Tiểu thuyết: Trùng sinh (7)
Tác giả: Tân Minh
[ChanhKien.org]
Hồi thứ mười ba: Hội chứng Stockholm
“Bị chuyển hóa” là từ để chỉ những học viên tuyên bố từ bỏ tu luyện, bày tỏ rằng sẽ không học Pháp Luân Công nữa. Đối với học viên thành tâm muốn tu luyện mà nói thì rất khó làm nổi điều này. Vì họ tu theo tiêu chuẩn “Chân, Thiện, Nhẫn”, nên không thể nói dối. Vậy thì tại sao lại có không ít học viên lúc ấy “bị chuyển hóa” như vậy?
Trước tiên phải nói đến trại lao động cải tạo đã thực hiện việc “chuyển hóa” ra sao. Đến trại lao động cải tạo mà không nguyện ý từ bỏ tu luyện thì sẽ bị dọa nạt, tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, trong hoàn cảnh bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, họ bị cưỡng ép không ngừng xem những video, sách vở và tư liệu bóp méo sự thật, vu khống Đại Pháp; truyền bá những “cảm ngộ và Đại Pháp tại tầng thứ cao” dựa trên sự xuyên tạc và lý giải sai lệch lý luận của Đại Pháp; đặc biệt là dùng những học viên trước đây đã “bị chuyển hóa” để tăng thêm độ tin cậy cho chuyển hóa học viên.
Thông thường, trong tình huống kiểu này, cá biệt sẽ có một số học viên vì áp lực mà thỏa hiệp, mặc dù không phù hợp với yêu cầu của tu luyện, cũng là một loại sỉ nhục đối với người tu luyện, nhưng đối với dân chúng thì họ lại có thể hiểu được hành động này. Tuy nhiên trong thâm tâm các học viên ấy họ vẫn cho rằng Đại Pháp hảo.
Ngoài ra còn có một kiểu “bị chuyển hóa” vô cùng bất thường khác.
Trước tiên mọi người hãy đọc chút tài liệu về hiệu ứng Stockholm, còn gọi là biến chứng Stockholm hoặc phức cảm con tin hay hội chứng con tin. Đây là thuật ngữ chỉ việc người bị hại phát sinh tình cảm với kẻ phạm tội, thậm chí ngược lại là một loại phức cảm muốn giúp đỡ kẻ phạm tội. Loại cảm tình này khiến nạn nhân nảy sinh thiện cảm, tâm lý ỷ lại với kẻ phạm tội, thậm chí còn trợ giúp kẻ đó làm hại người khác.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những ví dụ của loại biến chứng này trong các trường hợp trải nghiệm khác nhau, từ tù nhân, tù binh trong trại tập trung, cho đến phụ nữ bị lạm dụng tình dục và nạn nhân của loạn luân đều có thể xuất hiện hội chứng Stockholm.
Hội chứng Stockholm thường có một vài đặc trưng sau:
Thứ nhất: Con tin nhất định phải thực sự cảm thấy kẻ bắt cóc (người làm hại) uy hiếp đến sự sống còn của bản thân.
Thứ hai: Trong quá trình bị bắt cóc, con tin phải cảm nhận thấy kẻ bắt cóc (người làm hại) có thể ban cho họ chút ít ân huệ.
Thứ ba: Con tin phải tách biệt, không được tiếp xúc với bất cứ quan điểm nào khác, chỉ được tiếp xúc duy nhất với góc nhìn của kẻ bắt cóc (thông thường không nhận được tin tức bên ngoài).
Thứ tư: Con tin buộc phải tin rằng không thể trốn thoát được.
Mà thông thường hội chứng Stockholm sẽ trải qua bốn giai đoạn diễn biến tâm lý lớn như sau:
Thứ nhất: Khủng hoảng: Vì sự uy hiếp và đe dọa xảy ra đột ngột dẫn đến cải biến hiện trạng.
Thứ hai: Sợ hãi: Bị bao trùm trong hoàn cảnh bất an, chịu uy hiếp cả về thể xác và tinh thần.
