Thần Châu sử cương (6): Các dự ngôn được lưu truyền đồng thời cùng với thời đại tín sử



[ChanhKien.org]

Từ thời nhà Chu, tức vào khoảng cuối thời Tam Đại (1), chữ tượng hình đã có sự biến đổi, xuất hiện hình thức chữ triện dễ viết hơn, biểu thị cho việc ý thức tự ngã của con người cũng đã dần tăng lên. Dường như đây là một quá trình tất yếu, ngày càng xa rời “Đạo”, tâm kính sợ ngày một vơi đi.

Năm đó, Tư Mã Thiên đọc cuốn “Xuân Thu – Lịch Phổ”, đọc đến đoạn Chu Lệ Vương thì không khỏi thở dài, bội phục tầm nhìn của Thái sư Sư Chí (2) đã đoán trước được loạn tượng. Đây quả thực là một giai đoạn trọng yếu, sau khi Chu Lệ Vương tàn bạo bị lưu đày là thời kỳ do hai vị đại thần cùng nhau điều hành triều chính, gọi là cộng hòa. Lịch sử Trung Hoa từ năm cộng hòa nguyên niên (năm 841 TCN) mới bắt đầu có các sự kiện lịch sử với niên đại đáng tin cậy. Chính vào lúc con người thời đó bắt đầu dùng chữ viết để ghi lại sự kiện và lịch sử, lúc này các “dự ngôn” cũng ra đời!

Dự ngôn đầu tiên tại Trung Quốc xuất hiện vào thời Chu Tuyên Vương, vị vua kế vị Chu Lệ Vương. “Sử ký – Chu bản kỷ” có ghi chép: “Đô thành Cảo Kinh của Tuyên Vương lưu truyền bài đồng dao: “Áp hồ ki phục, thực vong Chu quốc” (Tạm dịch: Xuất hiện cung tên làm bằng gỗ dâu, ống đựng tên làm bằng gỗ cơ thì nhà Chu diệt vong). Tuyên Vương nghe thấy đại kinh, cho rằng người bán “cung tên làm bằng gỗ dâu” muốn tạo phản, từ đó bắt đầu cuộc đại truy sát. Khi ấy có đôi vợ chồng già vừa hay bán thứ này, quan binh trông thấy truy bắt, người chồng thoát được, trong lúc tháo chạy thì nhặt được một bé gái bị bỏ rơi. Bé gái này lớn lên chính là Bao Tự, người mà ngày sau gắn liền với điển tích “Phóng hỏa hí chư hầu” (3). Dự ngôn đã ứng nghiệm, nhà Tây Chu diệt vong. Trung Hoa cũng tiến vào giai đoạn Xuân Thu – Chiến Quốc mà Khổng Tử mô tả là “Đạo đã không còn hành được lâu nữa”, vương hầu tranh quyền, nhân luân sa sút, mở ra một thời kỳ đại chiến loạn.

Người hiện đại có lẽ sẽ cảm thấy khó hiểu, trước hết, tại sao thời đại “tín sử” (thời đại mà lịch sử được ghi chép một cách chi tiết và đáng tin cậy) mở ra chưa bao lâu thì Trung Quốc lại tiến vào giai đoạn đỉnh cao và hưng thịnh về mặt tư tưởng? Các học thuyết thời Bách Gia Chư Tử cùng lúc bùng nổ và phát triển đến cực điểm, đến mức mà ngay cả hiện nay, chúng ta rốt cuộc vẫn không cách nào lý giải, thậm chí vẫn phải tìm tòi nghiên cứu, nhưng vẫn cảm thấy khâm phục không thôi đối với trí huệ của người thời đó.

Rất nhiều học giả cho rằng đây là thời kỳ hoàng kim của văn hóa Trung Quốc, tuy nhiên cách nói này mới chỉ nhìn đến nhân tâm (cách nghĩ của con người) mà chưa xét về Đạo tính. Từ quan điểm nhân tính mà nhìn nhận thì quả thật là càng đa nguyên thì càng phong phú nhiều sắc thái, tuy nhiên, nếu đứng từ một góc độ khác thì đây chính là giai đoạn mà các hệ tư tưởng ngày càng hỗn loạn. Điều này phản ánh hiện tượng phân cực hóa sau khi năng lượng của toàn thể xã hội trượt dốc. Đạo lý rất đơn giản: Khi những cái gọi là “hiện tượng tốt đẹp” xuất hiện thì cũng sẽ sinh ra những “tác dụng bất hảo” tương ứng! Đây chính là điều mà Lão Tử từng giảng: “Đại Đạo phế, hữu nhân nghĩa; trí huệ xuất, hữu đại ngụy” (Tạm dịch: Khi Đại Đạo không còn được nữa thì mới sinh ra nhân và nghĩa; khi trí huệ xuất hiện thì mới có đại xảo trá ngụy biện). Đến nay, sau 2500 năm, hiện tượng này lại một lần nữa xuất hiện! Một xã hội thậm chí còn hỗn loạn hơn, khiến con người càng dễ bị mê hoặc hơn.

