Thành Cát Tư Hãn (5): Xưng hùng trên thảo nguyên



[ChanhKien.org]

Người anh hùng trên thảo nguyên Thiết Mộc Chân (Ảnh: Epoch Times)

Trải qua hơn hai mươi năm nỗ lực, Thiết Mộc Chân ngoài việc trở thành thống soái quân sự ưu tú nhất trên thảo nguyên, ông còn chinh phục được đại bộ phận các bộ lạc Mông Cổ, ngoại trừ bộ tộc Ông Cát Lạt Dịch của tộc Đông Hồ (tộc mẫu của Bật Tê), bộ tộc Nãi Man và bộ lạc Khắc Liệt Diệc Dịch.

Một số thủ lĩnh của các bộ lạc bị chinh phục đã được bộ tộc Nãi Man và bộ lạc Khắc Liệt Diệc Dịch bảo hộ, có thể khiến cho các bộ tộc Mông Cổ nổi lên làm loạn bất cứ lúc nào. Đặc biệt, Vương Hãn của Khắc Liệt Diệc Dịch đã chấp nhận sự đầu hàng của Trát Mộc Hợp và coi ông ta như một thượng khách, cũng đưa toàn bộ thuộc hạ và tài sản của Trát Mộc Hợp về phía tây. Bộ lạc này luôn có ý định phản bội Thiết Mộc Chân. Tuy nhiên, Thiết Mộc Chân vẫn cử sứ giả đến vấn an Vương Hãn như thường lệ.

Chinh phục bộ tộc Khắc Liệt Diệc Dịch

Để củng cố quan hệ thân thiết giữa hai bên, năm 1203 Thiết Mộc Chân thỉnh cầu liên hôn với Vương Hãn, xin Vương Hãn gả con gái cho con trai trưởng Truật Xích của mình. Vương Hãn lấy lý do Thiết Mộc Chân là con nuôi, Truật  Xích thuộc thế hệ cháu, con gái của ông là cô của Truật Xích để từ chối. Ngay lập tức, Thiết Mộc Chân lại đưa ra đề nghị, hy vọng đem con gái của mình là Hỏa Thần Biệt Cát gả cho cháu của Vương Hãn Thốc Táp Hợp. Nếu Vương Hãn đồng ý lời cầu hôn, tức là thừa nhận Thiết Mộc Chân có địa vị cao hơn Trát Mộc Hợp.

Con trai trưởng Truật Xích của Thành Cát Tư Hãn (Ảnh: Betta 27/Wikimedia commons)

Khi Vương Hãn có ý định đồng ý, Trát Mộc Hợp đã gièm pha rằng, con gái Hỏa Thần Biệt Cát của Thiết Mộc Chân đã xấu xí lại kiêu ngạo, khó có thể lấy làm thê, còn nói Thiết Mộc Chân phái sứ giả đến cầu hôn, tuy ngoài mặt là cầu hôn, thực chất bên trong thuyết phục các tướng sĩ Mông Cổ đầu quân cho Thiết Mộc Chân. Vương Hãn tin những lời đó là thật, rất tức giận, liền từ chối hôn sự, có điều ông cũng không nghe theo kiến nghị của Trát Mộc Hợp và không định dùng binh đối với Thiết Mộc Chân.

Vương Hãn nói với Trát Mộc Hợp, phụ tử Thiết Mộc Chân và Dã Tốc Cai đều có ân với mình, bản thân cũng muốn báo đáp đại ân của họ, muốn chính thức nhận Thiết Mộc Chân làm con trai, trở thành huynh trưởng của Tang Côn, cùng nhau quản lý bộ tộc.

Trát Mộc Hợp sau khi hiểu được thái độ của Vương Hãn, liền thay đổi sách lược, chạy đến Tang Côn gièm pha, nói Thiết Mộc Chân và bộ tộc Nãi Man có ước định, mưu đồ đối với Vương Hãn, muốn ra tay trước để (chiếm ưu thế) mạnh hơn. Tang Côn nghe và tin theo lời gièm pha, quyết định cùng với Thiết Mộc Chân quyết đấu một trận. Ông ta âm thầm liên lạc với nhóm người của thúc phụ Trát Hợp Cảm Bất đã đầu hàng Thiết Mộc Chân. Vừa khớp lúc đó Trát Hợp Cảm Bất cũng muốn ly khai Thiết Mộc Chân để tự mình phát triển, đã đồng ý kế hoạch của Tang Côn, đồng thời đem tình hình đóng quân của năm đội quân ở phía tây của Thiết Mộc Chân nói cho ông ta.

