Thành Cát Tư Hãn (8): Tam chinh Tây Hạ đắc trợ lực – Kiếm chỉ Đại Kim Quốc
[ChanhKien.org]
Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Epoch Times)
Năm 1204 sau khi chinh phục bộ lạc Nãi Man, Thiết Mộc Chân cử người đi sứ đến các nước và các bộ lạc lân cận, bộ lạc Khất Nhi Cát Tư ở phía bắc (nơi thượng nguồn sông Yenisei) và châu Khiêm Khiêm (nay là khu tự trị Tuva thuộc Nga), yêu cầu họ không được thu nhận người Nãi Man và đối lập với người Mông Cổ. Sứ thần cũng nói cho hai bộ lạc rằng, nếu như không muốn làm kẻ địch của người Mông Cổ, phải lập tức đầu hàng. Thủ lĩnh của hai bộ lạc tự biết không khả năng đối địch với người Mông Cổ, nên đã đầu hàng Thiết Mộc Chân.
Sứ thần của Thiết Mộc Chân tiếp tục đến Thổ Phiên ở phía nam (nay thuộc Thanh Hải, Tây Tạng), cũng dùng ngôn từ như vậy để hiểu dụ thủ lĩnh của Thổ Phiên, nhưng thủ lĩnh Thổ Phiên từ chối đầu hàng và đuổi sứ giả ra khỏi nước. Thiết Mộc Chân vì thế muốn thảo phạt Thổ Phiên, nhưng lại lo nước Tây Hạ vốn có quan hệ tốt với Thổ Phiên thừa cơ phát động tấn công. Ngoài ra, Tây Hạ còn có hiệp ước đồng minh với nước Kim, vì thế Thiết Mộc Chân quyết định tấn công Tây Hạ, nước nằm trên đường tây chinh trước, rồi mới đánh Thổ Phiên và nước Kim.
Nhìn từ vị trí địa lý, tây bắc của Tây Hạ giáp với bộ lạc Nãi Man, phía đông bắc giáp với bộ lạc Khắc Liệt, và Tây Hạ có quan hệ hữu hảo với hai bộ lạc này. Sau khi Thành Cát Tư Hãn tiêu diệt hai bộ lạc này, phía tây của Tây Hạ trực tiếp giáp với Mông Cổ, các nước tiếp giáp biên giới như, phía đông là nước Kim, phía nam tiếp giáp với biên cương tây bắc của Triều Tống, tây nam là phía tây của Thổ Phiên và Úy Ngột Nhi.
Năm 1205, Thiết Mộc Chân dẫn quân đánh Tây Hạ, đây là quốc gia chính quy đầu tiên mà ông thực sự tiến đánh. Khi đó người Mông Cổ gọi Tây Hạ theo cách gọi của Kim quốc là “Thổ Phiên Hà Tây” hoặc “Đường Ngột Đặc”. Vì Tây Hạ có ký kết minh ước với nước Tống và đã lâu không có chiến tranh, họ thấy bất ngờ đối với sự đột nhiên xâm nhập của người Mông Cổ. Họ biết không cách nào chống lại được người Mông Cổ, Quốc Quân Tây Hạ hạ lệnh các thành phòng thủ vững chắc, lấy phòng ngự là chính. Người Mông Cổ mặc dù am hiểu dã chiến, nhưng do không có kinh nghiệm tác chiến và thiếu khí giới công thành, lại không cách nào cầm cự lâu, nên chỉ cướp đoạt một số tài vật, gia súc, v.v. tại biên trấn Tây Hạ sau đó quay về.
Năm 1206, sau khi Thành Cát Tư Hãn thành lập nước Đại Mông Cổ, gặp phải cục diện thế chân vạc của ba quốc gia như Kim, Tây Hạ, Nam Tống ở phía nam. Thành Cát Tư Hãn ý chí hừng hực bắt đầu cân nhắc thảo phạt nước Kim để trả mối thù xưa. Đúng dịp có bốn người đầu hàng đến từ Kim quốc tiết lộ rằng Hoàng đế nước Kim bạo ngược ngang tàng, Thành Cát Tư Hãn ngay lập tức cùng các đại thần bàn bạc việc chinh phạt, nhưng vẫn đắn đo nhiều, chưa dám tùy tiện xuất binh, mà một lần nữa hướng mục tiêu về Tây Hạ. Một mục đích trong đó chính là hủy đi liên minh giữa nước Kim và Tây Hạ, quét sạch chướng ngại tiến công nước Kim.