Điểm khó hiểu thứ hai là: Tại sao sau thời kỳ Tần-Hán thì vũ đài Trung Hoa lại lấy Nho và Đạo làm tư tưởng chủ đạo chứ không tiếp diễn hiện tượng trăm hoa đua nở? Học thuyết của hai gia Nho và Đạo không hề dẫn phát những điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ tại xã hội thời ấy, theo lý mà nói, các hệ tư tưởng của Bách Gia Chư Tử hẳn phải sinh ra nhiều nhân tài, liên tiếp không ngừng, thậm chí còn phải đua nhau nở rộ đến tận hơn 2000 năm sau mới đúng. Thế nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại, Bách Gia chỉ như đóa phù dung sớm nở tối tàn, về sau không còn ai kế thừa. Ngược lại, Nho và Đạo đã trở thành chủ lưu, nhưng mặc dù vậy, hai gia phái này cũng chỉ có thể nói là có người kế tục, chứ chưa hề có ai vượt qua được người sáng lập, hơn 2000 năm nay cũng không xuất hiện những bậc trí huệ như Lão Tử hay Khổng Tử. Tại sao vậy?

Câu trả lời đối với người hiện đại mà nói kỳ thực không khó! Sự phát triển của lịch sử hiển nhiên sẽ không diễn biến theo lối tư duy logic mà con người chúng ta vẫn nhìn nhận, mà còn có “Đạo” ở trong đó. Nếu xã hội Trung Quốc không ngừng phát triển theo hướng đa nguyên hóa thì rất nhanh chóng các giá trị quan của xã hội cũng sẽ trở nên lẫn lộn, như thế khó lòng phân biệt được thiện ác, thị phi, những hiện tượng như tình trạng của xã hội ngày nay sẽ xuất hiện tại vũ đài Thần Châu, thì e rằng sẽ không thể nào gìn giữ được sự phát triển hoàn chỉnh và ổn định của văn hóa Trung Hoa đến tận hơn 2000 năm sau.

Thế nên Lão Tử từng nói: “Dân chi nan trị, dĩ kỳ đa trí. Dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc; bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc” (Tạm dịch: Dân mà khó trị là vì họ lắm mưu trí. Lấy trí mà trị quốc tức là làm hại đất nước; không lấy trí mà trị quốc tức là tạo phúc cho đất nước), câu nói hoàn toàn không khuyến khích loại xã hội với tư tưởng phức tạp này, vì điều đó sẽ trực tiếp làm hỗn loạn nhân tâm, khiến đạo đức xã hội trượt dốc. Do vậy, cống hiến to lớn nhất của Nho gia đối với xã hội Trung Quốc sau này chính là đã đề xuất một bộ tiêu chuẩn xử thế làm người, một loại triết học trung dung tránh đi sang lưỡng cực. Điều này đã có tác dụng trong việc ổn định nhân dân và xã hội vào thời kỳ đại loạn thế, cũng chính nhờ cỗ sức mạnh đạo đức này đã giúp nền văn hóa bát đại tinh thâm của mảnh đất Thần Châu được tiếp nối ổn định qua từng triều từng đại, phát triển một cách chặt chẽ cho đến tận ngày nay!

Kỳ thực trong đại loạn thế, Lão Tử và Khổng Tử mỗi vị lại có cách nhìn nhận riêng. Mục đích “Công trình phục nguyên đạo đức” của Khổng Tử là muốn đưa trạng thái xã hội với các hệ tư tưởng hỗn loạn khi đó khôi phục về thời kỳ đầu của nhà Chu. Nếu xét về khía cạnh phục nguyên thì công trình này đã thất bại, tuy nhiên nó lại thành công trong việc làm chậm lại sự trượt dốc đạo đức.

