Giữ gìn đức liêm khiết và lòng chung thủy
Tác giả: Hoằng Nghị
[Chanhkien.org] Yến Anh là hiền thần nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, là người nước Tề thời Xuân Thu chiến quốc. Ngày nọ, Tề Cảnh Công là vua nước Tề muốn gả người con gái yêu cho Yến Anh, bèn đến nhà Yến Anh uống rượu. Khi rượu đã ngà ngà say, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Anh, liền hỏi: “Đây là thê tử của khanh à?”
Yến Anh trả lời: “Đúng vậy”. Cảnh Công nói: “Cô ta vừa già vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, muốn xin gả cho tiên sinh”.
Yến Tử (1) lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Vợ của tôi nay vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp tôi đã cùng nàng chung sống lâu dài. Khi nàng còn trẻ đẹp, nàng đã trao thân gửi phận cho tôi nguyện cùng tôi chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho tôi, và tôi đã tiếp nhận lòng tin cậy của nàng. Nay Quân vương muốn ban con gái của Ngài cho tôi, nhưng làm sao tôi có thể phụ bạc lòng tin của thê tử cho được?” Yến Tử bái mấy bái xin tạ ơn và từ chối.
Có một lần, Điền Vô Vũ gặp Yến Tử ở nhà một mình và một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản tiện, mái tóc đã bạc. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Tử, nói: “Người đàn bà đó là ai vậy?”
Yến Tử trả lời: “Là thê tử của ta”.
Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn đầu triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”
Yến Tử trả lời, “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là xa rời đạo đức. Yến Anh ta làm sao có thể hành vi dâm loạn, bất chấp nhân luân, chà đạp đạo đức cổ kim như thế được?”.
Một lần khác, có một thợ khéo là nữ nhân xin làm tôi tớ cho nhà Yến Tử, nói rằng: “Tôi là dân thường đến từ cửa đông thành, mong được gửi thân nơi nhà Ngài, xin được làm hầu thiếp”.
Yến Tử nói: “Đến hôm nay ta mới nhận ra mình không phải là kẻ hiền đức! Thời xưa kẻ chấp chưởng việc triều chính, đều để nhân sỹ, nông phu, nhân công, lái buôn ở tại chốn riêng biệt, nam nữ phân biệt không giao vãng với nhau. Thế nên nhân sỹ không phạm điều tà ác, nữ nhân không phạm điều dâm ô. Ngày nay ta quản lý quốc gia trăm họ, lại có nữ nhân muốn làm người của ta, nhất định là do ta có biểu hiện háo sắc, có hành vi không liêm chính”. Vì thế không tiếp nạp nữ nhân này.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/12/5/41195.html
http://www.pureinsight.org/node/4357
Chú thích
(1) “Tử” là cách gọi tôn trọng đối với người đàn ông trưởng thành, có thành tựu thời xưa. Ví dụ Khổng Khâu được gọi là Khổng tử, Mạnh Kha được gọi là Mạnh tử… Ở đây Yến Anh được gọi là Yến tử
Ngày đăng: 28-10-2009
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.