Tây Hạ và nước Kim đi tới suy tàn
Nước Tây Hạ do tộc Đảng Hạng, một nhánh dân tộc Khương sinh sống ở phía Tây Bắc thành lập. Năm 1038, Nguyên Hạo chính thức lập nước và xưng đế, lấy đô thành là Phủ Trung Hưng (khu vực bên trong Ninh Hạ ngày nay). Thời kỳ phụ tử Càn Thuận và Nhân Hiếu thống trị, Tây Hạ tôn sùng văn hóa Hán, đặc biệt là Nhân Hiếu. Ông lấy nho giáo trị quốc, học theo chế độ của triều Tống, thành lập trường Thái học, một lần nữa tu sửa hiệu đính quốc gia nhạc luật, xây Khổng miếu để tế tự Khổng Tử, phổ biến chế độ khoa cử v.v. Ngoài ra, Nhân Hiếu còn tín ngưỡng Phật Pháp, tổ chức nhiều nhân lực phiên dịch kinh Phật. Dưới sự cai trị của hai vị Quốc Quân hùng tài đại lược, tôn sùng văn hóa người Hán, sùng kính Phật, quốc lực của Tây Hạ từng cường thịnh một thời, có thể lần lượt đối kháng với các nước Liêu, Kim, Tống.
Kim quốc do Hoàn Nhan A Cốt Đả của bộ Hoàn Nhan thuộc tộc Nữ Chân định cư tại lưu vực Hắc Long thành lập vào năm 1115, định đô tại phủ Hội Ninh (nay là A Thành Nam, Hắc Long Giang). Từ đó về sau, Kim quốc bắt đầu cường đại. Sau khi diệt được nước Liêu, Kim quốc phát động tấn công nước Tống, bắt Tống Huy Tông, Khâm Tông và hơn ba ngàn thành viên hoàng thất cùng đại thần làm tù binh, khiến Bắc Tống diệt vong. Khi Nam Tống tạm yên ổn ở Lâm An, nhà Kim đã thống trị đại bộ phận lãnh thổ phương bắc Trung Quốc.
Kim quốc cũng tôn sùng văn hóa Hán và Khổng Tử, đặc biệt là Hoàng đế thứ ba Kim Hy Tông. Từ thuở nhỏ Hoàng đế Kim Hy Tông đã tiếp thụ văn hóa Hán, nung gốm. Sau khi đăng cơ, ông lập tức thúc đẩy cải cách chế độ triều Hán và trọng dụng người Hán, tôn sùng nho học. Chế độ quan lại là chế độ ba tỉnh (bộ) lấy Thượng thư Tỉnh là trung tâm, cơ bản Hán hóa. Bắt đầu từ Kim Hy Tông, nước Kim tôn trọng Khổng Tử đồng thời xây dựng miếu thờ Khổng Tử. Người Kim tới thời kỳ cuối đã tự xưng là “Người Hán”.
Khi Mông Cổ quật khởi, nước Kim và Tây Hạ đều bắt đầu đi đến suy sụp, nói chung đây là tất của yếu lịch sử.
Chinh phạt Tây Hạ lần thứ hai
Mùa thu năm 1207, Thành Cát Tư Hãn lần thứ hai đi chinh phạt Tây Hạ, một trong những mục đích là để tích lũy nhiều kinh nghiệm công thành hơn. Lúc này, nội bộ triều đình Tây Hạ xuất hiện cuộc tranh giành quyền lực. Hạ Tương Tông Lý An lại ngu ngốc vô năng, chìm đắm trong tửu sắc, đối với việc người Mông Cổ tấn công cũng không có nhiều sự chuẩn bị gì.
Quân Mông Cổ tiến công vào Tây Hạ đầu tiên ở trọng điểm giao thông thành Oát La Hài (nay là Hậu Kỳ Tây Cảnh trong Ô Lạp Đặc ở Nội Mông Cổ). Trước khi công thành, quân Mông Cổ áp dụng chiến thuật tấn công tâm lý, thả những người chăn cừu Tây Hạ bắt được trên đường về nước, để họ nói cho người trong thành: “Nếu như ở trong thành cố thủ, sau khi phá thành sẽ giết sạch người trong thành.” Nhưng người Tây Hạ không nghe theo, vẫn dựa vào thành trì cố thủ. Quân Mông Cổ vì thiếu biện pháp công thành, đánh lâu mà không hạ được, hai bên giằng co nhau hơn bốn mươi ngày.
