có dáng vẻ Đạo sỹ dâng tặng cho nhà vua một thiếu nữ 16 tuổi. Nhà vua mê đắm sắc đẹp, khiến tinh thần mệt mỏi, thân thể suy kiệt. Lúc này, lão già trở thành quốc trượng, đã dâng lên kế sách độc ác: ăn tim gan trẻ con để bồi bổ thân thể, quả thực là hại người không ít, nhưng âm mưu hiểm độc thực sự vẫn còn phía sau. Sau khi Đường Tăng bái kiến quốc vương, đóng dấu ngọc tỷ và đổi lấy giấy thông quan văn điệp, quốc trượng cũng bước vào, cùng Đường Tăng bàn luận về Đạo Pháp, ai cũng giữ vững ý kiến của mình. Đợi đến khi Đường Tăng rời đi, quốc trượng chợt thấy những đứa trẻ trong lồng biến mất khi có cơn gió thổi qua, liền nảy ra ý tưởng mới: đề nghị quốc vương moi tim gan của Đường Tăng, “đủ đảm bảo vạn năm trường thọ”. Tôn Đại Thánh bèn biến thành hình dáng của Đường Tăng, đến hoàng cung, móc ra rất nhiều trái tim trước mặt mọi người, rồi nói: “Đây lại đều là những hồng tâm, bạch tâm, hoàng tâm, tâm tham lam, tâm lợi danh, tâm đố kỵ, tâm toan tính, tâm hiếu thắng, tâm cao vọng, tâm khinh mạn, tâm sát hại, tâm độc ác, tâm sợ hãi, tâm cẩn trọng, tâm tà vọng, tâm vô minh, cùng vô số tâm bất thiện khác. Nhưng tuyệt nhiên không có một trái tim đen nào cả!” Mà quốc vương muốn có trái tim đen, Tôn Ngộ Không liền đáp: “Bệ hạ thật chẳng có mắt nhìn! Chúng tôi là những người tu hành, trong lòng chỉ có một lòng thiện tâm. Chỉ có quốc trượng của ngài mới là kẻ có trái tim đen, thích hợp làm thuốc dẫn. Nếu không tin, để ta móc ra cho ngài xem thử!” Nói rồi, Tôn Ngộ Không lập tức vạch trần chân tướng của yêu đạo, hai bên lao vào giao đấu. Yêu đạo không địch lại Tôn Ngộ Không, liền biến ra một đạo ánh sáng lạnh, mang theo thiếu nữ mà hắn từng dâng lên nhà vua, bay về động phủ Thanh Hoa của hắn. Khi Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới đuổi đến động phủ, cả hai hợp sức định tiêu diệt yêu đạo. Nhưng đúng lúc đó, Nam Cực Lão Nhân Thọ Tinh kịp thời xuất hiện, cứu yêu đạo một mạng. Hóa ra, nó chính là thú cưỡi của Lão Thọ Tinh, một con bạch lộc vì không quên chốn phàm trần mà hạ giới. Lão Thọ Tinh sau đó đã ban cho nhà vua ba quả táo trường thọ. Nhà vua vừa nuốt vào đã cảm thấy thân thể phục hồi như xưa. Từ đó, mọi người đều cảm thấy vui vẻ, lại tiêu trừ được một ma chướng trên con đường đi Tây Thiên thỉnh kinh.

