Khám phá lục nghệ (6): Lục thư



Tác giả: Trọc Thế Thanh Liên (Đại Lục)

[ChanhKien.org]

Người xưa căn cứ dựa trên hình dạng, âm điệu, ngữ nghĩa và điều lệ tạo chữ của chữ Hán mà quy nạp lại thành 6 phép cấu tạo chữ Hán gọi là lục thư, gồm: Tượng Hình (象形), Chỉ Sự (指事), Hội Ý (會意), Hình Thanh (形聲), Chuyển Chú (轉注) và Giả Tá (假借).

Từ xưa đến nay khi giáo dục cho học sinh thì việc dạy trẻ biết đọc, biết viết là nội dung quan trọng nhất, còn về trình độ lý giải nội hàm của Hán tự một cách sâu sắc thì đương nhiên giữa học sinh thời xưa và thời nay sẽ rất khác nhau.

Hán tự là văn tự Thần truyền. Cũng chính vì đó là văn tự mà Thần truyền cấp cho con người nên mới có thể lưu truyền bền bỉ mấy ngàn năm, bất kể là con người có quyền lực lớn đến mấy, không ai có thể cải biến Hán tự từ căn bản. Lúc ban sơ khi mới tạo ra chữ viết, Thần đã dung nạp ý chỉ của mình vào trong hình dạng, âm điệu, ý nghĩa của chữ Hán, người xưa sẽ thông qua học tập hình-âm-nghĩa của chữ Hán mà liễu giải cũng như thể hội sâu sắc thiên cơ và ý chỉ của Thần. Đây chính là một cách hữu hiệu để người xưa đạt đến cảnh giới cao, thiên nhân hợp nhất.

Chữ lập theo triện văn, có thể thấy là nét ngang (一) ở dưới chữ đại (大)

Ví dụ về 3 chữ “大” đại, “天”, thiên “立” lập. Chữ “大” đại là hình tượng một người đang đứng (dang hai tay) khi nhìn từ phía chính diện. Thêm một nét ngang “一” ở trên đầu chữ “大” đại sẽ thành chữ “天” thiên, còn thêm một nét ngang “一” phía dưới sẽ thành chữ “立” lập . Đỉnh đầu của con người đội trời, chân đạp đất, gọi là đỉnh thiên lập địa. Vị trí của một người giữa Trời Đất quyết định việc hết thảy mọi hành vi chuẩn tắc của con người phải phù hợp với quy luật của Thiên Địa, nếu không bầu trời trên đầu sẽ sụp đổ, mặt đất sẽ sụt lún, thiên địa bất dung. Nếu thiên địa bất dung thì tương lai người ấy sẽ đứng ở đâu? Chỉ với ba chữ đại “大”, thiên “天”, lập “立” nhưng đã một cách hình tượng mà bao hàm cả địa vị của con người, chuẩn tắc hành vi của con người trong đó. Những giáo viên dạy Hán ngữ ngày nay liệu có thể lý giải thâm sâu đến mức độ này không, huống nữa là học sinh của họ?

Chúng ta hãy phân tích về chữ 婚 hôn. Sách “Thuyết Văn Giải Tự” viết rằng: “Hôn, phụ gia dã. Lễ, thú phụ dĩ hôn thời, phụ nhân âm dã. Tòng nữ hôn, hôn diệc thanh” (Hôn, là nghi lễ tổ chức ở nhà gái, lấy vợ thường tổ chức lúc hoàng hôn, phụ nữ thuộc về âm. Chữ hôn 婚 trong hôn nhân gồm chữ nữ và chữ hôn (hoàng hôn) ghép lại). Hôn(婚) là chỉ nhà gái. Chữ nữ 女 và hôn 昏 đều là thiên bàng chỉ ý, riêng chữ 昏 hôn vừa là biểu ý vừa là biểu âm. Nhà gái vì sao lại có bao gồm thành phần hôn (昏)? Bởi vì người xưa lấy vợ sẽ lấy lúc hoàng hôn. Cưới vợ vì sao lại chọn thời điểm hoàng hôn? Học thuyết âm dương thời xưa phân chia hết thảy vạn sự vạn vật thành hai loại lớn là âm và dương. Nam thuộc dương, nữ thuộc âm, ngày là dương, đêm là âm, mặt trời mọc là dương, mặt trời lặn là âm, v.v. Bởi vì người nữ thuộc âm nên chọn hoàng hôn là lúc khí âm dâng cao sẽ rước người nữ vào nhà, nên lấy vợ sẽ chọn lúc hoàng hôn. Bài thơ Đường “Động phòng tạc dạ đình hồng chúc, Đãi hiểu đường tiền bái cữu cô” [1] (Dịch nghĩa: Đêm trước khi động phòng, tắt ngọn nến hồng, đợi đến sáng lên nhà chào mẹ cha), đến nay ở một số địa khu thuộc Trung Quốc đại lục vẫn còn lưu truyền phong tục phải rước nàng dâu mới vào nhà trước khi mặt trời lên đều là xuất phát từ nghi lễ này.

