Thành Cát Tư Hãn (6): Xây dựng đại Mông Cổ – Phong công thần – Mở rộng đội quân Khiếp Tiết
[ChanhKien.org]
Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Epoch Times)
Sau khi thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, Thiết Mộc Chân đã trở thành người thống trị trên thảo nguyên, ông kiểm soát từ sa mạc Gobi phía nam đến hết dải đất lạnh giá Bắc cực, từ vùng rừng phía đông bắc đến dãy núi Altai rộng lớn phía tây, cùng hàng trăm nghìn nhân khẩu của các bộ lạc du mục khác nhau. Mặc dù Thiết Mộc Chân đã là chúa tể trên thảo nguyên, nhưng ông vẫn cần được sự chấp thuận của tất cả các bộ tộc, và việc triệu tập Hội nghị Hốt Lý Lặc Đài là điều buộc phải làm.
Danh hiệu tối cao “Thành Cát Tư Hãn”
Năm 1206, Thiết Mộc Chân trở về đầu nguồn sông Oát Nan (nay là sông Onen) gần Thánh sơn Bất Nhi Hãn, tổ chức hội nghị Hốt Lý Lặc Đài. Hội nghị lần này có thể nói là cuộc họp lớn và quan trọng nhất trong lịch sử Mông Cổ, không chỉ cử hành một nghi thức long trọng, mà còn có các hoạt động sôi nổi chúc mừng. Thiết Mộc Chân với “dáng người to cao, thân hình cường tráng, vầng trán rộng, đôi mắt sáng lóe lên sự lanh lợi như mắt mèo” trở thành nhân vật gây chú ý nhất trong đại hội.
Theo ghi chép của tiểu sử gia người Pháp thế kỷ 17 Croix dựa trên các tài liệu lịch sử ngôn ngữ Ba Tư và ngôn ngữ Đột Quyết, các thuộc hạ của Thành Cát Tư Hãn đã “đặt ông lên một tấm thảm nỉ màu đen trải trên mặt đất, người được lệnh công bố ‘Tiếng lòng của người dân’, hướng vào ông tuyên bố ‘Ý chí của người dân’, rồi nói: “Mọi quyền hành ban cho ngài đều đến từ thiên thượng. Nếu người dân dưới quyền cai quản của ngài sống sung túc và công bằng, Thượng đế sẽ phù hộ cho sự nghiệp của ngài thành công. Nếu như ngài lạm dụng quyền lực, ngài sẽ bị thất bại thảm hại”. Đó là tuyên cáo về việc Thành Cát Tư Hãn tiếp nhận sứ mệnh từ “Trường Sinh Thiên” [1].
Các thuộc hạ nâng cao tấm thảm Thành Cát Tư Hãn ngồi di chuyển lên trên đầu, đặt ông lên bảo tọa của ngôi vương, rồi bọn họ “quỳ và khấu đầu lạy chín lần trước mặt Hoàng Đế mới, biểu thị rằng bọn họ tuân thủ những lời thề mà họ đã hứa với Thành Cát Tư Hãn”. Trong buổi lễ không thể thiếu những vị pháp sư Shaman. Họ đánh trống, ca tụng linh hồn của thiên nhiên, vẩy sữa ngựa vào khắp không trung và mặt đất, còn người trong bộ lạc đứng thành đội ngũ chỉnh tề, đặt lòng bàn tay hướng lên trên, hướng về “Trường Sinh Thiên” để cầu khấn, và cuối cùng kết thúc buổi cầu nguyện bằng hai tiếng tung hô quen thuộc của người Mông Cổ “Hu Lei, Hu Lei, Hu Lei”.
Nghi thức trang trọng này đã công bố địa vị tôn quý của Thành Cát Tư Hãn. Tại hội nghị này, Thiết Mộc Chân đã chọn cái tên mới cho đế quốc Mông cổ là: Đại Mông Cổ Ngột Lỗ Tư. tức ‘nước Đại Mông Cổ’, còn ông được thượng tôn tôn hiệu “Thành Cát Tư Hãn”.
