Thuyết Tiến Hóa – Sai lầm khoa học lớn nhất của nhân loại (Phần 4-1)



[ChanhKien.org]

Phần 4 – Các kết quả nghiên cứu của sinh học phân tử hiện đại thách thức thuyết tiến hóa

4.1. Khả năng tiến hóa thành loài mới là cực thấp

Bất cứ người nào hiểu biết về sinh học phân tử đều thừa nhận rằng đột biến gen là nguyên nhân gây nên sự biến đổi của các loài, dù biến đổi đó là tiến hóa hay thoái hóa. Tuy nhiên đột biến gen chỉ có thể gây ra một số thay đổi hữu hạn. Còn như tạo ra tiến hóa thì quá khó rồi, ngay cả khi có thể thì cũng sẽ cần quá trình cực kỳ lâu dài, lâu đến mức vũ trụ không có thời gian để chờ đợi.

Vào thời đại của Darwin, sự hiểu biết của con người về các hiện tượng sống vẫn còn rất nông cạn. Người thời bấy giờ đã nhìn thấy nhiều loài tạp lai khác thường ở động vật thuần hóa (ví dụ ngựa lai với lừa ra con la) và cho rằng bất cứ loài nào cũng có thể biến thành loài khác theo cách này, nhìn nhận đây chính là tiến hóa. Sau này, khi gen được phát hiện và được tiến hành nghiên cứu sâu hơn thì các học giả nhận ra rằng nếu không có những thay đổi cơ bản về gen thì dù biểu hiện bên ngoài của thế hệ sau có khác tổ tiên thế nào đi chăng nữa cũng không phải là tiến hóa. Những thay đổi di truyền như vậy gọi là đột biến gen, từ đó tạo ra một gen mới. Như vậy “đột biến gen” đã trở thành hạt nhân cốt lõi của thuyết tiến hóa hiện đại, cho rằng cơ sở tiến hóa của các loài là đột biến gen. Điều này được tất cả các nhà tiến hóa hiện đại công nhận. Ở đây, chúng ta tập trung phân tích điểm cốt lõi này.

4.1.1 Tính ổn định của gen ở các loài là cực kỳ nghiêm ngặt khó vượt qua

Bởi vì gen là vật chất di truyền nên tính ổn định của gen là điều cần thiết để một loài duy trì sự ổn định của chính nó mà không làm thay đổi trong di truyền, sự trao đổi gen giữa các cá thể khác nhau trong cùng một loài không thể làm loài đó biến thành một loài khác.

Các chuyên gia gây giống động thực vật đều biết rằng các loài chỉ biến đổi chút ít ở phạm vi nhỏ trong quá trình lai giống. Cuối cùng, sự biến đổi tạo ra các giống nếu không phải vô sinh thì cũng là quay trở lại trạng thái giống như cha mẹ ban đầu. (Lấy ví dụ minh họa của người dịch: như con la là con lai do ngựa đực và lừa cái giao phối sinh ra, nó không có khả năng sinh sản. Lấy lợn đực Đại Bạch lai với lợn ỉ cái, sinh ra con lai, lần lượt lấy các thế hệ con lai lai ngược lại với lợn đực Đại Bạch ban đầu, kết quả là tạo ra các thế hệ lợn con ngày càng có nhiều đặc điểm của lợn Đại Bạch). Giáo sư Meier của Đại học Harvard gọi tính ổn định của gen này là sự cân bằng di truyền. Dễ thấy nhất chính là chó, dù chúng có lai tạp như thế nào thì vẫn là chó, từ đó thấy rằng tính ổn định của gen là rào cản không thể vượt qua của tiến hóa. Trên lý thuyết, người ta đặt hy vọng vào đột biến gen tạo ra gen mới thì có thể vượt qua rào cản này, và đó là cánh cửa duy nhất nếu có.

4.1.2 Từ lý thuyết đến thực tiễn, xác suất đột biến gen dẫn đến tiến hóa gần như bằng không

Đột biến gen là một sai sót xuất hiện ngẫu nhiên trong quá trình sao chép hoặc sửa chữa các hư hỏng của gen nên còn được gọi là đột biến ngẫu nhiên. Đây là một hiện tượng bệnh lý của gen. Xác suất xảy ra đột biến gen là rất thấp, khoảng một phần mười nghìn đến một phần tỉ. Tỉ lệ đột biến của các sinh vật nhân sơ bậc thấp tương đối cao, khoảng một phần nghìn, trong khi ở các loài sinh vật bậc cao, tỉ lệ đột biến của nhiều gen là một phần trăm nghìn đến một phần trăm triệu [1]. Thuyết tiến hóa hiện đại cho rằng sự sống được sản sinh ra thông qua quá trình tiến hóa từ hóa học đến sinh học, cứ như thế phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét các khả năng này.

Trước tiên chúng ta hãy xem liệu đột biến gen có thể tạo ra các đặc điểm (tính trạng) cao cấp hay không? Các nghiên cứu chuyên sâu về gen cho rằng tỉ lệ này là cực kỳ thấp.

