Dạo trong rừng hạnh: Câu chuyện về nhân sâm



Tác giả: Thiên Nhất

[ChanhKien.org]

Truyền thuyết kể rằng Sơn Đông mới chính là quê hương thực sự của loài nhân sâm. Dưới đây là một truyền thuyết đẹp liên quan đến nhân sâm:

Cách đây từ rất lâu rất lâu rồi, ở vùng Sơn Đông có toà núi Vân Mộng, trên núi có một ngôi chùa gọi là chùa Vân Mộng, trong chùa có một lão hòa thượng và một chú tiểu. Lão hòa thượng không đặt tâm trí vào đọc kinh niệm Phật, lại cũng không thích cần mẫn cày cấy trồng trọt, hơn nữa còn dùng đủ mọi cách ngược đãi chú tiểu. Chú tiểu bị hành hạ đến nỗi vàng vọt xanh xao. Một hôm, lão hòa thượng có việc xuống núi, để lại một mình chú tiểu ở chùa làm việc, bỗng chẳng biết từ đâu có một đứa bé mặc yếm đỏ chạy đến giúp chú tiểu. Từ đó trở đi, hễ khi nào lão hòa thượng ra ngoài thì đứa bé mặc yếm đỏ sẽ chạy đến giúp đỡ chú tiểu, khi lão hòa thượng trở về thì đứa bé đã biến mất.

Một thời gian sau, lão hòa thượng nhìn thấy chú tiểu mặt mũi hồng hào, công việc nhiều đến mấy cũng làm xong hết, cảm thấy thật kỳ lạ. Lão nghĩ ắt hẳn phải có bí mật gì đây. Lão gọi chú tiểu đến đe doạ gặng hỏi. Bất đắc dĩ, chú tiểu đành phải kể hết sự thật. Lão hoà thượng trong lòng nghĩ ngợi: “Nơi thâm sơn cùng cốc này, ở đâu ra đứa bé mặc yếm nhỉ? Phải chăng là Thần thảo Bổng trùy (nhân sâm)?” Lão bèn lấy từ trong hộp ra một sợi chỉ đỏ, xỏ kim, đưa cho chú tiểu và dặn dò: “Đợi khi nào đứa bé đến chơi, ngươi hãy lén cắm cái kim này lên yếm đỏ của nó nhé”. Ngày hôm sau lão hòa thượng lại xuống núi. Chú tiểu định đem sự tình nói cho đứa bé nhưng lại sợ bị lão hòa thượng đánh mắng, chỉ đành tranh thủ lúc đứa bé vội trở về nhà đã lén cắm cái kim lên chiếc yếm đỏ. Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, lão hòa thượng nhốt chú tiểu lại trong chùa rồi tự mình cầm cuốc lần theo sợi chỉ đỏ, lão tìm đến bên một cây thông đỏ già, thấy cây kim đang cắm vào một cây Bổng trùy (nhân sâm). Lão ta vui sướng đến cực độ, giơ cuốc lên đào, đào được một củ “sâm đồng”.

Lão hòa thượng đem củ “sâm đồng” về, cho vào nồi, thêm nước, đậy nắp lại rồi đặt hòn đá đè lên. Sau đó lão bảo chú tiểu đốt lửa nấu chín. Không may cho lão, lúc này một người bạn có việc cấp bách tìm lão xuống núi, lão lại không từ chối được. Trước khi đi, lão dặn đi dặn lại đồ đệ của mình rằng: “Nếu ta chưa về, không được mở nắp!” Lão hòa thượng đi rồi, từ trong nồi một mùi hương kỳ lạ không ngừng tỏa ra. Vì tò mò nên chú tiểu bất chấp lời căn dặn của lão hoà thượng, nhấc hòn đá lên, mở nắp nồi ra. Hoá ra bên trong nồi là một củ Bổng trùy to, mùi hương ngào ngạt xông lên mũi. Chú tiểu gắp một miếng cho vào miệng nếm thử, Bổng trùy có vị vừa ngọt lại vừa thơm. Thế là chẳng mấy chốc, cậu ăn hết sạch cả nồi Bổng trùy, ngay cả nước luộc sâm cũng uống đến không còn một giọt. Lúc này lão hòa thượng đang vội vội vàng vàng quay trở về. Chú tiểu quýnh cả lên, lúng ta lúng túng không biết phải làm sao, vừa chạy được hai bước đột nhiên cảm thấy hai chân thật nhẹ nhàng, thong thả bay lên không trung đi mất. Lão hòa thượng trở về vừa nhìn thấy cảnh tượng này đã biết củ “sâm đồng” bị đồ đệ của mình ăn rồi, lão ta hối tiếc mãi không thôi.

Nguyên đứa bé yếm đỏ là do cây nhân sâm biến thành. Vốn ở dưới gốc cây thông đỏ già ấy mọc ra một đôi nhân sâm, sau khi củ “sâm đồng” bị lão hòa thượng đào lên, cây nhân sâm còn lại ở dưới gốc thông đỏ già kêu khóc thương tâm mãi không thôi. Cây thông già bảo: “Con ngoan của ta, đừng khóc nữa. Ta sẽ mang con đến vùng Quan Đông. Nơi đấy dân cư thưa thớt, mẹ có thể bảo vệ được con vĩnh viễn”. Cây nhân sâm không khóc nữa, nó theo cây thông đỏ già chạy đến nơi núi sâu rừng rậm ở Quan Đông, nơi dãy Trường Bạch mà “an cư lạc nghiệp”. Cũng từ đó trở đi, nhân sâm ở vùng Trung Nguyên càng ngày càng ít, còn ở núi Trường Bạch (là ngọn núi nằm vùng biên giới của Trung Quốc và Triều Tiên) thì càng ngày càng nhiều.

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/20067

http://www.pureinsight.org/node/1411



Ngày đăng: 07-06-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.