Trong “Hán văn sử tập” thời nhà Nguyên, nhà Minh cho đến thời đầu và giữa đời Thanh và trước những năm cuối nhà Thanh, không có ghi chép về danh hiệu cao quý “Thành Cát Tư Hãn”. “Nguyên sử-Thái Tổ bản ký” có ghi chép rằng các Vương và quần thần tôn xưng ông với danh hiệu tôn quý là “Thành Cát Tư Hoàng Đế”. Học giả thời Nam Tống Bành Đại Nhã làm sứ thần đi sứ Mông Cổ để liên lạc đánh giáp công triều Kim, biên soạn cuốn “Hắc Thát Sự Lược” cũng ghi chép Thành Cát Tư Hoàng Đế (“Kỳ Chủ Sơ Thiết Hoàng Đế Hiệu Giả, tiểu danh viết Thiết Mộc Chân, Thiết hiệu viết Thành Cát Tư Hoàng Đế”). Nguyên đại Lý Chí Thường “Trường xuân Chân nhân Tây du ký – Quyển thượng” cũng ghi chép là “Chiếu viết Thành Cát Tư Hoàng Đế Sắc Chân Nhân Khâu Sư”. Năm 1998 phát hiện “Thẻ bài Thánh Chỉ Diêm Sơn” bằng bạc có mạ vàng của đời Nguyên, cũng có sách viết “Trời ban, Thành Cát Tư Hoàng Đế Thánh chỉ, tật”. Rất rõ ràng, khả năng lớn nhất có thể là, cuối triều Thanh do trong tập sử phương Tây ghi lại là “Thành Cát Tư Hãn” đồng thời truyền vào Trung Quốc, mới dẫn đến việc sau này trong Hán văn sử tập xuất hiện sử dụng cả hai cách hoặc là chỉ dùng “Thành Cát Tư Hãn”.
Liên quan đến hàm nghĩa của “Thành Cát Tư Hãn”, có nhiều cách nói khác nhau, trong đó có một cách nói đến từ học giả người Pháp Percy, ông cho rằng ‘Thành Cát Tư’ là cách đọc vòm hóa (palatalization) của Úy Ngột Nhi ngữ của người Đột Quyết, ý nghĩa là biển, có ý nghĩa tương đồng với ‘biển’ của ngôn ngữ Mông Cổ, cho nên ‘Thành Cát Tư Hãn’ có nghĩa là ‘Đại Hải Hãn’, tức “Quân chủ của Đại Hải Nguyên”. Hơn nữa từ Thành Cát Tư Hãn trở xuống, Hoàng đế Mông Cổ thường có tôn hiệu “Đại Hải Hãn”.
Theo “Mông Cổ mật sử” đại bộ phận các học giả tiếng trung đều tán đồng với kiến giải của ông Percy. Hơn nữa, từ tôn hiệu này chúng ta không khó để nhận ra, người Mông Cổ rất sùng bái vị anh hùng này.
Thiết Mộc Chân trong Đại hội Hốt Lý Lặc Đài được bầu chọn là Đại Hãn, cũng đánh dấu việc, về mặt hình thức pháp luật nhà nước, chế độ tuyển chọn Hãn ở Đại hội Hốt Lý Lặc Đài đã được xác lập, nó trở thành nội dung chủ yếu của “Đại Trát Tát”, bộ sách luật của Thành Cát Tư Hãn, và được ghi vào “thanh sách”, đồng thời ban bố đến khắp lãnh thổ Mông Cổ và các Hãn quốc. Từ đó, Đế quốc Mông Cổ chính thức quy định trên pháp luật là việc tiến cử Đại Hãn nhất thiết phải thông qua Hội nghị Hốt Lý Lặc Đài. Khi Hốt Tất Liệt khai sáng ra triều Nguyên cũng tiếp tục dùng quy định này, phàm là thay đổi Đế vị, cũng phải cử hành nghi thức Hốt Lý Lặc Đài, chỉ có điều trong “Nguyên sử” nó bị đổi thành “Đại Triều Hội”.
Không nghi ngờ, sự kiến lập của nước Đại Mông Cổ đã đánh dấu việc Thành Cát Tư Hãn có đủ lực lượng để kháng lại nước Kim và các lực lượng khác, mà lực lượng này trong tương lai sẽ làm chấn động cả thế giới.
