Cuộc đời của “Thần kinh doanh” Nhật Bản – Matsushita Kōnosuke (Phần 2)
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Kinh doanh cốt là học cách làm người
Matsushita Kōnosuke, người sáng lập ra Công ty điện khí Matsushita (tiền thân của tập đoàn xuyên quốc gia Panasonic ngày nay) chỉ có trình độ học vấn hết lớp 4 cấp tiểu học, nhưng ông đã trở thành “Cha đẻ của phương pháp quản lý kiểu Nhật Bản”. Sở dĩ ông được ca ngợi là “Thần kinh doanh” ở Nhật Bản là vì ông đã chứng minh được triết lý kinh doanh lấy nhân đức làm cốt lõi chính, là chân lý bất biến từ xưa đến nay để thành tựu sự nghiệp vĩ đại.
Điều khiến mọi người ấn tượng sâu sắc về ông chính là cách đối xử với người khác hết sức trung hậu và chân thành, luôn coi trọng con người hơn lợi ích. Ông là người đầu tiên sáng tạo ra những chế độ quản lý công ty như: Chế độ tuyển dụng suốt đời, phương pháp quản lý kiểu “pha lê” (thực chất của phương pháp quản lý này là sự thẳng thắn giữa chủ doanh nghiệp và nhân viên, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau) v.v. qua đó thể hiện rõ triết lý nói trên, đồng thời ảnh hưởng đến các công ty Nhật Bản thế hệ sau. Từ con người ông, người ta có thể hiểu ra được cảnh giới của các thương nhân nho gia thời Trung Quốc cổ đại.
Từ thời niên thiếu khi còn là người học việc, ông đã có thể làm được không so đo tính toán được mất về lợi ích. Khi bị đối xử bất công, ông không hề cảm thấy bất mãn mà ngược lại còn suy xét chỗ thiếu sót của bản thân. Ông không ngừng hiểu ra những đạo lý chân chính trong kinh doanh từ những việc nhỏ nhặt. Vì vậy, trí tuệ của ông mới tuôn trào như dòng suối và liên tiếp nhận được phúc báo.
Chín tuổi trở thành người học việc, cần cù chăm chỉ lao động và biết hài lòng
Matsushita Konosuke sinh năm 1894, tức năm Minh Trị thứ 27 của Nhật Bản, tại ngôi làng Wasa, quận Kaiso, tỉnh Wakayama (thành phố Wakayama ngày nay). Ông là người con thứ tám và là con trai út trong nhà.
Gia đình ông ban đầu cũng được xem là khá giả, nhưng bất ngờ năm ông lên bốn tuổi, công việc làm ăn của cha ông thua lỗ nên từ đó gia đình rơi vào lụi bại. Cha ông đã thử kinh doanh các thứ khác, nhưng cũng đều thất bại, sau đó phải dựa vào bán đất, bán nhà để sống qua ngày, cuối cùng trong nhà không còn thứ gì đáng giá cả. Cha ông sau đó một mình đến Osaka làm việc. Năm đó khi Konosuke chín tuổi, cha đã bảo ông nghỉ học và đến Osaka học việc. Từ đó ông đã tạm biệt trường học, với trình độ lớp 4 cấp tiểu học và bắt đầu cuộc đời hùng tráng đầy sóng gió của mình.
Quãng thời gian học việc của ông không liên quan gì đến ngành công nghiệp điện tử và thiết bị điện, thế nhưng đó lại là thời kỳ quan trọng hình thành nên giá trị quan trong kinh doanh của ông, dựa trên việc lấy nhân đức làm căn bản, mong muốn đem lại phúc lợi cho xã hội và không bị ràng buộc bởi lợi ích.
