Trang chủ Right arrow Loại khác

Cuộc đời của “Thần kinh doanh” Nhật Bản – Matsushita Kōnosuke (Phần 5)

23-05-2025

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Ở tuổi 22, Matsushita Konosuke đã dám khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng gây dựng nên cơ đồ dựa vào số vốn chỉ chưa đến 100 yên và hoàn toàn không biết gì về kỹ thuật sản xuất đui đèn điện. Người Nhật Bản vẫn hay gọi những hành động táo bạo vượt ngoài sức tưởng tượng của con người kiểu này là “vô mưu” (không có mưu lược). Ông không chỉ can đảm mà còn gặp phải thất bại nặng nề, thậm chí rơi vào hoàn cảnh phải cầm cố đồ đạc để sống qua ngày. Những điều này cũng không làm ông gục ngã, hơn nữa lại có thể xoay chuyển tình thế một cách kỳ diệu. Những điều kỳ diệu cùng với sự kiên cường, trầm tĩnh và ổn định khi ở trong nghịch cảnh của ông hết thảy đều đến từ nền tảng được kiến lập sau khi trải qua muôn vàn khó khăn trong công việc hàng ngày từ năm ông chín tuổi.

Lần đầu tiên chịu thất bại nặng nề

Sau khi Matsushita Konosuke được thăng chức lên vị trí thanh tra tại Công ty Đèn điện Osaka, do công việc quá nhẹ nhàng, ông bắt đầu sử dụng thời gian rảnh rỗi tiến hành cải tạo những chỗ ông chưa hài lòng của chiếc đui đèn. Ông làm các thí nghiệm thực tế và đem những sản phẩm đã thử nghiệm còn thô sơ của mình giao cho công ty, với hy vọng những cải thiện hợp lý này có thể được công ty công nhận và tiến hành sản xuất hàng loạt. Thế nhưng ông lại bị từ chối một cách không kiêng nể. Công ty cho rằng những cải thiện sản phẩm của ông không có chút ý nghĩa nào, tóm lại, họ cho rằng sẽ không có ai có nhu cầu ấy, sản phẩm sẽ không bán được và chẳng có bất cứ giá trị gì.

Bị từ chối một cách không kiêng nể nhưng ông không hề dao động, ngược lại còn khiến ông hạ quyết tâm, tự mình làm ra sản phẩm thực sự có thể ra mắt trên thị trường và tự mình bán chúng. Do vậy, ông đã nghỉ việc ở công ty và bắt đầu kinh doanh riêng.

Lúc mới bắt đầu, có hai đồng nghiệp trong công ty đã quyết định cùng ông khởi nghiệp bởi vì họ biết ông có thái độ làm việc rất tận tụy và nắm trong tay những kỹ thuật và năng lực hiểu biết phi thường. Như vậy, ngoài ông và hai người bạn, còn có thêm vợ và em trai vợ, tổng cộng năm người với số vốn cầm trong tay cũng chỉ tương đương khoản tiền lương trong vài tháng. Sau đó ông bắt đầu sản xuất những chiếc đui đèn đã được cải tiến.

Khó khăn đầu tiên ông gặp phải chính là không có thiết bị để sản xuất đui đèn. Số vốn chưa tới 100 yên không đủ để ông mua một chiếc máy đơn giản nhất. Không có tiền cũng không có thiết bị, thậm chí ông còn không biết nguyên liệu sản xuất thô là gì. Đối mặt với cách mở doanh nghiệp có vẻ phi lý, thiếu chiến lược và không phù hợp thực tế kiểu này, không ai có thể hiểu được, rốt cuộc là ông không biết gì hay là quá tự phụ.

