Tiểu thuyết: Trùng sinh (5)



Tác giả: Tân Minh

[ChanhKien.org]

Hồi thứ chín: Gặp nạn lao tù

Trại tạm giam ở thôn Giáp Hà, huyện Thanh Hà chuyên phụ trách giam giữ các nghi phạm và các phạm nhân có thời gian thi hành án dưới một năm; nay lại được gửi đến một nhóm người khác với mọi khi, họ là những học viên Pháp Luân Công.

Ở Trung Quốc người không phạm tội, đang bị tình nghi phạm tội mà bị bắt vào tù vốn là chuyện bình thường, nhưng nhiều người bị giam như hiện nay là hiện tượng trước giờ chưa từng có. Mục đích là gì? Là danh? Là lợi? Là tài? Là sắc? … Người trong các phòng giam không lý giải nổi, ngay cả các giám ngục và đồn trưởng cũng thấy khó hiểu.

Trong thời đại đạo đức suy đồi, ham muốn vật chất tràn lan, thì ở đâu ra nhóm người “ngốc” thế này? Họ thật sự không hiểu nổi. Có điều, càng tiếp xúc với những học viên Pháp Luân Công này, họ dần dần hiểu ra một chút rằng: Môn này có vẻ giống với tín ngưỡng tôn giáo, nhưng là khí công, hiệu quả rèn luyện thân thể rất thần kỳ, có thể khiến người ta thực sự trở thành người tốt; có điều họ lại càng thêm thắc mắc, hiện tại nhà nước đang phản đối, chẳng lẽ những người này không thể linh động, nói dối một câu rồi về nhà luyện không phải ra được rồi sao?

Đối với người Trung Quốc đại lục mà nói, nói dối về cơ bản đã trở thành bản năng sinh tồn, đó chẳng phải là chuyện cơm bữa sao? Nhưng đối với các học viên tu luyện Pháp Luân Công mà nói, nếu muốn tu luyện thực sự thì không được nói dối, đây là yêu cầu cơ bản nhất; từ một góc nhìn rất đơn giản mà nói, trấn áp một công pháp ích nước lợi dân là sai lầm; vu khống và phỉ báng người sáng lập Pháp Luân Công, làm trái sự thật, là sự đối xử không công bằng; ngăn cản những học viên cũ tiếp tục tu luyện, cũng cản trở con người tương lai tu luyện thụ ích thì có ích lợi gì cho ai?

Trại tạm giam hiện nay không phải là chỗ cho người ta ăn không ngồi rồi, mà cần phải làm việc. Những việc trong này không có gì khó, học mấy ngày là biết, thường là mấy việc như dán hộp giấy, làm đệm lót và hàng thủ công mỹ nghệ. Có điều, lượng công việc quá lớn, bất kể mùa đông hay mùa hè cũng đều phải dậy đúng 6 giờ sáng, thức dậy là lập tức làm việc, liên tục cho đến khoảng 12 giờ; có khi phải làm hàng gấp, ba ngày ba đêm liền không được một giấc ngủ thực sự, buổi trưa buồn ngủ thì nằm xuống sàn chợp mắt một lát. Mỗi ngày chỉ được trả thù lao một nhân dân tệ, số tiền đó có thể mua được hơn một cái bánh màn thầu. Nếu như người trong phòng giam sơ suất làm hỏng hàng hóa sẽ bị tra tấn bằng hình cụ, còng tay chỉ là chuyện nhỏ, đeo xiềng chân mấy chục cân thì ai chịu nổi đây? Còn có một loại tra tấn gọi là còng chặt vào giường sắt, vô cùng đáng sợ, mọi người hoàn toàn không chịu nổi, không cẩn thận sẽ bị bất tỉnh. Theo cách nói của đồn trưởng thì hàng hóa còn quan trọng hơn mạng của ngươi!

Trại tạm giam giờ đây chính là cơ quan kiếm tiền. Một là để đáp ứng được các khoản chi tiêu của nó, đây chỉ là con số nhỏ. Một điều chủ yếu nữa là có thể đem lại thu nhập kinh tế cao, người bị giam giữ đương nhiên là “nô lệ khổ sai”.