Chỉ mới chín tuổi, ông đã bị buộc phải rời xa mẹ đến làm việc ở cửa hàng bán lò than Miyata ở Osaka và trở thành người học việc theo hình thức “phụng công” ở cửa hàng. Ở Nhật Bản người ta gọi công việc của người học việc là “phụng công”, bởi tiền công của những người học việc rất thấp, phải ở tại cửa hàng, và làm những công việc chân tay bắt đầu từ những việc lặt vặt; mặc dù được cung cấp chỗ ăn chỗ ở nhưng lại phải làm việc từ sáng đến tối và không được nghỉ ngơi. Hàng ngày Konosuke phải lau rửa sạch sẽ sàn nhà, trông trẻ và đốt nung những chiếc lò than v.v. Da tay của ông thường bị nứt nẻ chảy máu, rất đau đớn và khó chịu. Ở độ tuổi còn quá nhỏ, khi người khác có lẽ còn đang ở trong vòng tay mẹ nhõng nhẽo, thì ông lại phải cung kính nghe theo sự sai bảo và làm việc từ sáng đến tối. Chỉ cần tưởng tượng là có thể hiểu được ông đã phải chịu đựng sự giày vò trong tâm như thế nào. Mỗi đêm, ông đều khóc ướt cả chiếc khăn gối vì nhớ mẹ và nhớ nhà.
Tuy nhiên ông rất hiểu chuyện và chưa bao giờ phàn nàn về cha mình. Hơn nữa ông lại rất biết nghe lời, làm việc hết sức chăm chỉ, và là một đứa trẻ hiền lành, biết hài lòng với những gì mình có. Tiền công lần đầu tiên ông nhận được thời đó là đồng tiền 5 yên. Một yên bằng 50 xu, mà 1 xu có thể mua được một chiếc kẹo. Điều này có nghĩa là ông có thể mua được 250 chiếc kẹo. Đối với cậu bé vừa tròn mười tuổi mà nói thì đó quả là một tài sản lớn. Ông nói rằng khi đó ông đã thấy giật mình: “Mình bỗng nhiên lại có thể kiếm được nhiều tiền như vậy”, “Đó là thời khắc hạnh phúc nhất trong đời tôi”. Cho dù sau này ông có khối tài sản mười mấy tỷ yên nhưng đối với ông thì giá trị của 250 chiếc kẹo đó mới là tài sản lớn nhất của mình.
Bỏ ra một yên để dỗ em bé cười
Tuy nhiên, ông không phải là người xem tiền như mạng sống. Có một lần, ông cõng con của chủ cửa hàng đi xem chơi quay ở ngoài phố, vì mải xem không để ý, trông em không cẩn thận khiến mặt của em bé bị đập vào làm cho đau điếng, khóc mãi không nín. Ông đã không hề do dự bước vào trong một cửa hàng bán đồ điểm tâm và bỏ ra một yên mua một chiếc bánh bao dỗ em bé, đứa bé lập tức nín khóc. Số tiền đó bằng một phần năm số tiền công của ông. Bình thường ông tiếc tiền không dám mua cho bản thân thứ gì, dù chỉ là một chiếc kẹo, được ăn một chiếc kẹo đã cảm thấy xa xỉ lắm rồi, nhưng ông lại có thể bỏ ra “một khoản tiền lớn” để làm cho em bé vui.
Có nhiều người nói rằng, vì từ nhỏ ông ấy đã phải chịu khổ, hiểu được việc kiếm tiền nuôi gia đình rất vất vả và không hề dễ dàng, vì vậy ông rất thông cảm với nhân viên của mình. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người mặc dù cũng chịu khổ, nhưng lại không thể nhìn thẳng vào vấn đề, mà luôn oán trách số phận bất công, chê bai tiền công thấp, thậm chí vì thế mà cảm thấy nhục nhã, muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, tương lai có thể vượt trội hơn người khác. Nhưng Konosuke chưa bao giờ oán trách sự tàn nhẫn của cha mình, ông cũng không thấy khổ, có được một chút liền cảm thấy vô cùng cảm ơn và hài lòng, ông còn có thể thản nhiên bỏ tiền ra để khiến em bé vui, ông là một cậu bé có tấm lòng lương thiện và trái tim không có tạp niệm. Thiện đãi người khác, trọng nghĩa khinh tài và thủy chung là những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách con người của ông.