“Thôi Bối Đồ” của Nhà Đường, quẻ tượng thứ 25 đã dự ngôn về việc kiến lập triều Nguyên và khí số của cả triều Nguyên. Trong hình có vẽ chiếc rìu sắt, phần cán có 10 đốt, giải thích sơ lược là: đầu rìu (Thiết), cán rìu (Mộc), ám chỉ Nguyên Thái Tổ gọi là Thiết Mộc Chân; cán rìu có 10 đốt, ý nghĩa là tiếp theo triều Nguyên sẽ có 10 vị Hoàng đế. Một bức tranh đơn giản đã khắc họa được xu thế của một triều đại một cách rõ nét.
Phong thưởng công thần
Sau khi được tôn là Thành Cát Tư Hãn, Thiết Mộc Chân hoàn toàn không quên các công thần đã đi theo mình thống nhất sa mạc rộng lớn, ông hạ chỉ rằng: “Người có công cùng tạo dựng đất nước, khi lập ra các tổ thiên hộ, thì được phong là Thiên hộ trưởng”, ở đây có gần 100 người bao gồm Tốc Bất Đài, Triết Biệt, v.v. Với giọng nói hùng hồn, ông liệt kê từng chiến công hiển hách mà bọn họ đã lập nên trong thời gian kiến lập đất nước Mông Cổ, có những chuyện mà ngay cả người được phong cũng đã quên mất, mà Thành Cát Tư Hãn lại rành rọt kể lại, khiến các tướng sĩ vô cùng xúc động.
Ông nói với Sát Lạt Hợp, phụ thân của Mông Lực Khắc: Ông đã cùng sống và trưởng thành cùng chúng ta, ông thật phúc đức và đem lại may mắn, công lao và ân huệ của ông đối với Trẫm là rất nhiều. Ví dụ trong đó có một sự việc: Khi hai người Vương Hãn và Tang Côn an đáp dùng quỷ kế lừa Trẫm, giữa đường nghỉ ở nhà phụ thân của Mông Lực Khắc, nếu như không phải ông – phụ thân của Mông Lực Khắc khuyên can, thì Trẫm đã rơi vào vòng nước xoáy hoặc rơi vào chảo lửa rồi. Trẫm cảm ơn sâu sắc ân đức của người, cho đến đời đời con cháu của Trẫm, mãi mãi không bao giờ quên! Trẫm ghi nhớ công đức của người, đặc biệt sắp đặt chỗ ngồi ở bên cạnh, xin mời người ngồi. Xin mời người mỗi năm, mỗi tháng đều có thể đến tham dự hội nghị. Trẫm sẽ cấp bổng lộc cho người, cho đến đời đời con cháu của người, vĩnh viễn được hưởng.”
Trong ý chỉ cho Bác Nhĩ Thuật, ông kể tỉ mỉ việc Bác Nhĩ Thuật đã giúp đỡ ông: “Cương vị của khanh ở trên mọi người, chín lần bị tội đều được miễn phạt, cho khanh, Bác Nhĩ Thuật đứng ra quản lý cánh phải vạn hộ ở A Lặc Đài Sơn”. Ông hạ chỉ cho Mộc Hoa Lê “quản lý vạn hộ cánh tả ở Hợp Lạt Ôn Chích Đôn Sơn”. Cho Khoát Nhi Xích, Nạp Nha A đều sở hữu vạn hộ, cho Hốt Tất Lai quản lý công việc quân đội, chấp thuận cho Giả Lặc Miệt, Bác Nhĩ Hốt “chín lần phạm tội đều được miễn phạt”, còn lần đầu tiên nói rằng: “Hốt Tất Lai, Giả Lặc Miệt, Tốc Bất Đài, Triết Biệt mỗi lần tác chiến đều xung phong hãm trận, lao ra phía trước, là ‘Tứ mãnh’ của Trẫm. Khi Trẫm lệnh các người đến nơi Trẫm muốn đến thì đến đó các ngươi nghiền nát được cả những tảng đá cứng rắn, chọc thủng được những sườn núi, đập vỡ những tảng đá rực sáng, đoạn đứt được dòng nước sâu”.
Đối với con cháu những người tử trận, Thành Cát Tư Hãn chưa từng quên lãng họ, dựa vào công lao của cha ông họ mà phong thưởng.
