Thuyết Tiến Hóa – Sai lầm khoa học lớn nhất của nhân loại (Phần 1)



[ChanhKien.org]

Lời nói đầu

Thuyết rằng, vào thời rất xa xưa, trên trái đất bốn bề hoang vắng, tám phía quạnh hiu, lạnh lẽo, không hề có động vật hay thực vật. Ao hồ mặt nước như gương, không có cả một tấm bèo. Biển cả mênh mông nhìn không thấy bờ, cả một nhánh rong cũng không có.

Bỗng có một ngày, sấm giật chớp vang ầm ầm cuồn cuộn trên mặt biển, gió mạnh gào thét, cuốn nước biển lên tạo thành những con sóng lớn. Nhất thời, sấm chớp đánh vào con sóng cao nhất làm nó tan thành từng mảnh, làm cả phân tử nước cũng bị phân giải ra, kết hợp với phân tử nitơ trong không khí tạo thành phân tử amino axit – người ta nói rằng nó chính là nguồn gốc của hết thảy các sinh vật trên trái đất.

Phân tử amino axit ngẫu nhiên sản sinh ra sinh vật đơn giản và nguyên thủy nhất – tảo biển; tảo biển lại trải qua không biết bao nhiêu cơ hội “ngẫu nhiên” mà biến thành thực vật và động vật cấp thấp nhất. Lại trải qua không biết bao nhiêu cơ hội “ngẫu nhiên” mà động vật cấp thấp biến thành loài cá, loài lưỡng cư, loài bò sát, động vật có vú, cuối cùng là loài khỉ linh trưởng – người ta nói rằng đây chính là tổ tiên trực tiếp nhất của nhân loại.

Câu chuyện kể trên chắc là phiên bản tốt nhất hiện nay của thuyết tiến hóa, nó là bản sửa đổi từ nguyên bản của Darwin trên nền tảng những thành quả tối ưu nhất của khoa học hiện nay. Những người tin theo thuyết tiến hóa gọi quá trình biến đổi nói trên là “tiến hóa”, còn nói thêm rằng đây là quá trình “chọn lọc tự nhiên, kẻ mạnh sinh tồn”.

Tuy nhiên, những nhà khoa học cẩn trọng nhìn nhận rằng nếu quá trình biến đổi này tự đạt được hoàn toàn thông qua các sự kiện ngẫu nhiên theo biến ngẫu nhiên, loại trừ sự tham dự của tất cả các sinh mệnh thông minh trí huệ bên ngoài, thì khả năng thành công của nó gần như bằng không. Có nhà khoa học đã đưa ra một ví dụ rất có tính hình tượng, nói rằng khả năng thành công cũng giống như việc đặt một túi bột mì, một hộp sô-cô-la, một túi đường và một ít trứng lên bàn ăn, đợi đến sau khi nhiều sự việc ngoài ý muốn lần lượt xảy ra, chúng ta sẽ phát hiện trên bàn ăn là một hộp bánh ngọt sô-cô-la thơm ngon.

Về lý thuyết, không thể chứng minh rằng các sự kiện trên là không có khả năng (vậy nên mới nói là “khả năng hầu như bằng không”). Nhưng thực tế, theo xác suất ngẫu nhiên mà tính toán thì dù chúng ta có đằng đẵng chờ đợi cũng không có cách nào ăn được cái bánh ngọt sô-cô-la. Nếu như suy xét tới lý thuyết chu kỳ hủy diệt của trái đất mà hiện nay ngày càng có nhiều người tin để nhìn nhận, e rằng trên lý thuyết mà nói cũng không có cách nào tạo thành hộp bánh ngọt sô-cô-la này. Bởi vì chưa cần hộp bánh ngọt đó tự hình thành thì trái đất đã bị hủy diệt không biết bao nhiêu lần rồi.

