Khám phá lục nghệ (4): Lục nhạc



Tác giả: Trọc Thế Thanh Liên (Đại Lục)

[ChanhKien.org]

Từ “nhạc” là chỉ âm nhạc. Lục nhạc là chỉ 6 loại nhạc vũ trứ danh gồm: Vân Môn của Hoàng Đế, Đại Hàm của vua Đường Nghiêu, Đại Thiều của vua Ngu Thuấn, Đại Hạ của vua Hạ Vũ, Đại Hoạch của Thương Thang và Đại Vũ của Vũ Vương.

Nhã nhạc là phương cách giáo hoá văn hoá đạo đức chủ yếu nhất thời cổ đại. Trong Nhạc ký – Lễ Ký có viết rằng: “Đại nhạc dữ thiên địa đồng hòa, đại lễ dữ thiên địa đồng tiết” (đại nhạc hòa đồng cùng Trời Đất, đại lễ cùng khánh tiết với Trời Đất). Lục nhạc, tức 6 loại nhạc vũ trứ danh đều là những nhạc khúc thượng thừa được sáng tác khi con người cảm ứng được thiên đạo. Mà thiên đạo và bản tính con người vốn có sự tương thông mật thiết. Vì thế những nhạc khúc thượng thừa ấy đều có tác dụng giáo hoá tẩy tịnh tâm linh, đánh thức bản tính thiện lương phù hợp với thiên đạo vốn tồn tại trong mỗi con người. Thời xưa việc giáo dục âm nhạc của học sinh tiểu học chính là thông qua việc tập luyện nhã nhạc mà dần dần đề cao được đạo đức của mình, cuối cùng đạt đến cảnh giới thiên nhân hợp nhất.

Người xưa rất chú trọng tác dụng giáo hoá đạo đức của nhã nhạc, không chỉ là học sinh cần học tập nhã nhạc mà trong việc tề gia trị quốc bình thiên hạ cũng đều được tin dùng. Có rất nhiều ví dụ điển hình về việc này. Trong sách Thượng thư có ghi chép rằng vào thời vua Thuấn trị có tộc Hữu Miêu không phục, vua Thuấn không dùng võ lực để trị mà dùng đức giáo hoá 3 năm, chỉ để binh sĩ cầm thuẫn và rìu nhảy múa, khiến tộc Hữu Miêu nể phục. Năm ấy khi Khổng Tử dẫn dắt các đệ tử đi chu du, giữa đường bị bao vây, Khổng Tử đã đánh đàn còn Tử Lộ thì cùng các đệ tử hát xướng, chẳng bao lâu vòng vây được giải.

Dục vọng của con người là trái ngược với thiên đạo, khi con người phóng túng dục vọng, ai ai cũng hành sự dựa trên tự tư tự lợi của cá nhân thì thiên hạ ắt sẽ loạn. Người xưa khắc chế dục vọng là không dựa trên pháp luật áp chế từ bên ngoài mà khắc chế từ bên trong, dùng nhã nhạc giáo hoá nhân tâm, hoán tỉnh bản tính từ trong tâm rồi mới đến hành xử bên ngoài, từ đó khiến nhân tâm quay về với thiên đạo. Người xưa gọi phương pháp giáo hoá này là lấy đức chế dục, tức là dẫn dắt lòng người hướng về thiên đạo, dùng thiên đạo mà khắc chế dục vọng. Khi người dân trăm họ đều quy chân hướng thiện thì tự họ sẽ làm mọi việc dựa theo thiên đạo, lúc ấy tự nhiên sẽ khiến gia đạo được hoà thuận, đất nước yên ổn, thiên hạ thái bình. Những điển tích như Ngu Thuấn chuyển thù thành bạn, Khổng Tử dùng đàn ca hát xướng để giải vây đã giúp chúng ta thấy được hiệu quả của phương pháp lấy đức chế dục.

Trong sách Luận Ngữ có viết một câu chuyện như thế này. Khi Khổng Tử đến nước Tề nghe được nhạc vũ Đại Thiều của vua Ngu Thuấn xong thì ba tháng ròng ăn thịt mà không thấy mùi vị. Thời cổ đại thịt rất hiếm, khi người trên 70 tuổi có thịt để ăn thì đã được tính đó là biểu hiện của thời thái bình thịnh thế. Còn Khổng Tử nghe nhạc Thiều xong 3 tháng ăn thịt không cảm nhận được mùi vị của thịt. Nhã nhạc có tác dụng giáo hoá đạo đức rất lớn, từ câu chuyện trên chúng ta có thể cảm nhận được nhã nhạc có sức mạnh giáo hoá to lớn đến nhường nào.

Do đó thời xưa khi có việc đại sự hay việc trọng đại người ta đều dùng đến lễ nhạc. Người đắc Đạo sẽ chơi những nhạc khúc phù hợp với thiên đạo, đạo đức của người chơi nhạc càng cao thì tác dụng giáo hoá tâm linh của nhạc khúc phát ra càng lớn.

Tiếng nhạc phát ra chính là biểu hiện của cảnh giới đạo đức của người chơi nhạc. Thời Tam quốc, khi Gia Cát Lượng thực hiện “không thành kế”, đại quân của Tư Mã Ý đã áp sát thành nhưng vẫn không dám tiến vào thành. Vì sao vậy? Vì từ âm thanh trầm tĩnh bình hoà của tiếng đàn mà Gia Cát Lượng đánh ra có thể nhìn ra được tâm thái của ông, và Tư Mã Ý đoán rằng có quân mai phục bên trong nên đã lui binh. Nhìn bề mặt thì Gia Cát Lượng đã dùng tiếng đàn áp chế được thiên binh vạn mã của Tư Mã Ý nhưng thực chất chính là nhờ cảnh giới đạo đức của ông, tiếng đàn chỉ là biểu hiện bên ngoài của cái đức bên trong mà thôi.

Ngược lại, các loại nhạc rock, nhạc disco hiện đại lại khiến con người dâng trào dục vọng, tâm không bình, khí không hoà, gặp chuyện là nổi cơn tam bành, dễ dàng gây sự với người khác. Khi lòng người không tĩnh thì xã hội làm sao có thể an định được đây? Còn âm nhạc và vũ đạo của đoàn nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun) biểu diễn trở thành những tác phẩm nghệ thuật hàng đầu thế giới chính là do họ thực hành tu luyện đạo đức chiểu theo đặc tính tối cao của vũ trụ Chân Thiện Nhẫn; vậy nên âm nhạc và vũ đạo của Thần Vận khiến người xem chấn động tâm linh, có tác dụng đưa đạo đức thăng hoa, đây cũng chính là phản ánh tác dụng của nhã nhạc trong giáo hoá đạo đức, giúp con người hợp với thiên đạo ở mức cao nhất thời nay.

(còn tiếp)

Dịch từ https://www.zhengjian.org/node/53717



Ngày đăng: 28-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.