Cuộc đời của “Thần kinh doanh” Nhật Bản – Matsushita Kōnosuke (Phần 1): Kinh doanh, cốt là học cách làm người
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Matsushita Konosuke, người được tôn xưng là “Thần kinh doanh”, là nhà sáng lập ra tập đoàn xuyên quốc gia nổi tiếng trên thế giới Panasonic (tiền thân là Công ty công nghiệp điện tử Matsushita). Ông Matsushita Konosuke sinh năm 1894, hưởng thọ 94 tuổi. Trong con mắt của người dân thế giới việc kinh doanh của ông kỳ diệu giống như ý tưởng của Thần. Kỳ thực thời niên thiếu ông chỉ mới học hết lớp 4 cấp tiểu học, ông cũng từng trải qua hai lần học nghề. Tuy nhiên, chính vì ông không có tiền cũng không có bằng cấp nổi bật nên đến năm 23 tuổi ông đã bắt đầu khởi nghiệp. Cuộc đời của ông cũng vì thế mà tràn ngập màu sắc thần bí khó có thể tưởng tượng được. Kỳ thực, bí quyết thành công của ông vô cùng đơn giản, mọi người ai cũng đều biết, nhưng lại thường bị người ta không coi trọng và lãng quên.
Khởi đầu từ cuộc khủng hoảng “Hội đàm Atami”
Matsushita Konosuke được người đời sau sử dụng các loại thuật ngữ kinh doanh hiện đại nghiên cứu và tổng kết. Người ta cố gắng tìm kiếm những cách thức kinh doanh khéo léo từ hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của ông, nhưng lại bỏ qua điều quan trọng nhất. Một người không có học vấn cao, rốt cuộc dựa vào cái gì để có được năng lực và sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc như vậy, để rồi có thể lãnh đạo cả một tập đoàn lớn đến như thế? Để chúng tôi mở đầu câu chuyện từ một lần ông hóa giải thành công cuộc khủng hoảng của công ty, kể từ sau khi ông thôi giữ chức giám đốc ở tuổi 66.
Việc giải quyết sự việc lần này, không chỉ hóa giải được mối nguy mà còn khiến cho công ty càng ổn định vững chắc hơn, điều này đủ để thấy được uy tín sâu rộng của ông trong công ty. Cách ông giải quyết nguy cơ một cách đầy bất ngờ đã trở thành một bài học kinh doanh khiến tất cả các nhà kinh doanh có mặt khi ấy đều phải ngẫm nghĩ và cảm phục.
Sự tình là như thế này. Vào năm thứ 3 sau khi Matsushita thôi giữ chức giám đốc, cũng chính là năm 1964, khi thế vận hội Olympic Tokyo đang tới gần, công ty công nghiệp điện tử Matsushita triệu tập mở cuộc họp “Hội đàm Atami”.
“Hội đàm Atami”, là một lần họp khẩn cấp do công ty công nghiệp điện tử Matsushita triệu tập và chủ trì tại khách sạn của thành phố Atami tỉnh Shizuoka. Thành phần tham dự cuộc họp chủ yếu là các chủ cửa hàng và giám đốc của các công ty phân phối, đại lý chuyên kinh doanh sản phẩm của Matsushita trên toàn quốc. Mục đích của cuộc hội đàm là để cho nhân viên của Matsushita và các chủ kinh doanh sản phẩm của hãng có cơ hội ngồi lại cùng nhau, thu hẹp khoảng cách và có thể giao lưu chia sẻ trực tiếp với nhau.
Nhưng lại xuất hiện sự tình ngoài ý muốn, không chỉ không giao lưu chia sẻ được mà ngược lại vừa mới bắt đầu đã xuất hiện sự hỗn loạn.
Hóa ra các đại lý chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm của Matsushita và các công ty phân phối chính khác, phần lớn đều rơi vào tình trạng kinh doanh giảm sút và đang trải qua những ngày tháng gian nan. Rất nhiều người phàn nàn rằng, ở Nhật Bản những thiết bị điện chủ yếu mà các gia đình cần cơ bản cũng đã được phổ cập rồi, cho nên dù hiện tại có tiếp tục bán thiết bị điện tử của Matsushita thì cũng không bán được. Vì lo lắng bất an cho việc kinh doanh nên mọi người bắt đầu chĩa mũi nhọn nhắm vào Matsushita. Không lâu sau, giữa hai bên đã xảy ra mâu thuẫn rất khó giải quyết, và ngày càng trở lên tồi tệ hơn. Mỗi bên đều vì bảo vệ lợi ích của mình mà chỉ trích đối phương, không chịu nhường nhau.