Thuyết tiến hóa là phát minh của người phương Tây, văn hóa tín ngưỡng Phật – Đạo của người phương Đông từ mấy ngàn năm nay không có loại tư tưởng viển vông này. Nhưng hiện nay những người tin tưởng vào thuyết tiến hóa thì tỉ lệ lớn nhất là từ Trung Quốc, Liên Xô cũ và các nước Đông Âu cũ. Các quốc gia này có điểm chung là: chính quyền sử dụng quyền lực để ngăn cấm hoặc quán triệt tín ngưỡng. Liên Xô cũ đã từng dùng toàn bộ lực lượng của Viện Hàn lâm Khoa học để phê phán di truyền học của Mendel và Morgan, điều này đã gây nên một trò cười lớn trong lịch sử khoa học, nhưng dù sao đó cũng là quá khứ; còn chính phủ Trung Quốc đã và đang liên tục đàn áp và bức hại cùng lúc nhiều tôn giáo tín ngưỡng kể từ năm 1949, đồng thời cưỡng bức nhồi nhét “thuyết vô thần”, “chủ nghĩa cộng sản khoa học” và “thuyết tiến hóa”. Thất bại kinh tế đã khiến người dân cả nước triệt để vứt bỏ “chủ nghĩa cộng sản khoa học” rồi; còn lý luận của “thuyết vô thần” thì quá yếu nhược, lại chịu đả kích của các trào lưu ý thức khác nhau do cải cách mở cửa mang đến nên hiện tại cũng đang chết dần; chỉ có “thuyết tiến hóa” vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong tâm trí của nhiều người Trung Quốc – nhiều người Trung Quốc tuyên bố, “Tôi tín ngưỡng thuyết tiến hóa”.

Kỳ thực, niềm tin vào thuyết tiến hóa của nhiều người Trung Quốc không thể nói là tín ngưỡng. Tín ngưỡng là nói trong mối quan hệ tương đối với “không tín ngưỡng”, là dựa trên kết quả của việc so sánh, suy xét và lựa chọn giữa hai đối tượng trở lên. Nếu như không có đủ đối tượng so sánh, không có quá trình suy xét, không có quyền tự do lựa chọn thì làm sao có thể gọi là tín ngưỡng đây? Bản thân tín ngưỡng chính là thể hiện của việc thoải mái tự do suy xét và tự do lựa chọn. Từ chối quyền có những suy nghĩ đa dạng của một người, ngăn cấm tự do so sánh và lựa chọn, cũng chính là tước đi quyền tự do tín ngưỡng của một người, thì người ta còn tín ngưỡng nào mà lựa chọn đây?

Thuyết tiến hóa, giống như thuyết vô thần và chủ nghĩa cộng sản khoa học, thực tế cũng là cưỡng chế áp đặt lên người dân Trung Quốc. Cho dù chúng đều khoác lên mình lớp áo khoa học đường hoàng, nhưng chính phủ Trung Quốc với cây gậy nắm trong tay, không cho giải thích, cưỡng chế những học thuyết này ép vào đầu của hầu hết các phần tử trí thức.

Vào lúc thuyết tiến hóa mới tiến vào Trung Quốc, rất nhiều phần tử trí thức đều biểu hiện hoài nghi và phản cảm. Không ít người tỏ ra nghi ngờ và đặt câu hỏi nghiêm túc về tính chân thực của thuyết này. Nhưng những cái mũ “phản khoa học” và “không tín nhiệm đảng” đã ngay lập tức bị chụp lên tất cả những người hoài nghi. Ở Trung Quốc vào thời điểm đó, sức nặng của những chiếc mũ này nằm ngoài sức tưởng tượng của con người ngày nay. Một tí xíu chỉ trích đối với những gì chính phủ khởi xướng là “không đồng tâm không đồng ý với đảng”, nhẹ thì giáo dục phê phán, nặng thì bị ném vào lao ngục. Sợ không dám lên tiếng, lén lén nghe chương trình phát thanh tiếng Trung “Đài tiếng nói Hoa Kỳ” cũng có thể bị kết án năm năm tù vì tội “lén nghe đài địch”. Hết thảy các nghiên cứu khoa học của nước ngoài thì trong nước đều không có, toàn bị gọi là “tà thuyết của giai cấp tư sản”. Ai mà dám hùa theo “tà thuyết” thì đại họa giáng xuống đầu. Tất nhiên, trước sự phong tỏa toàn diện của chính phủ, hầu hết giới trí thức Trung Quốc lúc bấy giờ không biết rốt cuộc có những “tà thuyết” gì ở nước ngoài. Cho đến tận năm 1978, khi một sinh viên năm nhất tại một trường đại học trọng điểm trong nước đề cập đến “sinh thái học” vốn đã được mọi người biết rõ ở nước ngoài và bắt đầu được nghiên cứu ở Trung Quốc, anh ta đã bị một “giáo sư đại học” tố cáo là “tà thuyết giai cấp tư sản”. Từ đó có thể thấy những ảnh hưởng ghê gớm sâu rộng của sự kiềm chế tư tưởng.