Những ý chỉ tương tự như vậy còn có khá nhiều. Cùng với việc ban thưởng cho các công thần có công, Thành Cát Tư Hãn cũng ban thưởng cho các thành viên gia tộc của mình nhưng tương đối ít. Mẹ của ông Phu nhân Hạ Ngạch Luân Thái hậu của Đế quốc Mông Cổ, đệ đệ bé nhất và hai con trai nhỏ Oa Khoát Đài và Đà Lôi, mỗi người chỉ được phân năm ngàn người. Con trai trưởng Thuật Xích, con trai thứ Sát Hợp Đài mỗi người chỉ nhận được lần lượt là chín ngàn và tám ngàn người. Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn còn bổ nhiệm người mà mình tín nhiệm nhất phụ trợ các thành viên trong gia đình, như chăm lo quản lý Hạ Ngạch Luân, em nhỏ Thiết Mộc Cách và Sát Hợp Đài, để tránh xảy ra bất trắc.
Bổ nhiệm Đại Đoạn Sự Quan
Trong khi phong thưởng công thần, lục đệ của Thành Cát Tư Hãn, Thất Cát Hốt Đột Hốt, đứa trẻ người TaTar bị vứt bỏ được Hạ Ngạch Luân nuôi dưỡng, là người đầu tiên đứng lên xin được phong. Thành Cát Tư Hãn không chỉ đồng ý cho cậu ta “chín lần phạm tội không bị phạt”, mà còn bổ nhiệm cậu ta là người đầu tiên đảm nhận chức Đại Đoạn Sự Quan, trách nhiệm chủ yếu của Đại Đoạn Sự Quan gồm hai nhiệm vụ, thứ nhất là thẩm đoạn hình ngục, tố tụng, quản lý quyền về tư pháp; thứ hai là quản lý việc phân phối các hộ dân. “Tất cả các chi tiết xử án, đều phải ghi vào thanh sách, lưu truyền đời đời, bất kỳ người nào cũng không được sửa đổi”. Màu sắc của sách xanh chính là màu sắc thần thánh của Trường Sinh Thiên mà Thành Cát Tư Hãn tôn sùng. Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn còn hạ lệnh, khi Thất Cát Hốt Đột Hốt thẩm xét các vụ án, đội túc vệ của quân Khiếp Tiết tham gia nghe phán xét, để có tác dụng giám sát đôn đốc.
Đoạn Sự Quan tối cao của nước Đại Mông Cổ, được coi là chức quan hành chính tối cao, quyền lực rất lớn, có thể so sánh với chức Tể tướng ở Trung Nguyên. Dưới nó, lại thiết lập Đoạn Sự Quan ở địa phương, quản lý bách tính trong khu vực của mình.
Sau khi có quyền hành lớn như vậy, Thất Cát Hốt Đột Hốt xây dựng chương mục, xác lập quy chế, thưởng phạt phân minh, vô luận là địa vị cao hay thấp, đều không nhẹ tay, hơn nữa tuân theo nguyên tắc thực sự cầu thị, xử án công chính. Ông còn lặp đi lặp lại nhiều lần khuyên bảo phạm nhân phải nói lời chân thật, không phải vì sợ hãi mà khai nói lung tung. Thất Cát Hốt Đột Hốt là người thành thật trung hậu liêm khiết, làm việc cẩn thận tỉ mỉ, phương thức xử án của ông đã đặt định vững cơ sở cho Đoạn Sự Quan của Mông Cổ xử án sau này.
Mở rộng đội quân Khiếp Tiết
Trong quá trình thống nhất Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của đội quân Khiếp Tiết, ‘Muốn chế phục cường địch, chỉ có dùng vũ lực; vì binh lực ít, nên chỉ có cách là phát triển tinh binh, nâng cao sức chiến đấu.” Do đó Thành Cát Tư Hãn giáng chỉ mở rộng đội quân Khiếp Tiết, đưa nó trở thành đội quân ở trong quân đội Mông Cổ. Khiếp Tiết quân là tiếng Mông Cổ có ý nghĩa “Phiên trực túc vệ”, Hán văn đa số dịch là “túc vệ”, có ý là luân phiên túc trực bảo vệ.