Lão Tử lại cho rằng tư tưởng con người cũng giống như thượng nguồn sông nước, một khi đã ô nhiễm thì toàn bộ sẽ bất thuần, nếu muốn khôi phục lại như ban đầu thì thực tế là quá khó, muốn thanh lọc toàn bộ xã hội là điều không thể nào! Do đó, ông đã vội vội vàng vàng viết cuốn “Đạo Đức Kinh” rồi biến mất khỏi vũ đài Thần Châu. 5.000 chữ trong “Đạo Đức Kinh” chỉ nhắm đến hai đối tượng: những người cầm quyền và những người có tư tưởng thuần tịnh. Việc khôi phục tư tưởng của một cá nhân nào đó thì còn có thể, chứ thanh lọc toàn bộ xã hội là điều không nằm trong phạm vi năng lực của ông. Nói về các nhà cầm quyền, lời chân ngôn ở đây là thành khẩn khuyên nhủ họ hãy tự biết điều chỉnh mình, những người tuân theo sẽ tự tích được “huyền đức” (đức hạnh thâm sâu). Lý của “Đạo” đều nằm hết trong năm nghìn chữ này, không cần phải phô trương, người minh bạch tâm linh tự nhiên sẽ thấy tương thông, một chút đã thấu hiểu, gọi là: “Thượng sỹ văn Đạo, cần nhi hành chi… hạ sỹ văn Đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo” (Tạm dịch: Kẻ thượng sỹ nghe Đạo sẽ chuyên cần thực hành… kẻ hạ sỹ nghe Đạo sẽ cười lớn. Nếu không bị cười nhạo thì chưa phải là Đạo chân chính), người có tư tưởng phức tạp sẽ khó mà minh bạch được.

Do đó hai gia Nho và Đạo về sau đã khởi được tác dụng của “tôn giáo” trên vũ đài Thần Châu. Tôn giáo chân chính có hai công dụng, một là khiến những người với tư tưởng thuần tịnh có thể đắc Đạo, quay trở về thế giới của Thần; hai là có thể duy trì đạo đức xã hội ở một chuẩn mực tương đối cao. Không khó để nhận thấy rằng văn hóa phương Tây hiện nay được xây dựng dựa trên nền tảng của Cơ Đốc giáo, chính nhờ hai loại công dụng này mà các dân tộc châu Âu mới vượt qua được thời kỳ Trung Cổ đen tối, thoát khỏi nền văn minh La Mã suy đồi về đạo đức, khai sáng nền văn minh hiện đại của phương Tây. Vào giai đoạn đó, các tu sĩ đã đóng vai trò tương tự như “kẻ sĩ” trong văn hóa Trung Hoa. Những người đang trên đường quay về thế giới của Thần này, sinh mệnh đã triển hiện được lòng kiên định và trí huệ phi phàm, khai sáng một nền văn hóa Thần truyền khác cho xã hội châu Âu.

Vậy nên, các Giác Giả hạ thế truyền Đạo lấy hình thức ngẫu nhiên để xuất hiện nhưng lại không hề ngẫu nhiên. Họ đã giảng ra cái lý vĩnh cửu bất biến của tầng thứ cao, khiến rất nhiều người ngộ Đạo trong lịch sử sau này triển hiện ra được dũng khí và trí huệ của sinh mệnh. Nhân loại trên bề mặt xem ra là phát triển từ nguyên thủy cho đến văn minh, nhưng thực tế là do các sinh mệnh cao cấp dẫn dắt mà khai sáng. Đây mới là nhân tố thực sự khiến con người khác biệt so với động vật! Nếu như bỏ qua hoặc phủ nhận sự thật này, nhân loại sẽ không còn văn minh nữa, trở thành một loại động vật còn đáng sợ hơn…

Trong Luận ngữ có một ẩn đố, lúc học trò Nhan Hồi của Khổng Tử qua đời, ông tiếc thương còn hơn cả con trai mà thốt lên trong nước mắt: “Trời diệt ta rồi!”, bi thương quá độ như trời đất sụp đổ. Không có ai thật sự hiểu được tâm tư của Khổng Tử lúc này. Vào những năm cuối đời, Khổng Tử có lần đứng trước mặt các học trò mà nói với Tăng Sâm rằng: “Ngô Đạo nhất dĩ quán chi!” (Tạm dịch: Đạo của ta chỉ một mạch mà thông suốt hết cả!). Tăng Tử “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”, người nổi danh với cuốn Hiếu Kinh, sau khi nghe Khổng Tử nói xong, đáp: “Dạ! Con đã hiểu”. Rõ là Khổng Tử đang cố ý khảo nghiệm xem Tăng Tử có thể kế thừa Đạo thống của mình hay không, hỏi xong, Khổng Tử liền rời đi. Các bạn đồng môn không hiểu được điều huyền diệu trong câu nói của thầy nên đã vây quanh hỏi Tăng Sâm, thế là Tăng Sâm giải thích: “Đạo của thầy chính là Trung và Thứ mà thôi”. Qua đó có thể thấy rằng Đạo của Khổng Tử đã không còn người tiếp nối, Tăng Sâm chỉ kế thừa được học thuyết về đức nhân của Nho gia, người có con mắt sáng suốt chỉ cần xem một cái là hiểu, dùng hai khái niệm “Trung” và “Thứ” để nhận thức “nhất dĩ quán chi” mà Khổng tử nói, quả là đã là rời khỏi Đạo quá xa rồi.