Phân tích cho thấy, Tỳ Kheo Quốc cũng chính là một vương quốc mà Phật giáo thịnh hành, nhà vua nơi đó tất nhiên cũng nên là người học Phật, tu Phật. Thế nhưng, do bị bạch lộc hóa thành yêu đạo mê hoặc, ông đã thay đổi con đường tu hành, sử dụng phương pháp gọi là “nam nữ song tu”. Vì tầng thứ thấp kém, sắc tâm chưa trừ bỏ, nên khi sử dụng liền phát sinh vấn đề. Nhà vua vừa muốn trường sinh bất lão, lại vừa muốn ăn tim gan của 1.111 đứa trẻ để luyện nguyên anh. Nhưng vì con người mang quá nhiều tâm chấp trước phức tạp, nên công pháp luyện ra đã hoàn toàn rối loạn. Kết quả là thân thể xuất hiện triệu chứng suy kiệt, bệnh tật bủa vây. Đồng thời ở đây cũng liên quan đến vấn đề “bất nhị pháp môn”. Tâm trí của quốc vương đã xuất hiện trạng thái hỗn loạn. Phương pháp giải quyết thực sự chính là vai trò của Đường Tăng, với tư cách là “sư phụ”, sẵn sàng dùng một khuôn mặt lấm lem bùn đất để hóa thành một Ngộ Không giả nhưng lại là đồ đệ thật, từ đó thật tâm học Pháp, tu luyện, quy chính từng tư từng niệm của bản thân, giúp tịnh hóa tốt hơn tâm tính và linh hồn của mình. Lại nói, rất nhiều những tâm chấp trước mà Tôn Ngộ Không đã móc ra, tất cả đều là những tâm mà anh ta đã từng bước tu luyện mới có thể đạt được, hoàn toàn không phải là công phu chỉ trong một ngày. Đặc biệt, anh ta không có cái tâm đen lợi dục, tức là tâm đen chuyên mưu hại người khác, cũng chứng tỏ bản chất thuần khiết, thiện lương tiên thiên vốn có của anh ta, cùng với huệ căn thâm hậu. Điều đó cũng có nghĩa là, người tu luyện khi bắt đầu tu luyện, điều đầu tiên phải tiêu trừ chính là hắc tâm này, đồng hóa hoàn toàn với Pháp, từ đó đạt đến sự thành thục và viên mãn.

(Ba mươi ba)

Trên đường đi, khi bốn thầy trò Đường Tăng băng qua một khu rừng tùng đen rậm rạp, họ cứu được một cô gái và đưa cô cùng đến chùa Trấn Hải Thiền Lâm để tá túc. Do nhiễm phong hàn, Đường Tăng bị ốm suốt ba ngày không dậy nổi. Ngộ Không đã vạch trần nguyên nhân: “Sư phụ vốn là đồ đệ thứ hai của Phật Như Lai, nguyên vốn là Kim Thiền Trưởng lão. Chỉ vì từng khinh mạn Phật Pháp, nên mới chịu nạn này. Sư phụ từng không chịu nghe Phật Pháp, chỉ chợp mắt một chút thôi, liền gục xuống, chân trái dẫm phải một hạt gạo, hạ xuống trần gian, phải mắc bệnh ba ngày này”. Từ đó có thể thấy rằng, những trạng thái bệnh nghiệp xuất hiện trên thân thể người tu luyện chỉ là một loại giả tượng, nguyên nhân thực sự vẫn phải học Pháp thật tốt, hướng nội tìm. Liên tục trong ba ngày đó, tại ngôi chùa họ tá túc, vào mỗi đêm, chiếc chuông chùa vang lên, sáu vị hòa thượng đã bị yêu tinh ăn thịt. Tôn Ngộ Không bèn cải trang thành một hòa thượng để dụ yêu tinh xuất hiện. Hóa ra, yêu tinh chính là cô gái họ đã cứu trong rừng tùng đen. Nó thông qua sắc dục để dụ dỗ, rồi ăn thịt sáu hòa thượng. Khi bị Ngộ Không vạch trần, trong khi chạy trốn, nó cũng bắt Đường Tăng mang đi, đem về động Không Đáy trên núi Hãm Không. Ngộ Không sau đó đã ba lần giao chiến với nữ yêu tinh, rồi mời Thác Tháp Lý Thiên Vương cùng Na Tra Tam Thái Tử đến trợ chiến. Cuối cùng đã thu phục được nữ yêu chuột tinh chuyên dùng sắc dục để dụ dỗ ăn thịt người.

