Mười khảo nghiệm của Lã Động Tân – Nhất chính áp bách tà



Tác giả: Sử Văn

[Chanhkien.org] Lã Động Tân là người huyện Vĩnh Nhạc, Bồ Châu triều Đường, họ Lã tên Phẩm, tự là Động Tân. Lã Động Tân là một trong Bát Tiên. Cha của ông là Lã Nhượng, là Thứ Sử của Hải Châu. Lã Động Tân sinh vào ngày 14 tháng 4 năm 14 Trinh Nguyên, hiệu là Thuần Dương Tử.

Truyền thuyết kể rằng khi Lã Động Tân giáng sinh, mùi hương tỏa khắp phòng, âm nhạc thiên đường vang khắp không trung, lại có một con hạc trắng từ trên trời hạ xuống, bay vào trong màn trướng rồi biến mất. Nghe nói ông từ bé sinh ra đã hình Kim chất Mộc, đạo cốt thần tiên, đầu hạc lưng rùa, mình hổ hàm rồng, mắt phượng nhìn trời, lông mày rủ xuống, cổ mảnh má cao, trán rộng thân tròn, sống mũi chính trực, sắc mặt trắng hồng, cuối lông mày trái có một nốt ruồi đen. Ông từ nhỏ đã thông minh nhanh trí, xuất khẩu thành thơ. Khi trưởng thành thân dài tám thước hai tấc. Mặt mũi tươi cười, để râu dài, thích quàng khăn Hoa Dương. Hình dáng trông rất giống Trương Tử Phòng. Vào những năm Hội Xương nhà Đường, ông vâng mệnh phụ mẫu đến Trường An dự thi. Một ngày nọ, khi đang ở Trường An uống rượu lúc thanh nhàn, ông gặp một đạo sĩ áo xanh, mình choàng áo trắng, tay cầm bút viết lên tường ba bài thơ tứ tuyệt như sau:

Bài thứ nhất nói rằng:

Tọa ngọa trường huề tửu nhất hồ,
Bất giáo song nhãn thức Hoàng Đô,
Càn khôn hứa đại vô danh tính,
Sơ tán nhân gian nhất trượng phu.

Nghĩa là:

Dù nằm hay ngồi vẫn mang theo một bầu rượu,
Không bảo đôi mắt trông thấy kinh thành Trường An,
Càn khôn vũ trụ rộng lớn không có danh tính,
Rải rác ở chốn nhân gian một đấng trượng phu.

Bài thứ hai nói rằng:

Đắc Đạo chân Tiên bất dịch phùng,
Kỷ thời quy khứ nguyện tương tòng,
Cổ ngôn trụ xứ liên thương hải,
Biệt thị Bồng Lai đệ nhất phong.

Nghĩa là:

Bậc chân Tiên đắc Đạo không dễ mà gặp được,
Khi nào mong muốn trở về xin nguyện đi theo,
Lời xưa nói họ ở nơi biển cả xanh thẳm,
Hay là ở ngọn núi cao nhất chốn Bồng Lai.

Bài thứ ba nói rằng:

Mạc yếm truy hoan tiểu ngữ tần,
Tầm tư ly loạn khả thương thần,
Nhàn lai khuất chỉ tòng đầu số,
Đãi đáo thanh bình hữu phàm nhân.

Nghĩa là:

Đừng mãi hài lòng với vui vẻ và hạnh phúc,
Nghĩ ngợi nhiều có thể làm thương tổn tinh thần,
Vui vẻ bấm ngón tay và thuận theo số phận,
Chờ đợi buổi thanh bình trong cõi phàm trần này.

