Khám phá lục nghệ (2): Ngũ ngự



Tác giả: Trọc Thế Thanh Liên (Đại Lục)

[ChanhKien.org]

Xe ngựa là phương tiện đi lại quan trọng của người thời xưa, đồng thời đó cũng là nhân tố quan trọng để giành được chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Chiến xa là phương tiện chủ yếu trong chiến trận thời xưa, khi đánh trận thì cần đi nhanh tiến xa, tấn công kẻ địch, nhanh chóng giành tiên cơ (chớp thời cơ chiếm những yếu tố lợi thế), nên kỹ năng của người đánh xe chính là yếu tố quyết định tới thành bại của cuộc chiến. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về ngũ ngự, là 5 kỹ thuật đánh xe mà người xưa cần phải nắm vững.

Đánh xe như thế nào mới đạt đến thiên đạo? Trước tiên chúng ta hãy xem câu chuyện cổ nhân học đánh xe.

Triệu Tương Tử học đánh xe với Vương Vu Kỳ. Khi học xong, trước lúc về nhà, Triệu tỉ thí công phu đánh xe với Vương Vu Kỳ. Lần tỉ thí thứ nhất Triệu Tương Tử thua, bèn nói: “Không đúng không đúng, là do ngựa của ta không tốt.” Thấy thế Vương Vu Kỳ đổi ngựa cho Triệu Tương Tử rồi tiếp tục tỉ thí. Lần tỉ thí thứ hai Triệu Tương Tử lại thua, Triệu nói: “Không đúng không đúng, là do xe của ta cũng không tốt.” Vương Vu Kỳ thấy thế bèn đổi xe ngựa với Triệu. Lần tỉ thí thứ ba Triệu Tương Tử đánh xe ngựa của Vương Vu Kỳ, Vương Vu Kỳ đánh xe của Triệu Tương Tử, kết quả Triệu vẫn thua. Lần này Triệu Tương Tử lại viện lý do: “Là do huynh không dạy hết kỹ thuật cho ta, nếu không sao lần này xe của ta tốt hơn nhưng ta vẫn thua huynh?”, Triệu hoài nghi Vương Vu Kỳ giấu nghề cho riêng mình. Vương nói: “Kỹ thuật thì ta đã chỉ dạy hết cho huynh rồi. Khi đánh xe thì ngựa phải liền với xe, dùng tâm điều khiển ngựa. Nhưng còn huynh, khi bị tụt lại phía sau ta thì cứ muốn vượt qua ta, khi hơn ta rồi lại e ta sẽ thắng huynh. Huynh đánh xe ngựa nhưng tâm huynh chỉ đặt ở nơi ta, thì làm sao có thể đạt được tiến tốc trí viễn?”

Câu chuyện này đã nói rõ cho chúng ta một đạo lý thâm sâu: đánh xe cần có kỹ pháp, nhưng quan trọng hơn là cần có tâm pháp. Tâm pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề cảnh giới tâm của con người. Kỹ pháp thì thông qua miệng nói, tai nghe thì thầy có thể truyền lại cho trò, rồi qua quá trình luyện tập là có thể nắm vững được, còn tâm pháp thì người học phải tự mình ngộ, tu tâm, đề cao cảnh giới tâm tính thì mới có thể đạt được. Tâm pháp là thứ phải được trui rèn lâu dài, không phải là việc ngày một ngày hai mà có được. Tâm pháp đánh xe của Vương Vu Kỳ chính là khi người đánh xe đã tu bỏ được tâm cầu danh cầu lợi, chuyên tâm toàn chí vào việc điều khiển xe, ngựa, thì người và xe, ngựa đạt được sự hài hoà cao độ, phối hợp nhất trí, đồng tâm đồng đức, tề tâm hiệp lực, sau đó mới có thể tiến tốc trí viễn [1].

Khi một người đánh xe đạt được hoà hợp cao độ với cả ngựa và xe, thì người đó sẽ hòa hợp nhất trí với những người xung quanh, với các thành viên trong gia đình cũng như với môi trường xã hội; dần dần tâm thái ấy sẽ thành tự nhiên, sẽ đạt được hài hoà hợp nhất với trời đất, đó cũng là cảnh giới cao thiên nhân hợp nhất, cũng là cảnh giới cao của đạo tu thân của người xưa. Người như thế tề gia thì gia đạo hoà thuận, trị quốc thì quốc sẽ an ổn, bình thiên hạ thì thiên hạ sẽ thái bình [2]. Trong việc tề gia trị quốc bình thiên hạ, không tuyển chọn người như thế thì sẽ tuyển ai đây?

(còn tiếp)

[1] Đi được nhanh, tiến được xa

[2] Bản gốc: “tề gia tắc gia tề, trị quốc tắc quốc trị, bình thiên hạ tắc thiên hạ bình”

Gia tề: Ý nói gia đình nề nếp, hòa thuận

Quốc trị: Ý nói trị vì đất nước được tốt

Thiên hạ bình: Ý nói thiên hạ yên bình, thái bình

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53623



Ngày đăng: 26-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.