Thành Cát Tư Hãn sau đó đã dùng hỏa công, công phá được thành Oát La Hài. Đại quân Mông Cổ tiến vào chiếm giữ thành, Vua Tương Tông Tây Hạ triệu tập các lộ quân bên phải phản công, nước Kim cũng phái binh trợ giúp, hai bên giằng co lẫn nhau mất khoảng thời gian năm tháng, quân Mông Cổ từ đầu đến cuối khó mà tiến thêm. Mùa xuân năm sau, do thiếu lương thảo, Thành Cát Tư Hãn lệnh lui binh. Lần đọ sức này hai bên đều tổn thất không nhỏ.
Tam chinh Tây Hạ – Liên minh Kim Hạ tan vỡ
Sau hơn một năm tu chỉnh, mùa thu năm 1209 Thành Cát Tư Hãn dẫn quân lần thứ ba về phía tây chinh phục Tây Hạ. Nguyên nhân chủ yếu là do quốc chủ của Kim quốc lên mưu đồ ám sát Thành Cát Tư Hãn vì ông không chịu quỳ tiếp nhận chiếu thư lên ngôi. Thành Cát Tư Hãn cũng muốn thoát khỏi quan hệ lệ thuộc vào nước Kim, dự tính phát động chiến tranh với nước này, nhưng trước đó muốn đề phòng Tây Hạ vốn có quan hệ đồng minh với nước Kim sẽ trợ giúp họ.
Lúc này, Úy Ngột Nhi (Cao Xương Hồi Hột) đã chủ động thần phục Thành Cát Tư Hãn, điều này khiến khu vực Hà Tây của Tây Hạ đã mất đi vùng hòa hoãn ở giữa với Mông Cổ. Sau đó, quân Mông Cổ lại công kích thành Oát La Hài một lần nữa. Tướng lĩnh Tây Hạ, cũng là con trai Tương Tông Lý Thừa Trinh thất bại, Phong Châu (nay là Hô Hòa Hạo Đặc của Nội Mông Cổ) Tạ Mục khuyên phó soái giữ thành ra hàng, thành Oát La Hài bị quân Mông Cổ chiếm lĩnh.
Sau khi chiếm được thành Oát La Hài, Thành Cát Tư Hãn thừa thắng tiến quân đến đô thành Trung Hưng Phủ của Tây Hạ, cũng tiến gần đến phòng tuyến cuối cùng Khắc Di Môn của Hạ Lan Sơn Tây. Đại tướng của Tây Hạ Ngôi Danh ra lệnh Công Tuy Nhiên tiến hành phục kích, nhưng đã thua quân đội Mông Cổ. Trung Hưng Phủ bị quân đội Mông Cổ bao vây. Lúc này, Thành Cát Tư Hãn cũng không vội công thành, ông muốn thu hút lực lượng quân sự các nơi của Tây Hạ tới, tiêu diệt từng đội.
Vây thành hơn một tháng, đội quân viện binh không đến, Tây Hạ cầu viện Kim quốc, Vệ Thiệu Vương của nước Kim cũng ngồi nhìn không cứu. Không đợi viện binh Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn quyết định áp dụng thủy công công thành, đắp bờ dẫn nước sông Hoàng Hà đổ vào thành. Nhưng thành trì chưa kịp chìm, đập đê đã bị vỡ, phá tan doanh trại của quân Mông Cổ.
Để tránh kéo dài thời gian giằng co, Thành Cát Tư Hãn phái sứ giả khuyên Hạ Tương Tông đầu hàng, đưa ra điều kiện ưu đãi, nhưng Tương Tông không muốn đầu hàng, muốn cống nạp mỹ nhân để cầu hòa. Sau khi bồi thường lớn cho Mông Cổ và tiếp nhận điều kiện “phụ Mông phạt Kim”, hai bên ký kết hòa ước. Đạt được mục đích thu phục Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn lui binh.
Từ đó, Tây Hạ cùng Đại Mông Cổ sống chung hòa bình được mười năm, việc này khiến cho Thành Cát Tư Hãn rảnh tay tiến đánh nước Kim, bình định vùng đất phía tây (nay là Tân Cương) cùng các nước và bộ lạc nhỏ ở phía Tây hồ Baikal. Sau khi chấp nhận điều kiện của Mông Cổ “Phụ Mông phạt Kim”, Tây Hạ không thể không đi theo Mông Cổ tấn công nước Kim vốn là đồng minh của mình. Điều này nhanh chóng làm suy yếu quốc lực của nước Kim cùng Tây Hạ, khiến sau này Tây Hạ bị diệt, nước Kim bị cô lập.