Lã Động Tân kinh ngạc trước tướng mạo cổ quái, ý thơ phiêu dật của người ấy và tiến lên hành lễ. Vị đạo sĩ nói: “Trước tiên ngươi ngâm bài thơ thứ nhất để ta xem chí ngươi thế nào”. Lã Động Tân tiện tay tiếp bút viết:

Sinh tại Nho gia ngộ thái bình
Huyền anh trọng trệ bố y khinh
Thùy năng thế thượng tranh danh lợi
Dục sự Thiên Hoàng thượng Ngọc Thanh

Nghĩa là:

Sinh tại gia đình nhà Nho, gặp cảnh thái bình
Đã quen với áo vải, coi thường cảnh lụa là
Tại sao con người thế gian tranh giành danh lợi?
Ta phục vụ Thượng Đế ở trên điện Ngọc Thanh

Đạo sĩ xem xong bài thơ rồi nói: “Ta là Vân Phòng tiên sinh, ngụ tại Hạc Lĩnh núi Chung Nam, ngươi có muốn theo ta đi tu Đạo không?” Lã Động Tân đã không nhận lời.

Tuy nhiên, Vân Phòng và Lã Động Tân ở cùng một phòng trọ với nhau. Khi Vân Phòng đang nấu cháo kê, Lã Động Tân đột nhiên ngủ mê mệt. Ông có một giấc mơ rằng ông đỗ làm Trạng Nguyên, nhậm một chức quan lớn ở triều đình, và cưới hai người con gái của một gia đình giàu có. Trong giấc mơ ấy ông có nhiều thê thiếp, người hầu và con cháu. Khoảng 40 năm sau, ông trở thành Thừa Tướng, đảm nhiệm chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều đình tròn một thập niên. Tuy nhiên, ông đã vô ý phạm phải trọng tội, cuối cùng phải lìa vợ xa con, lưu lạc nơi núi rừng hoang dã, đơn độc một mình, khốn khổ tiều tụy. Khi đang cưỡi ngựa giữa cơn gió tuyết, ông thở dài cảm thán thì đã thấy mình thức dậy bên cạnh nồi cháo kê đang nấu. Vân Phòng cười và tụng hai câu thơ:

Hoàng lương do vị tục
Nhất mộng đáo hoa tư

Nghĩa là:

Nồi kê còn chưa chín
Giấc mộng đã mơ xong

Lã Động Tân thất kinh, hỏi: “Tiên sinh có biết giấc mộng của tôi có nghĩa là gì không?” Vân Phòng đáp: “Giấc mộng vừa rồi của ngươi, thăng trầm muôn vẻ, vinh nhục đa đoan. Năm mươi năm không là gì hết, chỉ trong nháy mắt. Do vậy, được mất trong cuộc sống ngắn ngủi này không có nghĩa lý gì cả. Thế nhân phải kinh qua quá trình đại triệt đại ngộ, mới hiểu ra rằng nhân thế chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài mà thôi”. Lã Động Tân cảm ngộ, nhận ra rằng giấc mộng trên là một điểm hóa. Vân Phòng khảo nghiệm ông bằng cách nói: “Cốt khí ngươi chưa hoàn thiện, vẫn còn chưa đủ phẩm chất của một vị Tiên, ngươi phải hoàn tất mấy đời tu luyện mới được”. Nói xong bèn ra đi, Lã Động Tân sau đó bỏ sự nghiệp nhà Nho đi quy ẩn.

Sau khi đi theo Vân Phòng, Vân Phòng có mười khảo nghiệm cho Lã Động Tân.

Khảo nghiệm thứ nhất:

Một lần nọ, Lã Động Tân trở về nhà sau khi đi xa, ông thấy rằng tất cả gia đình mình đã chết vì bệnh tật. Lã Động Tân không hối hận vì sự ra đi của mình. Ông chỉ chuẩn bị quan tài để hỏa táng. Nhưng bỗng nhiên tất cả gia đình ông trở về, không bệnh không tật.

Khảo nghiệm thứ hai:

Lã Động Tân đi lên thị trấn bán hàng. Sau khi đã thỏa thuận xong về giá cả, bên mua đột nhiên trở mặt và chỉ trả nửa giá tiền. Lã Động Tân không hề tranh cãi với người mua hàng, chỉ nhận tiền rồi rời đi.

Khảo nghiệm thứ ba:

Một ngày nọ, khi Lã Động Tân đang chuẩn bị rời khỏi nhà thì có một kẻ ăn mày dựa vào cửa nhà ông xin của bố thí. Lã Động Tân lập tức đưa cho ông ta một chút tiền. Tuy nhiên, người ăn mày vẫn tiếp tục đòi tiền và còn mắng chửi ông bằng những lời lẽ khó nghe. Lã Động Tân chỉ mỉm cười và cảm ơn người ăn mày.