Trên thực tế, quả thực ông đã phải chịu thất bại nặng nề. Ông đã vất vả mất bốn tháng mới tìm ra được phương pháp sản xuất và vật liệu. Mặc dù ông đã thành công trong việc chế tạo ra chiếc đui đèn kim loại bằng trí tuệ và phương thức chế tạo độc đáo của mình, nhưng lại không bán được. Mấy người cùng lúc tìm đủ mọi cách tìm người bán sản phẩm ở Osaka, mười ngày trôi qua mới bán được 100 chiếc đui đèn. Doanh số bán hàng chẳng qua cũng chỉ được 10 yên. Vì thế, việc này cũng bằng như lời từ chối của công ty trước kia với ông đã trở thành hiện thực. Một người bình thường sẽ không thể nào kiên trì tiếp tục khi đối mặt với hiện thực tàn khốc như vậy. Vì vậy khi đối diện với cuộc sống sinh hoạt và phải nuôi gia đình, hai người đồng nghiệp đã rời xa ông. Kết quả là ông phải gánh một lượng lớn hàng tồn kho, nợ nần và phải vật lộn để sống qua ngày, thậm chí còn phải dựa vào cầm cố của hồi môn của vợ để duy trì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Nhìn có vẻ như không có kế hoạch nhưng thực ra đã có chuẩn bị nên không loạn

Mặc dù như vậy, ông cũng không có chút nào hoài nghi rằng việc cải tiến của mình có vấn đề, cũng không có lối nghĩ sẽ lùi bước. Đối với ông mà nói, thất bại lại không có gì đáng sợ, nó cũng giống như hồi đầu ông không được chấp nhận từ công ty đèn điện Osaka, bị mượn cớ là phải chờ sau này có vị trí trống và không tiếp nhận đơn xin vào công ty làm việc của ông. Đến khi ông làm cho công ty cảm động trước tấm lòng chân thành của mình và gia nhập công ty thì ông đã trải qua cuộc sống làm công nhân vận chuyển xi măng được ba tháng rồi. Thứ mà ông được rèn luyện chính là kỹ năng và sức mạnh cánh tay cần thiết để đẩy xe của công nhân thực tập, những ma nạn đối với ông mà nói, xưa nay đều sẽ biến thành chuyện tốt. Ông cũng sớm hiểu ra rằng làm bất cứ việc gì cũng sẽ trải qua thất bại, hơn nữa những kỹ năng học được khi quanh năm làm công việc của người học việc, khiến ông thấy rất tự tin với việc chế tạo và sản xuất, ông học cái gì cũng đều rất nhanh, đối với những kỹ thuật mới không hề cảm thấy sợ hãi. Trong tâm ông hiểu rất rõ năng lực thực tế của mình.

Do đó, ông không cảm thấy bỡ ngỡ với những thứ chưa từng làm qua, kinh nghiệm nhiều năm khiến ông hiểu rõ, chỉ cần dụng tâm quan sát và nghiên cứu, khiêm tốn học hỏi, thì nhất định sẽ có thể học được. Vì vậy nói ông không có mưu lược là không chính xác. Ông dám bước ra mở công ty kinh doanh riêng trong khi còn chưa hiểu gì về phương thức sản xuất chính quy, tất cả chỉ dựa trên kinh nghiệm lăn lộn, rèn luyện trong quãng thời gian làm người học việc kể từ năm ông chín tuổi. Ông hoàn toàn không thấy xa lạ đối với cấu tạo của máy móc và những công cụ sản xuất. Rất nhiều thứ là có thể suy luận ra, chẳng qua đây là lần đầu tiên ông chế tạo và luyện kim loại mà thôi.

Còn nhớ, khi ông 13 tuổi, lần đầu tiên bán xe đạp, ông đã từng gây ấn tượng tới khách hàng bởi sự nhiệt tình giới thiệu tính năng của xe đạp dựa trên lập trường của khách hàng và kiên trì giữ chữ tín giảm giá 10% cho khách hàng. Vì thế, khách hàng đã nói chừng nào Konosuke còn làm việc ở cửa hàng này thì họ sẽ luôn mua xe đạp ở đây. Lúc đó ông cũng bị chính chủ cửa hàng của mình mắng thậm tệ và từ chối, nói ông không nên chủ động từ bỏ lợi nhuận để làm ăn như vậy. Tuy nhiên cuối cùng ông đã nhận được sự công nhận của khách hàng.

