Nguồn gốc của trà (Phần 2): Trà cứu Thần Nông
Tác giả: Thạch Phương Hành
Tiếp theo Phần 1
[ChanhKien.org] Lịch sử của trà xuất hiện tại thế gian vượt rất xa lịch sử nền văn minh của nhân loại, nhưng chỉ đến khi con người phát hiện ra giá trị của nó, trà mới dần dần trở nên quen thuộc và được mọi người chú ý đến.
Trong phần Lời mở đầu, chúng tôi đã đề cập đến nguồn gốc của trà vốn là từ thiên giới, để con người thông qua việc thưởng trà mà khắc ghi lời nhắc nhở của thiên thượng (rằng con người vốn từ thiên thượng đến và phải quay trở về), con người cần phải giữ gìn sự thuần chính và trong sạch trong xã hội người thường, giống như trà vậy. Trà sau khi được Thần trồng ở nhân gian cũng phải trải qua một quá trình thích ứng. Môi trường sống xung quanh từ trời, đất, không khí cho đến hệ động thực vật đều khác biệt rất lớn so với thiên giới, cho nên không chỉ sự sinh trưởng của cây trà cần phải thích ứng với tự nhiên mà cả hương vị của trà cũng cần phải thích ứng với con người và sự phát triển của con người. Suy cho cùng, sự xuất hiện của trà ở nhân gian cũng giống như người mà thời gian dài đã ăn ngũ cốc, đột nhiên ăn đồ ăn quá nhiều dầu mỡ thì không thể ăn nổi. Vậy nên, thích ứng là việc quan trọng nhất.
Từ những khai quật khảo cổ trên khắp thế giới có thể thấy nền văn minh của nhân loại không chỉ xuất hiện một lần, vậy thì lá trà được con người biết đến và sử dụng cũng không thể chỉ trong nền văn minh lần này. Trong “Trung Quốc Thông Sử”, nhà đại sử học thời Dân quốc Lã Tư Miễn đã xác định rõ nền văn minh Trung Hoa bắt nguồn từ núi Côn Luân, Trung Quốc (phía nam và tây nam của núi là dân tộc Miêu, Tạng, phía bắc là dân tộc Hoa Hạ ở Trung Nguyên).
Từ những hình vẽ biểu tượng, câu chuyện và truyền thuyết lưu truyền lại có thể thấy người dân tộc thiểu số ở tây nam Trung Quốc và những người dân tộc cổ người Hoa Hạ đều là hậu duệ của nền văn minh lần trước, do vậy vào thời thượng cổ họ mới có thể sáng tạo ra những thứ văn hóa mà con người hiện đại chúng ta không thể theo kịp, như: Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Chu Dịch, Bát Quái v.v …
Những điều này chứng minh rằng trà chắc chắn không chỉ là thứ mà người hiện đại chúng ta cho là gắn với việc tu tâm dưỡng tính, mà còn chứa đựng lời nhắn nhủ của thiên thượng tới chúng ta rằng hãy luôn khắc ghi nguồn gốc của chính mình.
Về công dụng, trà vừa có tác dụng chữa bệnh vừa làm đồ uống. Từ góc độ xã hội học mà nói, trong lịch sử văn minh mấy nghìn năm của Trung Quốc, trà đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, giao lưu giữa người với người, giữa các bộ lạc với nhau, giữa các quốc gia với nhau. Văn hóa trà không chỉ giúp gắn kết tình cảm mà còn mở ra cơ hội giao lưu về kinh tế và văn hóa.
Từ góc độ ngoại giao mà nói, trà đóng vai trò là “đại sứ thân thiện”. Trà của Trung Quốc được các quốc gia khác nhập khẩu về, chế biến và sử dụng, cùng với đó là “văn hóa trà” mang đậm bản sắc Trung Quốc cũng lan rộng khắp thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu sắc.
Trước tiên cần nói rõ, trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, vậy nên trong quá trình phát triển và truyền bá ra thế giới, trà và văn hóa trà đều mang đậm “hương vị Trung Quốc”. Mà văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn chú trọng “Thiên nhân hợp nhất” (sự hòa hợp giữa trời đất và con người), chú trọng việc truyền thừa các giá trị đạo đức. Thế nên khi nghiên cứu, luận bàn về trà và văn hóa trà, chúng ta đương nhiên không thể tách khỏi bối cảnh của văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Trước hết chúng ta hãy nói về quá trình trà được phát hiện ở nhân gian:
Trong “Thần Nông bản thảo kinh” – cuốn sách y dược cổ đại của Trung Quốc và cũng là bộ sách về y dược đầu tiên lâu đời nhất thế giới (theo đánh giá của các chuyên gia, cuốn sách này được viết vào thời Chiến Quốc từ năm thứ 5 đến năm 221 trước công nguyên) có ghi: “Thần nông thưởng bách thảo, nhất nhật ngộ thất thập nhị độc, đắc trà nhi giải chi” (Thần Nông nếm thử trăm loại thảo mộc, một ngày gặp 72 loại độc, nhờ có trà mà giải được độc). Tương truyền khi Thần Nông đang nếm thử 100 loại thảo mộc, cây thuốc, khi nếm đến hạt kim lục sắc thì trúng độc, vừa hay ngã ngay dưới gốc cây trà, sương trên lá cây trà rơi vào miệng giúp ông tỉnh lại. Tuy rằng đây chỉ là câu chuyện truyền thuyết nhưng lại có ghi chép một sự thật rằng lá trà có chức năng giải độc. Sự cố mà Thần Nông gặp phải này, nhìn bề ngoài dường như là điều tất yếu xảy ra trong quá trình ông tìm hiểu các loại cây cỏ. Tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, việc lưu lại câu chuyện truyền thuyết này phải chăng để người đời sau chúng ta hiểu rằng khắp nơi trong nhân gian đều tràn đầy các loại cỏ độc (những nhân tố bất hảo hình thành ở nhân gian như: lợi ích, dục vọng, tự tư v.v …), lúc đó cần phải nhờ đến công dụng của trà (chỉ chung là đạt đến cảnh giới thanh khiết, vô tư phù hợp với nguyên tắc tu tâm tính của người tu luyện) mới có thể giải quyết được.