Để được lệnh đồng ý xuất binh của Vương Hãn, Tang Côn trước mặt Vương Hãn nói đủ lời xấu về Thiết Mộc Chân. Lúc đó, Vương Hãn hoàn toàn không tin, cũng không định phái binh đánh Thiết Mộc Chân, nhưng lòng dạ không rộng lượng như ông ta cuối cùng lại tin theo những lời con trai nói, và cũng cho phép tùy ý hành động. Theo chủ ý của Tang Côn, Vương Hãn phái người đưa thư cho Thiết Mộc Chân, nói đã thay đổi suy nghĩ, đồng ý gả con gái cho Truật Xích, mời ông ta đến tham dự tiệc hứa hôn.

Tiệc hứa hôn tiếng Mông cổ gọi là “Bất ngột lặc trát nhi”, ý nghĩa là “cổ và yết hầu con dê”. Gân thịt chỗ cổ hầu con dê chắc, xương cổ cứng, biểu thị kiên cố lâu dài không xa rời. Trên bữa tiệc hứa hôn dùng món này, biểu thị hôn sự của hai bên không thay đổi, phu thê thành hôn trăm năm hòa hợp. Do đó ăn “bất ngột lặc trát nhi” cũng trở thành ý nghĩa của tiệc hứa hôn. Phong tục này còn lưu giữ đến ngày nay ở các vùng của Mông Cổ.

Sau khi nhận được thư mời, xuất phát từ sự tin tưởng đối với Vương Hãn, người đã là cha nuôi hơn 20 năm, Thiết Mộc Chân để lại quân đội, chỉ đem theo một số tùy tùng đến nơi yến tiệc, đồng thời định giải thích trước mặt nghĩa phụ, để tránh lời gièm pha ảnh hưởng quan hệ đôi bên. Chắc chắn rồi, nếu như hôn sự thành công, ông ta không chỉ đem bộ tộc của mình cùng bộ tộc Khắc Liệt Diệc Dịch thống nhất, mà tương lai có thể trở thành một trong những người kế thừa của Vương Hãn.

Nhưng, lúc ngủ đêm trên đường đi, Thiết Mộc Chân được biết tiệc hứa hôn là để mưu hại ông, Vương Hãn sớm đã bố trí xong quân đội, chuẩn bị sát hại ông và tiêu diệt toàn bộ gia tộc, đồng thời tập kích năm đội quân của ông đang đóng ở phía tây. Thiết Mộc Chân biết được Vương Hãn sẽ tập trung toàn bộ lực lượng, mà trước mắt người đơn lực mỏng, liền trốn chạy cùng tùy tùng ít trang bị trước khi Vương Hãn phái người đến bắt, cũng không quên phái người thông báo cho bốn đội quân nhanh chóng rút lui, đến địa điểm tập trung là nơi trú đông ở núi Mão Ôn Đô Nhi.

Thành Cát Tư Hãn và Vương Hãn. Thư viện quốc gia của nước Pháp cất giữ. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Khi Vương Hãn dẫn đội quân tinh nhuệ đến, phát hiện lều trướng trống không, Thiết Mộc Chân không biết chạy hướng nào. Ngoài đội quân Mông Lực Khắc và đội quân Hốt Diệc Lặc Đáp Nhi kịp chạy đến địa điểm trú đông ở núi Mão Ôn Đô Nhi ra, hai đội quân khác là Hợp Tát Nhi và Oa Khoát Đài đều bị quân của Vương Hãn vây khốn, ở vào tình thế không thể không đột phá vòng vây. Thiết Mộc Chân mới kịp hợp lại với đội quân của mình thì quân của Vương Hãn đã đến Hợp Lạt Hợp Lặc Chích Đặc trước núi Mão Ôn Đô Nhi rồi.