Thứ ba: Đồng tình: Ở chung với kẻ phạm tội trong thời gian dài sinh ra nhẫn nhịn, cảm thông cho hành động bất đắc dĩ của đối phương, do chưa phải chịu tổn thương “trực tiếp”.
Thứ tư: Giúp đỡ: Cung cấp sự trợ giúp vô hình cho kẻ bắt cóc như phối hợp, không bỏ trốn, động viên, v.v.; hoặc sự trợ giúp hữu hình như giúp đỡ trốn thoát, nói giúp với thẩm phán, cùng lánh nạn, v.v.
Nghĩa là ở thời điểm này, những người bị hại đã mất đi ý chí tự do, bị ý chí của kẻ phạm tội khống chế.
Những học viên đầu tiên “bị chuyển hoá” vốn là những học viên được các quan chức chính quyền địa phương nhận định là “có địa vị”, “có năng lực”, “có sức ảnh hưởng”. Họ bị nhốt trong tù giam hay trại lao động cải tạo của Trung Cộng, thật ra đó chính là những trại tập trung.
Bước thứ nhất, các quan chức Trung Cộng (kẻ bắt cóc – người làm hại) khiến những học viên này thật sự cảm thấy sự sống còn của họ bị uy hiếp. Nhà tù và trại lao động cải tạo tra tấn các học viên như cơm bữa, chuyện đánh chết học viên ngay tại chỗ diễn ra thường xuyên, rất nhiều học viên còn tận mắt chứng kiến, khiến học viên cảm thấy kẻ bắt cóc là bất khả chiến bại, sống trong sợ sệt (khủng hoảng, sợ hãi).
Bước thứ hai, trong quá trình này, các quan chức Trung Cộng với bộ mặt ngụy thiện, giả vờ quan tâm, đưa cơm nước, thậm chí tán gẫu về cuộc sống thường ngày, không ngừng kể lể rằng đây là công việc, làm như vậy khiến họ rất khó xử, họ thực sự không hề muốn làm như vậy, nhưng nếu không làm thì sẽ bị mất bát cơm… Việc này rất then chốt, vì nó khiến học viên bắt đầu đồng tình với những kẻ bắt cóc kia, cho rằng họ là bất đắc dĩ mới làm vậy, cho rằng họ làm thế là vì muốn tốt cho học viên (đồng tình).
Bước thứ ba, không ngừng truyền bá cho học viên về cái gọi là lý luận “chuyển hoá”, lý giải sai lệch, xuyên tạc, bóp méo các bài viết của thầy Lý; trước khi “bị chuyển hoá” thì không cho những học viên đó tiếp xúc và giao lưu với học viên chưa “bị chuyển hoá”, họ cũng bị cách ly với người thân và bạn bè, không nắm bắt được tin tức bên ngoài.
Bước thứ tư, các học viên tin là không thể trốn thoát được.
Đợi họ “bị chuyển hoá” rồi, tức là sau khi đã mắc hội chứng Stockholm, thì tương đối thả lỏng với họ. Những học viên này đã mất đi ý chí tự do, họ coi lý luận “chuyển hoá” của trại cải tạo lao động, nhà tù, cũng chính là “lý luận lệch lạc” của Trung Cộng thành tư tưởng của mình. Họ quay lại giúp đỡ trại cải tạo lao động, nhà tù tiến hành bức hại và “chuyển hóa” những học viên khác.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng Trung Cộng cố ý bức hại những học viên này thành người bệnh tâm thần, bất kể là bóp méo tư tưởng của học viên, hay gây rối loạn đa nhân cách!
Thực ra lớp học tập pháp luật của Trung Cộng cũng là trại tập trung, là hình thức nhà tù tạm thời “đặc sắc Trung Cộng”, có cùng bản chất với trại lao động cải tạo, tù giam. Sau khi những học viên “bị chuyển hoá” ấy được phóng thích khỏi nhà tù, trại lao động cải tạo, họ sẽ được chính quyền địa phương mời hoặc thậm chí tự chủ động tới lớp học tập để giúp đỡ Trung Cộng “chuyển hoá” học viên.