Căn cứ vào tư liệu lịch sử hiện có: Thần Nông Thị (Thần Nông) là thủ lĩnh của các bộ tộc “Tam Miêu”, “Cửu Lê”. Bộ tộc của Thần Nông sống ở khu vực gần Thần Nông Giá hiện nay. Ở đây có rất nhiều khu rừng nguyên sinh, có nhiều loài thảo mộc phong phú để Thần Nông nếm thử các loại cỏ.
Kỳ thực, vào thời thượng cổ do chưa có văn tự ghi chép nên rất nhiều sự việc người ta đều lưu truyền lại theo cách khẩu truyền tâm thụ hoặc là dùng cách thắt nút dây để ghi nhớ. Sau này, theo thời gian con người bắt đầu sáng tạo ra chữ viết và hình thành các quan niệm dựa trên thực tiễn cuộc sống. Con người vô hình chung đã dùng quan niệm lúc đó để đo lường lịch sử trước đây. Vậy nên, thời gian càng dài thì nhận thức và ghi chép của con người về giai đoạn lịch sử chưa có chữ viết ngày càng xa rời sự thật.
Khi một nền văn minh xuất hiện, ông Trời sẽ phái một vị Thần xuống để dẫn dắt con người, giúp con người nhận thức một số sự vật hoặc phát triển một số phương diện. Chúng ta có thể hiểu được điều này qua những ghi chép của Hiên Viên Hoàng Đế trong cuốn “Sử ký”.
Đầu tiên hãy xem một số câu chuyện truyền thuyết đã rất quen thuộc với chúng ta: “Bàn Cổ khai thiên địa”, “Nữ Oa tạo ra con người”, “Phục Hi sáng tạo bát quái”, “Thần Nông nếm thử trăm loại thảo mộc”, “Hoàng Đế chiến đấu với Si Vưu”, rồi đến những vị vua nhân đức như “Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang” v.v… Khi xem một cách tuần tự những câu chuyện truyền thuyết này, chúng ta sẽ phát hiện đây là quá trình sắp đặt có trình tự của ông Trời. Mỗi một sự kiện trọng đại đều có ý nghĩa giúp làm phong phú kinh nghiệm của con người trong xã hội, hoàn thiện nhận thức của con người.
Bản thân Thần Nông cũng là một vị Thần được Trời an bài xuống nhân gian, dạy dỗ những con người đầu tiên nhận thức được hình thái và công dụng của các loại thực vật (bao gồm cả cây trồng nông nghiệp). Cho dù thế nào, đã đến nhân gian thì phải phù hợp với những biểu hiện ở nhân gian, cho nên, ăn thứ có độc cũng sẽ bị trúng độc. Nhưng suy cho cùng, ông được Trời an bài xuống làm những việc này nên khi chưa đến lúc nên rời đi thì sẽ luôn luôn được cứu.
Từ đó mà trà (thời cổ dùng chữ “荼 – Đồ”) bắt đầu “tung hoành ngang dọc”. Nàng (ở đây dùng cách nhân hóa cho sinh động) vốn được ông Trời phái xuống, đã tồn tại rất lâu ở thế giới này rồi, chỉ là con người chưa nhận thức được công dụng và ý nghĩa sự tồn tại của nàng. Nàng đang chờ đợi, chờ một thời cơ, một cơ hội để chứng tỏ tài năng. Khi Thần Nông nếm thử một loại thực vật bị trúng độc, vừa hay ngã dưới chân nàng, nàng rất hân hoan, vui mừng, cảm thấy ngày xuất đầu lộ diện cuối cùng cũng đã tới rồi, không thể mất đi cơ hội này. Với sự phối hợp hoàn hảo của giọt sương, sức mạnh của nàng hòa tan trong giọt sương, rơi vào miệng Thần Nông. Từng giọt nước giống như dòng suối trong lành giải trừ hết thảy độc tố trong cơ thể Thần Nông, không lâu sau Thần Nông tỉnh lại, cây trà vui mừng đung đưa cành lá. Thần Nông mỉm cười hiểu ý, đôi bên hoàn thành “sự kết nối đánh dấu lịch sử”. Từ đó “trà” xuất hiện trong ý thức tư tưởng của con người, dần dần trở thành một trong bảy thứ quan trọng cuộc sống của người Trung Quốc (củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà).
Nói một cách văn vẻ và sinh động, nhưng chúng ta thử nghĩ xem chẳng phải đúng như vậy sao?
Kỳ thực việc phát hiện ra trà không chỉ do một mình công của Thần Nông, mặc dù vậy người ta đều quy tất cả do công của Thần Nông. Hơn nữa nguồn gốc của trà cũng là do Thần ở cảnh giới khác mang tới nhân gian, sắp đặt ở các khu vực khác nhau, trà được phát hiện ở những thời kỳ khác nhau, phù hợp với thói quen và khẩu vị khác nhau, cũng thích hợp với những nhóm người khác nhau.
Xem tiếp Phần 3
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245107
Ngày đăng: 22-09-2018
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.