Trước đây phụ trách canh gác bảo vệ ban đêm chỉ có 80 người, phụ trách bảo vệ ban ngày luân phiên chỉ có 70 người, hiện nay phải mở rộng lên đến một vạn người, bao gồm một ngàn quân túc vệ, một ngàn tay cung tiễn, tám ngàn linh đơn lẻ. Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh muốn “Từ trong số con trai của vạn hộ trưởng, thiên hộ trưởng, bách hộ trưởng cùng con trai của người xuất thân trắng (dân tự do), chọn lựa người có võ nghệ, người có thân thể, dáng vẻ khỏe mạnh, người có thể đến chỗ trẫm làm việc hiệu quả, đều có thể tiến vào đội hộ vệ luân phiên. Khi con trai của thiên hộ trưởng được tuyển, có thể mang mười tùy tùng và một người em trai đi cùng. Khi con trai của bách hộ trưởng được tuyển, có thể mang năm tùy tùng và một người em trai đi cùng, Người phù hợp điều kiện kể trên nếu tự nguyện gia nhập đội quân Khiếp Tiết, bất kỳ ai cũng không được ngăn cản.”
Sau khi tuyển chọn đề bạt xong vạn người, Thành Cát Tư Hãn lại hạ chỉ: “Trẫm lấy một vạn người luân phiên bảo vệ ở bên cạnh Trẫm, làm quân trung tâm của Trẫm!” Trong đó tám ngàn người bảo hộ Đại Hãn vào ban ngày, hai ngàn người bảo hộ ban đêm. Ông còn quy định chế độ luân phiên trực của quân Khiếp Tiết, tiêu chuẩn trách phạt và tất cả chức trách đảm nhận. Ví dụ như Khiếp Tiết phân thành bốn ca, mỗi ca thì ba ngày đổi một lần, bốn Khiếp Tiết trưởng là do “Mông Cổ tứ kiệt” Bác Nhĩ Hốt, Bác Nhĩ Thuật, Mộc Hoa Lê và Xích Lão Ôn đảm nhiệm. Công việc gồm bảo vệ Đại Hãn, chăm lo các công việc trong cung, quản lý hầu nữ, các quan trong cung, quản lý lều trướng xe cộ trong cung, kiểm soát việc ăn uống trong cung, kiểm soát công việc ra vào cung trướng v.v. Đồng thời xác nhận rõ ràng rằng vị trí của người hộ vệ cao hơn chức Thiên hộ trưởng ở bên ngoài.
Dựa theo các quy định, “Túc vệ thần thánh bất khả xâm phạm, bất kể người nào cũng không được ngồi vào vị trí của túc vệ, không được bước qua túc vệ, không được dựa vào người túc vệ, nếu không sẽ cho bắt giữ”. “Ban đêm chưa được túc vệ cho phép, không được đi lại tại khu vực cấm gần đại trướng của Đại Hãn và tiến nhập vào khu cấm của đại trướng; người vi phạm, túc vệ có thể đem giam giữ, đợi ngày kế tiếp thẩm vấn. Có việc gấp cần bẩm báo, trước tiên phải được túc vệ cho phép và phải cùng túc vệ tiến vào đại trướng”.
Quan tổng chỉ huy đội quân Khiếp Tiết, do tướng quân Nạp Nha A thống lĩnh. Không có mệnh lệnh của Thành Cát Tư Hãn, bất kỳ ai cũng đều không được điều động quân Khiếp Tiết, bao gồm cả việc điều động tướng quân Nạp Nha A, ai tự tiện điều động, sẽ phải chịu trừng phạt nghiêm khắc. Vào thời chiến, quân Khiếp Tiết trực tiếp tiếp nhận hiệu lệnh từ Khả Hãn, theo Đại Hãn thân chinh.
Vì để cho con cháu đời sau coi trọng đội quân Khiếp Tiết, Thành Cát Tư Hãn còn xác lập cho nó một địa vị không thể lay chuyển, “Đối với một vạn binh lính hộ vệ luân phiên sát thân của Trẫm tuyển chọn từ trong 95 nhóm thiên hộ, thì con cháu kế vị của Trẫm phải đời đời tưởng nhớ đến họ, giống như nhớ đến báu vật mà Trẫm để lại, không được để họ phải chịu bất kỳ ủy khuất nào, phải hậu đãi họ, coi một vạn người hộ vệ luân phiên của Trẫm như Thần hộ vệ!”