Khảo nghiệm thứ tư:

Lã Động Tân đang chăn cừu trên một sườn núi thì đột nhiên một con hổ đói chạy tới truy cản đàn cừu. Lã Động Tân lùa đàn cừu trở lại xuống núi, lấy thân mình ngăn con hổ lại để cứu đàn cừu. Con hổ đói bỏ đi.

Khảo nghiệm thứ năm:

Khi Lã Động Tân đang đọc sách trong lều cỏ ở trên núi thì một thiếu nữ xinh đẹp tầm mười bảy, mười tám tuổi bước tới, dung mạo tuyệt trần. Cô nói rằng cô đã bị lạc trên đường trở về nhà mẹ đẻ, trời lại sắp tối, tứ chi vô lực, nên muốn xin tá túc một đêm. Lã Động Tân bằng lòng cho cô gái ở lại. Đêm hôm ấy cô gái tìm mọi cách quyến rũ Lã Động Tân, ép Lã Động Tân ngủ cùng mình. Lã Động Tân không hề động tâm. Sau ba ngày liên tiếp như vậy mà không thành công, cô gái rời đi.

Khảo nghiệm thứ sáu:

Một ngày kia, Lã Động Tân rời nhà ra ngoài thành, đến khi trở lại thì đã thấy nhà của mình bị trộm đột nhập. Kẻ trộm lấy đi mọi thứ, không để lại chút gì, bao nhiêu công sức làm lụng trước đây của ông đều đổ sông đổ bể cả. Lã Động Tân không hề giận dữ chút nào, vẫn tiếp tục tự mình cày cấy nuôi thân. Một ngày nọ, khi đang cày đồng, ông đào được mười thỏi vàng. Ngay lập tức, ông chôn lại chúng xuống mà không mảy may lấy một mẩu vàng nào.

Khảo nghiệm thứ bảy:

Lã Động Tân gặp một người bán đồng và mua về một vài miếng đồng. Tuy nhiên đến khi trở về nhà, ông thấy rằng chúng đều biến thành vàng. Ông lập tức tìm lại người bán đồng ấy và trả lại toàn bộ số vàng.

Khảo nghiệm thứ tám:

Một đạo sĩ điên rao bán thuốc ngoài chợ, nói rằng ai uống thuốc vào sẽ lập tức chết ngay và sau đó chuyển sinh để đắc Đạo. Mười ngày trôi qua mà không có ai mua thuốc ấy. Lã Động Tân đến mua thuốc, đạo sĩ nói: “Ông hãy chuẩn bị hậu sự đi”. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, Lã Động Tân vẫn bình an vô sự.

Khảo nghiệm thứ chín:

Đó là một ngày mùa Xuân, nước sông ngập lụt khắp hai bên bờ và Lã Động Tân ngồi thuyền vượt sông với một nhóm người. Khi họ đi tới giữa dòng sông, đột nhiên sóng lớn nổi lên, tất cả mọi người trên thuyền mười phần sợ hãi. Tuy nhiên Lã Động Tân vẫn ngồi ngay ngắn bất động.

Khảo nghiệm thứ mười:

Lã Động Tân đang ngồi trong phòng thì đột nhiên trước mặt ông xuất hiện vô số ma quỷ hình thù kỳ dị. Một số muốn đánh, một số muốn giết ông, nhưng Lã Động Tân vẫn không sợ hãi. Và rồi ông thấy mười con quỷ dạ xoa tới, áp giải một tử tù, máu me nhễ nhại, khóc nói: “Kiếp trước ông đã giết tôi, hôm nay ông phải trả lại mạng sống cho tôi”. Lã Động Tân trả lời: “Giết người phải đền mạng”. Nói rồi tìm ngay một con dao để tự kết liễu, đột nhiên thấy trên không trung có tiếng hét to, quỷ thần đều biến mất. Một người vỗ tay cười lớn hạ từ trên không trung xuống, đó chính là Vân Phòng, ông nói: “Ta đã khảo nghiệm ngươi mười lần, ngươi vẫn bất động tâm, như vậy có thể thấy ngươi đắc Đạo thành Tiên được rồi đó.”