Hết thảy điều này để nói với ông rằng, nếu như hành vi của bản thân là vì người khác, sản phẩm của mình thực sự có thể giải quyết chỗ bất tiện cho người khác, đúng tính năng mà mọi người cần, lại có thể sản xuất được tốt, khiến người khác yên tâm sử dụng, và kiên trì giữ chữ tín thì nhất định sẽ nhận được sự công nhận.

Không sai, đây chính là nền tảng được tích lũy sau nhiều lần đối mặt với những lời từ chối và liên tục đối mặt với những khó khăn, thất bại từ năm chín tuổi; những gì tích lũy được làm ông thấy tự tin về kỹ thuật và kinh nghiệm của mình, khiến ông không thấy lo sợ trước nghịch cảnh và thất bại. Những điều này đều là minh chứng cho câu nói “có chuẩn bị sẽ không thể loạn” và thiết thực làm người trong cuộc đời, khiến ông có thể đối mặt với thất bại một cách hết sức thanh tỉnh, có thể phán đoán một cách lý tính xem liệu có khả thi hay không. Thái độ dứt khoát khi đối mặt với thất bại nặng nề của ông tuyệt nhiên không phải thứ có thể một sớm một chiều luyện ra được, cũng không phải là trí huệ của thiên tài, mà là nền tảng được thiết lập suốt cả năm, đó là một sự chuẩn bị vô hình.

Cũng có người cho rằng, ông vẫn quá mạo hiểm, không thể nào bắt chước, và cũng không dám bắt chước, không hiểu sao vợ ông lại có thể chịu đựng được, và dám chờ đợi vận may cuối cùng của ông trong khi trải qua những ngày cầm cố của hồi môn để sống qua ngày.

Thực ra, Konosuke không bao giờ làm việc gì nếu không có sự tự tin. Lúc đó ông là nhân tài xuất sắc của công ty đèn điện Osaka, tuyệt nhiên sẽ không để mình rơi vào đường cùng, đến cả gia đình cũng không nuôi được. Khi ông rời khỏi công ty đã biết được rằng, dựa vào năng lực thực tế của mình, cho dù sau khi kinh doanh riêng thực sự lâm vào đường cùng, cuối cùng chuốc lấy thất bại, cũng hoàn toàn không cần phải lo lắng đến vấn đề sinh tồn. Rất đơn giản là ông có thể quay trở lại công ty trước đây. Khi ông rời đi mọi người đều mong muốn ông có thể quay trở lại. Đây chính là chuẩn bị về thực lực. Sở dĩ ông nhất mực dựa vào cầm cố sống qua ngày cũng không quay lại công ty cũ, hoàn toàn là vì ông cho rằng thất bại của bản thân chỉ là tạm thời. Do đó chỉ từ một điểm này cũng đã minh chứng cho câu nói dù chuyện gì xảy đến nếu có chuẩn bị thì sẽ không thể loạn. Tuyệt đối không phải cái gọi là suy nghĩ viển vông và không có mưu lược mà mọi người thấy được trên bề mặt.

Nếu không, rất khó để có thể giải thích làm sao ông có thể tạo ra mô hình quản lý đập nước một cách linh hoạt mà không bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế tốt xấu trên thế giới, lại còn ảnh hướng tới những người thế hệ sau và trở thành phương pháp quản lý kinh doanh được sử dụng rất phổ biến ở Nhật Bản ngày nay.

Tấm lòng chân thành làm người tốt của ông quả nhiên rất nhanh đã thu hút sự chú ý và đánh giá cao của một công ty thương mại. Khi mọi thứ tưởng chừng diễn ra không tốt đẹp thì khi đó đột nhiên vận may lại mỉm cười, ngay lập tức có thể giải quyết vấn đề tiền vốn và nhà máy bắt đầu vận hành sản xuất một cách thuận lợi như bình thường. Điều này tạo nền tảng căn bản vững chắc cho công ty điện khí Matsushita.

(Còn nữa)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/238215

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài