Thành Cát Tư Hãn (13): Chinh phục Caucasus và Nam Nga – Kiến lập tứ Đại Hãn quốc
[ChanhKien.org]
Tháng 10 năm 1222, Thành Cát Tư Hãn hạ chiếu hồi sư. (Hình ảnh do Epoch Times chế tác)
Tháng 9 năm 1222, Thành Cát Tư Hãn vượt sông Amu Darya, đóng doanh trại tại phía đông thành Tát Mã Nhĩ Hãn, tháng 10 hạ chiếu hồi sư, đoàn thương nhân bị bắt làm tù binh đi thành hàng dài trước đại quân Mông Cổ, tiến về phía Bukhara (thuộc Uzbekistan ngày nay).
Mùa xuân năm 1223, tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan ngày nay, cách Bukhara hơn 600 cây số, Thành Cát Tư Hãn cử hành một lễ yết kiến lớn, rồi tiến hành một cuộc đi săn quy mô lớn tại phía bắc thảo nguyên Kyrgyzstan ngày nay, và ông cũng ở thảo nguyên Sở Hà tránh nóng suốt mùa hè năm đó.
Năm 1224, ông đến Thạch Hà (sông Irtysh) trú hạ (sống qua mùa hạ), tháng 2 năm sau trở lại hành cung Thổ La Hà (sông Tuul, nay thuộc bắc bộ của Mông Cổ). Sở dĩ hành trình trở về không nhanh không chậm, là bởi vì Thành Cát Tư Hãn còn đang chờ đợi Triết Biệt và Tốc Bất Đài đang thống lĩnh quân Mông Cổ chinh chiến ở đại lục Á-Âu.
Chinh chiến tại khu vực phía bắc của nam dãy núi Caucasus (Kavkaz)
Mùa xuân năm 1220, khi Thành Cát Tư Hãn lệnh cho Triết Biệt và Tốc Bất Đài truy kích Ma Kha Mạt của Hoa Lạt Tử Mô, thì từng nói với họ rằng, có thể kết thúc chiến tranh trong 3 năm, rồi sẽ từ thảo nguyên Kipchak trở về thảo nguyên Mông Cổ. Thảo nguyên Kipchak nằm ở miền Tây Nam nước Nga, và hạ du sông Volga. Hiển nhiên, là Thành Cát Tư Hãn muốn để Triết Biệt và Tốc Bất Đài hiểu thêm một bậc về tình hình đại lục Á Âu.
Bởi vậy, Triết Biệt và Tốc Bất Đài sau khi đuổi Ma Kha Mạt đến biển Caspi và bắt được mẹ cùng thê tử của ông ta, thì tiến về phía nam đến Iraq, sau khi tập kích chiếm được thành phố Khố Mộc, đánh mãi đến Ha Mã Đan (nay thuộc khu vực tây Iran) thì dừng lại. Sau đó tiến lên phía bắc, tiến sát đô thành Đại Bất Lý sĩ (Tabriz) của Azerbaijan, Quốc Vương Azerbaijan dâng vàng bạc xin hòa, thế là quân Mông Cổ rời khỏi biên giới nước này, và trải qua một mùa đông giá lạnh ở bình nguyên Mugan thuộc bờ tây biển Caspi.
Đầu năm 1221, Triết Biệt và Tốc Bất Đài phái một đội người và ngựa tiến vào bên trong lãnh thổ vương quốc Gruzia (còn gọi là Georgia). Nữ vương Gruzia vốn tưởng rằng quân Mông Cổ bởi vì trời giá rét sẽ không động binh, cho nên phái sứ giả đến hai nước là Azerbaijan và Giả Tật Liệt ước định vào mùa xuân cùng nhau chống lại quân Mông Cổ. Không ngờ, quân Mông Cổ đến trước. Tại Gruzia có hai bộ tộc Đột Quyết Man và Khúc Nhi Thắc theo Đạo Hồi vốn bị ức hiếp đã lâu, bởi vậy lũ lượt gia nhập đội quân Mông cổ, và làm người dẫn đường cho họ.
Quân Mông Cổ liền lấy hai bộ tộc đó làm tiên phong, tiến công Gruzia, rất nhanh chóng thẳng tiến đến thành Tbilisi (nay là thủ đô Tbilisi của Georgia). Nữ vương Gruzia vội vàng phái đội quân vạn người nghênh chiến. Hai đội quân tiên phong không địch lại được, khiến người Gruzia tưởng lầm là quân Mông Cổ không có gì là ghê gớm, vì thế trúng kế “Dụ địch thâm nhập” của quân Mông Cổ, rơi vào vòng mai phục, Triết Biệt dẫn binh diệt hơn một nửa quân địch. Bởi vì bản thân cũng bị tổn thương, thêm nữa ở Gruzia rừng cây rậm rạp, địa thế hiểm yếu, không thể tiến quân, Triết Biệt và Tốc Bất Đài liền quay trở về gần Đại Bất Lý Sĩ, Quốc Vương ở đây lại lần nữa dâng lên vàng bạc, quân Mông Cổ chuyển hướng tấn công Mã Lạp Cái (tức Maragheh thuộc Azerbaijan), chỉ trong mấy ngày thì thành bị hạ.
Tháng 3, quân Mông Cổ từ bỏ ý định tiến đánh Baghdad, lại đến Ha Mã Đan, tấn công quyết liệt ba ngày thì phá được thành. Họ tiếp tục quay về hướng bắc, lần thứ ba tiến vào Đại Bất Lý Sĩ của Azerbaijan, Quốc Vương cho tướng giữ thành, còn mình thì trốn đến chỗ khác. Quân Mông Cổ biết thành này phòng trì kiên cố, cho nên vơ vét tiền bạc rồi đi, nhưng đánh hạ được thành Tát Lạp Bặc ở gần đó (nay là Sarab thuộc đông Azerbaijan, Iran).
Tháng 10, quân Mông Cổ bắc tiến tấn công đô thành Allan của người Can Trát, họ nghe nói người Can Trát thường chiến đấu với người Gruzia, dũng mãnh thiện chiến, bởi vậy tìm kiếm vàng bạc rồi rời đi. Về sau, một lần nữa tiến vào bên trong Gruzia, Nữ Vương nước này vội vàng điều ba vạn quân chuẩn bị tham gia đội quân thập tự của Âu Châu để ngăn chặn quân Mông Cổ.
Triết Biệt, Tốc Bất Đài vẫn áp dụng theo phương pháp cũ, dụ địch xâm nhập sâu, đã tiêu diệt hơn phân nửa của ba vạn đại quân Gruzia, sau đó lại tiêu diệt kỵ binh tinh nhuệ của Gruzia. Quân Gruzia đành phải lui về giữ Tbilisi, đây chính là “Trận chiến Gruzia” trứ danh. Quân Mông Cổ vốn định tiến công Tbilisi, nhưng cân nhắc đến địa hình Gruzia núi cao rừng rậm, bất lợi đối với kỵ binh cơ động, cho nên tiếp tục chuyển sang tấn công phía bắc dãy núi Caucasus. Mãi đến năm 1243, do đại quân Mông Cổ một lần nữa tây chinh, Gruzia mới hoàn toàn thần phục đế quốc Mông Cổ, trở thành một nước chư hầu.
Đầu năm 1222, quân Mông Cổ từ bình nguyên Mugan ở phía nam Azerbaijan đi theo hướng đông tiến vào Thiết Lý Uông (nay là Syria), công phá thủ phủ của nó, rồi dự tính tiến công khe núi Darband. Theo mệnh lệnh của Thành Cát Tư Hãn, họ phải thừa thắng tiến lên phía bắc để tấn công Kipchak. Người Kipchak là một chi của các bộ lạc du mục Đột Quyết, lãnh địa của họ là ở phía Bắc của khu vực bao gồm biển Caspi, bắc Caucasus và Hắc Hải, phía đông tiếp giáp bộ lạc Khang Lý (phía bắc biển Aral), Bắc tiếp với vương quốc Kiev Rus, phía Tây là các nước Hungary v.v.