Điều đáng chú ý là, thông qua ba lần giao chiến cùng Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn đã nắm vững được một kiểu đánh mới nhằm vào tường thành kiên cố vây quanh thành đô. Ông không ngừng thử các phương pháp công thành, như chặt đứt tiếp tế hậu cần xung quanh địch thủ, quét sạch các thôn làng xung quanh thành trì, dồn dân chúng vào trong thành làm tiêu hao lương thực; dùng tảng đá cùng nước lấp sông hộ thành, dẫn nước vào thành v.v.
Không chỉ có thế, Thành Cát Tư Hãn còn phát hiện, những thợ thủ công người Hán ở Tây Hạ thành thạo chế tạo khí giới vây thành đến mức nào, như khí cụ bắn, máy ném đá. Những khí giới này có thể sử dụng tảng đá to từ đằng xa để phá hủy tường thành. Thành Cát Tư Hãn rất coi trọng những người này, ông hạ lệnh ban thưởng cho những người thợ thủ công đầu hàng trong cuộc chiến, lựa chọn những người thợ từ trong tù binh, nhận vào quân đội Mông Cổ, trở thành đội quân công binh của Mông Cổ. Trong các cuộc chiến sau đó, dựa vào kinh nghiệm và các bài học cùng vũ khí công thành, quân Mông Cổ tiếp tục tấn công các thành trì và lần nào cũng thành công.
Sự thần phục từ các bộ lạc – Thành Cát Tư Hãn được trợ lực
Vào lúc chinh phục Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn không quên thu phục các bộ lạc và các nước nhỏ ở các khu vực xung quanh Mông Cổ. Năm 1207, Thành Cát Tư Hãn phái con trưởng Truật Xích dẫn quân đi đến khu rừng Siberia ở phương bắc, không cần tốn sức cũng chiêu hàng được bộ lạc ở khu rừng đó. Đối với việc này, Thành Cát Tư Hãn hết sức hài lòng, và đem những bộ lạc này ban thưởng cho Truật Xích.
Năm 1210, Hốt Tất Lai phụng chỉ xuất chinh Hợp Nhi Lỗ Ngột Dịch. Hợp Nhi Lỗ Ngột Dịch là bộ lạc dùng ngôn ngữ Đột Quyết, ban đầu ở một dải tại Ngạch Nhĩ Tề Tư Hà và Ô Luân Cổ Hà ở phía tây dãy núi A Nhĩ Thái Sơn (Altai). Vào đầu thế kỷ thứ 8, dưới sự tấn công của Hãn quốc Đột Quyết, Hợp Nhi Lỗ Ngột Dịch dần dần dời xuống phía nam đến gần Bắc Đình (nay là phía bắc Cát Mộc Tát Nhĩ thuộc Tân Cương), sau tiếp tục dời về phía tây nay là đông nam hồ Ba Nhĩ Khách Thập. Vào thế kỷ 12, họ trở thành chư hầu của Tây Liêu, bên trong lãnh địa có những thành như Hải Áp Lập (nay gần Ca Bạc Nhĩ ở phía đông hồ Ba Nhĩ Khách Thập), thành A Lực Ma Lý (nay là tây bắc Hoắc Thành Tân Cương), v.v. Quân chủ của Hợp Nhi Lỗ Ngột Dịch tự xưng là “A Nhi Tư Lan Hãn”, chịu sự giám sát của Thiếu Giám do Tây Liêu cắt cử.
Tây Liêu do Gia Luật Đại Thạch người Khiết Đan thành lập vào năm 1124. Đến năm 1141 Tây Liêu trở thành bá chủ Trung Á. Bộ tộc Úy Ngột Nhi (Cao Xương Hồi Hột), nước Tây Khách Lạt Hãn, nước Đông Khách Lạt Hãn và bộ tộc Hoa Lạt Tử Mô, lần lượt thần phục Tây Liêu trong thời kỳ cường thịnh. Sau khi Mông cổ quật khởi, Tây Liêu có chiều hướng suy yếu. Khi đội quân Mông Cổ đến, A Nhi Tư Lan Hãn của Hợp Nhi Lỗ giết chết Thiếu Giám của Tây Liêu, đầu hàng và theo Hốt Tất Lai vào triều diện kiến Đại Hãn. Thành Cát Tư Hãn thấy họ không đánh mà hàng, đã ban ơn cho họ, giáng chỉ gả con gái cho ông ta. Từ đó trở đi gia tộc A Nhi Tư Lan Hãn của Hợp Nhi Lỗ và hoàng tộc Thành Cát Tư Hãn kết thành quan hệ liên hôn.