 

Gen là một đoạn DNA. DNA (axit deoxyribonucleic) là vật liệu di truyền của tế bào, lưu trữ trong các nhiễm sắc thể ở nhân tế bào và ty thể. (Ảnh minh họa: my.clevelandclinic.org)

Chúng ta biết rằng một gen bao gồm một trình tự các bazơ, lõi của gen được cấu tạo từ hàng trăm đến hàng nghìn bazơ, có bốn loại bazơ khác nhau được sắp xếp theo những quy luật nhất định, trình tự sắp xếp khác nhau tạo thành các mã di truyền phức tạp tinh vi khác nhau. Chúng ta thử nghĩ xem, liệu có thể tạo ra một chương trình máy tính cao cấp hơn bằng cách thay đổi ngẫu nhiên một hai ký tự của một chương trình máy tính vốn phức tạp tinh vi không? Có thể, nhưng xác suất nhỏ đến đáng thương. Đột biến gen cũng như vậy. Đột biến gen là một lỗi ngẫu nhiên thường dẫn đến các khuyết tật, dị dạng, dẫn đến cái chết, chưa phát hiện trường hợp nào có ưu thế sinh tồn trong điều kiện tự nhiên. Để tăng tỉ lệ đột biến dùng cho nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tăng xác suất nhằm tạo ra một số lượng lớn thể đột biến nhưng vẫn không tìm thấy loại hình tiến hóa lên cấp độ cao hơn. (Ví dụ giải thích của người dịch: Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu đã chiếu xạ hoặc tác động hóa học đối với ruồi giấm trong hơn 1500 thế hệ. Kết quả, ruồi vẫn là ruồi. Hơn nữa, trong những thế hệ tiếp nối, rất nhiều con bị chết, nhiều con bị xoăn cánh hoặc cánh cụt ngủn).

Các phép tính toán xác suất càng cho thấy đột biến hóa học về gen dẫn đến tiến hóa sinh học khó xảy ra đến mức gần như không có khả năng.

Thuyết tiến hóa hiện đại cho rằng giả thuyết đột biến gen ngẫu nhiên là nguyên nhân căn bản dẫn đến tiến hóa. Chúng ta biết rằng loại đột biến này có tính ngẫu nhiên, tần suất thấp và không định hướng, v.v., nên có thể sử dụng phương pháp xác suất để tính khả năng tiến hóa. Trong thực tế, ngay cả khi các công thức và mô hình toán học được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sinh học ngày nay thì cũng không có công thức toàn diện nào có thể tính ra xác suất từ ​​khi bắt đầu đột biến gen đến khi xảy ra một lần tiến hóa, bởi vì bất kỳ công thức hợp lý nào cũng sẽ phủ định sự tiến hóa. Nên đối với vấn đề này người ta chỉ có thể tránh né, nghiên cứu qua loa.

Nhiều học giả đã tính toán xác suất sinh ra các loài mới dựa trên tỉ lệ đột biến gen và phát hiện ra rằng nó nhỏ một cách đáng ngạc nhiên. Ví dụ, trong cuốn sách Hộp đen của Darwin (Darwin’s Black Box) của tác giả Behe, M. J. – nhà sinh hóa người Mỹ ​​đã sử dụng một loạt cơ chế sinh hóa của quá trình đông máu làm ví dụ giải thích sự phức tạp tinh vi của một hiện tượng sống như thế không thể nào do tiến hóa mà có được. Trong đó, xác suất để một protein (TPA) phát sinh đột biến là 1/10 mũ 18 (0,0000000000000000001) và cần mất ít nhất 10 tỉ năm để điều đó xảy ra. Nhưng protein (TPA) không thể làm đông máu nếu thiếu chất kích hoạt. Vậy nếu đồng thời cần tiến hóa thêm một protein có tác dụng kích hoạt nó thì xác suất là 1/10 mũ 36. Mà đây chỉ là một trong vô số quá trình sinh hóa phức tạp của cơ thể sống. Ông nói: “Thật không may, vũ trụ không có thời gian để chờ đợi” [2] Nói cách khác, vũ trụ còn chưa đợi được một loài tiến hóa thì đã bị hủy diệt vô số lần rồi.

Tiếp nữa, thuyết tiến hóa hiện đại cho rằng sự sản sinh ra sự sống là một quá trình tự nhiên từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, cho rằng các chất hữu cơ và vô cơ đơn giản dưới những điều kiện đặc biệt nhất định sẽ tiến hóa thành các đại phân tử sống phức tạp, các đại phân tử phức tạp khác nhau tiến tiếp một bước kết hợp lại tiến hóa thành các sự sống nguyên thủy. Đọc qua quá nhiều quá trình “lý tưởng hóa” xuyên suốt như vậy, người đọc e rằng phải suy xét đến vấn đề xác suất của nó, Fred Hoyley (nhà thiên văn học người Anh) đã từng nói: “Xác suất xảy ra sự việc đề cập ở trên giống như lợi dụng cơn cuồng phong quét qua xưởng phế liệu để lắp ráp nên một chiếc máy bay phản lực 747 vậy”. [3]

4.1.3 Tài liệu tham khảo

1. Thuyết tiến hóa sinh vật, tác giả Lý Nan, 153, 158 Nhà xuất bản giáo dục Nhân Dân, xuất bản lần đầu năm 1982.

2. Darwin’s Black Box: The Biochemical Challenge to Evolution, Michael J. Behe, Nhà xuất bản biên dịch Trung ương, 1998, trang 29-35. https://bit.ly/3BN5pmr

3. Khoa học, Horgan J., Tạp chí Scientific American, 1991(264) 2

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/16720



Ngày đăng: 18-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.