Kỹ năng nổi tiếng nhất của đội quân Khiếp Tiết chính là đang phi ngựa vẫn có thể bắn cung, xoay 180 độ cũng có thể lập tức nhắm trúng, tấn công kẻ địch. Bọn họ thường dùng kiểu trận hình bán nguyệt để đột kích kẻ địch, tiến hành bao vây từ hai phía, khi loại chiến thuật kiểu này chưa có hiệu quả ngay lập tức, bọn họ liền nhanh chóng rút lui, dụ cho kẻ địch đuổi theo. Bằng cách này Thành Cát Tư Hãn đã đào tạo ra đội quân tinh nhuệ của Mông Cổ, đóng vai trò quan trọng khi Thành Cát Tư Hãn cùng những người thừa kế của ông chinh phục thế giới trong tương lai. Thông qua đội quân bất khả chiến bại này, Thành Cát Tư Hãn cùng những người kế thừa đã khiến cả thế giới phải chấn động.
Ngoại trừ đội quân Khiếp Tiết, Thành Cát Tư Hãn còn có đội quân cánh tả cùng đội quân cánh hữu, sức chiến đấu của họ cũng giống như đội quân Khiếp Tiết, không thể khinh thường.
Vương quyền vững chắc
Sau khi xây dựng nhà nước Đại Mông Cổ không lâu, Thầy cúng giáo phái Shaman Khoát Khoát Xuất có mưu đồ lợi dụng sức ảnh hưởng của tôn giáo, cạnh tranh với vương quyền của Thành Cát Tư Hãn. Khoát Khoát Xuất bản thân là người con thứ tư trong bảy người con của Mông Lực Khắc được Thành Cát Tư Hãn coi như phụ thân, chính ông ta trong Hội nghị Hốt Lý Lặc Đài cử hành vào năm 1206, thay mặt cho Thượng Thiên ban cho Thiết Mộc Chân danh hiệu “Thành Cát Tư Hãn”. Cũng vì thế, ông được Thành Cát Tư Hãn tín nhiệm, nhưng sau này ông lại trở thành người tự cho mình là đúng, ngang tàng hống hách.
Khoát Khoát Xuất cùng với bảy huynh đệ của mình kết thành một đảng, lợi dụng sự ảnh hưởng to lớn của giáo phái Shaman đối với người Mông Cổ, lôi kéo bách tính của các bộ lạc về phía mình, ý đồ muốn quyền lực của tôn giáo cùng song song tồn tại với quyền lực của Khả Hãn, muốn cùng Thành Cát Tư Hãn phân chia quyền lực. Bọn họ ngang ngược càn rỡ, ngay cả người em trai của Thành Cát Tư Hãn là Cáp Tát Nhi cũng bị bọn họ vô cớ ẩu đả. Khoát Khoát Xuất tìm cơ hội chia rẽ quan hệ giữa Thành Cát Tư Hãn và Cáp Tát Nhi, Thành Cát Tư Hãn cũng có một lần tin theo lời đồn. Sau có mẫu thân và Bột Nhi Thiếp nhắc nhở, Thành Cát Tư Hãn đã nhìn rõ mục đích thực sự của Khoát Khoát Xuất, ông quả quyết trừ bỏ Khoát Khoát Xuất, lệnh cho Mông Lực Khắc ước thúc những người con khác của mình, buộc họ phải cẩn thận giữ gìn hành vi. Thành Cát Tư Hãn vì vậy mà giữ vững được vương quyền.
Xem tiếp: Thành Cát Tư Hãn (7): Ban bố Đại Trát Tát – Tín ngưỡng Trường Sinh Thiên nhập pháp điển
[1] Trường Sinh Thiên: Vị thần tối cao của người Mông Cổ, tiếng Mông Cổ là Mongke Tangri
Tài liệu tham khảo:
- “Mông Cổ mật sử”
- “Nguyên sử”
- “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới ngày nay”
- “Lịch sử chiến tranh các thời đại Trung Quốc” (Nguyên Triều) Đài Loan xuất bản
- “Thành Cát Tư Hãn pháp điển”
Bản gốc: https://www.epochtimes.com/b5/20/10/10/n12467270.htm
Ngày đăng: 10-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.