Diệc Đô Hộ (tôn hiệu truyền đời của Quốc Vương) của bộ tộc Úy Ngột Nhi phụ thuộc Tây Liêu, nghe tin Thành Cát Tư Hãn hưng khởi, đánh diệt Nãi Man, hai lần đánh chiếm Tây Hạ, quyết định thoát khỏi sự giám trị bạo ngược của Thiếu Giám nước Tây Liêu, đầu quân cho Thành Cát Tư Hãn khoan dung độ lượng. Năm 1209, ông ta giết chết Thiếu Giám của Tây Liêu, sai sứ thần yết kiến Thành Cát Tư Hãn tỏ ý quy thuận. Mùa xuân năm 1211, ông ta tự mình diện kiến và thỉnh cầu cưới con gái của Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn thấy ông ta chủ động quy thuận, đồng ý đem con gái gả cho ông ta. Từ đó, Vương tộc Diệc Đô Hộ cùng Hoàng tộc Thành Cát Tư Hãn cũng tạo thành quan hệ thông gia đời đời.
Chỗ khác biệt với các nước cùng bị chinh phục khác chính là, bộ tộc Úy Ngột Nhi (Cao Xương Hồi Hột) một mặt là phiên thần của Đại Hãn Mông Cổ, tất phải thực hiện nghĩa vụ của phiên thần như cống nạp của cải, tiến cống, xuất binh tòng chinh v.v. Nhưng một phương diện khác, Quốc Vương Diệc Đô Hộ cũng có quyền tự chủ nhất định đối với lãnh địa và người dân của mình. Quan trọng hơn hết, vào thế kỷ thứ 13, tộc Úy Ngột Nhi tín ngưỡng vào Phật giáo, văn hóa cao hơn Mông Cổ. Nhiều người Úy Ngột Nhi vẫn sống theo kiểu du mục, về mặt ngôn ngữ và phong tục gần với người Mông Cổ. Người Mông Cổ trước khi hấp thu lượng lớn văn hóa Hán, thì chủ yếu hấp thu văn hóa Úy Ngột Nhi. Vào giữa thế kỷ thứ 13, Cuốn ‘Mông Cổ bí sử’ được Tất Đồ Xích người Úy Ngột Nhi ghi chép lại từ những câu chuyện truyền miệng của người Mông Cổ. Đây là cuốn sách đầu tiên nói về lịch sử Mông Cổ. Ngoài ra, Úy Ngột Nhi nằm ở vị trí qua lại giao thương giữa phương đông và phương tây, đối với việc giao lưu về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa phương đông và phương tây thời đại Mông Nguyên cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Kiếm chỉ nước Kim lấy huyết cừu cầu Trường Sinh Thiên phù hộ
Sau ba lần chinh phục Tây Hạ và bức ép họ phải chấp nhận điều kiện “Phụ Mông phạt Kim”, Thành Cát Tư Hãn đã cắt đứt vây cánh của nước Kim, đem mũi kiếm hướng tới nước này, nơi trong một thế kỷ qua đã thống trị đại bộ phận khu vực phương bắc.
Các bộ lạc Mông Cổ từ rất lâu đã một lòng thần phục nước Kim, nhưng người Mông Cổ lại có hận thù sâu sắc với người Kim. Nguyên lai thúc phụ Yêm Ba Hài của phụ thân Thành Cát Tư Hãn Dã Tốc Cai từng là tù binh của người TaTar, và bị đưa đến nước Kim. Người Kim đã đem danh tướng phản nghịch đóng đinh trên lừa gỗ đến chết. Các bộ lạc Mông Cổ vì thế nhiều lần giao tranh với người Tatar và người Kim. Ngoài ra, nước Kim không chỉ yêu cầu bộ lạc Mông Cổ cống nạp, còn mỗi ba năm lại phái binh lên hướng bắc tiễu sát, gọi là “giảm đinh” cho đến năm 1190 mới ngưng lại. Sự tàn bạo của người Kim khiến người Mông Cổ rất căm hận, đời đời không quên.
Khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, vì giao tranh với người Tatar nên đã từng có hiệp ước đồng minh và đồng ý thần phục nước Kim, hàng năm tiến cống, được nước Kim trao tặng chức quan. Thành Cát Tư Hãn sau khi thống nhất thảo nguyên, thành lập nước Đại Mông Cổ, ông muốn thoát khỏi sự khống chế của nước Kim.
