Gương người xưa: Cuộc đời thanh bạch của Trương Tri Bạch



Tác giả: Chân Ngôn

[Chanhkien.org] Trương Tri Bạch, tự là Dụng Hối, là người ở đất Thương Châu, thời Bắc Tống. Năm Đoan Củng thứ hai, ông thi đỗ Tiến Sĩ, rồi làm quan đến chức Ngự Sử.  Năm Thiên Thánh thứ ba (năm 1025), ông đảm nhiệm chức vụ Tể Tướng.  Năm Thiên Thánh thứ sáu, ông qua đời, được truy tặng chức Thái Phó, với thụy hiệu là Văn Tiết.

Trương Tri Bạch lúc bình thường sống rất thanh bạch và cần kiệm. Khi ông lên làm Tể Tướng, cuộc sống cũng giản dị, chất phác giống như những người dân bình thường. Tuy vậy tự  bản thân ông cũng cảm thấy vui vẻ và rất đầy đủ. Có người khuyên ông nên thay đổi cuộc sống cho hợp với chức vụ để khỏi bị xem là giả dối bề ngoài.  Người thân cận ông cũng nói : “Lương bổng của ngài rất cao, nhưng cuộc sống của ngài lại rất thanh bạch và cần kiệm.  Tại sao lại phải như vậy chứ?”

Trương Tri Bạch trả lời: “Người ta nói rằng ‘sống thanh bạch, đạm bạc thì sự vui vẻ được lâu dài hơn’. Với lương bổng của ta, ta có thể chu cấp cho cả gia đình được ăn ngon, mặc đẹp một cách dễ dàng.  Nhưng ta thử nhìn qua sự thường tình của con người, từ cuộc sống cần kiệm đổi qua cuộc sống xa hoa thì rất dễ,  nhưng từ lối sống giàu có mà đi trở lại lối sống giản dị, đạm bạc thì rất khó.  Lương bổng của ta hôm nay có thể giữ được mãi mãi chăng?  Thân thể của ta có thể giữ mãi như thế này chăng? Nếu người nhà quen thói sống xa xỉ, một khi lương bổng của ta hết rồi, làm thế nào họ có thể lập tức hòa đồng với đời sống thanh đạm chứ?  Giả sử  ta có còn giữ chức vị hay không, còn sống hay không, thì cuộc sống của người nhà ta cũng không khác biệt, họ vẫn theo nếp sống bây giờ”.  Người ta nghe xong đều bội phục kiến thức sâu rộng và tầm nhìn xa của ông.

Sau này, khi Trương Tri Bạch lâm bệnh nặng, vua Tống Nhân Tông đến nhà thăm viếng.  Phu nhân của ông mặc áo vải, rất giản dị ra bái kiến nhà vua và mời vua Tống vào nhà ngồi. Tống Nhân Tông bước vào trong, nhìn qua thấy rèm cửa sổ và chăn màn trong phòng đã cũ rách,  nhà vua thở dài, rồi khen ngợi tính tình Trương Tri Bạch một lúc lâu.  Ngay sau đó vua Tống ra lệnh cho người hầu lập tức đem những đồ dùng mới tới thưởng nhà họ Trương.

Về sau, những ai tôn sùng những người đạo đức trong sạch, thường lấy Trương Tri Bạch làm gương mẫu.

(Theo PureInsight.org)



Ngày đăng: 25-10-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.