Các chủ cửa hàng đem nguyên nhân kinh doanh giảm sút quy toàn bộ cho Matsushita. Có người nói rằng sản phẩm của Matsushita rất tệ; có người nói chỉ có Matsushita được hưởng lợi, thực sự rất kỳ lạ; cũng có người nói Matsushita không có thành ý, thái độ không tốt v.v. các loại cảm xúc và sự phẫn nộ đều biểu lộ ra. Nhưng bên phía Matsushita lại cho rằng việc kinh doanh sa sút là do chính những sai sót trong việc kinh doanh của bản thân bên bán hàng, không thể trách Matsushita. Cuộc hội đàm kéo dài hai ngày, gặp vô vàn trắc trở khó khăn, mâu thuẫn về cơ bản không cách nào hóa giải. Có vẻ như cuộc hội đàm lần này sẽ kết thúc trong thất bại.
Chỉ cần tưởng tượng thôi sẽ thấy hậu quả do sự mất lòng tin và oán trách lẫn nhau gây ra nghiêm trọng lớn cỡ nào.
Một lời nói của ông Konosuke đã hóa giải mối nguy
Chính trong thời khắc mối quan hệ giữa bên sản xuất của Matsushita và bên bán hàng đang trên bờ vực tan vỡ, mâu thuẫn được đẩy đến cực điểm thì một câu nói bất ngờ của ông Matsushita Konosuke – người đã thôi giữ chức giám đốc đã thay đổi hoàn cảnh nguy hiểm này một cách thần kỳ.
Matsushita nói rằng: “Hai hôm nay, chúng tôi đã trưng cầu rất nhiều ý kiến và cách nhìn của mọi người, đồng thời cũng suy xét kỹ lưỡng nhiều lần, cuối cùng chúng tôi thấy rằng trách nhiệm vẫn thuộc về công ty Matsushita, nguyên nhân nằm ở chỗ chúng tôi đây. Tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc, công ty Matsushita của chúng tôi, trong thời gian dài vừa qua đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chiếu cố và yêu mến của mọi người, chỉ tiếc là thuận theo thời gian trôi qua, trong vô thức chúng tôi lại có thể quên mất những quan tâm chiếu cố và sự yêu mến này”.
Chỉ với lời xin lỗi mở đầu này cùng với sự dũng cảm thừa nhận trách nhiệm và thái độ biết ơn tới khách hàng, trong nháy mắt đã khiến cho tâm phẫn nộ của mọi người dịu xuống và có thể bình tĩnh trở lại. Lời xin lỗi mang đầy thành ý và chân thành của ông đã làm xúc động đến tâm của mọi người và rồi ai nấy yên tĩnh lắng nghe ông nói.
Sau đó, ông vô cùng xúc động kể lại với mọi người về những cảm xúc của mình khi vừa mới bắt đầu khởi nghiệp. Ông nói khi đó bên cạnh mình chỉ có mấy người, từ lúc bắt đầu sản xuất đèn điện tới nay đã trải qua thời gian mấy chục năm rồi. Sở dĩ công ty có thể phát triển thành doanh nghiệp lớn như hôm nay, hoàn toàn nhờ vào mọi người năm đó liều mình giúp đỡ bán những sản phẩm thiết bị điện mà ông sản xuất ra, ông sao có thể quên những điều này.
Quay đầu nhìn lại quá khứ, Konosuke cảm thấy trăm thứ cảm xúc đan xen lẫn lộn. Những ân huệ và hỗ trợ nhận được trong lúc nguy nan và khó khăn gian khổ lúc khởi nghiệp, tất cả đều hiện lên rõ mồn một trong tâm trí, giọng nói của ông không khỏi nghẹn ngào, vừa nói vừa rơi nước mắt.