Cha phản đối về nhà đi học ở trường vào buổi tối, bắt phải tiếp tục làm người học việc
Lần đầu tiên làm người học việc, do cửa hàng bị phá sản và chỉ duy trì được ba tháng nữa là đóng cửa nên ông lại được sắp xếp tiếp tục đến làm người học việc ở “Thương hội xe đạp Ngũ Đại” (cửa hàng bán xe đạp do năm nhà buôn liên kết). Mẹ ông thương con nên mong muốn ông có thể về nhà đi học lớp buổi tối ở trường, để bù đắp cho việc ông phải nghỉ học hồi tiểu học. Khi đó ông 11 tuổi, cả gia đình đã chuyển đến Osaka, đúng lúc bưu điện tuyển người, mẹ liền nói với ông và hy vọng ông về nhà ứng tuyển vào đó làm, không cần phải chịu cái khổ của người học việc nữa và còn có thể học ở trường vào buổi tối.
Konosuke nghe được những lời của mẹ cảm thấy rất vui mừng, có thể quay về bên mẹ là điều mà ông hằng mong mỏi. Thế nhưng, bất ngờ là cha ông lại phản đối và nói với con trai rằng: “Mặc dù mẹ con mong muốn con nghỉ làm học việc và về nhà học ở trường vào buổi tối, nhưng cha cho rằng con nên tiếp tục làm người học việc, sau này dựa vào con đường kinh doanh thực tế mà tạo dựng cuộc đời cho riêng mình”.
Cha ông hy vọng con trai có thể rèn luyện bản thân và nắm vững những kỹ năng ở cửa hàng đồng thời cũng học được tất cả công việc từ việc lặt vặt cho đến việc kinh doanh của cửa hàng. Chỉ có làm từ những việc cơ bản, trải nghiệm hết tất cả các loại gian khổ, chăm chỉ thiết thực làm việc mới thực sự có chỗ lập thân ở đời. Cha ông còn nói với con trai rằng, những kiến thức hiểu biết này còn quan trọng hơn so với những gì con học ở trường.
Do vậy ông đã nghe theo sự sắp xếp của cha, không có một lời oán trách mà tiếp tục làm người học việc. Sau này ông vô cùng xúc động, cảm thấy may mắn vì cha đã phán đoán rất đúng. Ông có được như ngày hôm nay đều là bởi vì nghe theo những dạy bảo của cha mình.
Lần thứ hai làm người học việc, bắt đầu thể hiện tài năng kinh doanh, không tu đạo mà đã ở trong đạo
Do sự phản đối của cha, nên ông không thể tiếp tục học hành và lấy được bằng cấp, tuy nhiên ông lại không hề oán trách số phận bất công mà chăm chỉ thật thà làm người học việc, dù sao đã đến rồi thì cứ an tâm mà ở lại làm. Hàng ngày ông ở trong cửa hàng xe đạp học sửa xe và làm những việc nặng nhọc nhất cùng đủ các việc lặt vặt chân tay.
Lúc chờ đợi, khách hàng thường bảo ông đi mua gói thuốc lá cho họ trong khi ông đang bận sửa xe. Vậy là ông phải dừng công việc đang làm dở tay, rửa sạch bàn tay đen sì và chạy ra ngoài đi mua thuốc lá về.
Lúc này, ông đột nhiên nghĩ ra, cứ chạy đi chạy lại thế này, khách hàng chờ đợi cũng sốt ruột, mình cũng phải liên tục rửa tay để chạy đi chạy lại, vậy có cách nào tốt hơn để việc này trở nên thuận tiện hơn không? Do vậy ông đột nhiên nghĩ đến việc dùng tiền công của mình mua sẵn thuốc lá rồi mang bên mình, như vậy mọi người đều tiết kiệm được thời gian và có thể đưa ngay cho khách hàng khi họ cần. Lúc đó, một cây thuốc lá có 20 bao, nếu mua một cây thuốc lá sẽ được tặng một bao miễn phí. Cứ như vậy, ông bán được hai cây thuốc mỗi tháng và hai bao thuốc miễn phí trở thành khoản lợi nhuận của ông. Thậm chí mức lợi nhuận đạt được bằng một phần tư tiền công của ông. Các khách hàng đều rất thích và nghĩ rằng người này thật thông minh, có thể nghĩ ra được ý tưởng hay như vậy. Vì thế các thế hệ sau cho rằng ông có năng lực kinh doanh và là một thiên tài.