Thiết Mộc Chân phái đội quân Mông Lực Khắc hộ tống thê tử đi đến căn cứ phía đông là Bổ Ngư Nhi Hải, tức hồ BaiKal ngày nay, rồi phái Chủ Nhi Xa Đãi, Hốt Diệc Lặc Đáp Nhi làm tiên phong, dẫn quân bố trí thế trận, dùng các đội hình dày đặc, đón đánh quân Vương Hãn, cùng với quân tiên phong của Vương Hãn đánh nhau một trận, sử sách gọi là “trận chiến Hợp Lạt Hợp Lặc Chích Đặc”. Quân tiên phong của Vương Hãn bị tiêu diệt, nhưng đợt quân thứ hai của Vương Hãn kịp đến, liền xông vào trong quân của Hốt Diệc Lặc Đáp Nhi. Trong khi giao chiến, Hốt Diệc Lặc Đáp Nhi bị đâm ở trên lưng ngựa, may mắn có thuộc hạ đã liều chết cứu được. Chủ Nhi Xa Đãi phát hiện cánh quân bên trái của mình lộn xộn, lập tức phái binh chi viện, cuối cùng cũng đánh bại được đợt quân thứ hai.

Lúc này Tang Côn dẫn quân đến, ông ta nhìn thấy quân tiên phong bị đánh bại, không đợi Vương Hãn đến, dẫn hơn một nghìn kỵ binh hộ vệ lao vào chiến đấu. Chủ Nhi Xa Đãi biết Tang Côn, bắn một mũi tên về phía ông ta, mũi tên từ má bên trái xuyên qua má bên phải, Tang Côn lập tức ngã ngựa, tướng Khắc Liệt Chư chạy lại cứu ông ta và ra lệnh rút quân.

Lúc này Thiết Mộc Chân trong tay không còn binh để dùng, lại nhìn thấy trời đã tối, không tiện giao đấu lâu, nhân lúc thế tấn công của quân địch yếu, truyền lệnh rút quân, không được để lửa trong doanh trại, suốt đêm rời đi.

Đoàn người của Thiết Mộc Chân đi về hướng đông, ông để cho người già, trẻ nhỏ, người bị thương và bị bệnh đi trước, bản thân mình dẫn kỵ binh tinh nhuệ đi đoạn hậu, đồng thời thu nạp các binh sĩ thất tán. Trong quân thiếu lương thực, ông cho săn bắt dọc đường. Đi được ba ngày, Bác Nhĩ Thuật người phái đi thông báo cho Hợp Tát Nhi lui binh đuổi kịp. Ông nói với Thiết Mộc Chân, ông và Hợp Tát Nhi đã thoát ra khỏi vòng vây, đang lúc phóng nhanh thì con ngựa đang cưỡi bị quân địch bắn tên chết, ông ta cướp được con ngựa khác để chạy, nhưng tìm khắp nơi mà không thấy Hợp Tát Nhi. Khi đến núi Mão Ôn Đô Nhi, ông chỉ nhìn thấy quân của Vương Hãn, liền lần theo dấu vết mà tới. Tối hôm đó, Bác Nhĩ Hốt đem Oa Khoát Đài đã bị trúng tên về đến, Thiết Mộc Chân rơi nước mắt trị vết thương cho Oa Khoát Đài.

Đoàn người của Thiết Mộc Chân tiếp tục đi về phía đông, đến bờ hồ Ba Lặc Chử Nạp xa xôi, khu đó nằm ở đông bắc bộ Ô Chu Mục Tâm Kỳ. Còn Hốt Diệc Lặc Đáp Nhi vì phóng ngựa đuổi theo dã thú, nên vết thương do tên bắn tái phát mà chết. Thiết Mộc Chân khóc trong đau đớn và phát lời thệ, phải báo thù Vương Hãn.

Lúc đó, bên cạnh Thiết Mộc Chân chỉ còn lại 19 người, họ đến từ chín bộ tộc khác nhau, không cùng dòng máu và tín ngưỡng. Thiết Mộc Chân và 19 người tùy tùng trung thành cùng uống nước hồ đục ngầu, những người tùy tùng thề mãi mãi trung thành với ông, Thiết Mộc Chân cũng thề với họ, nếu như sau này thành tựu nghiệp lớn, đương khi cùng bọn họ đồng cam khổ, sẽ cho họ hưởng những quyền nhất định khác biệt với người khác. Đây là “thề ước Ba Lặc Chử Nạp” nổi tiếng trong lịch sử.

Thệ ước Ba Lặc Chử Nạp truyền đi nghĩa huynh đệ, vượt lên quan hệ huyết thống, chủng tộc và tín ngưỡng, nó tiến đến một loại quan hệ quyền lợi và nghĩa vụ được xây dựng trên cơ sở lựa chọn cá nhân và trung thành với nhau. Đây chính là cơ sở cho việc thống nhất nội bộ đế quốc Mông Cổ và phân chia địa vị sau này.