Chỉ một từ 婚 hôn thôi mà người học không chỉ cần học và nắm vững được hình-âm-nghĩa của chữ mà còn cả các nội hàm cực kỳ phong phú như nội hàm sâu sắc của học thuyết âm dương đằng sau con chữ cũng như sự lý giải về học thuyết âm dương của người xưa, tự giác chiểu theo nguyên lý âm dương mà làm các việc. Bản thân quá trình người xưa nghe, nói, đọc, nhận biết và viết chữ 婚 hôn đã bao hàm quá trình nội hoá [2] và lý giải nội hàm vô hạn của con chữ, cảnh giới của người học cũng từ đó mà thăng hoa một cách bất tri bất giác. Kỳ thực không chỉ là chữ 婚 hôn, mỗi mọi chữ Hán cổ đại đều [có hội hàm phong phú] như thế. Học tập Hán tự mà không lĩnh ngộ được nội hàm sâu sắc của con chữ thì chính là cô phụ sự từ bi và khổ tâm tạo chữ của Thần.

Bố cục kết cấu của Hán tự cũng như thế. Mỗi một chữ Hán đều có một trục trung tâm hữu hình hay vô hình bên trong. Ví dụ những chữ như 永 thuỷ、中 trung、小 tiểu、木 mộc、朱 chu đều có đường nét bút vạch theo trục tung, còn những chữ như 况 huống、耿 cảnh、刚 cương 、谓 vị ..không có đường nét bút vạch theo trục tung nhưng lúc viết đều phải giữ cho không lệch xa khỏi trung tâm và giữ cho chính, luôn giữ cho về gần trục trung tâm dù trục đó là hữu hình hay vô hình, hơn nữa giữa các nét bút cũng phải duy trì sự cân bằng, hòa hợp. Nếu không giữ vững quanh trung tâm, nếu bị lệch, bị nghiêng, hoặc xê dịch, thì hoặc là sẽ không thành được chữ muốn viết, hoặc là sẽ mất đi đặc điểm nhận dạng chữ đó và thành chữ khác. Việc viết chữ viết lớn hay nhỏ cũng là cùng một đạo lý như vậy. Vị trí tương quan của các nét và các bộ phận thành phần (thiên bàng) trong chỉnh thể một chữ Hán cũng không có khác biệt gì với vị trí tương quan của Thiên Địa trong Vũ Trụ, vị trí của các ngôi sao trong thiên thể, vị trí của con người trong Vũ Trụ và các hành vi, chuẩn tắc mà con người nên tuân theo. Người ta thường nói: Người thế nào văn thế ấy, người thế nào chữ thế ấy. Làm người và hành văn, viết chữ, là cùng một đạo lý, làm sao có thể không có liên hệ được?

Thiên đạo và thiên cơ ẩn ý từ Thần xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong các phép cấu tạo Hán tự thì từ kết cấu hình thể cho đến âm điệu và hàm nghĩa, hết thảy đều có thiên cơ. Trong văn tự mà Thần truyền thì khắp mọi chỗ đều là triển hiện thiên đạo cho con người cũng như ám thị cho con người thiên cơ ẩn ý từ Thần, chỉ là xem con người có thể suy nghĩ sâu thêm hay không, có thể ngộ ra được hay không. Nếu ngộ ra được thì mỗi một Hán tự đều là một chiếc thang bắc lên trời, còn nếu không ngộ ra được thì Hán tự chỉ là một loại công cụ văn tự có mang hình-âm-nghĩa mà thôi.

Con người là vạn vật chi linh [3], là vì con người có thể lĩnh ngộ được thiên cơ, có thể không ngừng nâng cao bản thân để đạt đến thiên đạo. Nếu không, con người cùng lắm cũng chỉ là một sinh vật trong vạn vật, chỉ là một con cờ trong ván cờ của thần Thời Gian mà thôi. Như thế con người há chẳng phải đáng thương lắm hay sao?

(còn tiếp)

Chú thích của dịch giả:

【1】 Hai câu thơ này được trích trong bài thơ Khuê ý – Cận thí thướng Trương thuỷ bộ của Chu Khánh Dư thời Đường (theo thivien.net)

【2】 Nội hóa: (tiếng anh: internalization), tạm hiểu là quá trình học hiểu và ngấm dần vào tâm trí, biến nó thành một phần của mình.

【3】Vạn vật chi linh: Những sinh mệnh có linh tính nhất trong vạn vật

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53774



Ngày đăng: 03-08-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.