Mọi người nghe những lời ông nói như thể đột nhiên giật mình tỉnh giấc, cảm thấy xúc động sâu sắc, đúng vậy, từ khi nào, trong vô thức chúng ta đã quên mất ân nghĩa và mối quan hệ quý báu đã xây dựng nhiều năm nay. Chỉ vì lợi ích mà hôm nay chúng ta oán hận và làm tổn thương nhau, thực sự quá đáng xấu hổ. Thế là bản tính thiện lương của mọi người được khơi dậy, lần lượt tự suy xét lại bản thân. “Chúng tôi cũng không tốt, cũng có lỗi, mọi người chúng ta hãy cùng với Matsushita cố gắng nỗ lực nhé”.
Cứ như vậy, vừa mới đây hai bên còn đang oán hận không dứt, trong nháy mắt đã trở thành những người anh em thân thiết, gắn bó keo sơn và trở thành một tập thể đoàn kết tương trợ lẫn nhau.
Sau đó, ông đem chuyện xấu biến thành điều tốt, tổ chức lại các cửa hàng, lắng nghe ý kiến của mọi người, và thống nhất sắp xếp các thương nhân này thành một mạng lưới bán hàng hợp lý hơn trước.
Kinh doanh, cốt là học cách làm người
Việc giải quyết sự việc lần này chắc chắn đã giúp cho các thương gia có mặt ở hiện trường học được một bài học kinh doanh rất sâu sắc. Thái độ cảm ân, khiêm tốn, chân thành đối đãi với người khác, hun đúc nên nhân cách của bậc quân tử – kiểu nhân cách này, khi đứng trước lợi ích sẽ không quên đạo nghĩa căn bản làm người, đây mới là gốc rễ của năng lực lãnh đạo và năng lực kinh doanh to lớn của ông. Đả động đến nhân tâm, không phải là uy hiếp, tranh đấu, cũng không phải là dụ dỗ lợi ích mà là bản tính thiện lương.
Nói trắng ra, ông chẳng qua chỉ là lấy tấm lòng đối đãi với mình mà đối đãi với người khác mà thôi. Những gì mà người khác từng mang đến cho mình, từng khiến mình cảm động, đó chính là điều con người cần nhất. Khi người ta có khó khăn, đưa tay ra giúp đỡ, gánh vác trách nhiệm, chính là tấm lòng đơn giản như vậy.
Ông là người đứng đầu doanh nghiệp đại biểu cho các công ty của Nhật Bản, mà không hề ngạo mạn đặt mình ở vị trí bề trên. Ngược lại khi đối mặt với sự trách móc, Matsushita lại có thể dám tự xét lại bản thân rằng mình đã quên mất ân huệ từng nhận được, đồng thời cũng không bị lợi ích trước mắt ảnh hưởng đến bản tính làm người của mình, chỉ ở điểm này thôi đã khiến người ta thấy vô cùng kinh ngạc.
Khi còn đang còn giữ chức, ông không chỉ làm được cúi đầu khom lưng với các chủ tiểu thương và khiêm tốn rộng lượng, mà còn có thể ở trong khủng hoảng cũng không vì lợi ích của bản thân dễ dàng sa thải nhân viên! Ông cho rằng công ty thuộc về cộng đồng, chứ không phải một mình ông sở hữu, là để mang lại phúc lợi cho xã hội, do đó, cả cuộc đời ông đều đang thực hành hai chữ “đạo nghĩa”, mặc dù ông ấy không phải là Thần, nhưng gọi ông ấy là “thánh nhân” trong giới kinh doanh, cũng hoàn toàn xứng đáng.
Kỳ thực đạo kinh doanh của ông chính là đạo làm người, ông cho rằng đối với công ty kinh doanh thì con người là quan trọng nhất, nói cho cùng thì công ty kinh doanh tạo ra sản phẩm, mục đích là vì để có ích cho cuộc sống của con người, do đó ông đối đãi với người khác vô cùng nhân hậu.
Những tư tưởng này của ông lại không phải đến từ ngôi trường giáo dục danh tiếng không với tới được, mà là đến từ những trải nghiệm khi bắt đầu học nghề lúc chín tuổi, và do chịu ảnh hưởng từ cha mẹ của ông. Trong quãng thời gian học nghề tưởng chừng như rất gian khổ, không liên quan chút nào với ngành thiết bị điện đó, ông đã học được đạo trong kinh doanh có ảnh hưởng tới cả cuộc đời của mình.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/237773
Ngày đăng: 11-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.