Sau khi bị bức hại đến mức mắc hội chứng Stockholm, mất đi ý chí tự do, thì bản thân họ chính là nạn nhân bị Trung Cộng bức hại tín ngưỡng tôn giáo, bức hại nhân quyền; giờ lại quay sang trợ giúp chúng bức hại những học viên khác. Đây chính là đặc điểm của chứng bệnh này.
Một loạt học viên được nhắc đến trước đây như Lã Bảo Hải, Lã Kim Hải đều là những học viên đầu tiên trở thành người bị hại. Sau khi nghe những lời diễn giảng, khuyên nhủ của những “trạm trưởng trạm phụ đạo”, “phụ đạo viên”, “học viên nổi tiếng” trước kia, không đến mấy ngày là họ đã “chuyển hoá”, cũng mắc hội chứng Stockholm. Những học viên khác thấy tình thế không thuận lợi, cũng thoả hiệp, đây cũng chính là nguyên nhân khiến lớp học tập này đạt được “hiệu quả tốt”.
Dương Phong Thanh, một “học viên nổi tiếng” cũng đã từng đi thỉnh nguyện, sau đó bị bắt đi, cũng là học viên rất kiên định. Lúc đó vì có chút quan hệ với quan chức nào đó nên anh ấy không bị giam tại lớp học. Thoạt đầu, anh ấy sợ không dám tiếp xúc với những học viên “bị chuyển hoá” kia, nhưng dẫu sao cũng là bạn tốt ngày xưa, liền tiếp xúc vài lần, không lâu sau cũng “bị chuyển hoá”.
Một học viên lúc ấy vẫn có sự tự do nhất định, không bị giam ở lớp học tập mà cũng có thể “bị chuyển hoá”, nghe dường như rất kỳ lạ. Nhưng cũng không có gì khó lý giải cả, bởi vì cả Trung Quốc lúc đó giống như nhà tù của Trung Cộng vậy. Thế rồi Dương Phong Thanh còn “tốt bụng” “chuyển hoá” cả mẹ và các anh em của mình.
Đúng là:
Độc
Đông phương cổ quốc tố lao phòng
Thập ức lê dân biến mã dương
Khả tiếu sài lang vô hảo kế
Thiên minh tựu yếu hạ oa thang
Tạm dịch
Độc
Quốc gia cổ xưa ở phương Đông nay trở thành nhà tù
Hàng tỷ lê dân biến thành trâu ngựa
Bọn lang sói nực cười chẳng làm ra kế sách hữu ích nào
Đến khi trời sáng sẽ bị hạ vào vạc nước sôi
Hồi thứ mười bốn: Day dứt
Nhóm của Liễu Thành Âm ở lớp học này dường như được ăn uống đầy đủ, được chơi bài đánh cờ, nhưng trên thực tế là bề ngoài buông lỏng, bên trong sát sao, áp lực tinh thần không hề nhỏ. Tại sao vậy?
Đầu tiên, nếu không “chuyển hoá” hay thỏa hiệp thì khó có thể được thả. Cho dù có thoả hiệp hay “chuyển hoá” thì cũng phải trải qua một thời gian kiểm tra, đánh giá “đạt tiêu chuẩn” rồi mới được thả về nhà.
Tiếp đó, những “học viên” đã “bị chuyển hoá” sẽ tiếp bước làm việc của mình, đi giám sát và thù địch với người khác.
Thêm nữa, nhóm của Liễu Thành Âm đa số đều có thu nhập không cao, lại bị nhốt trong này, ở nhà thì cha mẹ lo lắng buồn phiền, chi tiêu của gia đình thì thiếu thốn, thậm chí mối quan hệ vợ chồng cũng phải đối diện với những khảo nghiệm chưa từng có.
Mỗi ngày ở đây đều khắc sâu trong ký ức của Liễu Thành Âm.
Ông Trương là một công chức về hưu, cũng là một người được thụ ích từ luyện công, thân thể khỏe mạnh, tiếc là gia cảnh cũng bình thường, ông bị nhốt trong này cũng mấy tháng rồi.
Ông chịu không nổi áp lực nên cũng đã thỏa hiệp với Trung Cộng, do đang ở trong cái gọi là “thời gian quan sát” nên ông vẫn phải ở lại đây, khổ sở vô cùng.