Sau đó Lã Động Tân đi theo Vân Phòng lên Hạc Lĩnh núi Chung Nam, nơi Vân Phòng dạy ông toàn bộ bí quyết tu Đạo thực sự. Không lâu sau, Thanh Khê Trịnh Tư Viễn và Thái Hoa Thi Chân nhân đằng vân tới từ hướng Đông Nam. Sau khi thăm hỏi lẫn nhau, họ cùng nhau ngồi xuống. Thi Chân nhân hỏi: “Đứng ở bên cạnh đây là ai vậy?” Vân Phòng đáp: “Là con của Lã Hải Châu”. Dứt lời ông bảo Lã Động Tân bái kiến hai vị Tiên. Sau khi hai vị Tiên rời đi rồi, Vân Phòng nói với Lã Động Tân: “Ta phải vào chầu Thượng Đế, đến lúc dâng biểu sẽ nói rõ công đức của ngươi, để ngươi được liệt vào hàng Tiên. Ngươi không cần phải ở đây mãi, mười năm sau ta sẽ gặp lại ngươi ở Động Đình hồ”. Rồi ông trao cho Lã Động Tân Linh Bảo Tất Pháp cùng một vài viên linh đan. Lúc này hai vị Tiên tay cầm thẻ vàng, bảo ấn đưa cho Vân Phòng, nói: “Thượng Đế hạ chiếu rằng cung trời Cửu Thiên Kim còn thiếu một vị Tiên, ông phải khởi hành ngay thôi.” Vân Phòng nói với Lã Động Tân: “Ta vâng mệnh lên chầu Thượng Đế, ngươi ở nhân gian tự mình thu xếp, tu công lập đức, đến lúc ấy thì ta và ngươi giống nhau.” Lã Động Tân bái lần nữa và nói: “Chí hướng của tôi khác với của Tiên sinh, tôi phải gắng sức độ thiên hạ chúng sinh, rồi mới đi lên”. Sau đó Vân Phòng cưỡi mây từ từ bay đi mất.

Động Tân ngao du phía Nam đến sông Lễ Thủy, khi lên lầu chuông ở núi Lư Sơn, ông gặp Chúc Dung Quân. Chúc Dung Quân nhân đó truyền thụ cho ông Thiên Độn Kiếm pháp, nói: “Ta là Đại Long Chân quân, trước đây từng cầm kiếm này trảm tà ma, nay đưa cho ông chấm dứt phiền não”.

Sau đó, Lã Động Tân dạo chơi bên sông Hoài, giết chết một con giao long lớn để thử thanh linh kiếm. Mười năm sau, ông tới hồ Động Đình, leo lên lầu Nhạc Dương, Vân Phòng đột nhiên từ trên trời đáp xuống, nói: “Ta đến để thực hiện lời hẹn ước, Thượng Đế đã có chỉ cho phép toàn bộ gia quyến ngươi ở tại Kinh Sơn Động Phủ trên thiên đàng, tên của ngươi đã được liệt vào cung Ngọc Thanh”.

Truyền thuyết kể rằng Lã Động Tân sau đó ẩn hiện trong hơn 400 năm ở thế gian, thường vui chơi ở vùng sông núi Hồ Bắc, Hồ Nam, đặc biệt vùng gần sông Dương Tử và sông Hoài. Trong những năm Chính Hòa đời Tống Huy Tông, Lã Động Tân được tôn là “Hảo Đạo Chân nhân”.

Một người tu luyện phải có thể chịu được đủ loại động chạm đến tâm linh, khảo nghiệm được và mất trong lợi ích cá nhân, để xem liệu người đó có kiên định tu luyện với tâm hướng Thiện hay không. Lã Động Tân đã phải vượt qua mười quan, mỗi một quan đều liên quan đến lợi ích cá nhân, thậm chí nguy hiểm đến sinh mệnh. Tuy nhiên bằng chính niệm, ông đều vượt qua tất cả!

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/6/23/6823.html
http://pureinsight.org/node/1052



Ngày đăng: 19-02-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.