Đoàn người của Thiết Mộc Chân rời khỏi hồ Ba Lặc Chử Nạp, đi ngược lên phía bắc. Giữa lúc đó, ông phái người đi đến bộ tộc Ông Cát Lạt Dịch chiêu hàng. Bộ tộc Ông Cát Lạt Dịch biết nếu như không đầu hàng thì cũng khó tự bảo vệ. Họ tiến cử nhạc phụ của Thiết Mộc Chân là Đức Tiết Thiền làm thủ lĩnh mới, từ đó quy thuận Thiết Mộc Chân. Mặt khác, ông phái sứ giả gửi lời khiển trách đến Vương Hãn và Trát Mộc Hợp, cũng gửi đi tin tức báo chuẩn bị phản công tới các thuộc hạ phân tán của mình. Quân đội mà ông áp dụng biên chế mới để tổ hợp cũng dần dần theo lên kịp, lại một lần nữa tụ họp dưới trướng của ông. Bọn họ đến gần hồ Hô Luân, nghỉ ngơi dưỡng sức, đợi thời cơ cùng Vương Hãn quyết chiến.

Vương Hãn nhận thấy đã xua tan được thuộc hạ của Thiết Mộc Chân, hơn nữa Thiết Mộc Chân còn đang ở miền đông xa xôi, cho nên không những không đề phòng, mà còn tổ chức yến tiệc ăn mừng ở trong trướng vàng. Nghe được tin tức này, Thiết Mộc Chân quyết định dùng phương thức tập kích bất ngờ tấn công. Ông dẫn quân thần tốc tiến lên, ngựa chạy không ngưng nghỉ, tiêu diệt tất cả các trạm canh gác của Vương Hãn trên thảo nguyên, khiến cho tin tức tiến quân không bị lộ. Quân của Thiết Mộc Chân nhanh chóng bao vây doanh trại của Vương Hãn, mà lúc đó, binh sĩ của bản doanh Vương Hãn mới phát hiện ra kẻ địch.

Thiết Mộc Chân ở bên ngoài doanh trại, kêu gọi phụ tử Vương Hãn ra ngoài, phụ tử Vương Hãn không nghe, Thiết Mộc Chân hạ lệnh tấn công cùng lúc tứ phía. Bên ngoài doanh trại của Vương Hãn có xây dựng hàng rào, quân của Vương Hãn đã lấy đó làm bình phong để chống lại, không dễ đột phá. Trải qua ba ngày chiến đấu ác liệt, người của Khắc Liệt Diệt Dịch bị đại bại, trong đại bản doanh có tiếng hô lớn xin đầu hàng, Thiết Mộc Chân liền ra lệnh những người đầu hàng 100 người thành một nhóm, tay không lần lượt đi ra khỏi doanh trại, kiểm đếm số người hoàn tất, không hề thấy phụ tử Vương Hãn, hỏi tướng đầu hàng, mới biết họ đã trốn từ ba ngày trước.

Có điều, kết cục của hai người đều không tốt, Vương Hãn chạy tới bộ lạc Nãi Man tránh nạn, nhưng ở biên giới Nãi Man đã bị gian tế giết chết. Tang Côn chạy về hướng nam đến Tây Hạ, giữa đường bị người hầu vứt bỏ, chết khát ở giữa sa mạc. Người hầu này chạy tới chỗ Thiết Mộc Chân đầu hàng thì bị ông giết chết, bởi vì Thiết Mộc Chân ghét nhất người không trung thành, còn Trát Mộc Hợp dẫn một số thuộc hạ chạy đến lãnh địa của Nãi Man.

Đến lúc này, bộ tộc Khắc Liệt Diệc Dịch hùng mạnh đã bị chinh phục, do giữa bộ lạc Khắc Liệt và Thiết Mộc Chân không có thù địch thực sự, quân đội, quý tộc, đất đai, tài vật của họ đều được Thiết Mộc Chân thu nạp. Từ đó Thiết Mộc Chân chiếm cứ thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ có nguồn nước và đồng cỏ tốt tươi, thực lực và uy danh của ông nhanh chóng tăng lên. Nãi Man trở thành một trong ba bộ lạc cuối cùng chưa bị Thiết Mộc Chân đánh bại. Những quý tộc các bộ lạc bị đánh bại dưới tay của Thiết Mộc Chân trước sau tập hợp về Hãn Đình của Nãi Man, ý đồ nhờ họ đoạt lại gia súc và cánh đồng cỏ đã mất, nhưng nguyện vọng của bọn họ có được như ý không?

Thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ (Ảnh: Shutterstock)

Áp dụng chiến thuật mới với bộ tộc Nãi Man

Thắng lợi của Thiết Mộc Chân khiến người Nãi Man vô cùng lo lắng, bọn họ tập trung lực lượng, tìm kiếm đồng minh trong các bộ lạc có thù địch với Mông Cổ, tấn công Thiết Mộc Chân, nhưng kế hoạch của bọn họ bị bại lộ. Vì để phòng ngừa thế lực các bộ lạc của Mông Cổ phản loạn, ngày 16 tháng 4 đầu hạ năm 1204, Thiết Mộc Chân cho Triết Biệt, Hốt Tất Lai làm tiên phong, đi trước đánh bộ tộc Nãi Man, nơi quyết chiến tại thảo nguyên Đạt Tát A Lí. Cân nhắc đến việc bản thân từ xa đến, binh mã nhân lực ít hơn so với đối phương, Thiết Mộc Chân liền cho mỗi người lính đốt năm đống lửa, để che đậy quân số thực của bọn họ, điều này khiến cho người Nãi Man tưởng là “quân đội của người Mông Cổ bố trí khắp thảo nguyên Đạt Tát A Lí, lửa (doanh trại có đốt lửa của bọn họ) còn nhiều hơn cả sao trên trời!”

Kế sách này phát huy tác dụng, làm chậm lại cuộc tiến công của người Nãi Man. Nhận định hỗn loạn về thực lực của người Mông Cổ cũng dẫn đến mâu thuẫn trong các thủ lĩnh người Nãi Man. Bô lão của Nãi Man, “Thái Dương Hãn” sau khi nghe được báo cáo, trong lòng sinh ra khiếp sợ, bày tỏ sự lo lắng đối với con trai mình là Cổ Xuất Lỗ Khắc Hãn, dự định không trực tiếp giao chiến với những người Mông Cổ cứng rắn nữa, mà rút lui về A Lặc Thái sơn, rồi dẫn dụ người Mông Cổ vào sâu trong đất Nãi Man, sau đó sẽ tiêu diệt họ. Cổ Xuất Lỗ Khắc rất không hài lòng đối với sự sợ hãi của phụ thân, thốt ra những lời lỗ mãng chống đối phụ thân ngay trước mặt người đưa tin, những người khác cũng ra sức chủ trương đánh quân Mông Cổ. Thái Dương Hãn tuy rất tức giận, nhưng vẫn đồng ý nghênh chiến quân Mông Cổ. Họ còn tìm được những người Miệt Nhi Khất Dịch và một đội quân người Mông Cổ phản đối sự thống trị của Thiết Mộc Chân do Trát Mộc Hợp dẫn đầu.

Trong trận chiến, Thiết Mộc Chân chỉ huy đội quân triển khai thế trận, lệnh cho các tướng sĩ áp dụng chiến thuật như sau: “Tiến giống như bụi cây, triển khai thế trận giống như hồ nước, tấn công giống như cái đục”. “Tiến giống như bụi cây” là nói đội quân phải tự phân tán thành phân đội nhỏ 10 người từ các hướng khác nhau tiến lên, tấn công kẻ địch, sau khi tấn công xong, tiểu đội nhỏ liền sơ tán ra bốn phía, làm cho kẻ địch đã bị thương không thể đánh trả trước khi người tấn công mình biến mất. “Triển khai thế trận giống như hồ nước” là khi tấn công, một hàng dài binh sĩ phía trước bắn tên xong, hàng binh sĩ phía sau sẽ thay thế, như từng đợt sóng thay nhau tấn công kẻ địch. “Tấn công giống như cái đục” là phân đội nhỏ người này nối tiếp người kia làm đội hình mới, tạo thành đội hình hình cái đục, phân đội mũi nhọn vượt qua tiền tuyến đồng thời thâm nhập sâu vào trong lòng địch, xé toang phòng ngự của quân địch.