Tại đây, Đường Tăng bị nữ yêu tinh bắt vào động, cưỡng ép kết hôn. Tuy nhiên, Đường trưởng lão đã khéo léo ứng phó, kiên quyết không phục tùng. Trong sách có lời ca ngợi: “Hảo hòa thượng! Giữa lầu son gác tía chẳng động tâm, giữa gấm vóc lụa là mà như câm điếc. Nếu không có một tấm lòng sắt đá hướng về Phật, thì cũng chỉ là một phàm phu tửu sắc, sao có thể thỉnh được chân kinh?” Vạn ác dâm vi thủ. Có thể nói, trừ bỏ tâm sắc dục cũng là việc phải làm đầu tiên khi bắt đầu tu luyện. Nếu không, ma tình, quỷ sắc sẽ quấn lấy thân, làm tiêu tán nguyên dương, vạn sự hóa thành hư không, một việc làm không thành, hủy hoại trong một sớm. Quả đúng là một cái động Không Đáy trên núi Hãm Không vậy!

Khi thầy trò Đường Tăng tiếp tục lên đường, Quan Âm Bồ Tát điểm hóa cho họ rằng: “Cách đây khoảng năm, sáu dặm là nước Diệt Pháp. Nhà vua nước đó vì ân oán từ tiền kiếp, nên kiếp này vô cớ tạo nghiệp. Hai năm trước, hắn lập lời thề độc, muốn giết một vạn hòa thượng. Hai năm nay đã liên tục sát hại đủ chín nghìn chín trăm chín mươi sáu vị hòa thượng vô danh. Chỉ còn đợi bốn vị hòa thượng có danh nữa để tròn số một vạn, để đạt viên mãn. Các ngươi đến đó, nếu vào trong thành, e rằng đều thành Bồ Tát nộp mạng thôi!” Nghe vậy, bốn thầy trò liền cởi bỏ cà sa, mặc trang phục thế tục, rồi tá túc tại một quán trọ trong thành. Đêm đến lúc đi ngủ, bốn người lại cùng nhau nằm nghỉ trong một chiếc tủ lớn. Không ngờ, vào lúc nửa đêm canh ba, một toán cướp ập vào, cướp sạch cả bốn thầy trò cùng Bạch Long Mã. Nhưng bọn cướp chưa kịp hưởng thụ chiến lợi phẩm thì vừa ra khỏi cổng thành không xa, đã bị một toán quân lính ập đến bắt giữ. Quan binh thu lại chiếc tủ cùng Bạch Long Mã, áp giải tất cả về thành chờ sáng hôm sau vào hoàng cung đợi quốc vương xét xử. Trong thời gian này, Tôn Ngộ Không thi triển thần thông như ý gọi là “đại phân thân phổ hội thần pháp”, chỉ trong một đêm, biến tất cả mọi người trong hoàng cung, từ nhà vua, hoàng hậu, quần thần, cho đến cung nữ thái giám, đều bị cạo trọc đầu, hóa thành tăng ni. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, nhà vua, hoàng hậu cùng bá quan văn võ bàng hoàng nhận ra bản thân đã thành hòa thượng. Họ lập tức ăn năn hối lỗi vì những tội nghiệt trước đây. Vì thế, khi gặp thầy trò Đường Tăng, họ vội vàng cung kính tiếp đón, bái làm lão sư, đổi quốc hiệu từ Diệt Pháp Quốc thành Khâm Pháp Quốc. Cuối cùng, họ cung kính tiễn bốn thầy trò ra khỏi thành.

Thực ra, quốc vương của nước Diệt Pháp chính là Pháp Vương, người nắm giữ quyền sinh sát trong tay. Nhưng nếu ông ta không hành xử theo tiêu chuẩn của Phật Pháp và Thiên lý, mà lại lạm sát vô cớ sinh mệnh, thì nhất định sẽ trở thành tà pháp, đồng thời cũng trở thành ma chướng cản trở con đường thỉnh kinh của Đường Tăng. Vì vậy, Quan Âm Bồ Tát đã kịp thời chỉ dẫn, giúp bốn thầy trò có sự chuẩn bị trước về tâm lý. Còn Tôn Ngộ Không thì khéo léo vận dụng trí huệ, thi triển thần thông, dễ dàng hóa giải được ma chướng này. Trong truyện, Tôn Hành Giả có câu nói rất hay: “Đồ ngốc chớ sợ! Chúng ta từng trải qua bao hiểm cảnh, nào là độc ma, ác quái, hổ huyệt, long đàm, nhưng chưa từng bị tổn hại. Huống hồ nơi đây chỉ là một quốc gia phàm tục, có gì đáng sợ?” Điều đáng chú ý là con số mà quốc vương phát nguyện phải giết sạch một vạn hòa thượng. Theo tình hình lúc bấy giờ, ông ta đã giết đủ 9.996 vị hòa thượng, chỉ còn thiếu bốn người nữa để đủ quân số.