Vì cuộc sống thật sự khốn khó, cũng là người bản địa, nên ông vẫn làm công việc thủ công ở lớp học, chỉ là không được ra ngoài.
Điều này cũng khiến nhóm Lâm Ái Sơn rất ngưỡng mộ, dù không được tự do, nhưng còn có thể kiếm tiền, so với họ thì vẫn khá hơn chút.
Ông Trương đương nhiên không nhìn nhận như thế, sau khi luyện công thân thể ông mới đạt được trạng thái vô bệnh, giờ đây không những không được tự do, mà còn phải nói những lời trái với lòng mình, khiến lương tâm phải chịu sự day dứt khôn nguôi.
Vương Đại Lực là mẫu hình tiêu chuẩn của một “nam tử mặt đỏ” (chỉ những người đàn ông nóng nảy), đang ở tuổi trung niên, tính tình ngay thẳng, thân thể tráng kiện, làm nghề giết mổ. Anh đã bước vào con đường tu luyện như thế nào?
Mấy năm trước, sức khoẻ của vợ anh yếu, kiểm tra ra mắc ung thư cổ tử cung, lúc ấy muốn đi bệnh viện làm phẫu thuật, nhưng không đủ tiền nên đành phải đợi để gom góp; tình hình sức khoẻ của anh khi ấy cũng rất không tốt, đầu đau như búa bổ, đến mức chỉ muốn đập đầu vào tường, đi bác sĩ chữa trị cũng chẳng có hiệu quả, còn tốn kém không ít tiền.
Có một người tốt bụng mách anh tìm ông thầy phù thuỷ xem thử, anh liền đồng ý. Ông thầy phù thuỷ đến, theo lệ cũ bắt Vương Đại Lực phải quỳ gối khấu đầu lạy ông ta, lúc ấy anh đang rất đau đớn, vừa nghe thấy thế liền nổi giận: “Tôi lạy trời lạy đất lạy cha lạy mẹ, sao có thể lạy ông?!” Nói đoạn anh xách con dao mổ lợn đòi chém người. Ông thầy phù thuỷ thấy tình thế bất lợi vội vàng bỏ chạy.
Đôi vợ chồng bị bệnh tật dày vò lâm vào bước đường cùng. Lúc này một người họ hàng thân thích đến giới thiệu cho họ Pháp Luân Công. Vợ anh, Hàn Ngọc Mai, nghe xong liền quyết định thử chút xem sao. Anh ấy lúc đó vẫn không tiếp nhận nổi, cảm thấy công pháp này chắc không thần kỳ đến thế đâu.
Ước chừng khoảng một tháng sau, khi Hàn Ngọc Mai đang đi vệ sinh, thì từ phía dưới thân thể rơi xuống một vật, hoá ra là khối u! Hai vợ chồng họ vô cùng kích động, thế là anh ấy cũng bắt đầu tu luyện.
Quả nhiên chứng bệnh đau đầu của anh cũng biến mất.
Giờ đây anh vô cùng phiền não vì bị giam trong lớp học, không thể về nhà làm việc, tiền học phí của con, chi tiêu của cả gia đình phải làm sao đây? Chỉ đành thỏa hiệp thôi. Nghĩ đến ân đức của thầy Lý, sự thần kỳ của công pháp, mà bản thân lại nói lời dối trá trái lương tâm khiến trong lòng anh đau đớn khôn nguôi.
Nhóm Liễu Thành Âm gặp được một học viên nữ trung niên, tên Hướng Minh Minh, cả ngày vui tươi thoải mái, trong hoàn cảnh như thế này mà đôi lúc cô ấy vẫn có thể cười. Quen rồi mới biết cô là người dân tộc thiểu số nào đó, chồng đã qua đời, bản thân bị nhốt ở đây, để lại bọn trẻ ở nhà, tất nhiên là rất gian khổ.