Thực ra ông chẳng qua là luôn làm việc một cách trung thực thật thà, không phàn nàn khi mọi người bảo ông chạy đi chạy lại. Rồi lại nghĩ cách làm sao để mọi người đều thuận tiện hơn và tiết kiệm được thời gian của nhau mà thôi. Ông nhìn thấy được nhu cầu của mọi người trong công việc và muốn cải thiện nó tốt hơn, do đó tự nhiên nghĩ đến làm như vậy. Đó là kết quả tất yếu của sự làm việc chăm chỉ, sống nghiêm túc, tự nhiên sẽ phát hiện ra nhu cầu và chỗ bất tiện của mọi người, hy vọng mọi người có thể thuận tiện hơn trong cuộc sống.
Nhiều người nghĩ liệu ông có biết trước mình có thể kiếm được một gói thuốc lá miễn phí bằng cách này không. Mặc dù chúng ta không có cách nào đoán biết được, nhưng sự việc xảy ra sau đó đã đủ chứng minh rằng ông chỉ muốn tạo ra sự thuận tiện cho mọi người vào thời điểm đó chứ không phải là vì mục đích kiếm tiền.
Bởi vì sau đó không lâu, những nhân viên khác trong cửa hàng có ý kiến. Thực tế là họ ghen tỵ với việc ông có lợi nhuận và liên tục phàn nàn với chủ cửa hàng. Vì thế chủ cửa hàng rất khó xử và bảo ông dừng lại. Ông không chỉ nghe theo yêu cầu mà còn không biện bạch cho mình. Ở tình huống như vậy, một người bình thường sẽ cảm thấy rất oan ức, những gì bản thân làm không gây phiền đến người khác, chẳng qua chỉ là dùng tiền của mình mua thuốc lá mang theo, thuốc lá người khác tặng cho lại không phải đi ăn trộm, cửa hàng cũng bảo ông đi mua thuốc hộ người ta, vậy có chỗ nào không đúng? Khẳng định sẽ cảm thấy không công bằng, không những thế sẽ oán hận những nhân viên phàn nàn trong cửa hàng vì đã bắt nạt ông ấy.
Thế nhưng, điều bất ngờ là một cậu bé mười mấy tuổi lại có thể đối mặt với sự trách móc của đám đông mà không hề oán hận, ngược lại còn hết sức bình tĩnh suy xét, tại vì sao mọi người lại tật đố với mình, nhất định là có chỗ nào đó làm không đúng mới khiến mọi người bất mãn với mình. Cứ như vậy, đột nhiên ông nghĩ ra, không sai, mình đã quên mất rằng thu được lợi ích thì phải chia sẻ với mọi người, mình nên đem số tiền thu nhập kiếm thêm được mời mọi người ăn một bữa, mọi người đều nhận được lợi ích thì mới vui, chứ chỉ một mình mình được hưởng lợi, một mình mình vui vẻ thì không đúng, vậy nên mới dẫn đến bị trách móc.
Thật là khó tin cách nghĩ như vậy lại xuất phát từ tấm lòng của một cậu thiếu niên, điều này rất hiếm thấy ngay cả với người lớn. Ông có thể thản nhiên chịu đựng những lời trách móc và suy xét chỗ thiếu sót của mình khi ở trong nghịch cảnh quả là một cậu bé có căn cơ khá tốt, không tu đạo mà đã ở trong đạo, có bản tính lương thiện, biết suy xét và tha thứ cho người khác, mong muốn người khác được sống tốt.
Do đó mới nói, không phải ngẫu nhiên mà ở độ tuổi 70, với cương vị là chủ tịch, ông ấy có thể đối mặt với những lời chỉ trích mà thành tâm xin lỗi và hóa giải nguy cơ khủng hoảng ở cuộc hội đàm Atami được đề cập ở bài viết trước.
Sau sự việc thuốc lá, việc ông thiện đãi với khách hàng từ đó nhận được phúc báo một lần nữa lại cho thấy khả năng kinh doanh cao minh của ông.
(Còn nữa)
Ngày đăng: 26-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.