(Ba mươi tư)

Khi bốn thầy trò Đường Tăng đi đến Ẩn Vụ Sơn, họ gặp một yêu quái xưng là Nam Sơn Đại Vương, thực chất là một báo tinh, sống trong hang Triệt Nhạc Liên Hoàn. Khi Trư Bát Giới xông lên giao chiến với yêu tinh, về cơ bản đã có thể chiếm thế thượng phong. Nhưng không ngờ, yêu tinh lại dùng kế “phân biện mai hoa”, chia bọn tiểu yêu thành ba nhóm, nghênh chiến dẫn dụ Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới và Sa Tăng ra ba hướng khác nhau để đánh lạc hướng. Nhân cơ hội đó, yêu quái liền xông vào cướp lấy Đường Tăng mang đi. Cuối cùng, Tôn Ngộ Không dùng phép biến hóa cứu thoát Đường Tăng cùng một người tiều phu. Còn Trư Bát Giới thì vung cào chín răng đánh chết yêu quái do báo tinh biến thành.

Thực ra, họ hoàn toàn có thể tránh được kiếp nạn này. Nhưng vì ba huynh đệ họ: bản tâm, bản năng và bản tính lại ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau, hành xử theo cảm tính, dẫn đến tâm ma ba đường cùng lúc bủa vây, từ đó khiến chủ nguyên thần – tức Đường Tăng Huyền Trang – bị hãm nhập. Bàn về tu luyện, kỳ thực chính là hướng nội tìm, như bài thơ trong truyện có viết:

“Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp,
Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu”.

(Dịch nghĩa: Phật ở Linh Sơn chẳng cần tìm đâu xa, vì Linh Sơn chính ở ngay trong tâm mỗi người. Ai ai cũng có một tòa tháp Linh Sơn, hãy chuyên tâm tu luyện trong tòa tháp Linh Sơn ấy).

Khi tu xuất một tự ngã chân chính, cũng chính là tu thành Phật thể trong tâm. Trở lại với báo tinh, nó tự xưng Nam Sơn Đại Vương, bị Tôn Ngộ Không chế giễu: “Ngươi là súc sinh lớn mặt, sống được bao nhiêu năm mà dám xưng hai chữ “Nam Sơn”. Lý lão quân là tổ khai tiên tịch địa, mà còn ngồi bên phải Thái Thanh. Phật Như Lai là đấng tôn quý trị thế, mà còn ở dưới Đại Bằng Kim Sí Điểu. Khổng Thánh nhân là bậc tôn sư Nho giáo, cũng chỉ được gọi là ‘Phu Tử’. Còn ngươi chỉ là một con nghiệt súc, mà dám xưng ‘Nam Sơn Đại Vương’ ư? Trăm năm phóng túng trụy lạc! Đừng hòng chạy! Ăn lấy một gậy của ông ngoại nhà ngươi đây!” Câu nói này tiết lộ một điều: Phật Thích Ca Mâu Ni mà Đường Tăng đến bái kiến không phải là vị Phật tầng thứ cao nhất trong vũ trụ. Ngoài ra, người tiều phu mà Tôn Ngộ Không thuận tiện cứu giúp, thực chất nhận ân trên đường báo đáp lại. Nhớ năm xưa, khi còn là Mỹ Hầu Vương, chính một người tiều phu đã chỉ đường cho Ngộ Không, từ đó mới có thể đến Tà Nguyệt Tam Tinh Động, chính thức bái Bồ Đề Tổ Sư làm thầy. Nhân quả báo ứng, chẳng hề sai lệch. Lần này chỉ là cứu giúp một người. Kỳ thực bốn thầy trò cùng với Bạch Long Mã đã trải qua muôn ngàn gian khổ, vượt vạn dặm xa xôi, đi Tây Thiên thỉnh kinh, chẳng phải cũng vì muốn cứu độ chúng sinh khắp thế gian sao. Tinh thần cống hiến vô tư vô ngã này cùng với phẩm chất cao thượng mới có thể hun đúc đản sinh bậc Đại Giác Giả, đỉnh thiên lập địa, duy ngã độc tôn. Khi tiều phu tiễn bốn thầy trò lên đường đã nói cho họ biết con đường đến Tây Phương chỉ còn cách chưa đầy ngàn dặm nữa thôi.

(Ba mươi lăm)

Bốn thầy trò Đường Tăng đến quận Phụng Tiên, nước Thiên Trúc, vừa hay gặp lúc cả thành ba năm liền không mưa, hạn hán khác thường, dân chúng lầm than. Quận hầu dán hoàng bảng tìm hiền sỹ cầu mưa cứu dân. Đường Tăng từ bi, Ngộ Không tâm thiện, có ý cầu mưa để cứu lê dân bách tính. Thế là Tôn Ngộ Không cưỡi cân đẩu vân lên Thiên cung, cầu Ngọc Hoàng Đại Đế ban mưa cứu giúp. Ngọc Hoàng Đại Đế tra xét nguyên do, mới rõ căn nguyên: thì ra quận hầu Thượng Quan bất nhân, xô đổ bàn cúng tế trời đem đồ cúng quăng cho chó ăn, miệng lại thốt lời ô uế, tạo thành tội mạo phạm. Ngọc Đế đi qua thấy được, liền lập ra ba việc trong Phê Hương Điện “Bao giờ gà mổ hết thóc, chó ăn hết bột, đèn cháy đứt khóa sắt thì vùng đất nơi đó mới có mưa”. Tôn Ngộ Không không có cách nào đành bước ra ngoài điện, lúc này bốn vị Thiên Sư bật cười nói: “Ðại Thánh phiền não làm chi? Chuyện này chỉ có thể lấy việc thiện để giải quyết. Nếu có một niệm thiện từ, cảm động trời cao thì núi gạo, núi bột tức thời ngả hết, xiềng vàng cũng sẽ đứt. Ngài hãy về khuyên bảo người quy thiện, phúc sẽ tự nhiên đến”. Thế là Tôn Ngộ Không trở về quận Phụng Tiên, kể lại nguyên do trời không ban mưa. Quận hầu nghe xong, quỳ lạy sám hối, phát nguyện quy y, rồi ra lệnh toàn thành đốt hương niệm Phật, kính Trời kính Phật. “Từ giờ khắc ấy, khắp nơi vang tiếng thiện lành”. Quả nhiên, trời cao lập tức giáng mưa xuống, chỉ trong một thoáng chốc, thóc bột tiêu tan, khóa sắt cũng đứt đoạn, ba việc đều xong. Quận hầu vô cùng cảm kích thầy trò Đường Tăng, lại dựng cho bốn thầy trò một ngôi chùa, Đường Tăng đặt danh xưng là “Cam Lâm Phổ Tế Tự”. Lại xây thêm miếu Lôi Thần, Long Thần,… để tạ ơn Thần linh. Mọi sự xong xuôi, rồi mới nén rơi lệ từ biệt, tỏ lòng biết ơn, rồi rời khỏi thành.

Bởi vậy mới nói: Con người phải giữ vững thiện niệm lương tri, kính Trời kính Phật, thì mới tích thiện gieo phúc, tránh xa tai họa bệnh tật. Còn với những người tu luyện như Đường Tăng và các đệ tử, việc làm ở quận Phụng Tiên chính là một phần của hành trình viên mãn, giảng chân tướng, khuyên thiện, cứu người, phổ độ chúng sinh, thực hiện hồng nguyện của bản thân. Đây cũng là:

“Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri.
Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư”.