Mùa hè của hai năm trước, có hai vợ chồng đến trạm phụ đạo huyện – nhà của Bạch Ái Cúc, người nam thân hình tráng kiện đưa một người nữ đến, giữa trời nắng nóng mà ăn mặc kín mít, chỉ để hở mỗi đôi mắt. Hỏi ra mới biết sức khỏe cô rất kém, sợ lạnh sợ gió. Bạch Ái Cúc nhiệt tình đón tiếp hai người họ, tận tâm dạy cô ấy động tác, gửi tài liệu, khiến họ rất cảm động. Hôm đó họ muốn đến thử vận may, chứ hoàn toàn không có chút niềm tin nào vào bản thân.
Bệnh tình của cô ấy khi đó đã bị bác sĩ phán án tử. Đã chuyển nhiều bệnh viện, tốn rất nhiều tiền của mà không thấy có hiệu quả gì, cô không cam lòng hỏi bác sĩ phụ trách một câu: “Rốt cuộc tôi bị bệnh ở đâu?” Bác sĩ bất đắc dĩ phải nói thật: “Cô giống như căn nhà tranh mục nát vậy, cô muốn hỏi chỗ nào hỏng, chỗ nào cũng hỏng cả, không còn chữa trị được nữa, về nhà rồi muốn ăn gì thì ăn đi, đừng quan tâm nhiều làm gì”.
Lúc chồng cô đang loanh quanh ở đồng ruộng của mình, có hàng xóm không kìm được còn hỏi có phải anh đang tìm mộ cho vợ mình không.
Điều làm tất cả dân làng đều không ngờ tới là: Không lâu sau khi tu luyện Pháp Luân Công thì sức khoẻ của cô đã nhanh chóng bình phục trở lại!
Tiếc rằng chồng cô sau này mắc trọng bệnh, khi sắp ra đi đã dặn dò cô rằng: “Xem ra anh không qua khỏi được, cũng không tu luyện Pháp Luân Công được rồi, em phải tu luyện cho thật tốt, chăm sóc bọn trẻ thật tốt nhé”.
Thế mà bây giờ cô (Hướng Minh Minh) lại bị nhốt ở đây, làm sao có thể chăm sóc cho các con đây?
Mạnh Oánh hơn 20 tuổi, trẻ trung xinh đẹp, vốn bị mắc bệnh tim bẩm sinh, sau khi tu luyện thì cũng khỏi bệnh. Sau đó cô kết hôn và sinh được một bé gái.
Ngay khi cuộc đàn áp xảy ra, cô trượng nghĩa đi thỉnh nguyện, thì bị nhốt lại và phải chịu hành hạ. Đừng nói là cô, một bà lão 60 – 70 tuổi đi thỉnh nguyện cũng bị giật điện, sau này Liễu Thành Âm đã tận mắt trông thấy vết sẹo. Người chồng thấy cô vẫn muốn tiếp tục tu luyện nên liền ly hôn.
Ở đây còn có một nguyên nhân khác, từ khi Đại Lục thực thi cái chính sách tàn bạo gọi là “kế hoạch hoá gia đình quốc gia”, rất nhiều phụ nữ có con đầu lòng là con gái đều bị lừa dối hoặc đánh chửi, bị bắt ép ly hôn; bởi vì nhà trai muốn sinh con trai để nối dõi “hương hoả”.
Trong tình cảnh này, tinh thần cô phải chịu kích động rất lớn, mặc dù lý trí không có vấn đề gì lớn, nhưng quan sát kỹ thì thấy phản ứng có chút chậm chạp.
Dù vậy cô vẫn không được thả về.
Khắp cả nước đã có không biết bao nhiêu gia đình đã phải tan nát vì bạo chính Trung Cộng và sự đàn áp tàn nhẫn của nó.
Tội
Thần Châu vạn lý tế tà linh
Hoán vũ hô phong thị huyết tinh
Đảo chuyển càn khôn đa tạo tội
Khởi liên bách tính lệ phiêu linh
Tạm dịch
Tội
Vạn dặm Thần Châu tế tà linh
Hô mưa gọi gió khát máu tanh
Nghịch đảo càn khôn tạo bao tội
Thương thay bách tính lệ tuôn rơi
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/113477
Ngày đăng: 20-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.