Ngoài những người bị vô tội oan uổng ra, đại đa số nghi phạm đều mong ngóng được nhanh chóng kết án, sớm đến nhà tù, rốt cuộc chỗ đó cũng chính quy hơn chút. Có một số ít người không bị hành hạ là các tham quan, những người mà được gọi là “tội phạm kinh tế”, vì họ có tiền có quan hệ nên vẫn được tự do tự tại như thường.

Kể từ khi mọi người trong phòng giam có sự hiểu biết nhất định về các học viên Pháp Luân Công, thì ngoài một vài phạm nhân quá hung ác ra, còn lại những người khác đều khá lịch sự với các học viên. Thứ nhất là vì các học viên tốt bụng, cũng đối xử tốt với họ. Thứ hai là vì các học viên không phạm tội.

Các học viên cùng chịu khổ với những người bị bắt giam, dù ở trong hoàn cảnh phải chịu đựng đủ các loại giày vò nhưng cứ có thời gian là họ liền giảng chân tướng. Gia đình và người thân ở bên ngoài cũng phải chịu nhẫn nhục gấp bội.

Nếu gia đình và người thân hiểu về Pháp Luân Công, thì ngoài việc đưa tiền thường sẽ không gây áp lực quá lớn cho các học viên. Nếu như không hiểu hoặc phản đối việc kháng cáo lên các cấp chính quyền, thì có khả năng là không đưa tiền, để học viên ở trong tù chịu đói. Thực ra họ không phải không biết rằng nhốt người tốt vào tù là không đúng, nhưng đối với họ cũng đâu còn cách nào khác? Chỉ là hy vọng các học viên thay đổi cách làm, “hảo hán không chịu cái thiệt trước mắt” (ý là người thông minh thì sẽ nắm bắt được tình hình, tạm thời tránh khỏi hoàn cảnh bất lợi để đỡ phải chịu thiệt thòi).

Vợ của Liễu Thành Âm mấy năm trước bị sa thải, cuộc sống hoàn toàn là dựa vào tiền lương của chồng. Nếu cậu mất việc thì việc chi tiêu sinh hoạt làm thế nào đây? Đi tìm việc mới, ở nhà lao thì làm việc được cho ai? Sau khi cô cầu xin ông nọ bà kia để được gặp chồng, trông thấy cái đầu trần chẳng mấy gọn gàng, bộ râu mọc dài và khuôn mặt hốc hác của chồng, cô đã không nhịn được mà bật khóc. Liễu Thành Âm đau đớn như bị dao cứa vào tim, cố nuốt nước mắt. Phải làm sao đây? Nếu mình không nói dối, không thoả hiệp, thôi thì dù sao cũng là cuộc đời của mình, nhưng còn cuộc sống của vợ? Tại sao mình lại khiến cho người khác phải khóc? Nhưng Pháp Luân Công là tu luyện Phật Pháp chân chính, là công pháp tốt ích nước lợi dân; Thầy Lý bị đối xử không công bằng, là một học viên tu luyện thụ ích, chẳng lẽ không nên nói lời công đạo? Nếu như đều không bước ra chứng thực Đại Pháp là tốt thì thế nhân làm sao hiểu được? …

Những ví dụ như thế này quả thực có quá nhiều, chỉ cần đàn áp chưa kết thúc thì cảnh vợ chồng ly tán, mẹ cha oán khóc sẽ thường xuyên xảy ra, nước mắt của gia đình và người thân các học viên Trung Quốc đại lục vẫn sẽ không ngừng tuôn rơi. Chính là:

Bi

Đương không chính kiến ô vân vũ
Trượng nghĩa trực ngôn lao ngục khổ
Chỉ vi thế nhân chân tướng minh
Nhẫn khán thê tử lệ như vũ

Tạm dịch

Bi

Trên trời trông thấy mây đen cuộn
Trượng nghĩa, trực ngôn lâm lao tù
Vì để nhân thế minh chân tướng
Nén nhìn vợ con lệ tuôn rơi

Hồi thứ mười: Trại tạm giam

Sau khi những học viên đi thỉnh nguyện hết thời hạn ở trại tạm giam theo luật định thì không thể tiếp tục giữ lại, nhưng cũng không được thả về nhà, các cơ quan địa phương xem xét thái độ của cấp trên rồi giam giữ các học viên ở nhà tạm giữ, gọi là “giám sát cư trú”. Vốn dĩ đối tượng thuộc loại giám sát cư trú này là các nghi phạm, giờ đây lại trở thành nơi giam giữ các học viên.

Từ xưa tới nay, tuyệt thực là phương thức con người biểu đạt ý chí của bản thân trong tình huống đặc định, là một cách làm phi bạo lực. Lúc này, vì để giành được tự do nên các học viên cũng chọn dùng phương thức ấy, hy vọng chính quyền địa phương sẽ thả họ ra.

Nếu tuyệt thực mà kèm theo không uống nước thì chắc chắn rất khó làm nổi, nhưng các học viên đã làm được. Mười, hai mươi người tuyệt thực tập thể là tiền lệ trước nay chưa từng có ở cái thị trấn huyện nhỏ bé này. Quan chức huyện cũng rất lo lắng, nhưng vẫn cần phải xem chỉ thị của cấp trên, bởi vì đây là “sự kiện chính trị”.

Tuyệt thực không ăn không uống quả thực là rất khó, nghe nói giới hạn của nam giới là 5 ngày 5 đêm, nữ giới thì nhiều hơn 1 ngày 1 đêm. Lúc mới bắt đầu tuyệt thực, Liễu Thành Âm cảm thấy rất đói, dần dần không cảm thấy đói nữa, 1 – 2 ngày sau, cơ thể dần trở nên lạnh buốt. Bản thân những người như Liễu Thành Âm không tự phát hiện ra, chỉ khi có người nhà lo lắng sốt ruột chạm vào bàn tay lạnh ngắt của họ thì mới biết được. Thoạt đầu, các quan chức cũng phớt lờ, vài ngày sau, thấy các học viên thực sự nghiêm túc, nhưng họ vẫn không thể thả. Bốn ngày sau, họ liền liên hệ với các bác sĩ bức thực các học viên, cũng chính là cho ăn qua đường mũi.

Vốn dĩ các học viên đã bị tra tấn nặng nề ở trại tạm giam, lại thêm mấy ngày không ăn không uống nên thân thể sớm đã gầy guộc không ra hình người, vòng eo nhỏ như que củi. Có một nữ học viên từ chối bức thực, lớn tiếng kêu gào. Trông thấy cảnh tượng tàn nhẫn ấy, không ít người dân bị nhốt trong trại tạm giam cũng phải tuôn trào nước mắt.

Về sau các học viên nghe lời gia đình và người thân khuyên nhủ đã ăn cơm. Tuy lần tuyệt thực này không kiên trì được thời gian quá lâu, nhưng cũng đủ để chấn động những người dân chứng kiến cảnh tượng này. Sự kiên định của các học viên đối với Pháp Luân Công, sự kiên trì với chân lý, sự tàn bạo và vô liêm sỉ của đảng cộng sản đều để lại cho họ những ấn tượng sâu sắc.

Kiểu tuyệt thực này tổn thương rất lớn đến sức khoẻ của các học viên, sau này có học viên trong khi bị bắt giữ phi pháp đã tuyệt thực trong một thời gian rất dài, 1 – 2 tháng, cuối cùng chỉ còn lại chút hơi thở thoi thóp mới được khiêng về nhà.

Rất nhiều người không hiểu về giám sát cư trú, cho rằng là có người giám sát việc cư trú của mình. Cách hiểu này sai hoàn toàn, vì nó thực ra là một phương thức giam giữ không chính quy. Thời hạn dài nhất của nó là 6 tháng, nhưng sau khi hết kỳ hạn, có thể tiếp tục gia hạn, thường được gọi là “tiểu vô kỳ” (ý là vô thời hạn nhưng được chia thành nhiều kỳ hạn nhỏ). Cũng có nghĩa là muốn giam bao lâu thì giam bấy lâu, không có giới hạn thời gian. Có thể nói là một sáng kiến, nhưng thực chất lại chính là giam cầm. Từ lâu nó đã trở thành công cụ bức hại dân chúng, chỉ trông chờ vào ý chí của các quan chức.

Ở đây khá tự do, không cần làm việc, ăn cơm phải trả tiền, phòng ở cũng không phải là miễn phí, lúc rời đi đều phải thanh toán hết theo giá cả của nhà nghỉ cấp thấp đến bình dân ở Trung Quốc.

Khi Liễu Thành Âm mới đến đây, buổi tối ngủ không được ngon, vừa chìm vào giấc ngủ là lại bắt đầu mơ thấy cảnh đang làm việc trong trại tạm giam, vô cùng căng thẳng. Qua một đoạn thời gian mới ổn, xem ra cậu đã phải chịu kích động không nhỏ ở trại tạm giam.