(Dịch nghĩa: “Lòng người khởi một niệm, trời đất đều hay biết. Nếu thiện ác không báo ứng, càn khôn ắt có thiên lệch”.)

Khi bốn thầy trò họ đến Ngọc Hoa huyện, lão quốc vương có ba hoàng tử, trong ba vị hoàng tử này, hoàng tử thứ nhất dùng thiết bổng ngang mày, hoàng tử thứ hai dùng cào chín răng, hoàng tử thứ ba dùng thiết côn đen sì. Vừa hay, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng mỗi người nhận một hoàng tử làm đồ đệ, truyền dạy võ nghệ, và còn đưa binh khí của ba huynh đệ họ cho thợ rèn chế tạo phiên bản nhỏ hơn cho ba hoàng tử sử dụng. Tuy nhiên, vào ban đêm, ba món binh khí phát ra hào quang chói lọi, linh khí tỏa khắp mặt đất, khiến yêu quái Hoàng Sư Tinh phát hiện và cướp đi. Ba huynh đệ lên núi tìm, trên đường, họ gặp hai tiểu yêu “Điêu Toàn Cổ Quái” và “Cổ Quái Điêu Toàn”, mới biết rằng con yêu quái đó đang tổ chức yến tiệc Đinh Ba trong động Hổ Khẩu, núi Báo Đầu để ăn mừng. Thế là ba người họ tương kế tựu kế, khéo léo cải trang, trà trộn vào động, đoạt lại binh khí và giao chiến với Hoàng Sư Tinh. Cuối cùng, yêu quái không địch lại, phải bỏ chạy đến động Cửu Khúc Bàn Hoàn, núi Trúc Tiết, nơi ở của ông nó là Cửu Linh Nguyên Thánh. Dưới trướng ông nó có sáu con sư tử thành tinh, nó vốn là một con sư tử có chín cái đầu, là thú cưỡi của Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn. Nó có thể há chín cái miệng, ngay cả nhà lão vương và cả bốn thầy trò Đường Tăng đều bị nó nuốt chửng. Cuối cùng vẫn là Tôn Ngộ Không vận dụng thần thông, nhảy thoát khỏi miệng sư tử, thỉnh mời Thiên Tôn tới thu phục Cửu Linh Nguyên Thánh. Một màn kịch ồn ào mới được hạ màn.

Ngọn nguồn của kiếp nạn này bắt đầu từ việc ba huynh đệ Tôn Ngộ Không nhận ba vị hoàng tử làm đồ đệ. Chỉ một niệm sai lầm trong tâm đã dẫn đến sự tập kích của ma bên ngoài. Khi Tôn Ngộ Không lên Thiên cung thăm Thái Ất Chân Nhân, Quảng Mục Thiên Vương, người canh giữ Đông Thiên Môn, đã nói: “Bởi vì muốn làm sư phụ người ta, nên mới dẫn đến ổ sư tử này”. Cũng tức là nói, người tu luyện nếu gặp sự việc phát sinh mà không dĩ Pháp vi Sư, lại tự cao tự đại, khoe khoang, thích làm thầy người khác, thể hiện thần thông, dùng thủ đoạn, coi sự kỳ dị cổ quái là bản lĩnh, thì tâm ma sẽ bộc lộ, nhất định sẽ gặp phải phiền phức lớn. Đây đều là do tâm tính không thuần tịnh, tâm niệm bất thuần gây ra. Cách giải quyết cuối cùng chính là tĩnh tâm xuống, học Pháp nhiều hơn, học Pháp cho tốt, hướng nội tìm, quy chính từng ý từng niệm của bản thân. Đúng như câu: “Đạo không thể xa rời trong chốc lát, nếu có thể xa rời thì không còn là Đạo. Thần binh đều thành hư không, phí công tu luyện vô ích”. Ba vị hoàng tử cũng đã thành tựu võ nghệ cao cường, đồng thời điều này cũng chứng minh rằng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng đã giác ngộ thành bậc vương giả.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/56631



Ngày đăng: 29-03-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.