Một lần, Vệ Vương Doãn Tế của nước Kim đến thu nhận đồ tiến cống, Thành Cát Tư Hãn dứt khoát từ chối. Doãn Tế sau khi về nước, thỉnh cầu xuất binh thảo phạt, bị Hoàng đế nước Kim từ chối. Năm 1208, Doãn Tế (Hoàn Nhan Vĩnh Tế, hậu thế xưng ông là ‘Vệ Chiêu Vương’) lên ngôi, phái sứ giả đến yêu cầu Thành Cát Tư Hãn xưng thần với tân Hoàng đế. Thành Cát Tư Hãn tỏ ý khinh thường, không những không quỳ để tiếp nhận chiếu thư kế vị, còn hướng về đô thành nước Kim nói: “Ta nói Hoàng đế Trung Nguyên là Thiên tử được chỉ định, hạng tầm thường như thế này cũng làm hoàng đế ư? Vì sao phải lạy?”, nói xong ông lên ngựa rời đi, để lại sử giả đứng chết trân. Vệ Chiêu Vương nghe chuyện đã rất tức giận, ý đồ đợi khi Thành Cát Tư Hãn vào tấn cống sẽ bắt giết. Sau khi Thành Cát tư Hãn biết liền tuyệt giao với nước Kim, cũng cắt đứt quan hệ thần phục.
Năm 2011, Thành Cát Tư Hãn hạ quyết tâm tấn công nước Kim trên quy mô lớn. Mùa xuân, ông mở Hội Nghị Hốt Lý Lặc Đài bên bờ sông Khách Lỗ Liên, cùng với các phương bàn luận việc chinh phạt nước Kim. Ngoài việc báo thù cho tổ tiên, Thành Cát Tư Hãn còn đưa ra một lý do xuất chinh nữa là rửa mối nhục cho người Khiết Đan bị người Kim đuổi đi. Hội nghị cũng mời hai sứ thần của Úy Ngột Nhi và nước Tây Hạ vừa ký kết đồng minh tham dự.
Sau khi được thuộc hạ và các nước đồng minh ủng hộ, Thành Cát Tư Hãn đã lên Thánh Sơn Mông Cổ ở gần đó, quỳ lạy chín lần, nói về sự bất mãn đối với người nước Kim, đồng thời cũng cầu khấn: “A, Trường Sinh Thiên! Ta đã trang bị đầy đủ rồi, lập thệ muốn báo thù cho tổ tiên ta. Hoàng đế triều Kim sát hại tổ tiên của ta Yêm Ba Hài Hãn, xin cho phép ta báo thù này, và xin giúp sức cho ta!”
Trước khi xuất chinh, Thành Cát Tư Hãn tự nhốt mình trong trướng ba ngày ba đêm, còn những người Mông Cổ khác đợi quyết định của Trường Sinh Thiên và mệnh lệnh của Thành Cát Tư Hãn, cũng luôn thầm đọc bằng tiếng Mông Cổ “Hu lei, hu lei, hu lei”. Đến lúc bình minh ngày thứ tư, Thành Cát Tư Hãn từ trong đại trướng bước ra, hướng tới dân chúng tuyên bố “Trường Sinh Thiên” sẽ cho phép chúng ta báo thù, cũng báo hiệu bọn họ sẽ giành được thắng lợi.
Lúc đó nhìn từ bề ngoài, so sánh lực lượng giữa nước Đại Mông Cổ và nước Kim là chênh lệch rất lớn. Năm 1211, nhân khẩu nước Đại Mông Cổ khoảng 70 vạn người, quân đội 15 vạn (trong đó 10 vạn là quân Mông Cổ thuộc nước Đại Mông Cổ, còn lại là đội quân đầu hàng từ các bộ lạc). Nước Kim có nhân khẩu hơn 5 ngàn vạn, đội quân tự xưng tới 100 vạn. Vậy nên cũng khó trách ngay lúc đó Hoàng đế nước Kim nói: “Bọn chúng (người Mông Cổ) làm sao dám xâm phạm?”
Không lâu sau, Hoàng đế Kim quốc biết rằng cuối cùng ai phải sợ hãi.
Bản gốc: https://www.epochtimes.com/b5/20/10/18/n12484637.htm
Xem tiếp: Thành Cát Tư Hãn (9): Trận đầu thắng Kim, vui mừng được mãnh tướng người Hán
Ngày đăng: 13-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.