Những người ở đây muôn hình muôn vẻ, thông thường đều là có vấn đề. Các học viên rất nhã nhặn với họ, nói cho họ chân tướng Pháp Luân Công, đại đa số đều rất tán đồng. Có người còn tỏ ý muốn tu luyện sau khi ra ngoài.

Hôm ấy, cậu cần bàn chải và kem đánh răng, nhưng không được ra ngoài. Trong đó có một học viên tên Lý Phụng nhờ chồng giúp đỡ. Lúc mang đồ tới, Liễu Thành Âm để ý một chút tới người này, thấy anh ấy người cao ráo, vóc dáng hơi gầy, mắt to mày rậm, sắc mặt trắng hồng, khí chất tao nhã, là một người đàn ông rất ưa nhìn. Sau này mới biết anh ấy cũng là học viên, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ.

Hóa ra học viên ở khắp cả huyện quen biết nhau không nhiều. Tại sao vậy? Vì ai ai cũng có thể tu luyện Pháp Luân Công, nhưng hoàn toàn không có tổ chức, cũng không cần tổ chức. Hình thức tu luyện là vô cùng lơi lỏng, Đại Đạo vô hình mà! Nói đơn giản là chữa bệnh khỏe người; còn nói sâu một chút thì giống như tôn giáo, mong muốn trở thành sinh mệnh cao cấp, đạt được giải thoát. Không hề có chút mâu thuẫn nào với chính phủ thế gian, thậm chí cả đảng cộng sản.

Các học viên bị giam giữ cùng một chỗ bắt đầu trở nên quen thuộc với nhau. Thông qua giao lưu chia sẻ, mọi người càng cảm nhận được sự thần kỳ và trân quý của Pháp Luân Công. Mộ Dung Chúc quê ở Thanh Sơn đã chia sẻ về trải nghiệm của mình, anh từ nhỏ đã yêu thích võ thuật, ở nhà vung gậy múa côn vô cùng thích thú. Tiếc là anh mắc bệnh tim bẩm sinh, luyện tập cũng không có hiệu quả gì. Vài năm trước, anh trai tu luyện, rồi nói với anh rằng công pháp này rất thần kỳ, thế là anh cũng bắt đầu tu luyện. Một hôm, trong khi đang ngồi đả tọa, anh đột nhiên cảm thấy ở vị trí của tim có vật gì đó xoay chuyển mấy vòng, có lẽ chính là Pháp Luân, từ đó bệnh tim của anh hoàn toàn biến mất.

Ở đây, Liễu Thành Âm đã gặp một học viên từng bị liệt toàn thân, nhưng giờ đây tràn trề sức sống. Ông ấy kể về trải nghiệm của bản thân khiến cho mọi người thổn thức mãi không thôi.

Còn có một nữ học viên tên Hàn Mai, nhờ tu luyện nên sức khỏe mới được tốt lên. Hiện nay vì thỉnh nguyện mà bị nhốt trong lao tù, lại không được tu luyện khiến cho bệnh tình ngày một chuyển biến xấu. Nhưng lãnh đạo vẫn cứ không thả người, không cho cô ấy được điều trị y tế. Chỉ thấy cô ấy rất hiền hòa, thích mỉm cười và rất có khí phách, luôn không ngừng giảng chân tướng cho các nhà chức trách.

Vài tháng sau, cô bị cưỡng ép trả vài trăm tệ tiền “phí bảo lãnh chính trị”, cuối cùng mới được thả ra, nhưng do bệnh bị trì hoãn quá lâu, không thể chữa trị được nữa nên một tháng sau thì cô qua đời.

Người tới tham dự tang lễ của cô ấy rất đông, trong đó cũng có không ít các học viên…

Phương

Băng phong tứ dã tuyết mang mang
Vạn lý giang sơn phong bạo cuồng
Trần lộ tái vô mai ngạo ảnh
Thử thời ngọc khuyết hữu thiên hương

Tạm dịch

Hương thơm

Băng lạnh bốn bề tuyết mờ mịt
Giang sơn vạn dặm nổi cuồng phong
Đường trần nay vắng bóng ngạo mai
Từ ấy cửa ngọc thoảng thiên hương

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/113475



Ngày đăng: 18-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.