Đừng quên là Khổng Tử từng nói với học trò rằng: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ!”. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu như buổi sáng nghe được đạo làm người là Trung và Thứ mà buổi tối đã khiến người ta cam tâm nhắm mắt mà chết, người như vậy e là tìm không ra, điều đó hoàn toàn không nhắm trúng trọng điểm! Nếu là Đạo mà có thể tu thành Thần thì buổi sáng nghe được “Đạo” này, buổi tối chết cũng không hối tiếc, đấy mới là điều thật sự xứng đáng. Trong “Kinh Dịch – Hệ Từ Truyện”, Khổng Tử viết: “Vô tư dã, vô vi dã, cảm nhi bất động, toại thông thiên hạ”, xả tận tư duy của con người, không phải cố ý làm bất cứ điều gì thì đã có thể trực quan mà cảm nhận và thấu hiểu hết thảy, nhìn một cái là thông tỏ được bản chất chứ không như người mù sờ voi. Đây mới chính là ý nghĩa “quán chi” của Đạo. Do đó, Khổng Tử từng “vấn lễ” (hỏi về lễ) với Lão Tử, bề mặt thì đang “vấn lễ” nhưng thực chất là tìm hiểu Đạo học ở tầng thứ cao. Vì vậy ta sẽ không còn khó hiểu vì sao khi Nhan Hồi qua đời, Khổng Tử lại cảm thấy như “Trời diệt ta”, kỳ thực, ông đã biết trước và cảm thán về việc không còn người kế tục. Quả nhiên sau Khổng Tử, Đạo học xuất thế đã mai một, còn học vấn đức nhân nhập thế được phát huy rực rỡ. Các hậu nhân như Mạnh Tử đều giảng về chính khí hạo nhiên, về nghĩa và thiện tính, tất cả đều thiếu đi luận thuật của “Đạo”, vô hình trung đã khiến Đạo học bị đứt đoạn. Cứ thế, trong loạn thế, Nho gia đã lấy đức nhân làm căn bản, các giá trị quan về tu thân xử thế đã ăn sâu vào lòng dân và xã hội.

Mặc dù Nho và Đạo phân thành hai gia, nhưng tư tưởng của Đạo cũng đã đồng dạng thâm nhập sâu rộng vào dân gian. Lý niệm vô vi mà trị quốc trong các giai đoạn lịch sử về sau đã nhiều lần giúp an định xã hội vào thời loạn lạc, từng thế hệ tiếp nối đều có các ẩn sĩ tu đạo, đâu đâu cũng xuất hiện những người giác ngộ, nếm tận cái khổ khó chịu đựng của sinh mệnh, nhìn thấu phàm trần mà nhập đạo tu luyện. Giữa thời đại hỗn loạn ấy, tại Ấn Độ còn có Thích Ca Mâu Ni giảng về Phật Pháp, sau thời nhà Hán thì Phật giáo tiêu mất ở Ấn Độ nhưng lại phát triển rực rỡ trên vũ đài Thần Châu khiến cho từ thời kỳ Tần-Hán trở về sau, ba gia Nho, Thích và Đạo đã trở thành chủ lưu của văn hóa Trung Hoa, một lần nữa giúp ổn định cấu trúc xã hội Trung Quốc, điều quan trọng hơn là nền văn hóa được sinh ra từ đó đã ẩn chứa, mang trong đó một sức mạnh dung hợp mãnh liệt, giống như lò luyện đan, dung luyện hết thảy mọi dân tộc xuất hiện trên vũ đài này.

Chú thích:

(1) Tam Đại: hợp xưng ba triều đại Hạ, Thương và Chu trong lịch sử Trung Quốc.

(2) Thái Sư Chí được cho là một nhạc quan nổi tiếng thời nhà Chu.

(3) “Phóng hỏa hí chư hầu” là một điển tích về Bao Tự. Chuyện kể rằng Bao Tự được Chu U Vương rất sủng ái, tuy nhiên nàng vào cung mà vẫn không cười. Thời ấy nhà Chu có xây nhiều tháp dầu phòng khi giặc đến thì đốt lửa báo hiệu cho chư hầu đến cứu. Nhà vua vì để làm Bao Tự cười nên đã nhiều lần đốt lửa đùa giỡn chư hầu. Về sau khi thật sự gặp nguy hiểm, Chu U Vương đã đốt lửa cầu cứu nhưng không ai đến nữa, nhà Chu từ đó diệt vong.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/74797



Ngày đăng: 12-05-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.