Sau khi một thế hệ trí thức bị chỉnh đốn thành quy thuận phục tùng, thậm chí nịnh hót lấy lòng, thuyết tiến hóa theo sau là thuyết vô thần và chủ nghĩa cộng sản khoa học hiên ngang bước vào điện đường khoa học của người dân Trung Quốc. Bất cứ ai muốn giữ lại bình an đang có đều phải làm một công dân đồng thuận về tư tưởng. Trong xã hội phong bế kiểu đóng hộp của Trung Quốc, vị trí của thuyết tiến hóa cũng dần được củng cố, cuối cùng là “đánh khắp thiên hạ không đối thủ” – bởi vì mọi đối thủ tiềm năng đều bị chính phủ Trung Quốc “từ chối nhập cảnh” rồi.

Hoàn cảnh xã hội này giống như một “môi trường nuôi cấy” được chuẩn bị đặc biệt để nuôi cấy một số vi sinh vật trong phòng thí nghiệm sinh học. Các vi sinh vật trong đó vui mừng sinh sản phát triển, tưởng rằng tự do tự tại, nhưng thực ra hoàn toàn là đang cống hiến cuộc đời chúng cho mục tiêu của người thiết kế thí nghiệm.

Không phải tất cả trí thức Trung Quốc tin vào thuyết tiến hóa đều là những kẻ ngốc, không ít người trong số họ rất thông minh. Nhưng môi trường có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí mang tính quyết định đến suy nghĩ của con người. “Môi trường nuôi cấy” mà bạn đang sống không chứa chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tư duy độc lập, lại cắt đứt nguồn nguyên liệu cho tư duy độc lập thì dù bạn có thông minh đến đâu cũng khó có thể đưa ra kết luận chính xác. Nhiều trí thức trong nước (Trung Quốc) tự tuyên bố tin vào thuyết tiến hóa, nhưng khi ra nước ngoài, tiếp xúc với những tư liệu nghiên cứu theo một quan điểm khác liền bị dao động, thậm chí từ bỏ thuyết tiến hóa.

Theo một cuộc thăm dò dân ý của Gallup năm 1982, khoảng 1/4 người Mỹ tin rằng sinh mệnh vĩnh viễn tồn tại trong luân hồi chuyển sinh, trong khi cuộc thăm dò ở Anh còn cao hơn 1/4; còn như tin rằng con người sau khi chết thì sinh mệnh sẽ có hình thức tồn tại nào đó khác (không nhất định luân hồi) là 2/3. Do sự tương phản như nước với lửa giữa quan điểm sinh mệnh vĩnh hằng với thuyết tiến hóa khỉ biến thành người, ước tính hợp lý nên là khoảng 2/3 người dân ở các cường quốc phương Tây không tin vào thuyết tiến hóa. Nếu như suy xét việc các nghiên cứu về luân hồi đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng, trong khi thuyết tiến hóa ngày càng bị cô lập, thậm chí còn phải vật lộn để đối phó trước sự phát triển không ngừng của các ngành khoa học hiện đại và việc cập nhật các bằng chứng mới, thì người không tin vào thuyết tiến hóa sẽ chỉ có thể nhiều người hơn ước tính ở trên mà thôi.

Tỷ lệ người ở phương Tây tin thuyết tiến hóa lại càng ít hơn vì họ có nhiều tự do hơn, đặc biệt là tự do tín ngưỡng. Họ có thể không tiếp nhận “tín ngưỡng” bị cưỡng chế, họ cũng có thể từ bỏ hoặc thay đổi niềm tin của mình bất cứ lúc nào dựa trên các bằng chứng và kết quả của các nghiên cứu khoa học mới nhất. Năm 1987, báo chí Mỹ đưa tin phụ huynh học sinh kiện nhà trường vì cưỡng chế truyền bá báo cáo về thuyết tiến hóa. Khi kiểm tra kỹ hơn, thì ra là một giáo viên cấp hai dạy thuyết tiến hóa đã cho học sinh trong lớp nghe thuyết tiến hóa mà không hỏi ý kiến các em. Học sinh về nhà nói lại, một phụ huynh đã lập tức tố tội giáo viên, tố cáo nhà trường vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của học sinh.

Bạn đọc thân mến, chân lý khoa học phải nên dùng đầu óc suy xét, dùng dũng khí để khám phá, dùng sự thật để nghiệm chứng. Nếu bạn là người nghiêm túc theo đuổi chân tri (tri thức thực sự), xin hãy đọc tiếp cuốn sách nhỏ này. Chúng tôi với tấm lòng chân thành hòa ái, mang đến cho bạn một số suy luận khoa học, chân tướng của khoa học, để bạn có thể hưởng thụ trọn vẹn quyền tự do suy nghĩ và lựa chọn của mình.

Dịch từ:

https://big5.zhengjian.org/node/16720

http://www.pureinsight.org/node/210



Ngày đăng: 09-02-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.