Dãy núi Caucasus địa thế hiểm trở, rất khó vượt qua, mà cửa ải Darband là cửa khẩu trọng yếu phía nam của người Ba Tư để phòng ngự các dân tộc phương bắc xâm nhập, vào thời Alexander đại đế có xây thành Darband, được gọi là “Cổng sắt lớn Alexander”. Vì để thông qua cửa ải hiểm yếu này, người Mông Cổ cưỡng ép nước Thiết Lý Uông phải đưa các quý tộc tới dẫn đường, họ chọn tuyến đường đi theo bờ tây của biển Caspi lên phía bắc, nên đã thuận lợi vượt qua.
Sau khi quân Mông Cổ tiến vào lưu vực sông Tanarek ở phía bắc Caucasus, người A Lan liên kết với người Kipchak và các bộ tộc khác chặn đánh người Mông Cổ. Hai quân giao chiến, chưa phân thắng bại. Triết Biệt xem xét kỹ tình thế ta ít địch nhiều, biết không thể địch nổi, liền áp dụng sách lược phân hoá. Ông phái sứ giả mang lễ vật đi gặp thủ lĩnh của bộ tộc Kipchak, nói: “Chúng ta là người cùng một bộ lạc (tức là chủng Đột Quyết), đều từ cùng một dòng tộc mà ra, hà tất lại trợ giúp người A Lan tộc khác. Chi bằng bắt tay giảng hòa, chúng tôi nguyện lấy vàng bạc đem tặng”.
Người Kipchak vì thế mà thay đổi, liền rời bỏ đồng minh mà đi. Quân Mông Cổ thừa cơ tiến công, đại phá liên quân A Lan, các bộ tộc ở khu vực vùng núi Caucasus lần lượt đầu hàng chấp nhận thua trận. Sau khi giành được thắng lợi, Triết Biệt và Tốc Bất Đài lại bất ngờ tiến công bộ tộc Kipchak đang không có chút gì phòng bị. Họ tuyên bố: Khu vực Kipchak là đất phong của Thuật Xích – con trưởng của Đại Hãn Mông Cổ, cho nên tất cả người Kipchak và các dân tộc khác trên đất này đều là thần dân Mông Cổ, đều phải chịu sự thống trị của Thuật Xích. Người Kipchak không phục, nhao nhao chạy trốn.
Bộ tộc Kipchak có thủ lĩnh tên là Ca Địch Diên, từng đem con gái gả cho công tước Michis, công quốc Garis của nước Nam La Tư (tức nước Nga ngày nay), Ca Địch Diên dẫn thuộc hạ chạy trốn tới Kiev thỉnh cầu xuất binh tương trợ. Còn quân Mông Cổ thì theo đuôi Ca Địch Diên tiến vào bên trong vương quốc Kiev Rus.
Trận chiến sông Kalka và đại thắng liên quân Kiev Rus
Tại sao bộ tộc Kipchak lại có quan hệ thông gia với Nam La Tư (nam Rus)? Điều này phải bắt đầu từ lịch sử xa xưa. Ngay từ thế kỷ 1 sau Công nguyên, người Slav đã sinh sống ở lưu vực sông Dnepr, sông Oder, sông Wisla, sông Bug thuộc trung và Đông âu. Đến thế kỷ 6, người Slav phân thành Đông Slav, Tây Slav và Nam Slav, người Đông Slav chủ yếu sinh sống ở một dải từ Kiev đến hồ Ilmen, và trở thành tổ tiên của người Nga, người Belarus và người Ukraine.
Thế kỷ 7 đến thế kỷ 8, người Đông Slav đã hình thành một quốc gia thực thể lấy Kiev và Novgorod làm trung tâm. Thế kỷ 9, Hoàng tử Lukri của Novgorod chinh phục Kiev và các công quốc ở bờ tây sông Dnerp, tạo thành một đại công quốc lấy Kiev làm trung tâm, người thống trị xưng là Đại công tước, quốc gia gọi Kiev Rus. Lukri đem quốc thổ chia làm mấy nước, rồi phân chia phong chức mà trị, lấy Kiev làm đô thành.
Thế kỷ 10, Kiev Rus tiếp nhận chính giáo phía đông từ đế quốc La Mã lân cận ở phía đông. Kiev Rus tại thời đại Yaroslav thống trị dần dần cường thịnh. Thế kỷ 12, Kiev Rus phân chia thành hơn 10 công quốc nhỏ. Thế kỷ 13, các công quốc ấy lúc phân lúc hợp, hỗn chiến lẫn nhau, khi đó toàn bộ lãnh thổ Kiev Rus không lớn, biên giới phía đông không vượt qua sông Hanga – một nhánh của sông Volga. Bởi vì người Kipchak trên thảo nguyên Trung Á thường xuyên quấy nhiễu trong đất Kiev Rus, cho nên các đại công tước ở khu vực nam bộ của Kiev Rus vì để tránh bị xâm nhiễu và chống cự lại các công quốc khác, nên đã lựa chọn làm thông gia với các bộ tộc Kipchak .
Sau khi thủ lĩnh Ca Địch Diên của bộ tộc Kipchak chạy tới Kiev Rus để cầu viện sự giúp đỡ của con rể, đại công tước Mstislav Mstislavich liên lạc với các vương công ở miền nam Kiev Rus. Sau khi thương thảo, họ nhất trí quyết định cùng nhau chống lại người Mông Cổ, hơn nữa muốn chủ động tấn công và muốn ngăn chặn từ ngoài biên giới.
Triết Biệt và Tốc Bất Đài nghe nói người Kiev Rus chuẩn bị liên hợp công kích quân Mông Cổ, liền phái sứ giả đến Kiev hội kiến các vị vương công. Sứ giả bày tỏ rằng Mông Cổ không có ý đồ xâm chiếm Kiev Rus, chỉ là thảo phạt người Kipchak, huống hồ người Kipchak hàng năm quấy nhiễu biên giới Kiev Rus, chi bằng cùng Mông Cổ hợp binh cùng thảo phạt người Kipchak, cùng chia thành quả. Các vương của Kiev Rus không nghe theo, còn giết chết sứ giả Mông Cổ.
Thế là Triết Biệt và Tốc Bất Đài quyết chí tấn công địch, vì muốn dụ quân địch rời xa biên giới, quân Mông Cổ rút lui đến sông Kalka (thuộc Ukraine ngày nay), đồng thời phái người chạy đến chỗ Thuật Xích trú đóng ở phía đông biển Caspi thỉnh cầu tiếp viện, Thuật Xích bèn chia già nửa quân số đi cứu.
Mùa xuân năm 1223, đại công tước Mstislav Mstislavich liên hợp với quân đội của các công quốc Kiev và quân của bộ tộc Kipchak, tạo thành mười vạn đại quân, đuổi theo đến sông Đông. Còn Triết Biệt và Tốc Bất Đài do viện binh đã tới, liền từ sông Kalka đi về hướng tây, một đạo quân qua sông Đông bày trận mà đợi, một đạo quân đến đông nam biển Azov, từ băng đến Hắc Hải, cướp bóc một trận lớn rồi quay về, hai đạo quân lại tái hợp. Do thấy tình hình chênh lệch quân số quá lớn, Triết Biệt và Tốc Bất Đài lại phái sứ giả đi gặp các vương công của Kiev Rus, cũng cam đoan “Tuyệt đối không xâm phạm, xin chớ dụng binh”. Các vương công của Kiev Rus cảm thấy người Mông Cổ chẳng qua cũng chỉ có vậy, thế là kiên quyết muốn đánh với người Mông Cổ một trận.
Thân vương Galich tự tin có thể chiến thắng quân Mông Cổ, dẫn đầu thuộc hạ và hơn vạn kỵ binh vượt qua phía đông sông Dnepr, đánh tan được quân tiên phong Mông Cổ, các vương khác cũng theo đó qua sông, mà quân Mông Cổ vừa đánh vừa rút lui. Liên quân Kiev Rus sau khi truy đuổi 12 ngày, thì tới bờ sông Kalka, lúc này, quân Mông Cổ đã trận địa sẵn sàng đón chờ quân địch. Hai quân đối diện cách nhau con sông.
Liên quân Kiev Rus chia làm 2 khu nam bắc đóng quân, đạo quân phía Nam gồm quân Kiev và quân Chernigova, đạo quân phía Bắc gồm quân Gariz và quân Kipchak. Triết Biệt phái ra 6 ngàn kỵ binh giả vờ đánh liên quân, tiến công không thắng lại giả vờ thua trận chạy, các vương trẻ tuổi của liên quân Kiev Rus thì thừa thắng xông lên. Thân vương Galich nóng lòng tiêu diệt người Mông Cổ mà coi thường quân địch nên liều lĩnh tiến lên, chỉ huy đội quân phía Bắc vượt qua sông trước.
Ngày 31/5/1223, quân Mông cổ và đội quân phía Bắc của Kiev Rus có một trận đại chiến bên bờ sông Kalka. Quân Mông Cổ cắt đứt đường lui của đội quân phía Bắc, cũng vì tấn công mạnh mẽ nên đã làm vỡ tung đội quân này của Kiev Rus. Đội quân phía Bắc đại bại, Thân vương Galich sợ tới mức vứt bỏ lại tướng sĩ, một mình chèo thuyền sang bờ bên kia trốn thoát, đồng thời đem toàn bộ thuyền bè trên sông Kalka thiêu hủy đề phòng quân Mông Cổ truy kích. Kết quả, Bắc quân của Kiev Rus gần như bị tiêu diệt toàn bộ, người ta nói trong số đó có 6 vị quý tộc.
Đội quân phía Nam của Kiev Rus ở bờ bên kia đối diện tận mắt chứng kiến sự thất bại của đội quân phía Bắc, nhưng án binh bất động, chỉ mong phòng ngự được. Còn quân Mông Cổ sau khi đánh bại Bắc quân, thừa thắng đưa quân vượt sông. Đội quân phía Nam hai mặt trước sau đều có địch, cho nên vội vàng chống cự được ba ngày thì đầu hàng.
Trong trận chiến sông Kalka, liên quân của Kiev Rus tổn thất 7 vạn quân, có 6 vị vương công bị xử tử, và 70 quý tộc tử trận. Quân Mông Cổ nhờ áp dụng các loại chiến thuật đánh phá nên đã giành được thắng lợi to lớn.
Sau đó, quân Mông Cổ tiến quân thần tốc vào trong Kiev Rus, còn tiến vào bán đảo Crưm, nhanh chóng đánh chiếm được Hắc Thành. Có điều, quân Mông cổ không tiến thêm một hành động nào đối với Kiev Rus.
Mùa đông năm 1223, Triết Biệt và Tốc Bất Đài phụng chỉ của Thành Cát Tư Hãn quay về đông, dọc đường qua nơi sinh sống của bộ tộc Bất Lý A Nhĩ (nay là Tatarstan thuộc Nga). Người Bất Lý A Nhĩ dẫn quân ngăn trở, quân Mông Cổ lấy đội quân phục kích tiêu diệt toàn bộ người Bất Lý A Nhĩ, cuối cùng Bất Lý A Nhĩ thuần phục Mông Cổ. Sau đó quân Mông Cổ còn hàng phục người Tát Khắc Tân ở khu vực biển Caspi. Tiến đến là bộ tộc Khang Lý, thủ lĩnh bộ tộc Khang Lý đem quân chống cự, sau khi bại trận mới đầu hàng Mông Cổ.
Năm 1224, Tốc Bất Đài mang theo rất nhiều chiến lợi phẩm, dẫn quân về hội sư với Thành Cát Tư Hãn ở khu vực phía tây Mông Cổ, Triết Biệt thì phụng mệnh ở lại trấn giữ thảo nguyên Kipchak. Không lâu sau, kiêu tướng đã nhiều lần lập được chiến công Triết Biệt qua đời vì bạo bệnh tại đất Khang Lý ở phía tây biển Aral.
Khúc nhạc dạo đầu cho cuộc chinh phục Âu Châu của Mông Cổ
Hai vị tướng Triết Biệt và Tốc Bất Đài trong khi phụng mệnh đi truy kích Ma Kha Mạt của Hoa Lạt Tử Mô, chinh chiến dọc suốt dãy núi Caucasus, thậm chí phía bắc lên đến tận lưu vực sông Đông và sông Dnepr, liên tục suốt 3 năm, với hành trình hơn 5,000km, có thể nói là chiến thắng dồn dập. Không chỉ chinh phục 14 nước, phá hơn 40 tòa thành, diệt gần 17 vạn quân địch, hơn nữa còn khiến cho các nước Trung Á như Azerbaijan, Gruzia, Rus,v.v và người dân Âu Châu biết đến uy danh của Thành Cát Tư hãn và người dân Mông Cổ. Có thể nói, cuộc trinh sát bằng vũ lực của họ tới khu vực Âu-Á là khúc nhạc dạo đầu cho cuộc chinh phục Âu Châu sau này.
Trong 3 năm chinh chiến, Triết Biệt và Tốc Bất Đài đã vận dụng các chiến thuật chủ yếu trong tác chiến như: Truy kích chiến, phục kích chiến, vây thành chiến, tập kích chiến, vận động chiến, tiêu diệt chiến và phân hóa tan rã kẻ địch, tiêu diệt từng bộ phận,v.v. Mà đây cũng là những chiến thuật mà Thành Cát Tư Hãn đã vận dụng trong khi công chiến với Hoa Lạt Tử Mô và các thành phố Trung Á khác.
Lần đầu tiên Tây chinh có một kết thúc
Năm 1219, Thành Cát Tư Hãn phát động chinh chiến với nước Hoa Lạt Tử Mô, đến năm 1225 thì quay trở về Mông Cổ, lần đầu tiên Tây chinh để người Mông Cổ tấn công các nước tiểu Trung Á, đập tan liên quân Kiev Rus, có một kết thúc uy chấn Trung Á và khu vực Đông Âu. Những nơi quân Mông Cổ đi qua bao gồm miền đông của Âu Châu, phía bắc của Iran và một khu vực rộng lớn của Ấn độ ngày nay, phạm vi rất rộng, ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử thế giới, là điều hiếm có. Thắng lợi mà quân Mông Cổ giành được hiển nhiên không thể tách rời con mắt chiến lược và quyết sách đúng đắn của Thành Cát Tư Hãn.
Nói một cách cụ thể, trong cuộc Tây chinh này, về mặt chính trị, Thành Cát Tư Hãn đã giành được sự hàng phục của các nhân vật đại biểu cho quý tộc, quan lại, lãnh tụ tôn giáo, thủ lĩnh quân sự,v.v. Về mặt quân sự, nhằm thẳng vào đặc điểm phòng thủ của quân coi giữ, căn cứ tình huống khác nhau mà áp dụng các chiến thuật như vây thành, đột nhiên tập kích, vận động chiến,v.v, để đánh bại đối phương. Đồng thời thực thi biện pháp dùng cả ân và uy, áp dụng chính sách đối đãi khác nhau với người đầu hàng và người chống cự, với quân nhân và dân thường. Các nghệ nhân và các phần tử trí thức đều được chọn lựa ra, hoặc theo quân phục dịch, hoặc đưa về Mông Cổ. Mà những người này sau khi trở về đế quốc Mông Cổ, một bộ phận dân tộc Trung Á đã phân tán khắp nơi ở Trung Quốc dần dần đồng hóa với các dân tộc trong Trung Quốc; một bộ phận dân tộc Trung Á khác tập trung cư ngụ tại vùng tây bắc Trung Quốc tạo thành bộ phận chính của dân tộc Hồi.
Còn như có một số ít người Hán hoặc người đã Hán hóa trong quân đội Mông Cổ, được lựa chọn lưu lại tại vùng đất bị chinh phục, ở nơi đó sinh sôi nảy nở, cũng đem văn hóa Trung Hoa truyền bá ra bên ngoài.
Tây chinh cũng khiến cho đế quốc Mông Cổ từ quốc gia đến cá nhân đều tăng thêm tài phú, nhiều phương diện như kỹ thuật quân sự, kỹ thuật sản suất, quản lý xã hội và văn hóa của Mông Cổ cũng được tăng lên mạnh mẽ. Điều quan trọng hơn là, cuộc tây chinh của Thành Cát Tư Hãn đã tiêu trừ hàng rào cản trở sự câu thông kinh tế văn hóa giữa Đông và Tây phương, rút ngắn khoảng cách thông thương, và quan hệ qua lại giữa Đông- Tây phương đã bắt đầu tấp nập.
Phân phong vùng đất chinh phục được – xây dựng 4 nước Đại Hãn
Sau khi Thành Cát Tư Hãn giành được thắng lợi, năm 1225, ông đem đất đai chinh phục được phân đất phong hầu cho ba người con trai của mình. Ba chi dòng tộc Thuật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài gọi là các Vương phía Tây.
Con trưởng Thuật Xích được phong Kipchak, Hoa Lạt Tử Mô và đất cũ là nước Khang Lý, một vùng thảo nguyên Kipchak nằm giữa dải sông Đông và sông Volga ở phía tây biển Aral, phía bắc biển Caspi đều thuộc Thuật Xích. Thuật Xích qua đời trước Thành Cát Tư Hãn, đất phong này thuộc về con của ông là Bạt Đô. Bạt Đô sau đó mở rộng địa bàn, trên cơ sở đó thành lập “nước Kipchak Hãn”. Nước Hãn này cách đô thành Mông Cổ mấy vạn dặm, ngựa trạm tốc hành cũng phải mất hơn 200 ngày.
Lãnh địa mà con thứ Sát Hợp Đài được nhận từ đất cũ Tây Liêu và nước Úy Ngột Nhi vươn xa đến tận Tát Mã Nhĩ Hãn và Bố Cáp Lạp, bao gồm cả khu vực nam và bắc của Thiên Sơn, và lưu vực của sông Yuletus và sông Manas cho đến khu vực giữa hai con sông ở Trung Á là sông Amu Darya và sông Sry Darya ngày nay (thời kỳ mạnh nhất là từ dãy núi Altai đến biển Aral). Năm 1222, thành lập nước Hãn Sát Hợp Đài, lúc mới đầu đóng đô ở Huyasi gần Alimari (Gulza), chính là tây bắc thị trấn Thủy Định huyện Hoắc Thành, Tân Cương ngày nay.
Lãnh địa của con trai thứ ba Oa Khoát Đài là đất cũ Nãi Man, nay là một dải phía tây thượng du sông Obi đến phía đông hồ Baikhah đều thuộc về Oa Khoát Đài. Năm 1225, thành lập nước Hãn Oa Khoát Đài.
Theo lệ cũ của Mông Cổ, sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, con út Đà Lôi sẽ được nhận lãnh địa trực tiếp từ cha, chính là vùng trung tâm Mông Cổ ở dải sông Oran và sông Kelulian, sau này trở thành cương vực của triều Nguyên.
Các nước Hãn do con cháu của Thành Cát Tư Hãn kiến lập và nắm giữ, đã thúc đẩy có hiệu quả sự câu thông giữa phương Đông và phương Tây. Mà quy chế của hội nghị Hốt Lý Lặc Đài sau này cũng được mở rộng cho việc thống trị những nước Hãn này, bao gồm việc bầu chọn Hãn Mông Cổ, bàn bạc quyết định những việc quân sự và chính trị lớn, ký kết hiệp ước đồng minh giữa các nước Hãn,v.v.
Bản gốc: https://www.epochtimes.com/b5/20/11/30/n12585408.htm
(Còn tiếp)
Ngày đăng: 18-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.