Đạo gia tu luyện cố sự: Vương Xứ Nhất



Tác giả: Mạc Cầu

[ChanhKien.org] Cao nhân Vương Trùng Dương của Đạo gia có một đệ tử tên là Vương Xứ Nhất. Vương Xứ Nhất, đạo hiệu Ngọc Dương Tử, là người Ninh Hải Đông Mâu. Mẹ ông, Chu Thị, khi sinh ông từng nằm mơ thấy có đám mây đỏ quấn lên thân mình. Vương Xứ Nhất mồ côi cha từ nhỏ, rất hiếu thảo với mẹ. Năm lên 7 tuổi, ông trải qua hiện tượng nguyên thần ly thể, đột nhiên chóng mặt ngã xuống, rất lâu sau mới tỉnh lại, từ đó hướng về tu luyện.

Đến tuổi trưởng thành, Vương Xứ Nhất được người ta đề nghị kết thông gia; Vương Xứ Nhất chỉ cười trừ không ưng thuận; mẹ của ông là Chu Thị cũng không ép ông. Năm Đại Định thứ 8 Kim Thế Tông (năm 1168 SCN), Vương Xứ Nhất gặp được Vương Trùng Dương, và bái ông làm sư phụ. Mẹ Vương Xứ Nhất là Chu Thị cũng có ý nguyện bái Vương Trùng Dương làm sư phụ để học Đạo. Vương Trùng Dương biết bà là người trinh khiết, ban cho bà tên Đức Thanh, hiệu Huyền Tĩnh Tản Nhân; từ đó cả hai mẹ con đều là đệ tử của Vương Trùng Dương.

Sau khi bái sư, Vương Xứ Nhất đứng vào hàng tả hữu của Vương Trùng Dương, được truyền thụ Đạo Pháp. Một ngày nọ, Vương Trùng Dương gọi ông đến và nói: “Động Vân Quang, núi Thiết Tra ở huyện Văn Đăng là nơi con trèo lên; con có thể đến đó ở, không được giải đãi”. Vương Xứ Nhất sau đó cáo từ, quy ẩn tu luyện trong động Vân Quang. Trong quá trình tu luyện, Vương Xứ Nhất khổ luyện trạm trang, thường đứng bất động mấy ngày liền trên sườn núi. Người ta đều gọi ông là “Thiết Cước Tiên Nhân”. Ông ở động Vân Quang tu luyện ròng rã suốt 9 năm, Khưu Xứ Cơ từng tặng ông bài thơ: “Cửu hạ nghênh dương lập, Tam đông bão tuyết miên”, nghĩa là “Chín mùa Hạ đứng đón Mặt trời, Ba mùa Đông ngủ trong bão tuyết”.

Vào năm Đại Định thứ 17 (năm 1187 SCN), Kim Thế Tông sau khi nghe được sự tích về Vương Xứ Nhất đã sai sứ mời ông vào cung, thiết đãi ông rất cung kính. Đến năm sau, Hoàng Đế lại triệu kiến Vương Xứ Nhất, thưởng vàng bạc lụa là còn nhiều hơn, nhưng Vương Xứ Nhất đều từ chối không nhận. Lúc ấy có ác nhân tật đố ông, bịa đặt trước mặt Hoàng Đế rằng: “Vương Xứ Nhất không phải là người đắc Đạo, có thể dùng cách nhử ông ta uống rượu độc để phân rõ thật giả”. Lúc ấy Vương Xứ Nhất dùng thần thông hiểu thấu âm mưu của ác nhân, vì thế trước khi dự triệu đã lệnh sẵn người đào ao đổ nước; đến khi dự triệu, Vương Xứ Nhất cầm chén uống cạn rượu độc; sau khi trở về mới xuống ao vận công bài độc, thậm chí khiến nước ao cũng sôi lên sùng sục. Kim Thế Tông sau khi biết được thần tích bài độc của ông, cứ cảm thán mãi không thôi.

Vào năm Thái Hòa thứ 3 Kim Chương Tông (năm 1203 SCN), mẫu thân Vương Xứ Nhất qua đời; trước khi qua đời bà nói: “Không tham sống, không sợ chết” rồi tạ thế. Lúc ấy người ta ngửi thấy mùi hương thơm ngát, kèm theo tiếng đàn sáo thần tiên thanh nhã du dương.

Năm Thái Hòa thứ 7 (năm 1207 SCN), Vương Xứ Nhất ở tại Thánh Thủy Ngọc Hư quán. Đương thời trước thủy động có một phiến đá lớn nghiêng đến mấy trượng, ai nhìn cũng thấy sợ hãi; người ta bàn bạc đập bỏ nó đi, dùng chùy để đập, nhưng mấy ngày cũng không suy suyển phân nào. Sau khi Vương Xứ Nhất đến, ông dùng chùy đập ba cái vào tảng đá, tiếng nổ như sấm, tảng đá rơi sập xuống. Đám khói tím che khắp động đá, ba ngày sau mới tản hết. Kể từ đó, Vương Xứ Nhất còn nhiều lần hiển hiện thần tích.

Ví dụ khi Vương Xứ Nhất đến huyện Phúc Sơn, thấy có người chết sắp mai táng, ông bèn ghé vào tai người chết, nói: “Địa phủ không được thu”; trong chốc lát người ấy cải tử hoàn sinh, ăn uống như thường. Đến khi con cái người ấy đem tài vật cảm tạ, Vương Xứ Nhất chỉ mỉm cười phẩy tay áo mà đi.

Ngày 23 tháng 4 năm 1217 SCN, Vương Xứ Nhất nói với môn đồ: “Quần tiên đã hẹn ta rồi”. Sau đó tắm rửa đội mũ, đốt hương lễ thập phương, rồi lấy bút viết mấy câu thơ:

Nhảy xuất càn khôn quyền tạo hóa,
Thần quang sáng chói khắp chư thiên.
Phiêu phiêu cưỡi hạc siêu Tam giới,
Mừng được kim thư Ngọc Đế tuyên.

Viết xong bình an ly thế, lúc ấy ánh sáng tràn vào sơn cốc, khí lành phủ khắp thung lũng. Về sau, vào năm Chí Nguyên thứ 6, Nguyên Thế Tổ truy phong Vương Xứ Nhất là “Ngọc Dương Thế Huyền Quảng Độ Chân Nhân”. Năm Chí Đại thứ 3, Nguyên Vũ Tông tiến thêm một bước nữa, phong Vương Xứ Nhất là “Ngọc Dương Thế Huyền Quảng Từ Phổ Độ Chân Quân”.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2009/7/24/60734.html



Ngày đăng: 10-05-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.