Đây là kiểu dung hòa giữa biện pháp tác chiến cổ xưa và chiến thuật độc đáo của sách lược săn bắn, chú trọng nhiều hơn vào sự hợp tác mật thiết với nhau trong nội bộ quân đội và hoàn toàn phục tùng chỉ huy. Thiết Mộc Chân lần đầu tiên áp dụng đã thu được hiệu quả, người Nãi Man không chống nổi một kích sợ đến mức tranh nhau chạy trốn. Do chỉ có một con đường chạy trốn trên sườn núi dốc đứng, rất nhiều người Nãi Man vì đêm tối không nhìn rõ đường, đã liên tiếp rơi xuống hẻm núi. Thái Dương Hãn cũng bị bắt sống, con trai Cổ Xuất Lỗ Khắc chạy thoát. Sau đó lại trải qua mấy trận chiến nhỏ, bộ tộc Nãi Man đã bị Thiết Mộc Chân chinh phục triệt để. Ngay lập tức, Thiết Mộc Chân lại truy đuổi và tiêu diệt tàn quân Miệt Nhi Khất Dịch và đã tiêu diệt hết.

Cái chết của Trát Mộc Hợp

Rất nhiều thuộc hạ của Trát Mộc Hợp cùng với người Nãi Man ra đầu hàng Thiết Mộc Chân. Trát Mộc Hợp dẫn một số người chạy trốn đến nơi không có bóng người, dựa vào săn bắn để sinh sống. Một năm sau, thuộc hạ của ông ta vì tuyệt vọng và cam tâm chịu thua, bắt Trát Mộc Hợp trói lại giao cho Thiết Mộc Chân. Mặc dù hai bên có thù hận, nhưng Thiết Mộc Chân luôn đề cao sự trung thành lên trên hết, nên không thưởng cho thuộc hạ của Trát Mộc Hợp, mà giết hết bọn họ.

Đối với Trát Mộc Hợp, Thiết Mộc Chân niệm tình xưa, hy vọng vẫn cùng ông ta là huynh đệ như cũ, nương tựa lẫn nhau, nhưng Trát Mộc Hợp trong lòng cảm thấy xấu hổ, yêu cầu được chết. Ông nói: “Trong đời này, danh tiếng của ta và an đáp (huynh đệ kết nghĩa), từ chỗ mặt trời mọc đến chỗ mặt trời lặn, không ai không biết đến. An đáp có mẫu thân hiền minh, sinh ra huynh là hào kiệt, huynh có các sư đệ đều giỏi giang, bằng hữu của huynh đều là bậc anh hào, huynh có 73 chiến mã, vì thế ta bị an đáp đánh bại. Mà ta từ nhỏ đã mất đi song thân, lại không có huynh đệ, thê tử không khôn khéo, bằng hữu không có ai đáng tin cậy, bởi vậy thiên mệnh bại dưới tay huynh.” Ông ta cầu xin sau khi chết, đem thi thể chôn ở nơi cao, để bảo hộ lâu dài cho con cháu đời sau.

Thời đó, Sa Man giáo cho rằng  phàm là khi chết mà bị chảy máu, linh hồn sẽ mãi mãi thống khổ, rất khó lên thiên quốc trường sinh. Thiết Mộc Chân hạ lệnh cho Trát Mộc Hợp được “không chảy máu khi chết, không để lộ thi hài xương cốt nơi hoang dã và được an táng trọng thể”. Sau đó, Trát Mộc Hợp bị xử tử bằng cách cho vào túi chết ngạt.

Đến đây Thiết Mộc Chân đã hoàn toàn chinh phục các bộ lạc trên khắp cao nguyên Mông Cổ, thống nhất được thảo nguyên Mạc Bắc. Phong cách vương giả mà ông thể hiện sẽ khiến Âu Châu và thế giới chấn động trong tương lai.

Xem tiếp: Thành Cát Tư Hãn (6): Xây dựng đại Mông Cổ – Phong công thần – Mở rộng đội quân Khiếp Tiết

Tài liệu tham khảo:

  • “Lịch sử bí mật của Mông Cổ”
  • “Nguyên sử”
  • “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới ngày nay”
  • “Lịch sử chiến tranh Trung Quốc” (Triều Nguyên) Xuất bản tại Đài Loan

Bản gốc: https://www.epochtimes.com/gb/20/10/5/n12455271.htm



Ngày đăng: 09-08-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.